NGÃ DU TỬ
 

Trò chuyện cùng “kỳ tài hội họa”
Nguyễn Trọng Hiếu

 

Dù vừa qua tuổi 20 nhưng Nguyễn Trọng Hiếu đã cùng mẹ - thi sĩ – họa sĩ Lê Thị Kim, có nhiều tác phẩm hội họa trưng bày tại Hội Mỹ thuật TPHCM.

Khó ai ngờ “kỳ tài hội họa” thuở nhỏ đã kém may mắn…
 


 

Cậu bé Nguyễn Trong Hiếu, sinh 1993 tại sài Gòn. Thuở còn bé, Hiếu chẳng may gặp căn bệnh quái ác, thời bấy giờ trị liệu vô cùng gian nan. Cha mẹ rất yêu thương con nên nỗ lực chạy chữa, không chỗ nào là không đến. Khi nghe Đà Lạt có thể chữa được, lập tức cha mẹ Hiếu tình nguyện đem con lên làng Hòa Bình (Đà Lạt), hy vọng sẽ chữa khỏi cho Hiếu bằng vật lý trị liệu. Suốt nhiều tháng liền, mẹ phải về Sài Gòn lo toan nhà cửa, cha Hiếu đang là một giám đốc cũng bỏ ngang công việc để ở lại với con trai.
 


Trẻ con quen hơi mẹ thường khóc vì nhớ mẹ. Cha Hiếu vẽ mẹ Lê Thị Kim trên bong bóng cho Hiếu ôm và ngủ hằng đêm. Cứ 3 tháng anh làm sinh nhật cho cháu một lần để cho Hiếu vui cười, bởi Hiếu rất thích thổi nến và nghĩ về những ước mơ con trẻ bay bổng. Dần dần, Hiếu cũng quen sống với đinh mệnh khắt khe bệnh tật của mình.

Lớn lên, Hiếu chăm chỉ học tập. Sau những giờ nghỉ, Hiếu thường lân la với mẹ để xem mẹ vẽ, quan sát và trò chuyện, hỏi han. Là phụ nữ ai không muốn trò chuyện với con như thế, vì vậy Hiếu thường đến với chị mỗi khi chị có cảm xúc vẽ tranh.
 


Cha chị cũng là một họa sĩ, chị cũng được truyền thừa kinh nghiệm hội họa từ cảm hứng của cha. Nữ họa sĩ Lê Thị Kim được hấp thụ những tinh hoa của cha, sáng tác nhiều tác phẩm hội họa dày lần lên theo ngày tháng

Như được huân tập từ những ý nghĩ ấy, khi vào tiểu học Hiếu mày mò vẽ những hình ảnh gần gũi. Cha mẹ Hiếu hiểu được sự đam mê của cậu bé nên gởi con vào lớp mỹ thuật thiếu nhi ở Trường Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh để hiểu thêm nguyên tắc cơ bản về thể loại hội họa, và chất liệu hội họa, nguyên tắc pha màu, phối màu v.v…

Một hôm, Hiếu ngồi nặn tượng tại nhà thì điêu khắc gia Trương Đình Quế ghé thăm chị Lê Thị Kim. Thấy Hiếu ông bèn hỏi:

- Sao con nặn tượng người này to, người kia nhỏ vậy?

Hiếu thong thả trả lời:

- Thưa chú, người này gần vì vậy phải to hơn, người kia xa vì thế phải nhỏ hơn

Họa sĩ Trương Đình Quế khen ngợi và nói với mẹ Kim rằng:

- Cháu Hiếu biết khái niệm về viễn cận (xa gần) trong hội họa.

Khi ngồi trò chuyện với chị Lê Thị Kim, thỉnh thoảng ông quan sát Hiếu nặn tượng và khẳng định cháu Hiếu có năng khiếu về hội họa và điêu khắc.
 


Khi tiếp cận thế giới internet, Hiếu say mê tìm hiểu và học thêm khá nhiều kiến thức hội họa trên mạng để bổ sung vào bức tranh của mình. Chị Lê Thị Kim cũng bảo ban Hiếu nhiều điều. Hiếu lấy cảm hứng từ mẹ Kim rồi thích vẽ tranh, đam mê vẽ tranh.

Năm 2016, tại cuộc triển lãm tranh của 2 tác giả Nguyễn Trọng Hiếu và Lê Thị Kim tại Hội Mỹ thuật TPHCM, trong số 79 tác phẩm thì Hiếu có 30 tác phẩm. Nhiều tác phẩm đã để lại dấu ấn trong lòng người thưởng ngoạn với sự thán phục một họa sĩ trẻ đã vượt qua số phận để thành danh

Trò chuyện với Hiếu mấy tiếng đồng hồ tôi cảm nhận được sự chân thành, tính từ tâm thật trong sáng của em đối với những người kém may mắn hơn mình. Hiếu thẳng thắn nói “Dù con là người khuyết tật nhưng vẫn còn may được mẹ nuôi đầy đủ, trong lúc những mảnh đời ngoài kia kém may mắn hơn con rất nhiều”. Sự suy nghĩ của em làm tôi xúc động, trái tim bao dung và độ lượng sẽ làm cho ý thức và tâm hồn người ta lớn lên.

Em đang theo đuổi môn Anh ngữ, chỉ có ngoại ngữ tốt mới chuyển tải ra bên ngoài thế giới nhanh nhất cùng bè bạn năm châu. Ước mơ của em là một họa sĩ để vẽ tranh cho nhân gian từ những cảm xúc chính mình với tâm tính thiện lành, để cuộc sống ngày càng tốt đẹp, an vui hơn.


  Trở lại chuyên mục của : Ngã Du Tử