NGÃ DU TỬ


Niềm Mơ Cái Ghế
(Truyện ngắn)
 
Từ ngày đoàn thợ cưa vào rừng già đốn cây, lấy gỗ làm náo động một vùng sinh thái của các loài chim trú ngụ trên các thân cây to lớn cũng là lúc đoàn người lực lưỡng ấy cắt cây gõ hàng vài trăm tuổi ra từng đoạn để dễ bề vận chuyển, mạch cưa oan nghiệt ấy như có điều gì làm tổn thương đến thân gỗ già, một dòng mủ đỏ như màu máu chảy dài, khiến người thợ cưa vì tín một điều gì thiêng linh nên cứ lâm râm khấn vái, “ chuyện nầy không phải do chúng con…” mà chỉ những người có quyền chức đã dự tính trước là  mang về trung du chắc hẳn sự lợi lộc sẽ được thật nhiều.”
Sau khi người ta ngã giá qua lại nhiều lần chúng tôi được đưa vào một xưởng lớn ở thành phố, nơi đây qua tay mấy anh thợ cưa xẽ, cả các anh thợ khéo léo đục đẽo, chạm trỗ tôi trở thành cái ghế đẹp lộng lẫy với những hoa văn tinh tế mỹ thuật vô cùng, ai đến xưỡng cũng  trầm trồ khen ngợi: - Tuyệt, tuyệt, tuyệt… Tôi hãnh diện lắm, có lẽ tôi phải vào nhà một ông triệu phú giàu sang và sẽ được nâng niu, chìu chuộng cũng như hằng ngày có người lau chùi sạch sẽ, bóng loáng và ai cũng phải tấm tắt khen ngợi tôi hết lời.
 
Khi Ủy ban nhân dân huyện Y được khánh thành, tôi được một cán bộ huyện tới ngả giá với ông chủ xưởng, họ gật đầu và bắt tay với nhau tôi cùng các bạn tôi được chở về phòng khách huyện Y rất trân trọng, người cán bộ la hét với các công nhân chuyển ghế : “ cẩn thận không cho một vết sướt nào dù rất nhỏ, các anh có biết không, ấy là ghế của chủ tịch”, từ ấy ghế của tôi chính là chỗ ngồi của ông chủ tịch, không ai được ngồi vào. 
Anh em chúng tôi được bày biện hết sức hợp lý trong sảnh đường to nơi ông chủ tịch thường tiếp khách sang trọng hoặc họp sơ bộ với các đoàn công tác tới thăm viếng hay công tư tác, thỉnh thoảng ông cũng gặp gỡ con dân huyện nhà một tháng vài lần gọi là: ‘Chương trình tiếp dân’
Thế là ghế tôi bắt đầu bị người dân của chính huyện ấy la mắng, chửi rủa, mà tôi có tội tình gì chứ? Tôi chỉ biết lặng thinh, không biết phải nói thế nào cho cam. 
Đã qua nhiều triều chủ tịch, hết người nầy chuyển sang người khác, dù là dỡ hay giỏi, có tính kỹ trị hay không, có chiến lược hoạch định như thế nào thì cũng bị người dân trong huyện ấy xôn xao tiếng chì tiếng bấc đến cái ghế - cũng vì mầy mà người ta tranh giành không khoan nhượng, tôi nghe đến rang cả tai,
Từ ngày anh em chúng tôi được đặt vào chính sảnh sang trọng bậc nhất của huyện Y, ai cũng mừng vì nơi nầy là huyện đường chắc là tuyệt lắm đấy. Nhưng mọi chuyện đều khác chúng tôi phải nhìn thấy những cái lắc đầu của thân phận con ong cái kiến thần dân trong huyện mà anh em chúng tôi ai nấy cũng phải ngậm ngùi cho con người suốt đời chỉ biết làm cho nhân quần xã hội có cái ăn để sống và làm việc dù mỗi tháng chừng vài lần tiếp dân.
Có lần anh nông dân nọ mang tới huyện nhà nào giấy tờ trích lục, sổ đỏ để trình bày về hoàn cảnh đất đai của mình với việc đền bù chưa hợp lý của xã, ông chủ tịch nghe xong những lời ấp úng của anh nông dân, rồi lạnh lùng phán một câu:
-          Chuyện ấy để xã giải quyết, huyện không giải quyết nhé.
Anh nông dân cố gắng phân trần
-          Thưa ông chủ tịch dưới xã họ làm tôi chưa đồng ý mới lên huyện, thế mà ông chủ tịch huyện lại bảo về xã là thế nào?
-          Anh cứ về xã trình bày lại, tôi không còn thì giờ nữa…
Anh nông dân buồn thỉu não ra về lòng đầy tức giận
Thỉnh thoảng anh em chúng tôi cũng chứng kiến các cuộc gặp gỡ của những người áp phe làm ăn với ông chủ tịch, tiếng cười ồn ào một góc phòng gượng gạo của họ “ nếu ông anh duyệt là chúng em sẽ lại quả, ông anh an tâm…”
Ông chủ tịch nào cũng vậy cứ nói chung chung ‘ từ từ tôi hãy tính…’
 
Một khi ông chủ tịch có lòng với dân mỗi lần chính quyền có việc gì lớn cần đến dân ông huy động tới dân để tiếp xúc coi thử tâm tư nguyện vọng của dân mình ra sao, ông ôn tồn trò chuyện với các người có uy tín trong vùng thì người ta dè bỉu:
-          Ông ấy mà làm được cái quái quỷ gì, đầu óc nhỏ như ốc chẳng qua nó có cái tàng lớn che nên được ngồi vào ghế ấy, chỉ được mỗi một tính ôn hòa, hiền lành, ông ấy tới chẳng qua là để dò la dân huyện cở nào thì ông cai trị theo tính ấy, Phải thừa nhận ông ấy khéo với dân, Cuối cùng hết nhiệm kỳ mới biết thế nào.
Sau rốt ông ấy cũng ra đi nghe đâu rằng ông lên tận tỉnh, và người dân huyện Y lại tổng kết bằng miệng:
- Bây giờ thì dân tình đã hiểu ông cặn kẽ rồi chứ tài cán chi, chỉ là biết ôn hòa nhưng rõ ràng khi ông tới huyện nầy công tác cho tới lúc lên tỉnh thế là có vài cái village ở tỉnh nghe đâu trong Nam, ngoài Bắc có mấy cái nhà to 
Ghế tôi nghe vậy lòng cũng buồn lắm nhưng biết nói sao bây giờ, dân huyện nầy họ khá công bằng, họ chỉ mong mỏi một điều là ai làm chủ tịch cũng được, miễn là họ có đời sống đỡ cơ cực hơn, tự do hơn là được. 
Còn khi ông chủ tịch có máu tham lam ư, vừa về là ông đệ trình kế hoạch mở rộng diện tích cho thị trấn, đền bù chỗ nọ, kiến thiết chỗ kia, người dân thầm nghĩ chắc là ông nầy có đầu óc tổ chức, hoạch định có lẽ huyện ta sẽ khá lên, không dè chỉ mấy tháng sau khi thực hiện người dân trong vùng lại than vãn:
-          Ông nầy vừa dốt lại vừa tham thế nào rồi cũng bày trò để vơ vét cho nhà tổ nó, hồi nhỏ nó thế nầy thế khác, nó ngồi được cái ghế ấy chẳng qua vì khéo lo khéo lót
Vài năm sau cả những ông theo phe chủ tịch khá giàu lên nhờ chia xẻ đất đai của kế hoạch do ông chủ tịch huyện đề xuất lên trên, người vào tù, kẻ thì bị kỹ luật, những dự án ban đầu tập họp dân nói ngon lành bây giờ mới có vài năm đã vở lẽ.
Và rồi hết nhiệm kỳ ông cũng lên tỉnh hay  lên bộ gì ấy, để lại bao nhiêu là dự án treo đong đưa với thời gian chờ ộng chủ tịch khác tới giải quyết hậu quả thặng dư của ông trước để lại, dân tình hết sức ngao ngán, mấy triều đại rồi ông chủ tịch nào khi nhậm chức cũng phát biểu hùng hồn “ Tôi xin hứa với nhân dân huyện Y rằng, tôi sẽ làm hết mình để được cho dân và tất cả vì dân…” người dân vỗ tay như pháo làm ầm vang một góc trời.
Ghế tôi thật tình chẳng những buồn còn thất vọng và có điều ghế tôi quả quyết rằng người dân không sai tí nào.
 
Lần ấy có ông chủ tịch nọ về, nghe đâu ông tốt nghiệp thạc sĩ chính trị phía tỉnh nhất trí số phiếu cao để ông về huyện Y, Tỉnh cũng hy vọng có lẽ ông ấy sẽ giải quyết được những thỏa mãn của người dân huyện nhà, chắc chắn ông sẽ được lòng dân cao lắm lần nầy ghế tôi trong bụng mở cờ:
-          Chắc ông là chính trị giỏi nên ít bị tai tiếng với dân làng, người chính trị là người sâu sắc mà ít có thái độ thù nghịch với tất cả những ai, nhưng ai là người bất nhất hay trở mặt với chính ông hãy coi chừng, ông hất chân mà mặt vẫn lạnh lùng thậm chí tay còn ôm nựng nịu kẻ bàng quang tưởng rằng ông tiếc thương lắm, nhưng không dân làng lại quở mắng:
-          Thằng nầy nham hiểm lắm, chả phải bở đâu nói ngọt ngào ít người nào dám trách quở, nhưng thường người lý luận thì ít hành động mà chẳng làm thì dân cũng chịu thua mọi người dân đều thích làm có hiệu quả hơn là nói … chính trị là vậy mà, các người có mẫu người thế nầy chỉ vì cái ghế chứ ngoài ra ít cần biết tới liêm sĩ và đạo lý làm người.
Và rồi cuối cùng ông chủ tịch thạc sĩ tốt nghiệp chính trị loại giỏi ấy cũng ra đi, ông nầy thật đặc biệt chẳng làm điều gì tích sự cho huyện nhà, mấy triều đại trước tuy ra đi không để lại ấn tượng lớn cho huyện Y nhưng dẫu sao cũng còn khả dĩ, nào cái cầu nầy, nào đập thủy lợi nọ, nào con đường tráng nhựa kia …Riêng ông chủ tịch 
“ chính trị” ấy thì người dân còn ta thán những người hiền tài của huyện chẳng những không giúp đỡ gì cho các em thế hệ sau thậm chí còn trù dập cũng chỉ vì sợ họ sẽ lên cao hơn mình, vì vậy ông chủ tịch chính trị được nhân dân huyện nhà đặt bí danh khá kiêu “ ông trù dập” 
Và rất nhiều nhiều triều ông chủ tịch đã ngồi trên thân ghế tôi, khi ra đi thì bao giờ cũng bị người dân trách quở, chỉ vì quyền lợi cái ghế thôi chứ nào đâu phải vì dân, cho dân.
Cái ghế của tôi, từ người thợ đóng mong đóng thật khéo để vừa lòng người mua vì gỗ vừa tốt, vừa thật sang trọng, người thợ nổ lực chạm trổ rất tỉ mĩ, tinh tế từ hoa văn cho đến các chi tiết khác mong cho người ngồi trên ấy thật an bình, hài lòng những điều mình làm được cho nhân quần, xã hội nhưng trong suốt quá trình mấy mươi năm từ khi tôi được bài trí trang trọng trong phòng chủ tịch huyện Y tôi chưa bao giờ nghe ai đó có lời cảm ơn hay ít nhất cũng một lời vỗ về trong quá trình họ làm việc cùng với dân huyện nhà.
Chỉ biết rằng trước khi ông nào đó được ngồi lên ghế ấy, tôi nghe quá nhiều lời chúc tụng đụng tới chín tầng mây cao, hoặc những lời tung hứng đầy chất lạc quan từng lúc, từng thời cuối cùng khi ra đi tôi chỉ nghe toàn những lời đàm tiếu cũng chỉ vì một cái ghế sang trọng lộng lẫy ‘ghế chủ tịch’.Tôi buồn lắm không biết các bạn đồng hành với tôi có thao thức gì không hay là cứ vô tư lự:
-          Đã là ghế thì mặc ai ngồi cũng được số phận của cái ghế cũng như số phận của các vật dụng khác ai cũng có quyền sử dụng đến khi mục hư không còn sử dụng được là vứt đi cũng như mọi loài trên trần gian nầy có sinh có diệt . 
Cuộc đời vô biên, nói không cùng được bởi mọi việc đều hữu hạn, hãy hết lòng sống với mọi người trên trần gian và sẽ có một ngày vẫy tay chào ra đi được bình yên mà tái sinh trong vòng luân hồi của vũ trụ.
Cả đời làm ghế cũng đã mấy mươi năm tôi mơ ước một ông chủ tịch ngồi trên ấy xong khi ra đi khỏi huyện Y người dân xưng tụng hay tán thán công ơn của ông cựu chủ tịch huyện nhà, không biết mơ ước của ghế tôi đến khi nào mới thấy được, dẫu sao  lòng tôi bao giờ cũng tin “chắc chắn sẽ có một ngày nào đó có ông chủ tịch làm việc công tâm hết lòng vì dân, vì quê hương, đất nước, ngày ấy phải tới…”
Vào một buổi sáng đẹp trời mọi người cán bộ cộng nhân viên chức huyện Y có thêm mấy mươi cán bộ lãnh đạo xã nữa hớn hở vừa tiễn ông chủ tịch cũ đón ông chủ tịch mới trong nổi niềm vừa hân hoan vừa bùi ngùi, với hai trạng thái đang đan xen trong cùng một con người, 
Người ta nói cười huyên náo một góc huyện, thỉnh thoảng có vài tốp tụm năm, tụm ba xì xồ chỉ vừa đủ nghe cho nhóm của họ. Thế gian mà chắc là bàn tán hay nói những chuyện không hay với ông chủ tịch cũ và tâng- bốc ông chủ tịch mới để may ra còn lợi lạc về sau. 
Ghế tôi lại lần nữa hy vọng không biết mơ ước mình từ độ nào đến giờ có thành sự thật hay chưa. Thôi hãy cứ chờ biết đâu vận hội sẽ đến, điều kỳ diệu sẽ xãy ra .
Thời gian, cũng chính thời gian sẽ đánh đỗ tất cả những điều bất hợp lý đi ngược lại với trào lưu thời đại, với văn minh tiến bộ của loài người trên hành tinh nầy ghế tôi bao giờ cũng tin chắc một điều như thế chỉ có điều không chóng thì chầy mà thôi.
 
Ngã Du Tử

  Trở lại chuyên mục của : Ngã Du Tử