NGÃ DU TỬ


Đọc Thi Phẩm
LÀM SAO THÔI MƯA BAY
Của  CA DAO

 
Ca Dao – Một cái tên khá mới của làng văn Nha Trang, Khánh Hòa lại là người sáng lập trang web: haibogiay.net, một trang văn chương khá có giá trị tập hợp được nhiều cây bút khá cứng cỏi trong  và ngoài nước. Một ngày tháng chín đẹp trời, Ca Dao đã gửi tặng cho tôi thi phẩm: LÀM SAO THÔI MƯA BAY do NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN  cấp phép số 1578/ QĐ – NXB HNV ngày  29/10/ 2015, sách gồm 146 trang, với 82 bài (có một bài Cảm đề của Mai Quang) và một lời tựa của Mang Viên Long và các phụ bản với sự góp mặt của thư pháp Song nguyên và họa sĩ Lương Trường Thọ,  nhìn chung về hình thức khá đẹp, trang nhã. Ảnh bìa 1 là tranh sơn dầu của họa sĩ Ái Lan, tranh Ái Lan vẽ chân dung thiếu nữ không thể lẫn vào ai được, bìa 4 là chân dung của nhà thơ Ca Dao với ánh sáng demi – nửa sáng nửa tối khá xinh cùng với mấy dòng thơ trích của bài chủ đạo ‘Làm sao thôi mưa bay”. Tôi vui lắm bởi đất nước có thêm một tác giả nữa trước bạ tên mình trên thi đàn viết khá ngẫu hứng trong lát cắt cảm xúc của mình chưa thấy lẫn lộn bất cứ với tác giả nào, thật sự là thi ca chứ không phải cưỡng ép ngôn ngữ hay cố gắng xếp vần. Điều nầy tôi rất thích Ca Dao bởi hơn ai hết “ hãy là chính mình ngỏ lời với nhân gian hữu hạn”
Tôi chững chạc đọc với ý nghĩ sẽ tìm được sự sáng tạo ngôn ngữ thi ca trong thi phẩm nầy.
 LÀM SAO THÔI MƯA BAY là câu hỏi, nhưng khó có ai trả lời được bởi đó là hiện tượng của tạo hóa, điều ấy chỉ có thượng đế, như thế thì loài người làm sao giải quyết được ngay cả tác giả cũng vậy bởi tác giả là con người. Với ý nghĩ như vậy tôi càng từ tốn hơn trong bài viết cho thi phẩm nầy.
Thì ra mỗi tác giả là một cánh thư gởi tới nhân gian mảng cảm xúc của mình để truyền tải một thông điệp mà thi ca gọi là ẩn ngữ, ai có cảm, có lắng lòng để nhận diện  mới đồng điệu được bằng không thì chịu, bởi không thể dùng lý để giải quyết vấn đề như văn được.
Ngay lời tựa của tác giả Mang Viên Long cũng cảm nhận LÀM SAO  THÔI BAY là TỰ KHÚC CỦA MỘT TÂM HỒN NHẠY CẢM THUẦN KHIẾT ĐÁNG YÊU và đọc xuyên suốt tập thơ chúng ta cũng đồng tình với anh về nhận xét nầy.
Thơ của Ca Dao mạnh về tượng trưng, vì vậy mật ngữ trong thơ chị cũng khá dày hầu hết trải dài trong thi phẩm, ví như “ đêm tóc bủa sợi mờ giăng lạc phố” “ gởi gắm vào chốn đời lá đổ” “ mé chiều nghiêng đổ giấc ngà...” thu về nhốt gió trên tay” “ khói hương chuông niệm hư không...” “nhặt nắng / làm sợi buộc tình sót lại” hay “ nhặt nắng/ làm dây buộc niềm vui xưa ấy” “ chao nghiêng sợi khói lạc chiều” v.v và v v...
Bài TẦN NGẦN THU , tần ngần  là trạng thái vừa lưỡng lự vừa bâng khuâng chưa thực sự chuẩn bị để đón nhận thu – một quãng thời gian đời, bài thơ khá hay với những thi tứ cùng thi ảnh khá ấn tượng cách diễn giải từng câu lục bát rất thơ ấy như huyền hồ lung linh trong cảm xúc thi vị của cảm nhận trong khoảng không gian sống của chị, dù có điều vì chị muốn cải cách thể loại nầy chăng nên chị ngắt câu ở câu cuối làm chặng mạch dòng suy nghĩ của độc giả nói chung theo tôi hơi uổng cứ để câu lục bình yên bỏ lửng cho độc giả suy tư thì dòng cảm xúc mạch lạc hơn, hình như ấy là cách làm mới của một số tác giả trẻ theo tôi thì chưa tới sự diễn cảm của cảm xúc.
Chút hoài niệm âm ba của một thời theo nốt trầm tâm hồn Ca Dao còn vương vấn trước cõi thu theo tôi đây bài thơ mang tính khái quát khá hay:
 
“ Về bên sóng phố ta ngồi
Lặng thầm với nửa cô đơn lạc bờ
 
Vòng theo chiếc lá bơ vơ
Vàng gieo sợi mỏng cung tơ phím lìa
 
Vén tà trăng vỡ đêm khuya
Hồng hoang đọng vẫn bên rìa cỏ may
 
Lao xao mép cửa gió lay
Hồn đêm còn vọng bờ mây cuối trời
 
Ơi thu
Mộng đã tan rồi...
( Tần ngần thu)

 
Còn nữa những lát cắt cảm xúc nào của chị qua từng phiến thời gian có gì làm cho chúng ta ngỡ ngàng bâng khuâng, nầy bài NHẶT NẮNG nhé, nắng là tượng trưng sự sống của tinh cầu làm sao có thể phung phí vì ấy là sinh khí trong vạn vật tự nhiên, chị nhặt như thế nào? Sự cần mẫn ấy có làm ta rộn lên trong ý thức hệ thi ca của từng trái tim đang thôi thúc với nhịp đập nhân sinh. Hãy nghe chi hồn nhiên trong ngữ điệu của mình, hóa ra thế gian nầy sự sống dù bất cứ loài hữu tình hay vô tình cũng đều tha thiết yêu vì. Vậy ta hãy làm vui với chân lý vĩnh cửu ấy như một thực thể của đời mình trong tháng ngày có mặt trần gian để còn thiết tha với người, với đời phải không các bạn dù cuộc đời có rất đổi cơ cực hay thăng trầm :
 
“ Nhặt nắng/ làm buộc sợi tình sót lại
Chút hương chiều /Lặng lẽ giục mùa đi
 
Nhặt nắng/buộc hồn hoa/ gói sóng trăm năm
Theo giọt sáng / gửi mầm ngâu tháng bảy
 
Nhặt nắng/ làm dây buộc niềm vui xưa ấy
Thả trôi theo lồng lộng tơ trời
 
Xin sợi nắng/gói giùm ngày sóng sánh khơi vơi
Gởi nụ ấm đã vời xa biền biệt
 
Ngày nhặt nắng.../ buộc hồn hoa/ tha thiết...
(Nhặt nắng)
 

Mỗi ngày qua đi theo khái niệm trần gian là tờ lịch, nhưng với Ca Dao chỉ là nếp gấp ngày, ấy là một sáng tạo, và đời người được bao nhiêu nếp gấp ngày, ấy là định mệnh, sự sống dài ngắn không quan trọng bằng khi sống thật nghĩa lý với mình với đời, ấy là châm ngôn của người sống tích cực, mà tích cực bao giờ cũng lợi lạc hơn là tiêu cực. Hãy lắng nghe trong trình tự ngày của nhà thơ nữ xứ trầm hương nầy nhé:
 
“ Nắng xẻ nửa vườn chiều
Tơ giăng xiêu
Chênh vênh
....
Ngày... bẻ cong
Mé hiên tranh thả sợi khói chơi vơi
Vòng nếp gấp mặt trời dần nắng nhạt
...
Nắng khép xiêm y
Chân chiều bước mỏi
Gọi miền đêm
Trăng rớt kẻ tay ngà...”
(Trích bài Nếp gấp cuối ngày)

 
Còn bài thơ chủ đạo mà tác giả đã lấy tựa đề cho thi phẩm thì sao? Đó là bài thơ sáu chữ như tôi đã nói phía trên là một câu hỏi, mà câu hỏi ấy chỉ duy nhất có thời gian trả lời thôi, một trận mưa đầy cảm xúc trước thi nhân để rồi chuyển tải cho tha nhân với tâm trạng chính mình trong ngữ cảnh đang là một nhân sinh quan hoài niệm trước cơn mưa cuộc đời với tâm thể như “đong kín nỗi đợi chờ” ấy chưa biết khi nào kết thúc hoặc “nguôi ngoai”và rồi tác giả lại hỏi ” làm sao đầy lên đôi tay/ bình yên nụ hồng xưa ấy” làm dấy lên sự bùi ngùi cho người đọc, phải chăng chỉ có tác giả mới giải mã nổi ẩn số “đầy” của “nụ hồng bình yên xưa”.
 
... Hiên thưa  liêu xiêu dáng lụa
Mưa về gọi nhớ biển xưa
 
Mưa giăng bụi mờ quán xá
Cô liêu một thoáng hương xa
Phố thị hồn xưa đâu tá...
 
Hay :
Làm sao chiều thôi mưa bay
Nguôi ngoai phiến hờn sóng dậy
Làm sao đầy lên đôi tay
Bình yên nụ hồng xưa ấy
 
Làm sao chiều thôi mưa bay

 
Bài “Với tay xin miền vô ưu” cũng là bài thơ sáu chữ khá hay trong cách diễn đạt của Ca Dao, sự cảm nhận tinh tế của cuộc sống về chiều triết lý lẫn triết học buồn vui đối đãi giữa ta với nhân gian  trùng trùng lớp sóng lúc thì gió cao sóng cả, khi thì bình lặng phẳng phiêu, đôi khi sôi nổi cũng có lúc ngậm ngùi:
 
“ Cơn mưa trút lên ngàn lá
Giọt tràn trên khóe mắt xuân
Trở mùa gió đưa sóng cả
Vàng xưa đẫm ướt gót chân”
 
Hay
“ Áo xưa theo chiều biển động
Xin đời triều nhẹ vô tư
Đêm nghe đất vươn mầm sống
Với tay (chạm) xin miền vô ưu”

 
Với tay xin Miền vô ưu ư? Có lẽ nữ nhà thơ Ca Dao chưa có công phu tu tập nên chưa nhận diện vô ưu, vô ưu là chẳng muộn phiền vậy hà có gì phải xin, chỉ có buông bỏ muộn phiền là có niềm vui thôi, nếu tác giả cẩn trọng hơn sẽ đổi chữ  “xin” bằng chữ” chạm” (1) thì có tiêu đề hay hơn, đẹp hơn, một từ ngữ có thể thay đổi cái nhìn của độc giả với chính tác giả, Tôi lấy làm tiếc nhưng không sao ngày mai tác giả của xứ trầm hương sẽ ngộ ra và sẽ cái nhìn lạc quang hơn trong cách nghĩ, cách sống của mình.
Thế gian nầy chỉ có mẹ là tuyệt vời nhất, không ai có thể sánh nổi tấm lòng của mẹ đối với con, vì thế ai viết về mẹ cũng hay ấy là cảm xúc thực của trái tim  tác giả gửi gắm đến sự cao cả ấy, Ca Dao viết bài “ Gieo vần cho ngày của mẹ” rất thật thà nhưng thấm đẫm hồn con chuyển tới mẹ, ôi sao dung dị mà tinh khiết thế, vậy mới thấy trong vòm trời nầy thi ca vô biên cỡ nào, còn con người chắc chắn  phải còn ngôn ngữ của thi ca khi trái tim yêu thương bật dậy cảm xúc chân thành, hãy lắng nghe để nhận lãnh cung bậc triều mến vỗ về:
 
... “Miền quê xa thương mẹ những bâng khuâng
Bên ngõ vắng ngóng chờ đàn con trẻ
 
Con sẽ về trong vòng tay mẹ nhé ...”
 
Hay
“ cho con xin để lòng con thật lắng
Dệt câu thơ tròn khuyết bốn mùa xa
Đan tình con gửi mẹ chốn quê nhà
Thêu đóa nhớ thiên thu tình mẫu tử
 
Xin cài búp hồng tươi vừa hé nụ
Lên chiếc áo sờn mẹ nhé, lòng con “
( Trích Gieo vần cho ngày của mẹ)

 
Sao mà tha thiết đến nao lòng tôi thực sự xúc động trong những câu thơ nhẹ nhàng mà đằm thắm mộc mạc mà chân thành, không cầu kỳ ngôn ngữ mà đầy đặn một chữ tình rất đổi thiêng liêng không biên giới trong vòm trời bát ngát vô biên tình mẹ .
Còn rất nhiều câu thơ khá hay trong thi phẩm LÀM SAO THÔI MƯA BAYcủa nhà thơ nữ Ca Dao nữa nhưng chưa được trích ra vì bài viết cũng đã khá dài, các bạn nếu có được thi phẩm nầy trên tay để từ tốn đọc và cảm nhận thì thú vị biết bao.
Với tôi, tôi nghĩ rằng Ca Dao sẽ còn đi xa hơn trong lĩnh vực thi ca, hy vọng ngày không xa các bạn sẽ có được một thi phẩm mới khác của Ca Dao tương đối hoàn mỹ hơn trong thế giới đầy màu sắc và chất liệu của cuộc sống nầy.
 
Sài Gòn mùa đông năm 2016

----------
 Cước chú :
Sau khi tải lên bài này, bạn đọc KLT  gởi bbt xin có một  góp ý nhỏ và đề nghị được nêu ở phần cước chú:

(1)
Một khi Ngã chửa buông ra,

 Xin hay chạm cũng ta - bà rứa thôi!
Vô công dụng địa và nơi
Ưng vô sở trụ chính lời Phật khuyên.
Kim Lão Tà

 
 
  
 
 
 
 
 
 
 
 

  Trở lại chuyên mục của : Ngã Du Tử