NGÃ DU TỬ


Phùng Hiệu
Với Hành Trình DẤU CHÂN BIỂN CẢ



Kể từ thời lập quốc đến khi vua Gia Long thống nhất nước nhà Việt Nam yêu mến của con dân nước Việt, phía Bắc có núi rừng hiểm trở chắn lối Bắc phương xâm lược, phía Tây có dãy núi Trường Sơn hùng vĩ chập chùng và phía Đông có biển Đông mênh mông sóng nước, đặc biệt có hai quần đảo là Hoàng Sa và Trường Sa, cho đến đầu thế kỷ XVII, chúa Nguyễn tổ chức “đội Hoàng Sa” (Cát Vàng) lấy người từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ra quần đảo Hoàng Sa đánh bắt hải sản quý hiếm mang về dâng nộp triều đình, đồng thời đo vẽ, trồng cây và dựng cột mốc trên quần đảo. Lúc bấy giờ, địa danh quần đảo Hoàng Sa liền một dải, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đó chúa Nguyễn còn tổ chức thêm “đội Bắc Hải” lấy người từ thôn Tứ Chinh, xã Cảnh Dương, phủ Bình Thuận, cấp giấy phép ra quần đảo Trường Sa với cùng nhiệm vụ như “đội Hoàng Sa”.*
Vừa rồi năm 2018, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật có tổ chức đi thực tế các anh chị em hội viên Hội Nhà Văn TP.HCM gồm: nhà thơ Phùng Hiệu, Phan Trung Thành, Huỳnh Mẫn Chi, Phạm Phương Lan, Võ Thu Hương đến các đảo Phú Quý và Lý Sơn để sáng tác, thu hoạch và chọn ra 5 tác phẩm tiêu biểu cho chuyến đi thực tế ấy. Các nhà thơ, nhà văn đã tới chứng thực Lễ Khao lề thế lính tổ chức tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi mới hiểu được từ đó đầy cung bậc cảm xúc hơn để viết những trang văn dòng thơ tỏ lòng thành kính với tiền nhân một lòng son sắt bảo vệ Tổ quốc, cùng hải đảo xa xôi từ thuở xa xưa và nối tiếp cho mãi đến bây giờ.
Lần này với nhà thơ Phùng Hiệu kết quả khá mỹ mãn: Hạng A cho thi phẩm “Dấu chân biển cả”, tuy không phải là kỳ hoa dị thảo nhưng dù sao cũng là hạt gạo đặc biệt hơn của Hội Nhà Văn TP.HCM nên được ban tổ chức của hội lựa chọn.
Lòng yêu nước của mỗi người Việt ai cũng có đó là truyền thống ngàn đời, nhịp đập yêu nước tùy mỗi thời có khác nhau nhưng đó là truyền thống tốt đẹp mà con dân nước Việt luôn gìn giữ và phát triển Phùng Hiệu cũng vậy. Khi người ta khơi dậy lòng yêu nước hào hùng thì bỗng nhiên trong máu huyết anh tràn dâng khá tự nhiên như nhịp đập của trăm triệu con tim Việt Nam, anh viết lên những lời thơ chân thành:
“Tôi bỗng thấy trong đoàn thuyền lịch sử
Những vong hồn vị quốc vong thân”
(Hồn biển đảo từ bao mộ gió)
Phạm Hữu Nhật là người bản xứ cù lao Ré (Lý Sơn) sinh năm Giáp Tý – 1804 thời còn trẻ là một thủy binh năng động, sau ông là thủy binh chánh đội trưởng trong sách Đại Nam thực lục quyển 165 viết “năm Minh Mạng thứ 17 – 1836, ông là người có công cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, đem hạt giống từ đất liền mang ra và thu nhặt hóa vật đem về cho triều đình (1). Khi đến Lý Sơn Phùng Hiệu hiểu ra cớ sự anh viết “cột mốc Hoàng Sa là hải trình bất tử/ là máu xương nòi giống Tiên Rồng” tôi đọc mà thương cảm cũng như lòng kính ngưỡng những ngư dân chân đất ở vùng biển quê nhà thời ấy, ôi chao những câu thơ thật đến độ ai cũng biết cũng hiểu nhưng đánh động đến từng trái tim mỗi người:
Những con thuyền dân đảo Lý Sơn
Những hùng binh bằng giáo dài vắt ngang sóng dữ
Những chuyến ra khơi không hẹn ngày đoàn tụ
Họ cắm vào tim những cột mốc chủ quyền
(Nhớ Phạm Hữu Nhật)
Như tôi nói ở trên, hết lớp thế hệ này đến thế hệ khác cứ mãi phải nỗ lực giữ vững biển đảo và dường như biển thân thiết với các chiến sĩ gìn giữ đảo của cha ông để lại nên lớp sóng “biển như ầm vang khúc quân hành” cũng như màu xanh biển bất tử với non sông gấm vóc.
… Từ anh lính trẻ vai gầy gió sương
Ba lô bồng khẩu súng trường
Dấu chân giẫm nát “cung đường” biển xanh
(Biển hát khúc quân hành)
Chẳng những hải quân có trách nhiệm với Tổ quốc giao phó là bám biển điều ấy tất nhiên, còn những thuyền dân đánh cá thì sao? Họ cũng đầy khí phách của dân nước Nam giữ biển quê hương, trong phạm vi lãnh hải nước nhà cứ ra khơi mặc cho bọn người ngang ngược thừa phương tiện sức mạnh nào súng, nào vòi rồng với áp suất cực lớn:
“Khi mẻ lưới cuối cùng vừa được cất lên
Anh đậy nắp khoang thuyền trong phạm vi lãnh hải
Và đối diện với đoàn tàu hiện đại
Nhắm vào anh bằng “họng súng” vòi rồng”
(Cánh chim bám biển)
Chính vì vậy đôi lúc dân chài lương thiện Việt cũng phải hoang mang và hoài nghi ấy cũng thường tình thôi phải không nào các bạn? Phùng Hiệu chỉ trình bày sự nghi ngại của những thuyền nhân:
“Sợ Tổ quốc ngày mai mất mát
Những ngư thuyền bám biển giữa ngàn khơi”
(Cánh chim bám biển)
Tình tự của anh còn nhiều trong thi phẩm mỏng chỉ có 35 bài thơ nhưng anh lựa chọn chủ đề khá nóng trong những năm gần đây, nhất là trong năm 2019:
Biển đảo vì vậy tôi sẽ cùng các bạn bàn luận nhiều hơn trong đề tài này, vậy chủ đề chính anh lấy cho thi tập này là “Dấu chân biển cả” ra sao? Hãy từ tốn nghe anh thao thức với biển:
… “Phía hoang đảo lòng con luôn tưởng nhớ
Biển thiêng liêng từ thuở bước cha về”
(Dấu chân biển cả)

Nghĩa là Tổ quốc hình thành gồm: Lãnh thổ, dân tộc và chính quyền thì biển đảo là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc ngoài lục địa, vì vậy ta cương quyết giữ vững cho dù thế nào cũng theo mệnh lệnh của vua (chiếu chỉ) đại diện cho dân tộc Việt, đoàn tướng sĩ vẫn biết nhưng với sứ mệnh thiêng liêng ấy cứ hiên ngang lên đường làm tròn bổn phận con dân dẫu “ra đi không hẹn ngày trở lại”:
“Theo chiếu chỉ đoàn hùng binh vượt sóng
Tiến về Hoàng Sa khẳng định chủ quyền
Đoàn tướng sĩ không hẹn ngày trở lại
Với hải trình quên mất sự đoàn viên

Đoàn binh thuyền tay chắc mái chèo khua
Hồn binh sĩ đặt nơi đầu biển cả”
Và tôi đọc những câu thơ bi tráng này tôi lại nhớ về cái thuở các chúa Nguyễn Nam tiến khai hoang lập ấp để mở mang bờ cõi vài thế kỷ trước, sau mới thống nhất nước nhà mà bây giờ kẻ hậu bối Phùng Hiệu thấy hồn lâng lâng anh viết:
“Ôi đất nước kể từ khi lập ấp
Qua mấy đời chúa Nguyễn khai hoang
Lưng tựa núi hồn xuôi về biển cả
Nghe trùng khơi réo gọi bước quân hành”.
Nếu như trên lục địa những chiến binh ra trận “đời lính sa trường da ngựa bọc thây” có hy sinh thì thân xác các chiến binh vẫn có đồng đội, vẫn được chôn cất thế nhưng người lính của hải đội Hoàng Sa chỉ được bó chiếu và làm mồi cho cá trong mênh mông biển cả vì vậy tại Lý Sơn, Quảng Ngãi hôm nay vẫn còn mộ gió – mộ gió bắt đầu từ những người lính giữ hải đảo của đội Hoàng Sa.
Sự hy sinh nào cho quốc gia dân tộc cũng được trân trọng với hậu thế đó là trách nhiệm của dân tộc và chính quyền, từ ý thức đó Phùng Hiệu đã viết:
“Các anh không về thân xác gửi Hoàng Sa
Lịch sử khắc ghi những buổi đầu khai phá
Tổ quốc ta còn đây những dấu chân biển cả
Là cột mốc chủ quyền
Xương máu của những hùng binh”
(Dấu chân biển cả)
Có bài thơ anh viết riêng cho anh Lâm – một ngư dân đảo Phú Quý. Tôi nghĩ có lẽ khi anh nghe kể lại cung bậc cảm xúc dạt dào lắm anh mới viết thành thơ:
“Anh gồng mình chống lại những cơn đau
Với những con tàu manh tâm phía trước
Những chiếc dùi cui bẩn mùi ngang ngược”
Anh ngư dân tên Lâm ấy yêu biển như dân cày yêu đất, yêu ruộng đồng mình cày xới nghĩa là anh đã yêu gia đình và Tổ quốc, mỗi chuyến ra khơi anh lại một mình với con tàu lênh đênh cô độc như chiếc lá giữa biển khơi anh vẫn không ngại ngùng gì với thuyền hải giám (nào đó) nữa bởi anh bám biển bằng trái tim “chiến hạm”:
“Vẫn con thuyền cô độc giữa ngàn xanh
Vẫn không ngại những con thuyền mang tên hải giám
Anh bám biển bằng trái tim “chiến hạm”
Rồi bài thơ anh viết tặng cho em TKY sau cơn bão 2006 thì sao? man mác một nỗi niềm sẻ chia với các em “cõng tuổi thơ qua đời trên hòn đảo” nơi em sinh ra đi qua cơn bão giông đầy run rẫy những cơn mê ngày ấy:
“Cõng tuổi thơ qua núi đồi Phú Quý
Đêm hải đảo chiêm bao màu mộng mị
Bão giông về run rẩy những cơn mê”
Và rồi như tiếng thở dài sau cơn bão ngang qua làm hoang tàn đến thê lương cho hòn đảo mang cái tên rất đẹp ấy Phú Quý có kịp hồi sinh?:
“Đảo Phú Quý chưa một ngày phú quý
Vết thương nào không nhói những cơn đau”
Tình tự cùng biển đảo còn những trăn trở mà mỗi người viết nào có lẽ ai cũng có nỗi niềm bởi với Gạc Ma hay Cô Lin (thuộc cụm đảo Sinh Tồn), năm 1988 Trung Quốc đã ngang nhiên bắn giết rồi chiếm đóng khi các chiến sĩ công binh đang xây dựng để bảo vệ chủ quyền, các anh vĩnh viễn ra đi cho đến bây giờ ai cũng còn xót xa, Phùng Hiệu viết bài “Các anh không về mắt đảo rưng rưng” cũng như nén nhang lòng tưởng tiếc những người anh hùng ấy, hãy đọc lại những dòng thơ đầy trắc ẩn này:
“Tôi bỗng thấy những vong hồn liệt sĩ
Bằng tay không bảo vệ chủ quyền
Bằng ý chí
Bằng máu xương
Bằng tình yêu Tổ quốc
Những anh hùng dân tộc mãi ghi công”.
Và còn những thao thức nữa trong thi tập “Dấu chân biển cả”, tôi nghĩ các bạn hãy đọc và suy ngẫm sẽ thú vị hơn trong tự tình sáng tác của nhà thơ Phùng Hiệu. 


  Trở lại chuyên mục của : Ngã Du Tử