NGÃ DU TỬ


Đọc KINH VÔ THƯỜNG 
Của Nhà Thơ Võ Thạnh Văn

VÕ THẠNH VĂN
Người Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi
Tốt nghiệp luật khoa Huế 1975 
Các bút danh: Uyển Ngữ, Trường Thương, Phương Thiên Hoạt Kích, Phù Hư Dật Sĩ
Anh là nhà văn, Nghệ sĩ nhiếp ảnh, viết báo, đặc biệt thi ca của anh quá xuất sắc, anh viết Kinh Vô Thường với 10.000 câu lục bát và vài trường ca nữa mỗi thi phẩm cũng mấy nghìn câu thơ, tôi rất may là được gặp anh trao đổi, chia xẻ trong nhiếp ảnh và thi ca, tôi thực sự thán phục anh tài thơ và trình độ kiến văn của anh.
Trong ngày hoàn thành tập KINH VÔ THƯỜNG anh Võ Thạnh Văn đã viết : " ... Từ đó, cùng với đức khiêm hạ cần thiết, lấy thiên nhiên làm thầy, lấy sương khói làm bạn, lấy trăng nước làm vui, lấy lá hoa cây cỏ làm sản nghiệp, lấy bốn mùa làm riêng tư, lấy sắc không vô thường làm thi nghiệp, lấy niềm tin tôn giáo làm thần hứng đầy mãnh lực sáng tạo" 
Chính vì vậy mà trong LỜI TỰA của nhà văn Cung Tích Biền đã  viết : " Người họ Võ, Phù Hư Dật Sĩ bát ngát định danh bộ trường thiên thi của mình là Kinh, KINH VÔ THƯỜNG
Tác phẩm nầy nếu không là Kinh theo cách hiểu trên cũng chẳng thể là truyện, đúng nghĩa theo cách gọi của hôm nay.
Vậy nó đứng nơi đâu? Là gì? Thể thái nầy gợi ra, một " đi tìm nơi tương phùng" 
Có thể, đây là nơi giáp mặt ngữ ngôn và/ với cái mong muốn bí ẩn của chính tác giả Kinh Vô Thường là, thoát ngoài giới hạn của tục lụy về tên gọi Kinh - Truyện.
Lại quyền được nghĩ :
"Thi là Kinh, Văn là Truyện"
Thi ca một hiện thân Thánh hóa, Lời Thần linh, Là hinh nhi thượng trong mọi tầng hệ tư tưởng. Ở trên văn ngoài văn chương, " Hồn " của Kinh là Thi, Chữ / Từ chỉ là " Xác"...
Thi phẩm Kinh Vô Thường do NXB HỒNG ĐỨC giấy phép  ĐKXB số 893-2016/ CXB IPH/173-17/HĐ 
Quyết định XB số 780/QĐ-NXBHĐ cấp ngày 14/4/2016
ISBN978-604-86-9566-8
Kinh Vô Thường là một viên ngọc quý cho nền văn học nước nhà nếu không có duyên để đọc thì tiếc lắm thay, nhất là các bậc thức giả. 
 
KINH VÔ THƯỜNG CỦA VÕ THẠNH VĂN
QUYỂN THƯỢNG
 
Con người chúng ta bắt đầu từ hạt bụi mù khơi xa tít trong thiên hà vạn thể, duyên tụ tán từ đó hiển hiện với trần gian đa sự, đa lụy, đa gian nan trong vòng tục lụy nghìn trùng.
Thi sĩ Võ Thạnh Văn suy tư và nghiền ngẫm suốt cả hành trình đời mình trong thời gian khá dài, khi đã chín chắn chứng nghiệm, suy nghiệm để rồi anh đã viết  KINH VÔ THƯỜNG, may mắn là thi sĩ đã tặng tôi, tôi cảm thấy quá thú vị và sung sướng, và  tôi say mê đọc, thời gian cả tháng vẫn cứ đọc đi, đọc lại khi cảm xúc bật dậy tôi viết bài nầy, tôi vẫn biết trong kinh Vô thường như biển mênh mông, còn nhận định của tôi như ao tù nhưng vì cả tấm lòng yêu mến nên mạo muội viết vậy, mong nhận tấm lòng rộng mở của tác giả cũng như độc giả đã có dịp đọc và nghiên cứu đại thi phẩm KINH VÔ THƯỜNG của Võ Thạnh Văn, 
Và đây là trang văn chương nên tôi up lên mong mọi người đọc và nếu có ý kiến mong giãi bày để tôi tiến bộ hơn nhận định ở phần thứ hai. 
Kính, Ngã Du Tử /SG 
 
PHẦN 1: - HÀNH TRÌNH HẠT BỤI ( Quyển thượng từ 001 đến 1250)
 
Sông nhân gian miệt mài trôi chảy tha thiết vỗ về đôi bờ sinh diệt để tồn lưu, sự sống tiếp diễn không ngưng nghĩ trong dòng dích hóa bất biến thiên thu, bất tận của sa mù duyên khởi trùng trùng , ấy lá cái vô thường gọi. 
Khởi nguyên của mỗi hạt bụi nhưng mỗi hạt bụi có hành trình của định mệnh an bài, có nghiệp duyên vô lượng, làm sao mà biết được. Cái ấy gọi là tự nhiên là vô thường.
Mở đầu Kinh Vô thường thi, tác giả viết;
“ Phận ta hạt bụi mê lầm
Trong cơn say tỉnh gọi thầm giai nhân” ( Đoạn mở đầu )
Ta và Giai nhân ở đây chỉ là cách phối ngẫu âm dương của giới tính để từ ấy mà sinh sinh hóa hóa, mà sinh mà diệt như vòng bất biến sinh diệt của vô thường, của tạo hóa .
Từng sat-na dịch biến của thành trụ hoại diệt , hạt bụi ấy đã vươn cành tươi nhánh, nở hoa kết trái cùng nhân gian tạo nên vóc hạc, hình hoa . Hạt bụi ấy dày công chứng nghiệm thế gian với đủ thể loại đa tầng, đa sắc với trần gian đa hệ lụy, trần tục đa gian nan mà Lão Trang gọi là “gian nan, gian nan vi gian nan” để rồi từ ấy hạt bụi cũng biến thiên trong dòng dịch hóa đầy tán tụ hợp tan, phiêu dạt bềnh bồng trong  vui sướng ngậm ngùi, khổ đau hạnh phúc, thành bại nhiêu khê, rồi cùng xa trùng muôn dặm quê nhà mà cố hương vẫn mắt ngóng ngùi trông…
Vòng tay mãi đợi người về
chuyền nhau hơi ấm lời thề dỡ dang (035)
Một thời tuổi trẻ đã trôi xa, những ước vọng bị dang dỡ và mơ một ngày được trở lại chốn ra đi để tìm lại hơi ấm cũ, ngày vẫn có em bên đời, mùa trăng sao rộn ràng hoa mộng đã xa rồi nay còn đâu, với lời thề ấy thì nhân gian không thiếu và anh đã thực chứng với thế thời cùng em mong trở lại dẫu có "phủ phàng gió sương", ơi sao mà nhân văn đến thế, ơi sao mà đạo đến vậy. Thời gian còn đủ để anh tìm lại hy vọng những bồi hồi, xao xuyến, mến yêu trầm tích trong anh:
Cát trầm tích dậy xuân thì
đất chôn tuổi mộng nhòa mi lệ vờn,
vươn vòng tay níu cô đơn
máu đông vỡ mạch, dấu sờn tình đưa (040)
Có thể những câu thơ trên như phù thủy ngôn ngữ chuyển tải cho nhân gian trầm tích lòng của tình anh trong vô thường thị với chất giọng lạ lẫm mà kinh điển, làm thăng hoa cảm xúc độc giả đến rợn người như câu chuyện tình liêu trai vọng về từ phương Đông xa xăm. ôi chao sao mà hay đến vậy làm ngẫn ngơ người đọc.
Ta đan giày cỏ kinh hành
bỏ người bên suối không đành, lại thôi (156)
Lòng muốn đi những bước đi chánh niệm (Kinh hành) để về với cõi thênh thang tự tại, nhưng chưa thể bởi ta không thể bỏ em cô đơn lại bên suối trần gian một mình đầy hiểm nguy bất trắc, cuộc sống cứ vướng mắc nhiều vòng tục lụy đa đoan  nên đôi khi khó lòng mà vượt qua những chướng ngại ấy, có khi bỏ lại bên suối người ta có thể tự thân bước đi để đến một bến bờ hạnh phúc, song duyên nghiệp cứ nhập ngằng nên rất khó đến cõi thênh thang trong ý thức và có lẽ người không đành bỏ lại bên suối ấy cứ chập chùng ẩn hiện trong tâm tư anh nên thỉnh thoảng anh cứ băn khoăn trong từng lời chân thành và mong có ngày trùng ngộ trong tiếng reo ca bát ngát của y nguyên như thuở còn tinh khôi mặn mà :
"Ngày đi chưa kịp trối trăn
ta nguyền thắp cụm hương đăng đợi người" (141) 
Hay là 
" Lệ xanh hoen má đào xưa 
tụng bao kinh sử lấp vừa lối chia
nước non vạn dặm chia lìa
nhớ thương trăm mối dường kia, nổi nầy" (382)
Có thể nói ấy là trăm mối ngỗn ngang, lòng như tơ vò, tha thiết gọi anh trở lại nơi đã ra đi chưa kịp lời nói chia tay, dù một lời rất vội, ai có thực chứng mới hiểu nổi niềm của tác giả, chính vì điều ấy mới thôi thúc tác giả quay trở lại nơi đã ra đi nhưng duyên phận có đủ phúc duyên hay không, cái ấy mới là điều đáng nói, nếu chưa bèn pha mực cùng lệ mình chép thư trong cảnh nghìn trùng quan san :
"Ngậm ngùi pha lệ chép thư
gởi em thân thế phù phù hư cuối đời " (486)
Và mấy mươi năm sau cứ lạnh lùng trôi, trôi đi như nước sông có bao giờ trở lại, con người trong cõi nhân sinh buồn nhiều hơn vui, vì thế tác giả cố gắng chiêm nghiệm, càng chiêm nghiệm mới thấy rằng ấy là sự thực của kiếp nhân sinh đa lụy :
"Tự thân cát bụi nhuốm sầu
tìm về với cát nối cầu nghiệt oan 
ngược dòng mắt lệ trôi ngang
bồng bềnh đáy nước trăng ngàn nghiêng soi " (499)  
Và khi thực chứng cuộc đời nhiều tầng hệ lụy của buồn vui ngậm ngùi phận người không thiếu bất kỳ vị nào của  ngọt, đắng, nồng, chua, cay trần gian anh mới thấm thía bởi đã đi qua dâu bể phù trầm suốt mấy mươi năm nên anh càng hiểu sự chứng nghiệm xương máu là bài học quý giá trong cõi đời nầy chỉ là mời mọc của phù du hà tất ta phải mỏi mệt với nó, chi bằng về với tịch nhiên đứng đợi để lòng riêng trổ đóa từ tâm mà yêu người, yêu đời trong hành trình còn lại  :
" Kinh qua dâu bể mọc mời
ta về núi đợi lưng trời hoa say
sông còn xanh, mây vẫn bay
lòng riêng sỏi vụ trổ bày từ tâm " (961)
Võ Thạnh Văn thi sĩ mới bắt đầu cuộc hành trình hạt bụi bằng hóa thân con chữ những nghìn trang trầm mặc, vạn câu thơ tài hoa  không có nhân vật bắt đầu và có thể nói không có kết thúc, bởi “vốn tự nhiên là vô thỉ vô chung” hình như nó vẫn tiếp tục đi cho đến khi định mệnh của nó khép lại để được tái sinh theo một chu kỳ mới của vạn hữu sinh diệt hòa vào đại ngã bát ngát vô biên của thiên thu bất tận trùng trùng.
Và rồi một đêm, một đêm rất đặc biệt trong đời anh có phướn động hoa bay dầm dề trong đất trời thơm ngát anh chợt ngộ ra rằng chỉ tìm về với đạo và tin tưởng rằng dù đời có lắm nổi hôn mê tâm thể mình vẫn an hòa, hồn nhiên tự tại cùng trời đất mưa nắng gió sương :
" Hốt nhiên ngộ lúc không giờ
đêm truyền tâm ấn ta ngờ nghệch say
trong cơn mộng mị gió xoay
dường như phướn động hoa lay dãi dề " (999)   
Ôi chao đời người trong thế gian hữu hạn làm sao đi đến cùng tận của con đường triết lý vô thường, bèn mặc áo nghiêm cung cẩn mật, cung kính với lòng tạ lỗi với lớp lớp trùng trùng nhân gian, thắp trầm hương cung tay mà gọi với các đấng thần linh, đấng cứu rỗi rằng : “ cảm ơn đời đã cho hạt bụi trầm luân của thế gian nầy cùng đồng hành với con chữ tung tăng nhảy múa để làm vui trong tầng tầng hệ lụy nhân thế mong cho thế gian hiểu mà thông cảm để CÁI TIỂU NGÃ NẦY đi cho hết một chặng đường mà may mắn được thực chứng dự phần” sao mà đạt đạo đến vậy, phải chăng khi lòng thi nhân đã thanh, tâm thi nhân đã tịnh, không vọng động, vọng niệm xô bồ mà ngoài kia tục lụy trần gian đang đối mặt với thời hạ nguyên mạc pháp tranh nhau những việc quá nhỏ nhen, hèn hạ không thể tưởng tượng nổi, sự kinh hoàng ấy nhân gian cũng đã đặt vấn đề mà tác giả KINH VÔ THƯỜNG cũng đã tỏ bày trước thế gian hơn nữa tác giả còn dùng từ em như ẩn ngữ, mật ngôn nghĩa là một từ danh xưng :
..." Mấy thu từ đấy nhạt tia nắng trời
biển sông từ đấy bời bời
và em từ ấy biển khơi dạt nguồn (1099)
hay :
"Kể từ trời đất xui nên
kể từ cát bụi lênh đênh mịt mù
kể từ mây khói âm u
kể từ lăng tẩm thiên thu điêu tàn " (1198)
Một tiếng chuông ngân cho lời cầu kinh vọng về, một lời từ tâm vọng lại trong mùa chay tịnh hỏi rằng bần đạo cầu đạo nơi nao, có tiếng vẳng vẳng lại bên tai người đạo hạnh, thì ra đạt đạo chỉ được khi đã miệt mài tu tập công phu không ngưng nghĩ :
" Hỏi rằng cầu đạo từ ai
thưa rằng sư tổ miệt mài bao đêm
hỏi sao trăng cũng ướt mềm
thưa rằng trăng cũng chứng thêm chuyện nầy " (1201)
hoặc : 
"Hỏi rằng cầu đạo từ đâu
thưa rằng từ núi nham đầu xa xôi
hỏi sao mây nước ngừng trôi
thưa rằng bèo dạt sóng dồi chưa phân " (1230)
Và khi lòng rỗng rang, tâm thanh tịnh thì may ra mới ngộ được đấng huyền nhiệm dang tay, lòng đại ngã phơi bày ơn cứu độ mới được nhận lãnh của cơ duyên hành trình:
“ Đất trời bất động tịch nhiên
   Tầng mây hiện đấng nhiệm huyền dang tay
   Trải lòng đại ngã phơi bày
   Ban ơn cứu độ tràn đầy cõi riêng” ( đoạn 1248)
 
NGÃ DU TỬ
Mùa hạ, 2016
( còn nữa Phần 2) 
  Trở lại chuyên mục của : Ngã Du Tử