NGÔ NGUYÊN NGHIỄM


LẠC THƯ CỬU TINH ĐỒ
VÀ 5 BIA THẠCH MỘC
 
Lời nói đầu: Truyện giả tưởng chỉ có dụng ý sáng hóa,và ngẫu hứng mới dựa theo kết cấu nghiên cứu của Học giả Nguyễn Văn Hầu và các Nhà NCVH Liêm Châu, Hoài Nam, Trịnh Bửu Hoài, Nguyễn Hữu Hiệp. Nguyễn Phước Sanh và Vĩnh Thông.(NNN)
 

1. Ven hai bên đường nằm quanh co vào sơn trang, phơn phớt màu đỏ thắm loài hoa dâm bụt hoang dã. Thoang thoảng gió đưa mùi hương hoa ngây dại thắm đẩm sương mai, khiến chàng kiếm sĩ lặng lẽ ghìm cương nhìn về cánh đồng biên giới xa xa. Từng hàng cây thốt nốt mờ nhạt đứng im lìm như phế tích .Bên cạnh, dòng kênh chảy ngoằn ngoèo suốt năm tháng khai hoang.. Dù so với vẻ uy nghi đại ngàn của quần thể dòng sông chín rồng, hồn kênh vẫn còn khép nép phiêu bạt, gá mình  như chiếc lông vũ gia thêm đôi cánh cho rồng bay cao. Bóng kênh hiền hòa uốn lượn suốt mấy trăm năm qua, chuyên chở đầy hồn đất hồn người. Chạy dọc mấy mươi ngọn núi miền biên cương đầy gió bay mây nổi, lòng kênh vẫn sâu lắng như lòng người bản địa. Có dạo, người ta thầm thì truyền tai nhau rằng, khi bóng chiều ngả xuống đàn chim thu không vội vã bay về tổ trên đỉnh núi cao. Lúc ngọn âm phong lảng vảng hoàng hôn, là bốn phương thoang thoảng tiếng ngựa hí từng hồi, đan xen tiếng tiếng cuốc xẻng cộng với tiếng dân phu vang vang vách núi. Lòng dân đơn sơ còn nặng đức tin huyền bí, thì chuyện truyền tai rắn tinh to như khạp da bò hằng đêm trườn mình qua lại ven đường sơn lộ, để lại dấu đi trủng sâu như con lạch vừa trơn láng vừa đều tăm tắp, cũng là chuyện đương nhiên huyền thoại của sơn lâm.  Giữa thời khai hoang phá núi làm nhà, chiếm rừng lật đất tìm cơm. mọi dân lành phải nương tựa vào đức tin làm nấc thang bước tới một cách hài hòa, tự nhiên.
Trời đất bao la, núi rừng hoang dã bạt ngàn, đá sỏi dựng đứng san sát gót chân bùn lầy len đầy năm tháng.Đâu đâu cũng dầy đặc hiểm nguy hoang sơ, chim trời cá nước. Loáng thoáng đồng lầy bạt ngàn, từng đàn cò trắng vỗ cánh bay lả lướt, tạo thêm dáng vẻ phiêu bạt cho vùng đất nguyên sơ. Vùng đất chứa đầy linh khí, hun đúc tinh hoa cho nhiều thế hệ hào kiệt sơn trang dân dã. Can đảm quật cường trước biến đổi vũ trụ, như được ung đúc trui rèn hào khí giữa tiếng cọp gầm, rắn cuộn. Đêm về, giữa những bó duốc sáng rực, những câu hò lãng bạt nhân gian đánh lui cực nhọc sau một ngày mưa nắng lam lũ.Tiếng gió rừng, ráng núi ngút ngàn bay khắp miền đất hoang vu cương thổ. Với vết trầm tích hàng trăm ngàn năm hoang sơ, quấn chặc trên từng chiếc lá rừng, có hoa ngũ sắc mọc len khe đá.
Tiếng thuồng luồng quẩy đuôi từ khúc sông đầy lầy hoang vắng. Tiếng gà rừng lanh lảnh vỗ cánh, đáp gọn trên cành bụi tre già cổ thụ. Khiến chàng kiếm khách Đơn Hùng Tín giật mình, choàng tỉnh trên lưng hắc mã trung thành suốt đọc đường gió bụi hành hiệp giang hồ. Mồ hôi xạ hương của con chiến mã đẫm thấm vào chiếc bờm ô long hùng vĩ, phe phẩy vỗ về trong làn gió sơn khê. Hắc mã vươn đầu ngó chủ, cất tiếng hí vang động dội vào vách núi lan xa, lan xa…như tiếng hí của hàng loạt chiến mã vang dội cả núi rừng. Âm thanh cộng hưởng gió rừng và vách núi, phá vỡ từng mảng không gian tịch mịch và hoang vu, làm rơi rụng cơn mưa lá vàng giữa mảng trời thu phai….Con chiến mã ô long đã nối gót phong trần hơn mười năm qua, là linh vật thân thiết theo chân chàng kiếm sĩ như hình với bóng. Bụi hồng lãng bạt từng phen phơn phớt bám nhẹ trên dãi bờm đen nhánh kiêu sa và lãng mạn. Mà bụi hồng cũng từng nhiều lúc trổ đầy hoa phong thủy, trên vai áo giang hồ của chàng.
Chàng kiếm sĩ Đơn Hùng Tín áo nâu khe khẽ vuốt nhẹ lưng chiến mã, mắt đăm chiêu theo dõi về chân mây ngàn. Xa xa, từng xóm nhà tranh ẩn hiện  dưới hàng tre xanh êm ắng vươn cao. Quanh sơn lộ, thấp thoáng từng khóm hoa cúc dại khoe sắc thắm trong cơn nắng oi ả, nồng nàn hương đồng nội. Miền quê cố thổ thanh đạm của núi rừng, như một bức tranh thủy mạc êm đềm. Bao nhiêu năm phiêu bạt giang hồ, chàng đã mang gió trăng tuổi hoa niên nhốt chặc trong túi hành trang, thúc ngựa lên đường. Chàng gần như quên bẵng niềm lạc thú tuổi trẻ, chỉ biết vẫy gió đùa sương với thanh kiếm bạc. Nhiều lúc, bóng trăng vàng loang loáng đọng dưới vó ngựa hắc mã, tung tóe vũng nước lung linh cô đọng trên bước du hành mang nặng hoài bão phục vụ lý tưởng. Khiến chàng canh cánh đầy ấp trong trái tim, đâu còn phút giây rỗi rảnh nào tô điểm cho giấc mộng riêng tư! Những nơi chàng đi qua, dù thoáng qua trong giây phút, hay nhiều ngày xuống ngựa len lỏi tận thôn làng hiu quạnh, chàng tâm niệm vẫn cung phụng cho bằng được vài hạnh phúc tươi vui cho người dân đen bản địa. Những giây phút thần tiên đó, sảng khoái đôi môi chàng nhẹ nhàng thắm đẩm nụ cười. Nhiều lúc, trước vòng tay hân hoan của đám dân làng, chàng cũng sảng khoái vung kiếm múa vũ khúc hoan lạc dưới bóng trăng xanh. Đó là những lúc, hoa thơm bừng lên sắc màu rực rỡ, đá núi cũng long lanh khí thiêng biểu lộ đồng cảm với niềm hạnh phúc hiện hữu của chàng .
Đứng trên đồi cao, chàng kiếm sĩ trẻ tuổi mặc cho ý nghĩ cứ tuôn chảy triền miên. Hình như tâm thức chàng đang bàng bạc trong cõi mộng du. Bởi chàng làm sao quên được, tại làng quê nghèo khổ nơi nầy, bao bọc giữa lũy tre xanh và rừng hoa dâm bụt đỏ thắm gắn sâu vào ký ức, như túi hành trang ngày xưa ra đi còn quẩy nặng trên vai chàng…Cù bơ cù bất, ngày thơ ấu còn là một thằng bé áo manh xơ xác, đầu ba vá thơ ngây, thường xuyên  bữa đói bữa no, ăn cơm gò mã, uống nước kênh đào, đêm xuống ngủ vùi bên chái đình làng hiu quạnh xiêu vẹo. Chàng không bao giờ suy nghĩ được gốc gác cha mẹ tổ tiên. Suy nghĩ, đó chỉ là sự trang sức phù phiếm với thằng bé nham nhở, cô độc loi choi giữa cuộc đời.  Chỉ biết, một đêm mưa gió bão bùng bỗng nhiên đổ ập xuống thôn làng , và cơn sốt thiên thời phủ vây thằng bé một cách khốc liệt. Cơn sốt đỏ lửa như muốn đốt cháy ba vá tóc xanh, và bệ thờ đình làng mà cậu đang nằm mê man, hoang dại. Chập chờn giữa cơn mê tỉnh, cơn mưa chưa dứt hạt, hình như loáng thoáng hình bóng một lão trượng hiền hậu, đầu quấn khăn rằn, xuất hiện bên cậu như vị thần làng cổ tích. Bắt đầu từ giây phút đó, cuộc đời chàng đã có phần thiên định. Ân sư đem chàng về chạy chữa, cưu mang và ngày qua tháng lại truyền hết tuyệt kỷ thất truyền. Ngày xuống đêm về, dưới hàng dâm bụt đỏ, chàng lấy cái nắng núi thiêng phơi từng khay thảo dược, ân sư bốc từng thang thuốc giải bệnh cho dân làng.Cái tài danh y kỳ diệu của ân sư đã một phen thập tử nhứt sanh, cứu chàng thoát khỏi cơn bệnh nặng dưới cơn mưa bão giữa đình làng ngày nào. Chàng thiếu niên  chỉ biết đạo hiệu của ân sư là Cư sĩ Giác Tâm, bắt đầu từ nay là người thầy, truyền đạo đời và đạo pháp hư truyền cho đứa bé nhiều duyên nghiệp.
Một đêm, khi hoàng hôn vửa thoắt hiện bên nầy trời biên giới, ân sư vói tay rút bao kiếm cổ trên bàn thờ tổ sư, gọi chàng ra sân đề khí luyện chiêu. Dưới bóng trăng thanh thoát, chàng như con linh dương thoạt ẩn thoạt hiện, thần khí hợp nhất dưới làn kiếm gia truyền loang loáng dước ánh trăng. Ân sư đứng dưới hàng tre, khe khẽ vuốt râu gật đầu mĩm cười, âm thầm tán thưởng đứa học trò mồ côi thân yêu. Mười năm trôi qua, êm đềm như dòng kênh hiền hòa đang trôi chảy. Chàng nghiễm nhiên trở thành một trang thanh niên tuấn tú, sức khỏe và võ nghệ tuyệt luân, với tâm hồn bao la như đồng ruộng.. Bao nhiêu tinh hoa của người thầy kính yêu, đã truyền đạt trọn vẹn vào đứa học trò thừa kế. Điều mà bấy lâu nay lão tâm đắc đã trở thành sự thật. Chàng thanh niên thanh tú quắc thước từ nay sẽ thay lão du hành nghĩa hiệp, vào khoảng đường đời trước mặt.
Rồi một ngày phải đến đã đến. Tiếng tu hú gọi con nước lớn, từng chập kêu vang trên từng góc lá. Tuổi già chồng chất càng lúc càng đè nặng trên mi mắt ân sư. Như giọt sương mong manh tan biến trong tia nắng bình minh, lão hiểu rằng cuộc trường chinh trong cuộc đời nầy, cũng phải chấm dứt như hạt sương mai. Ngày lão đến khai hoang lập ấp cùng đoàn người di dân xa xứ, là lúc tuổi tráng niên của lão chưa chứng kiến được dòng kênh đào đầy phù sa , phân định biên cương  tổ quốc. Bốn bề rừng núi, đồng không mông quạnh, cọp gầm vượn hú. Đến một ngày, sắc loa vang động khắp sông hồ, Đức Ông Thoại và Vĩnh Tế phu nhân  cung thỉnh ấn kiến Hoàng Thượng ân ban, đến trấn nhậm vùng cương thổ mới. Đất còn hoang vu rối rắm, kỷ cương còn nằm xao xác dưới rặng thốt nốt điêu tàn. Đức Ông và phu nhân luận bàn phân định biên giới, tế lễ đất đai vương trạch, thành hoàng bổn cảnh, mượn sức dân hiệp cùng khí thiêng sông núi, mở đất thành con kênh dài ra tận biển Đông. Là tráng niên, lão cũng góp phần danh dự trong công trình khai kênh mở đất nầy. Biết bao nhiêu khổ cực, sương lam chướng khí dập vùi, xương máu dân phu ngã gục để đấp nên hồn kênh vững chải trước thời gian luật định. Từng đêm ngồi trên tảng đá xanh chơi vơi góc núi, nhìn từng ánh sao băng như chuyên chở từng linh hồn nghĩa sĩ. Hay những đóm lửa ma trơi thấp thoáng bên bờ kênh, quyện gió nhớ nhà. Lão chất chồng kỷ niệm và vốn liếng tinh hoa cả đời, đặt trọn vào tay đứa học trò thiên định duy nhất. Cũng lại đêm mưa, chàng kiếm sĩ không bao giờ quên được phút giây biệt ly sinh tử. Lão ân sư nằm thoi thóp trên giường bệnh, cơn bệnh cuối đời đã vắt cạn sinh lực còn sót lại đêm nay. Gom hết hơi tàn, lão nhét vội vào lòng bàn tay chàng một miếng Ngọc bội  to như bàn tay người, chạm trổ tinh vi con rồng xanh đang bay lượn trong cõi vân hà, được bao bọc trong miếng vải điều ngoằn ngoèo như một Đồ Bản cổ. Ân sư truyền tâm ấn, hẹn mười năm sau chàng đi ngược dòng kênh Vĩnh Tế, đến biên trấn Vĩnh Tế Sơn thừa hành di chỉ đồ bản tìm nơi ẩn dật của đạo sư pháp hiệu Giác Linh tham kiến. Người dẫn đường đạo Kỳ Hương nầy, sẽ hướng dẫn khai sơn hướng về  đỉnh núi Thiên Cấm Sơn tìm Dòng Suối Xanh giữa đêm trăng. Thừa di chỉ soi dưới ánh trăng, hai báu vật Ngọc bộiĐồ bản vải điều, để giải mã linh ấn phong thủy của ngoại bang hầu tận diệt hậu bối nước ta. Chàng kiếm sĩ nén ngược tiếng nấc vào lòng, như nén những thỏi đá trên bờ rào hoa tường vi đêm qua. Có tiếng chim đổ quyên rụt rè cất tiếng hót đâu đây, từng chập lẻ loi giữa khoảng không gian mênh mông vươn đầy gió núi, thấm đậm cột mốc sương trăng hờ hững gác nhẹ lưng trời. Nấm mộ ân sư nằm cheo leo trên lưng chừng núi, Một buổi sáng tinh mơ, tiếng gà rừng vừa gáy lảnh lót bên kia xóm vắng. Chàng bái tạ mộ ân sư, vai đeo thanh kiếm cổ. giữa lòng ngực ẩn dấu Ngọc bội và Đồ bản, bước nhẹ phiêu bạt giang hồ. Bụi phong trần từ đây chất đầy trên vai áo, bao nhiêu năm tháng trôi qua dưới chân ngựa, chàng không màn hay biết.Thoắt ẩn thoắt hiện hành hiệp phò nguy. Tung tích chàng và con hắc mã chỉ như những vết tích kỳ diệu, huyền hoặc khảm sâu trong tâm thức dân bản địa. Hơn mười năm phiêu bồng, ngày nay trở lại đường cũ, hình như sơn trang ngày nào vẫn lặng lẽ đón nhận cố nhân. Nên hàng rào hoa dâm bụt đỏ thắm hoang dã thoang thoảng hương xưa, đã dìu chàng lặng lẽ trong nỗi nhớ cố hương, với nấm mộ ân sư vẫn nằm cheo leo trên sườn núi, chờ đợi ngày về…
 
2.  Hơn mười năm xa xứ, vâng lời ân sư chàng kiếm sĩ Đơn Hùng Tín hành hiệp giang hồ, lang bạt vạch chong gai tìm một hoài bão, chờ đợi thời khắc thiên mệnh trở lại khám phá mật truyền trên miếng ngọc bội và tấm vải thiêng đồ bản. Thời gian trôi như gió thoảng, lưng cài kiếm báu, ngực đeo chiếc đãy con chứa miếng Ngọc bội rồng xanh và miếng Trần điều Đồ bản, chàng tâm nguyện thống thiết hoàn thành lời ân sư ký thác tâm truyển. Trước ánh đèn mờ tỏ, chàng thường xâm xoi sắc nước Ngọc bội, và những đường vẽ trên Vải điều.Từng chi tiết và lời căn dặn của ân sư ngày nào, vẫn bay lượn theo con thanh long màu bích ngọc. Tất cả hình như đã thật tình hòa quyện trong tâm thức chàng suốt ngày tháng trôi qua. Chốn cũ, vẫn rừng núi bao la chạy dọc biên thùy sông nước, những biến đổi của cuộc đất trong suốt mười năm xa vắng vẫn không thay đổi nhiều trong trí nhớ cùa chàng. Bên kia xa thẳm, sau lưng quần sơn biên cương thấp thoáng hoang vu vùng đất khai sơn phá thạch của người đi trước. Dấu ấn cuộc đất như thầm lặng trong ý chí của tiền nhân, tạo dựng một phương ấn phong thổ cho vùng đất ngoại biên còn hoang sơ giữa đất nước đầy xương máu, vong linh của dân đen trong cuộc khai hoang, dựng đất triều cương.
Trên đường tìm về lối cũ, mang theo báu vật canh cánh trong lòng, Đơn Hùng Tín chứng kiến quang cảnh dịch bệnh kéo dài suốt trăm dặm đường biên cương. Từ dãy núi trường sơn tận phương hướng Tây Bắc, hoang cảnh đói khổ, kiệt quệ dồn dập đổ ập lên đầu dân bản dịa. Người  chết chất chồng trong thảm cảnh hoang tàn không đếm xiết. Vượt qua trấn lưu đồn vùng ngựa tế, dọc thành Phiên An, hàng rào giới cấm kéo ngang dọc bốn phương. Đại dịch dài suốt phương Nam hoang thổ, cứ theo tin ngựa dồn dập đưa về trấn Gia Định thành. Biên giới Tây Nam, dọc xứ sở tân kiều kéo dài lục tỉnh, cả vùng đất rộng lớn ẩm thấp, hoang dại của cổ địa Thủy Chân Lạp, hiện được sáp nhập vào cương thổ Nam triều. Dù vẫn còn khai thác hoang sơ, dân nghèo tứ phương đủ mọi sắc tộc đổ xô gồng gánh về tìm sinh lộ. Nạn mất mùa, đói kém kèm theo đại dịch, chốn sơn lâm chướng khí, bệnh thiên thời bao trùm, cả vùng khí hậu tang tóc kiệt quệ. Chàng kiếm sĩ đứng dựa bên tảng đá chân núi cạnh con kênh đào. Giữa sân đình làng xưa cũ nầy, đã ôm ấp chàng trong cơn trọng bệnh, vời vợi hình ảnh ân sư như chuyện cổ tích ngàn năm. Ngày đi trong muôn dặm gió sương, hôm nay đúng mười năm di chỉ chàng trở lại quê hương cố thổ. Trên sân đình làng nầy, bên kia con kênh đào khai phóng và phong quang cho ranh giới biên cương đất nước. Chàng như đi vào cơn đồng thiếp, từng chi tiết ấu thơ đến ngày tháng trưởng thành bên cạnh một ngừời thầy cao đạo. Ân sư ẩn tàng một hành tung huyền bí, như sự huyền bí của quần thể núi non hàng hàng lớp lớp, trấn thủ biên cương phương Nam đất tổ nầy. Sứ mệnh mười năm vừa hoàn thành, phải chăng ân sư muốn chàng bước ra khỏi thành quánh, bước rộng ra bốn phương tìm sự sinh, sự tử của thế gian để bồi đấp thần khí định mệnh cho bản thân chàng? Sự hiểu biết bất chợt trước ý nghĩa sự sống, ân sư đã gói ghém cho chàng trên bước đường hành hiệp. Ân sư cho chàng mở rộng cách nhìn nhân thế,  khác gì Thái tử Siddhartha mở cỗng triều nghi bước ra bốn cửa thành, rồi chợt ngộ ra bản thể sinh lão bệnh tử, và chân lý vô thường.
Chàng kiếm sĩ trẻ tuổi vẫn nhiều phen, muốn tìm hiểu bí mật ẩn tàng trong chiếc Ngọc bội thanh long . Vẫn là sắc xanh lam ngọc của đám phù vân cuồn cuộn dưới móng vuốt tám đôi chân hùng vĩ của linh vật. Ngoài ra, vẫn không có gì ngoại lệ khác, khiến sự chú ý vẫn còn ẩn tàng trong chiếc ngọc bội. Chàng thẩn thờ đem hết tri kiến, họa may tìm được vết tích kỳ bí nào. Con thanh long vẫn im lặng như từ mười năm nay, nằm trong miếng vải điều, rong ruổi cùng chàng giăng mắc sương gió bốn phương! Chàng trai trẻ cũng nhiều lúc thất vọng, lại xoay quanh đồ bản đầy đường cong chi chít lượn quanh Tấm vải trần điều, với 9 hạt vàng ghi Hán Nôm từ chữ nhất điểm đến chữ cửu điểm. Tất cả huyễn hoặc trong báu vật con rồng xanh và bức vải điều với đồ bản có 9 hạt vàng bí ẩn nằm im lặng chờ giải mả. Tính ngày ra đi bước vào thế sự, gom gió thành sức mạnh và nỗi gian truân vùng vẫy giữa cuộc đời làm khí giới của tri thức .Chàng ngẫm nghỉ, nấc thang cuối cùng trong thử thách phải chăng là phải có duyên ngộ mãnh liệt, để đuốc tuệ soi sáng được những ẩn dụ bí mật quanh báu vật, tấm vài trần điểu đồ bản và chiếc ngọc bội huyền bí. ..
Buổi sáng tinh mơ bên nấm mộ ân sư. Triền núi vang vọng thanh thoát tiếng sơn điểu lạ, lảnh lót như tiếng chào đón của người trong sơn mộ, hoan hỉ đón nhận hiện diện của đứa con vừa trở về. Chàng kiếm sĩ giật mình xoay người nhìn sang bên phải triền dốc núi. Một bóng dáng khổ hạnh, đi như lướt trên sườn đá, chắc hẳn người bản địa miền sơn dã nên thân thủ thật linh hoạt. Áo tràng nâu bay phất phơ trong gió núi, vẩy tay ra dấu đón chào . Chàng ngây người, thoáng chốc dừng bước chờ đợi và hình như linh tính thầm báo, điểm hẹn đạo sư Giác Linh mà ân sư Giác Tâm báo trước giờ viên tịch.
 
3.  Đối diện trên sườn núi, chàng tuổi trẻ nhìn lão ẩn sĩ trung niên  trong vẻ hân hoan. Gió núi thổi dạt chập chùng quanh cuộc giao tiếp hai người xa lạ. Người trước mặt vái chào, tự xưng là cư sĩ Cố Quản, được giao phó của Đức Ông Giác Linh, là sư huynh của ân sư Giác Tâm. Chàng chợt rung động nhớ lời dặn dò, hò hẹn phó thác duyên nghiệp của mười năm về trước. Thì ra, tất cả định mệnh hình như ân sư Giác Tâm đã tiên đoán. Sự thể, vòng luân chuyển của tạo hóa đều nằm trong  bước đường tu chứng của chánh pháp. Chàng kiếm sĩ và cư sĩ Cố Quản nhịp nhàng bước xuống chân núi. Cương thổ bên phía trái là dòng kênh đào thời gian gần ba mươi năm trước, trước mặt là  bước về hướng Tây An cổ tự,. Phía sau cổ tự, có thêm một ngôi chùa nhỏ như hình dạng miếu đình, nơi ẩn dật của tôn sư Giác Linh. Cư sĩ Cố Quản đưa chàng vào thiền tự, Đức Ông Giác Linh trong đạo phục nâu sòng, râu tóc dài xuống thân, cùng ba vị cao đồ có mặt sẵn trong tự viện bước vội tiếp đón người đệ tử của sư đệ cư sĩ Giác Tâm, như chào đón một hữu duyên đã định trước. Đức Ông chỉ ba vị cao đồ đang vái chào khách, giới thiệu là các cư sĩ Đạo Xuyến, Tăng Chủ và  Đình Tây. Chàng kiếm sĩ ngỡ ngàng trong cuộc diện kiến định mệnh mà mọi sự thế đều thoắt đi thoắt về trùng hợp kỳ lạ của cuộc tiên tri định kiếp. Đức Ông khoan thai hướng dẫn chàng đến trước bức trần điều màu nâu thẫm, đứng chú nguyện thầm lặng bất động.Trong ngôi miếu-chùa. như chìm lắng trong giây phút mật niệm thầm kín, trang nghiêm. Bên ngoài sơn lộ, trên nóc TâyAn tự có vài tiếng họa mi hót líu lo trong hoang vắng. Bên ngoài ven sơn lộ lặng lẽ, tất cả im ắng trôi qua tưởng chừng không gian-thời gian nhẹ nhàng bất biến.Trước bức trần điều là chiếc bàn gỗ và bốn chiếc đôn bằng sơn thạch, Đức Ông Giác Linh rót ấm nước chiết từ lộc bình đã đun sôi, hỗn hợp trà lá bồ đề ướp hoa nhài thơm ngát, mời chàng kiếm sĩ. Khoan thai trong đạo vị, lời nói nhẹ như cánh gió bay  quanh thiền tự. Đức Ông ôn tồn giải bày cuộc hành trình sư đệ Giác Tâm, nhận lệnh điều phối của tôn phái cư sĩ về thôn hoang vắng Đầu Bờ với sứ mệnh cứu mạng chàng trẻ tuổi trong cơn bệnh thập tử nhất sinh từ hơn mười năm về trước. Thu nhận đệ tử, pháp truyển võ thuật tôn phái, để hành đạo khai hoang lập ấp định ranh bờ cõi giang sơn. Chàng trẻ tuổi lại nằm trong cung mệnh thiên định, giải phá những trấn ếm phong thủy của ngoại bang, kẻ dữ xâm phạm đất đai và tiêu diệt giống Rồng Tiên hậu bối đất nước Việt. Chàng kiếm khách Đơn Hùng Tín sẽ là cư sĩ thứ 5 được thiên định, sẽ khoác vai sứ giả tôn phái cắm Bia Ngũ Sắc và cùng bốn đại đệ tử thế tục anh hùng cắm 5 Bia Thạch Mộc trên vị trí 4 phương Đông Tây Nam Bắc và Trung Ương ở 5 cuộc đất định mệnh nầy. Sự thiên mệnh mà Đức Ông vừa tiết lộ nhẹ hững như hư không, bộc lộ trước hành trình sẽ bước tới, khiến chàng kiếm sĩ giật mình, ngơ ngác trước thiên cơ dàn trải trước mặt. Thì ra, theo lời mở cửa tiên tri đó. là hiện tượng kỳ bí đã gói ghém từ lâu trong Chiếc Ngọc bội Thanh Long thiêng liêng, với sư dẫn đường là chi tiết 9 hạt vàng trên đồ bàn .Chàng vội vàng trình trước Đức Ông Chiếc Ngọc bội Thanh Long Vân HàTấm Đồ bản có 9 hạt vàng. Đức Ông Giác Linh  Kỳ Hương  nhẹ nhàng hỏi, trong hơn mười năm nay hành hiệp tế độ chúng sanh, chàng có bao nhiêu lần chiêm nghiệm tìm tòi hiểu biết ẩn chứa bên trong hai báu vật nầy?  Chàng kiếm sĩ có phát giác được bí ẩn và giải mả được phần nào thân thế rồng xanh9 hạt vàng? Chàng thẹn thùng lắc đầu, đem ý nghĩ đơn sơ cầu kiến Đức Ông. Ý nghĩa bí ẩn chứa đựng bên trong báu vật, vừa được mở khóa, thì ra 9 hạt vàng trên đồ bản là cửu điểm thiên định hướng di hành mà các cao đồ sẽ thực hiện thiền hành theo báu vật Lạc Thư Cửu Tinh Đồ của tổ tiên Việt tộc cổ đại…
 
.4.  Chàng kiếm khách  Đơn Hùng Tín thầm kính phục bốn đại đệ tử của Đức Ông là Cố Quản, Tăng Chủ, Bùi Thiền Sư, Đạo Xuyến, Đình Tây… những người đã có công thừa hành tự túc tu học yếu chỉ Kỳ Hương. Những bước chân của bốn đại cao đồ dậm nát trên khoảng đường khẩn hoang lập ấp, đã đi khắp miền hoang vu trên  hoang thổ đầm lầy Thủy Chân Lạp cổ, Cầm Lố, Láng Linh, Thới Sơn…Nay thừa ý chỉ, Đơn Hùng Tín chợt biết mình sẽ là người thứ 5 thiên mệnh nối tiếp theo bốn vị anh hùng cư sĩ Kỳ Hương, sẽ bước vào trận đồ huyền linh mà định mệnh đã chiếu sáng.  Hảnh trình khai mở, Đức Ông tuyên dụ trước cuộc hành hương, đi về cửu điểm9 hạt vàng trong đồ bản đã định, lấy phương vị của các vì sao trong Lạc Thư Cửu Tinh Đồ của người Việt cổ, vạch sẵn bước hành hương trang nghiêm để hòa nhập vào linh khí thiên mệnh. Nhất điểm: tại Tòng Sơn , Tổng An Thạnh Thượng, Sa Đéc. Nhị điểm: từ Lấp Vò vào Tràm Dư . Tam điểm: Kiến Thanh, Long Kiển. Tứ điểm: Cần Đăng, Long Xuyên. Ngũ điểm: Vĩnh Điều, Giang Thành, Rạch Giá. Lục điểm: Vĩnh Thạnh Trung, Tân lộ Châu Phú ,Thất điểm: Vĩnh Tế, Châu Đốc. Bát điểm:  Thới Sơn, Biên trấn Tịnh Biên. Cửu điểm: Thiên Cẩm Sơn.
Chàng trẻ tuổi lặng im nghe thuyết giảng về bước đường hành hương mà Đức Ông truyền dạy. Bất chợt chàng thầm nghĩ mười năm trên bước đường hành hiệp, sơn lâm chướng khí chập chùng. Tạo được nhiều ước mơ cho chúng dân đen tha phương, chàng như vẫn còn quanh quẩn trong ảo giác phong thái người hùng, trừ gian diệt bạo. Nay đứng trước một sự thể to lớn và nhuốm màu huyền bí, chàng chợt hiểu ra rằng, chung quanh cuộc đời và định mệnh đã còn có rất nhiều ngõ rẻ, vượt khỏi hiểu biết thực tế. Đức Ông là người thế gian bí ẩn đặc biệt, hành sự dụng văn như vận dụng hiện thế thiên văn ẩn tàng huyền linh, dụng võ như những chiêu thế hư vô kỳ bí của định mệnh. Trong thời điểm đầu tiên của cuộc hành hương, 4 cao đồ tôn phái Cư sĩ Kỳ Hương Bảo Sơn và chàng kiếm sĩ Đơn Hùng Tín. Đức Ông Giác Linh mật truyền  dặn dò những bước du hành sẽ nối kết được với khí lực tiên thiên. Trong cửu điểm, vùng đất vừa được đặt bước chân lên, theo Lạc Thư Cửu Tinh Đồ, thì 5 vị cao đồ Kỳ Hương sẽ tiếp nhận được khí lực huyền bí của một trong chín chòm sao âm dương tại phương hướng cuộc đất. Khí lực là thanh kiếm vô hình nhằm hóa giải trấn ếm phong thủy của ngoại bang trên quê hương Đại Việt. Cửu điểm là chín vùng đất, Lạc Thư Cửu Tinh Đồ  tượng trưng của chín chòm sao âm dương, theo thông số từ nhất đến cửu.
Thử thách tiên khởi, 5 vị cao đồ vạch đồ bản, đeo hành trang đi ngược về hướng cửu điểm. Bước đầu ở hướng cửu điểm, mà chư vị cư sĩ phải đầu tiên trở về lại chính là nhất điểm hạt vàng, Lạc Thư Cửu Tinh Đồ  xoay về đất thánh Tòng Sơn, Tổng An Thạnh Thượng Sa Đéc. Là nơi năm Kỷ Dậu -Thiệu Trị nhị niên, đạo hiệu Giác Linh ra đời, tế lễ thần thành hoàng bổn cảnh, khí thiêng đất đai vương trạch. Tại đình làng Tòng Sơn, Cư sĩ Cố Quản thừa lệnh  lập đàn tràng khẩn kiến thiên địa nhân, ông được vị Thủ đình Cư sĩ Giác Hòa bước đến Long đình Tôn phái, bàn giao báu vật trấn đạo. Năm cao đồ đón nhận Bia Ngũ Sắc tượng trưng Ngũ Vị Cổ Phật  và 5 Bia Thạch Mộc có màu sắc riêng từng bia: thanh mộc, bạch mộc, xích mộc, hắc mộc,huỳnh  mộc, bằng gỗ hóa thạch hàng triệu năm trên thế gian. Năm bia hóa thạch tượng trưng Ngũ Phương Tinh Quân được khắc họa hình tượng Phật đà với 4 chữ Kỳ Hương Bảo Sơn bằng bút tự Hán Nôm. Đức Ông trang trọng mật truyền cho Cố Quản, dịch bệnh đang hoành hành tại đất thánh Tòng Sơn nên tế lễ đất trởi và giờ Ngọ, 5 vị cao đồ thế nhân hành đạo cắm Bia Ngũ Sắc danh hiệu của Ngũ Vị Cổ Phật, hiệp cùng khí lực tiên thiên của 5 vị cao đồ, đẩy lui  dịch bệnh cho dân đen bản xứ. Giờ Ngọ ngày Rằm tháng Tư, cuộc đất được chọn là gò cao phía hữu đình làng Tòng Sơn. Giữa nắng trời oi ả mùa hạ, Cư sĩ Cố Quản và 4 vị cao đồ tế lễ thiên địa, rượu tầy trần cùng những thúng bông trang màu đỏ được tế nguyện khắp bốn phương. Bia Ngũ Sắc cao nửa trượng trang nghiêm uy lực, chiếu thẳng bóng dưới tia nắng Ngọ. Dân làng chú nguyện dịch bệnh lui dần trước bóng thái dương rực rỡ.
Hành trình tiếp tục theo đồ bản, trùng khớp những lần thiên định di chuyển theo hướng sao định mệnh. Đức Ông Giác Linh cũng đã dặn dò, Tràm Dư Lấp Vò và Kiến Thanh Long Kiển bước đi hành trình phải vượt qua. Vì hai điểm trong đồ bản, là nhị điểm hạt vàngtam điểm hạt vàng, nối kết bên dòng sông Hậu, nhiều thủy quái lưu cư hàng thế kỷ dưới hốc vực sâu ngõ ngách, quanh những cù lao bí hiễm trên sông. Cư sĩ Cố Quản và 4 đại cao đồ, dừng bước dưới bóng hàng tre làng cổ đại đất Tràm Dư .Ông mở đãy, lời dặn của sư phụ còn ghi cẩn mật trong chiếc thư chữ Hán Nôm và triện son của Đức Ông ấn ký. Trước khi vượt dòng sông mênh mông đầy trắc trở, điều cần thực hiện là ghé đình làng Lấp Vò, vị thủ đình là Giác Tha, sẽ truy căn và thư tịch sẽ giao Chiếc Nghiên  bằng thạch anh trắng . Năm vị cao đồ vững chắc lòng tin trên từng bước đi, ghé đình làng với nhiều  nghi vấn. Từ nơi cư sĩ Giác Hòa, Bia Ngũ Sắc hình tượng của năm vị Cổ Phật, trong hành trình từ cội nguồn đất thánh, sừng sững bên hữu điện ngôi đình làng Tòng Sơn . Phút chốc hòa nhập khí thiêng với tôn phái Kỳ Hương, đẩy lùi ôn dịch kéo dài suốt nhị niên Kỹ Dậu đến Tân Hợi. Cư sĩ Cố Quản cùng 4 huynh đệ còn phân vân trước chiếc thư dặn dò, thì trước mặt một vị cư sĩ áo nâu hình như cũng đoán trước sự ngẩn ngơ, vòng tay chào khách.  Cư sĩ Cố Quản choàng tỉnh, và linh cảm đoán chắc trước mặt là người bí ẩn trong thư sư phụ. Sự hiện diện trùng hợp trong gặp gỡ chắc hẳn.vẫn là cuộc sắp xếp duyên nghiệp. ngũ vị cao đồ vòng tay chào trả lễ. Giây phút điểm hẹn đã đến, người thủ đình chờ bao nhiêu năm tháng, phút chốc sự hiện diện đã làm thỏa lòng kẻ đến ngưởi chờ.
Cư sĩ GiácTha giới thiệu là sư đệ Đức Ông Giác Linh, hướng dẫn năm vị hiền đồ vào cung bái thần linh trong đình miều nhỏ làng quê. Theo mật chỉ, Ông trân trọng giao cho 5 vị cao đồ Chiếc Nghiên bằng thạch anh trắng.và Túi nhỏ bằng da chứa Thần sa đỏ thắm. Cư sĩ Giác Tha, tiết lộ, trước khi vượt sông, nguy hiễm thủy quái đầy giẫy, các tôn đồ trước đầu sông chấm chút Thần sa xuống mặt sông, tâm nguyện Kỳ Hương. Giữa sông cũng thực hiện lần hai chấm Thần sa , và cuối sông lần ba hành phép như vậy, để an lành vượt hiễm sông dài. Cư sĩ dặn dò, chuyển qua tam điểm hạt vàng là bước vào vòng chu luân của giới địa Kiến Thanh Long Kiển. Buổi chiều vội vã, năm vị cao đồ vòng tay từ giả tôn thúc, quẫy hành trang bước lên đò mộc với ông lão lái đò tiên phong đạo cốt, râu bạc trắng xóa như mây trời, tang bồng năm tháng trên sông nước.
 
5.  Sông dài và rộng hàng trăm sào nước, gió mùa thu khô hanh, nhưng sao vẫn thấy lành lạnh và cô độc quá.Trăng vằng vặc nghiêng liềm trên góc trời đêm tháng Bảy. Âm phong trường giang thổi rít từng cơn lạnh lẽo, chiếc đò mộc lắc lư suốt canh giờ nhưng vẫn ngược chèo theo cơn gió lạnh. Nhìn nhau im lặng, năm lữ khách rùng mình, nghe thủy ngư quẫy mạnh từng góc sóng. Vận mệnh vẫn réo rắc từng chập trên mạn thuyền, lão lái đò yên lặng vuốt chòm râu trắng bạc, tủm tỉm mĩm cười ngâm nga đưa lời sấm truyền loang loang trong trăng nước :
 
" Dục thức Thánh nhân xứ
 Đa thức ứng Bảo Giang
Dục thức Thánh nhân hương
Thủy lan bảo trung tàng
Dục thức Thánh nhân tính
Mộc hạ liên đinh khẩu
Dục thúc Thánh nhân diện"….(*)
 
Lão nghiêng mình lướt nhìn năm vị cao đồ, vẫn vuốt chòm râu bạc, hình như cả năm tôn đồ Kỳ Hương vẫn trầm lặng kinh niệm trong sứ mệnh đang gánh nặng trên vai . " Mộc hạ liên đình khẩu/ Dục thúc Thánh nhân diện" vẫn là ý niệm mà cao đồ Kỳ Hương đang thầm kín soi thấu trong tâm thức huyền nhiệm…Chiếc thuyền mộc đã vượt qua nửa quãng sông dài, khi vô thức chìm lắng trong dòng sấm ký loang loáng vượt tâm, khiến không gian thu ngắn nửa chặng đường hiện thực. Lão chèo đò là ai, mà chuyển hướng đi vào một không gian vô thức, dòng trường giang nằm trong một thách đố lớn lao về ý niệm vô thức và hiện thực. Cà năm vị cao đồ cũng vô tình bước qua một không gian kỳ bí, nhưng những báu vật vẫn nằm đây, năm chiếc Bia Thạch mộc, Chiếc Nghiên thạch anh trắng, Đãy túi da Thần sa vẫn lặng lẽ im lặng. Lão lái đò bình thản sau một khắc quan sát, dừng chèo giữa giang hà chợt lên tiếng đánh thức. Hình như, còn phải bỏ gì giữa sông phải không? Tiếng thủy quái quẫy mạnh dưới trăng lạnh, cư sĩ Cố Quản chợt bình tĩnh, vói nhặt túi da vẫy vài loạt Thần sa màu huyết dụ xuống mặt nước. Vài phút yên lặng, ông lão lại ngâm nga giữa tay chèo:
…"Tu tầm chương trích cú
Giang Nam nhị thủy huyện
Tại sơn vô hổ lang
Thất thập nhị hiền tướng
Phụ tá  Thánh quân vương
Phá điền thiên tử xuất
Bất chiến tư nhiên thành".  (**)
 
Chiếc thuyền mộc vươn mình trườn lên quay cầu. Điểm đến đã đúng hẹn cập bờ bên nầy sông, Chàng kiếm sĩ Đơn Hùng Tín bước lên bờ sau cùng, chàng quày người cung kính chào tiễn biệt ông lão, và cung thỉnh danh tự để có dịp gặp gỡ mai sau. Lão lái đò cười nhẹ trả lời : Đao hiệu của lão là Giác Đức, đình Kiến Thanh Long Kiển, đa tạ quý quan khách.  Cư sĩ Cố Quản và 4 vị cao đồ hốt hoảng đồng loạt vòng tay vái chào sư thúc. Ông lảo chèo đò vô ảnh vô diện khuất dưới mái chèo, và bóng đêm còn vương nửa liềm trăng trong hư không.
Bức thư vải chữ Hán Nôm có triện son, lần nữa được mở ra trong tình thế không định hướng, các cao đồ Kỳ Hương vẫn băn khoăn tìm điểm đến của vị trí tam điểm hạt vàng. Trên đồ bản, hạt vàng thứ ba nằm tại vùng đất Kiến Thanh, Long Kiển. Ngôi đình làng vừa là ngôi miếu nhỏ nằm hun hút trong con đường đất quanh co, yên ắng trong hàng mù u dầy đặc rừng ong vàng. Bao quanh bóng lá, những gian nhà cổ xưa gạch đỏ trải dài quanh những bàn thiên xây giữa sân nhà. Ngôi đình miếu ẩm thấp, có bảng ân tứ sắc phong treo hờ hững dưới mái ngói rêu phong. Làng quê nghèo nàn, nằm hiu quạnh lác đác quanh ruộng nước. Cư sĩ  Đạo Xuyến và Tăng Chủ Bùi Thiền Sư ngơ ngác nhìn bút tự của Sư phụ Giác Linh, rồi lặng lẽ nhìn ngôi đình thấp lè tè, không bóng dáng người cư trú. Chợt một tiếng vái chào vang vang phía hậu liêu. Thấp thoáng bóng người cao lớn, lom khom lách khỏi tấm bình phong linh hoạt hình ảnh tranh vẻ màu sắc Ngũ Vị Cổ Phật. Vòng tay chào khách, ông xưng là Giác Hạnh mời tạm ngồi quanh nhửng chiếc ghế đá chỏng chơ nghèo nàn trước sân đình. Cư sĩ Giác Hạnh nói theo lời phân bổ của tôn phái, ông đã phải gìn giữ ngôi đình miếu nầy hơn 10 năm nay, để chờ cơ duyên hoằng hóa của tôn phài. Nhìn hành trang của 5 vị cao đổ, thấy chiếc Nghiên thạch anh trắng, ông tự thuật sự phân bổ của Đức Ông giúp ông giữ gìn Chiếc bút lông cán bằng thạch anh trắng , chờ sứ giả của tôn phái đến nhận cho đạo pháp. Sự an bày từ định kiếp thừa hành, tôn phái đã sắp xếp từng nhánh nhỏ của một cành cây, từ nhiều cành cây thành triều nghi tôn phái hòa quyện chánh pháp với thiên địa nhân. Những thực hiện thiền hành theo định mệnh, các cao đồ chia ra năm gốc ngũ phương từ 5 điểm hạt vàng thiên mệnh, cắm 5 Bia Thạch Mộc năm màu sắc tượng trưng Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, tiếp giáp 4 phương Đông Tây Nam BắcTrung Ương, có tượng hình Phật đà và 4 chữ Nôm Kỳ Hương Bảo Sơn. Trong những buổi Thiền hành, tại 5 điểm hạt vàng từ tứ điểm hạt vàng đến cửu điểm hạt vàng, thì Chiếc bút lông thạch anh trắng sẽ được dùng trong buổi tế lễ Trời đất, Thành hoàng Bổn cảnh, Đất đai Phong thổ…rồi một cao đồ sẽ dùng Chiếc bút lông cán thạch anh trắng chấm Thần sa trong Chiếc Nghiên thạch anh trắng, điểm nhản thần khí dưới góc chân 5 Bia Thạch Mộc. Thiền hành sẽ hóa giải và ngăn ngừa ngoại bang trấn ếm đất đai, phong thổ, phá hoại thần khí hậu bối Việt tộc.
Ngũ vị cao đồ Kỳ Hương nghiêm trang đón nghe lời phân bảy và dặn dò, từng bước buổi thiền hành sắp tới của sư thúc Giác Hạnh, người cư sĩ có nhiệm vụ cuối cùng thay Tôn phái, giao Chiếc bút lông cán thạch anh trắng, cho cư sĩ Cố Quản người đại diện ngũ vị cao đồ. Trước giây phút giả biệt Cư sĩ Giác Hạnh dặn dò, trước mặt còn nhiều chông gai, bình tỉnh dấn bước vì còn phong thư thứ ba của Đức Ông chắc nhiều chỉ dẫn quý báu.  Suốt ngày tháng qua, các cao đồ đã hoàn thiện những cuộc hành hương từ nhất diểm hạt vàng đến tam điểm hạt vàng. Từ thánh địa Tòng Sơn, Tràm Dự, vượt sông dài đến Long Kiển. Trên đường vạn lý bộ hành nầy, ngoài đón nhận pháp chỉ các báu vật tâm linh, những bước chân anh kiệt đã in trên các vùng đất của các vì sao Lạc Thư Cửu Tinh Đồ gia tăng nội lực của linh khí tiên thiên, giúp chống chỏi với chướng khí sơn lâm và ôn dịch hoành hành.
 
6. Hành trình dừng bước bên nầy giòng sông Hậu, năm vị tôn đồ điểm xuyến lại những thành quả hoàn thành trên bước đường thừa hành nhiệm vụ. Gần ba tuần trăng trôi qua, ngũ vị tôn đồ đã trải qua bao nhiêu cẩn mật, nhưng nếu không có hai phong thư của sư phụ Giác Linh bạch hóa chỉ dẫn, thì chắc chắn 5 huynh đệ chưa tìm thấy chư vị sư thúc và nhận được báu vật trấn sơn. Hiện tại, tại thánh địa Tòng Sơn mới hoàn thành được cuộc thiền hành, và dựng Bia Ngũ Sắc tế lễ đất đai, diệt trừ được dịch bệnh suốt hai năm Kỷ Dậu - Canh Tuất  hoành hành tai ách cho dân lành. Tiếp nối, ngày qua tháng lại 5 Bia Thạch MộcChiếc Nghiên thạch anh trắng, cùng Chiếc Bút lông cán thạch anh Đãy túi da Thần savẫn nằm chờ đợi hành trình mới, chưa biết phải chọn hướng thực hiện ra sao! Mặc dủ tôn sư Giác Linh đã vắn tắt giải trình phương hướng phải hoàn thành. Nhưng thiên cơ bất khả lậu, tư tưởng huyền linh sẽ chuyển biến tùy theo cơ duyên. Nên sự thành bại còn do nghiệp báo và thời gian thành hay hư do định số. Trước khi tiễn 5 tôn đồ bước vào đồ trận, Đức Ông trải Lạc Thư Cửu Tinh Đồ của giống nòi Việt cổ, điểm chỉ 9 điểm phong thủy mà cao đồ phải đặt chân bước lên, dùng huyền linh giải phá trấn yếm của ngoại bang hòng tiêu diệt tinh hoa hậu bối Đại Việt. Đức Ông trao 3 chiếc thư chữ Hán Nôm có triện son, dự phòng tình thế khó khăn trên bước đường đại nghiệp. Tiên tri rằng, trên đường hành sự 5 cao đồ vẫn nhiều lúc gặp gút mắc khó tháo gỡ, lúc tận cùng mới được mở mật thư Đức Ông khuyến dụ, thi hành.
Gió mùa thu loang loáng trên giòng sông Hậu, địa phận Long Xuyên là điểm dừng trên khoảng đường dài hơn mấy mươi dặm đưởng, từ Long Kiển về Cần Đăng. Các vị tôn đồ Kỳ Hương quây quần bên thạch bàn của một quán Trúc xanh cô quạnh ven đường. Hành trang trên suốt dặm dài cẩn thận lưu giữ không rời, 5 Bia Thạch Mộc,  Chiếc Nghiên Thạch Anh, Chiếc Bút Lông vẫn được kề cận bên Đãy túi da Thần sa đặt nằm giữa thạch bàn. Cư sĩ Cố Quản thầm lặng ngồi suy tư, thở dài như đang tìm cách tháo mở những gút mắc bí ẩn trên bước đường sắp tới. Nhìn những vật báu mang đầy vẻ bí ẩn tâm linh, mà ngày xuất hành ra đi với  nhiệm vụ cơ trời thật cẩn mật, cực kỳ quan trọng đến sinh tồn hậu duệ và mệnh nước, kể cả tôn phái. Tiềm thức quay cuồng, từ ngày nhận mật truyền của tôn sư, thấm thoát mấy tuần nguyệt bay qua như gió thoảng. Trên quán Trúc xanh bên nầy bờ sông Hậu, bước đi du hành tiếp theo, tính theo mật truyền là đã thu nhập hoàn thành 3 điểm hạt vàng trên đồ bản, từ Thánh địa Tòng Sơn qua Tràm Dư và Long Kiển. Hiện tại, dưới vầng trăng Thu quán Trúc xanh, đồ bản được các cao đồ mở ra kiểm chứng, hiện còn 6 điểm hạt vàng phải bước tới. Qua Lạc Thư Cửu Tinh Đồ các vì sao ứng với 3 điểm hạt vàng đã đi qua, các tôn đồ nhận được thần khí tiên thiên, sẽ tránh được chướng khí và phong.thuật của ngoại tà. Cố Quản và bốn vị tôn đồ, tra cứu đồ bản trong 6 điểm hạt vàng còn lại, và phải hành đạo theo tuần hoàn thiên định. Hiện tại, 5 vị cao đồ đang có mặt bên bờ sông Hậu, xứ Cần Đăng. Cần Đăng hiện thể trên điểm vàng thứ 4 thể hiện mạng Mộc, màu xanh, phương Đông. Cư sĩ Cố Quản và 4 cao đồ tôn phái, thể hiện vui mừng vì trước mặt là nơi chốn phải tế lễ, cắm Bia Thạch Mộc màu xanh. 5 vị cao đồ thầm khấn nguyện, mở bức thư thứ 3 của Tôn sư Giác Linh Kỳ Hương. Quả thật, bức thư tôn phái chỉ rõ 6 điểm hạt vàng, là 4 hướng Đông Tây Nam Bắc và Trung ương, với các địa danh phải đến là 5 đình miếu:  Cần Đăng, Vĩnh Điều là 2 địa phương phương Đông, phương Nam. Riêng phương Tây, phương Bắc có Vĩnh Tế, Vĩnh Thạnh Trung. Trung Ương là địa phương Thới Sơn, vùng biên trấn Tịnh Biên. Riêng điểm hạt vàng thứ 9, chỉ ra rằng 5 vị tôn đồ tiền hiền hội tụ tại đỉnh núi Thiên Cấm Sơn, với Đức Ông và 4 vị sư thúc Giác Hòa, Giác Tha, Giác Đức, Giác Hạnh từ tứ phương sẽ quy tông.
Xếp lại bức mật chỉ của Đức Ông Giác Linh, bốn vị cao đồ Tăng Chủ, Đạo Xuyến, Đình Tây và Đơn Hùng Tín thỉnh giáo sư huynh Cư sĩ Cố Quản và bày tỏ: Mật chỉ cùa Đức Ông đã chỉ rõ 2 điểm hạt vàng Cần Đăng, và Vĩnh Điều đang trên hai hướng Đông và hướng Nam. Từ bên nầy bờ sông Hậu, thuận tiện cho 5 vị cao đồ thi hành tôn chỉ, hướng đến đình Cần Đăng lập đàn tại phương Đông, lễ bái đất đai phong thổ, dùng Bút lông cán thạch anh chấm Thần sa trong chiếc Nghiên trắng, khấn lệnh điểm nhản Bia Thạch mộc màu xanh, tượng trưng Đông Phương Tinh Quân và giờ Thìn, Bia thanh mộc được khấn niệm dựng đứng thẳng phía hữu sân đình. Phong thổ Vĩnh Điều nằm phương Nam, cách đình Cần Đăng trên một ngày đường. Nghi thức tôn phái nghiêm minh Bia Thạch mộc màu đỏ, tượng trưng Nam Phương Tinh Quân, giờ Ngọ điểm nhản Thần sa từ Bút lông cán thạch anh, chấm trong chiếc Nghiên vật báu trấn phái, Bia xích mộc được dựng thẳng đứng phía tả sân đình.
Nghi thức hoàn thành dựng Bia thanh mộc và  Bia xích mộc  phần nào trấn an các vị tôn đồ. Khí trời mùa Thu hanh khô, những hàng cây cổ thụ im lìm trong vài cơn gió nhẹ, thỉnh thoảng đột ngột thổi qua. Triền nước bên nầy bờ sông Hậu, lăn tăn theo cơn gió lướt nhẹ trên mặt nước, đượm nét hoang phế im lìm trong đợt nắng trưa hanh hao. Theo mật thư của tôn sư, hai hướng Đông và Nam đã được 5 vị cao đồ vận hành tôn chỉ trấn giữ trên phía đình làng Cần Đăng và Vĩnh Điều. Có lẻ, tại Hộc Lãnh Sơn giờ nầy. Đức Ông cũng đoán nhận được tin hỷ sự nầy. Việc thiên cơ đã được an định không thể hành sự chậm trễ, Cư sĩ Cố Quản vội bàn luận với các huynh đệ hướng đi sắp tới.  5 vị cao đồ cũng hiểu rằng phải tiếp theo những bước đi tiếp, còn 3 hướng phải bước đến, phương Tây, phương Bắc và Trung ương… nằm trên 3 hạt vàng lục điểm , thất điểm, bát điểm  của đồ bản. Phương Tây có đình làng Vĩnh Tế, phương Bắc có đình Vĩnh Thạnh Trung, và miền đất Trung ương là nơi đình làng Thới Sơn, biên trấn Tịnh Biên. Các vị cư sĩ bỗng nhiên cảm thấy bước đường  thực hành đạo pháp phía trước đã ít nhiều thuận thế, theo đồ bản vạch sẵn thì đây là hương lộ trở về quần thể núi non biên thùy, quanh dòng kênh Vĩnh Tế sắc phong,
Thu xếp hành trang, điểm lại báu vật trấn giữ phong thổ ngăn ngừa ngoại tà xâm phạm. Sau những ngày hành sự, dựng Bia thanh mộc tại đình làng Cần Đăng và Bia xích mộc tại đình Vĩnh Điều. Cư sĩ Cố Quản tham hỏi các sư đệ, vừa chỉ dẫn trên đồ bản có các điểm hạt vàng còn lại thì lục điểm hạt vàng nằm ngay vùng đất Vĩnh Thanh Trung, thuộc phương Bắc. thất điểm hạt vàng thì  về hướng Vĩnh Tế, thuộc phương Tây. Còn  bát điểm hạt vàng, vùng đất Trung ương nằm giữa bốn hướng, thuộcThới Sơn vùng biên thùy Tịnh Biên Theo hiểu biết của người từng trải địa hình vùng Tân lộ kiều hương và vủng Thất Sơn ẩn cư của các nghĩa quân, Cố Quản khuyến dụ các cộng sự cao đồ, trên đường quay lại cố thổ quần sơn biên thùy, hướng thuận lợi cần kíp là ghé vùng đất phương Bắc. Đình làng Vĩnh Thạnh Trung nằm sâu trong biên địa, quanh co trong những con đường làng lầy lội, hoang sơ. Thấp thoáng vài mái nhà tranh bện đất, im lặng nằm ven những con lạch nhỏ. Không khí hoang vu càng im ắng, lác đác những tiếng chim tu hú rút thê lương như gọi mùa nước lớn. 5 vị tôn đồ chật vật di chuyển cùng những hành trang thực dụng, và vừa bảo vệ những báu vật tôn phái, cẩn trọng quanh co bước về hướng đình làng. Đình làng Vĩnh Thạnh Trung nằm trên gò đất cao, bên cạnh một cây bồ đề sầm uất, tàng lá hoang vu dưới nắng trưa. Cư sĩ Cố Quản và các sư đệ bước vào cửa hữu tiền đình, nhìn miếu đình Vĩnh Thạnh Trung vắng lặng, không trống chuông, hoang sơ mà chạnh lòng thở dài. Các vị tôn đồ bước lên chánh điện khấn nguyện, và trải báu vật trên thềm đình, Bia chọn là Bia Thạch mộc màu đen, cùng hai sư đệ dùng Bút lông cán thạch anh chấm Thần sa trong Chiếc Nghiên trắng điểm nhản Bia thạch mộc đen, tượng trưng Bắc Phương Tinh Quân. Giờ Thìn khấn niệm, các tôn đồ dựng Bia phía trước gốc cây bồ đề của đình làng.
Bia thạch mộc màu đen được dựng bên cạnh gốc bồ đề đình làng Vịnh Thạnh Trung. Một nơi tôn nghiêm lại nằm hoang phế tận góc nhỏ con lạch, không người lai vãng. Khiến các cao đồ bất chợt chạnh lòng trước bao nhiêu hình tượng suy tàn, hoang vu của quê hương, Đình làng trên ven đất  biên trấn. không nằm xa xôi bao nhiêu các cuộc đất đã khai hoang lập ấp như Láng Linh, nhưng vẫn mang hình dáng hoang sơ, tiêu điều. Giáo lý Tôn phái Cư sĩ Kỳ Hương là tu thân, học Phật, trong 4 yếu chỉ giữ trọn ân trọng nghĩa cao với Tổ quốc, Tam bảo, Tổ tiên, Đồng bào. Chính vậy, giáo lý gần như nhập tâm với người dân bản địa, khẩn trương lan rộng khắp vùng cực Nam. 5 hiền tải Cố Quản, Tăng Chủ, Đạo Xuyến, Đình Tây, và Đơn Hùng Tín nối bước hành sự, suy nghĩ phải bước về phương hướng thôn Vĩnh Tế. Nằm chung quanh triền núi Hộc Lãnh Sơn nối dài về hướng Tây trên đồ bản Vĩnh Tế nằm vị trí thất điểm hạt vàng. Chiều trên vùng đất thấp Vĩnh Thạnh Trung, Cố Quản nhìn đàn chim bay nối đàn, bay về hướng núi non trùng điệp phương Tây.Trong nỗi lòng chạnh nhớ bao nhiêu lần trăng tròn rồi trăng mọc, các thành tựu ở các địa điểm định mệnh vẫn chưa xong trọn vẹn. Nhìn các vị cao đồ tọa đàm hướng sẽ tới, ông trầm ngâm đứng lặng suy tư rồi bất chợt ngõ lởi thỉnh ý các huynh đệ: Vĩnh Thạnh Trung, vùng đất cắm bia thạch mộc cũng cùng nằm trên dịa bàn biên trấn, hướng bộ hành về thôn Vĩnh Tế cũng chỉ một ngày đường. Các huynh đệ hành trang lên đường về cố quận, có thể giờ Mùi ngày mai sẽ tới điểm Vĩnh Tế. Các vị cao đồ trao đổi còn hành trình 2 điểm vàng là thôn Vĩnh Tế và biên trấn Tịnh Biên. Sứ mệnh trấn bia hoàn thành, sẽ trở lại Hộc Lãnh Sơn về ngôi chùa nhỏ sau Tây An tự, quy mệnh với Tôn sư và các sư thúc, chọn ngày về Thiên Cấm Sơn mở huyền linh Chiếc Ngọc bội rồng xanh.
 
7. Tranh thủ vượt theo hướng đàn chim thu không, các tôn đồ vội vã di hành không ngưng nghỉ hướng vể địa phận Vĩnh Tế. Trời chiều nghiêng nhanh xuống các cuộc đất vừa vượt qua. Tiếng chim vịt ríu rít kêu chiều, khiến hồn người như chìm lắng trong hoang cảnh vô thức hiu quạnh. Thời gian trôi lướt theo chiếc mống trời vàng vọt, giăng mắc trên quần thể núi non. Không phải là người tha hương, cũng chợt động lòng nghiêng hành trang dừng chân trước trời chiều cố quận, 5 vị tôn đồ bất giác thở dài trước hồn núi sông! Tăng Chủ Bùi Thiền Sư trầm lặng nhìn huynh đệ cảm khái ngâm vang:
" Xuất giang môn, hóa giang môn
Ly nơi Đông thổ xoay vần Tây Phương"  (***)
 
Cư sĩ Cố Quản nắm chặc tay Bùi Thiền Sư, đồng cảm trước vận mệnh quê hương và đạo pháp. Hình ảnh 5 vị tôn đồ vừa bước trở về cứ địa cố thổ, đã trải lòng sâu lắng với cuộc đất quê làng…Thôn Vĩnh Tế nằm ngay phía quần sơn biên giới Tây Nam, bao trùm vùng sơn địa đầu Tam Giang. Phía sau lưng là những vùng đất thấp, ruộng hoang bạt ngàn, chạy quanh hàng mấy mươi cụm núi nhỏ. Kênh Vĩnh Tế chạy dài suốt hướng Tây Bắc thôn Vĩnh Tế, hàng rào phân ranh biên giới với lân bang. Đoàn chư vị tôn đồ vượt cả đêm dài, tranh thủ thời gian bước sang ngày mới như đã định. Đầu giờ Mủi, thấp thoáng ngôi chùa Tây An hiện ra bên sườn Hộc Lãnh Sơn. Quang cảnh núi đồi bao phủ khí hậu mùa thu, nắng nhạt vương theo cơn gió, lung linh rơi từng chiếc lá trong ánh nắng hanh khô. Nhiệm vụ còn vướng nặng trên vai, nhưng các huynh đệ cũng bước vào ngôi Tu viện Kỳ Hương, ẩn sau chánh điện Tây An tự, để trần tình những bước hành sự của các tôn đồ vừa qua. Một mặt, còn hai điểm hạt vàng trên đồ bản, phải thực hiện trong giờ khắc đúng chu kỳ mệnh số. Phía trước, Tây An tự vẫn vắng lặng, hình như các cư sĩ thiền trú đã hoàn tất khóa tu học. Quanh thiền tự, rải rác từng đám lá vàng tung tóe trong cơn gió núi non. Bên trước ngôi điện thờ, vẫn bốn chiếc đôn bằng đá vả chiếc bàn gỗ với bình trà lá bồ đề tẩm ướp hoa lài. Đức Ông không có mặt trong tu viện, từ hậu liêu Kỳ Hương bước ra chánh điện Tây An tư vẫn vắng lặng. Chung quanh sân chùa, có tiếng chim sơn ca thỉnh thoảng khẻ hót vang, nghe không gian bên sơn lộ thật quạnh quẽ u tịch. Cư sĩ Bùi Thiền Sư bất chợt nghiệm ra rằng, tôn sư im lặng để 5 chư tôn đồ thực hiện cho hoàn thành nhiệm vụ sắp tới. Các vị cư sĩ chợt hiểu, trước điện thờ thầm lặng tưởng niệm, kính bái ngũ phương. Bước lần theo sơn lộ, Cố Quản nhắm hướng về Đình làng Vĩnh Tế, cách Tây An tự gần nửa dặm. Chư vị cư sĩ vào chiêm bái, và mở đồ bản nhắm lại hướng tới. Vị trí thất điểm hạt vàng để thực thi bia trấn hướng tây, Bia Thạch mộc màu trắng, không nằm ở Đình làng Vĩnh Tế. Mà, thất điểm hạt vàng lại cạnh sườn núi bên hữu, cũng cách Đình Vĩnh Tế  cũng hơn nửa dặm, là dốc núi Bạch Vân cheo leo, hướng mặt về kênh Vĩnh Tế. Từ dưới chân núi nhìn lên, dốc núi như sợi dây thừng bò quanh quẩn trong gió. Đường lên hiểm trở, 5 vị tôn đồ từng phút cẩn thận bước lên từng vồ đá, từng phút giây len lỏi vượt trở ngại. Điểm đến dừng chân, là một gốc cây Bồ đề cổ thụ cành lá đang xao động rì rào, không hiểu quan hoài trong cơn gió thổi ngang hiu quạnh, hay hân hoan chào đón các vị tôn đồ ngàn năm hạnh ngộ? Cao đồ Đạo Xuyến và chàng kiếm sĩ Đơn Hùng Tín thừa lệnh huynh đệ, vội dùng Túi da Thần sa rỏ vào Chiếc Nghiên thạch anh trắng. Cư sĩ Cố Quản và Bùi Thiền Sư quét thần sa vào Bút lông thạch anh, điểm nhản Bia thạch mộc màu trắng, tượng trưng Tây Phương Tinh Quân. Giờ Thân, Bia thạch mộc màu trắng được làm lễ trấn môn, chôn trước cội Bồ đề cổ thụ. Đứng cheo leo trên lưng núi 5 vị tôn đồ nhìn về những chiếc ráng vàng, còn vương rải ánh sáng rực rỡ của buổi chiều tàn quạnh quẽ tận hướng biên cương…
Các vùng đất Thới Sơn, Cẩm Lố, Láng Linh là 3 địa điểm trọng yếu, mà tôn phái Kỳ Hương và các tôn đồ nghĩa sĩ đã khai hoang lập ấp, nằm trong phương địa tự túc và tu học của tôn phái . Hành trình của bát điểm hạt vàng theo đồ bản trần điều vạch sẵn, là điểm đến cuối cùng để hoàn thành như thiên định. 5 bia thạch mộc linh thiêng được tượng trưng trấn giữ ngũ phương, thừa hành hóa giải kẻ ác tâm trấn ếm các cuộc đất tổ tiên, và bước tiến của tử tôn Đại Việt. Nhớ lại bao nhiêu dòng sử nước nhà, từ thời Âu Lạc thành trì tổ tiên liên tục bị phá vỡ, âm mưu tráo đổi Nõ thần, khiến định mệnh rung chuyển thay đổi liên tục. Vận mệnh đất nước kéo dài bi thương suốt ngàn năm lệ thuộc. Kẻ àc vẫn mượn thế Thiên triều, tạo nhiều chiến tranh xâm lược, hình thức mặt nổi của cuộc chiến cũng nhiều lần bị các thể chế Việt tộc phá tan. Chiến lược thủ ác lại xoay quanh cơ địa phong thủy, trấn yếm. Hành vi che mờ các tinh quang thiên hà, và khảo sát phong thổ vượng khí khắp nơi của Việt tộc, kẻ tà phái đã thành công phần nào trong mấy trăm năm đất nước bị phân tranh, làm lu mờ chánh khí Việt tộc. Bùi Thiền Sư Đình Thân ngậm ngùi bày tỏ trong phẩn uất, xếp lại đồ bản trong cuộc bàn luận chánh kiến tư duy về sự áp bức ngoại tộc. Các vị cao đồ thở dài, thầm hiểu tâm tư và trở trăn thực tế của các huynh đệ. Quang cảnh hoàng hôn buông dần xuống chân trời. Cảnh tượng hoang sơ vùng đất Tây Nam cố địa, hình như vẫn rưng rức tiếng hòa âm của cơn gió núi đầy vẻ âm u…
Phía trên chân đồi Bạch Vân, các vị cư sĩ âm thầm len lỏi bước qua các vồ đá, lần bước xuống chân núi. Bóng tối đã mờ dần, các tôn đồ nhìn quanh tìm nơi trú ẩn qua đêm, để bình minh sẽ bộ hành về hướng trấn biên Tịnh Biên. Theo Đồ Bản, bát điểm hạt vàng nằm trên địa giới Thới Sơn, nơi căn cứ nghĩa quân khai hoang lập ấp, và là một địa phận trong 3 vùng của tôn phái Kỳ Hương là Cần Lố, Thới Sơn và Láng Linh. Đêm khuya dưới chân núi, các vị cao đồ mỗi người một niềm riêng. Trằn trọc nằm bên hang núi, muỗi mồng vo ve se tiếng lạnh lùng, Cư sĩ Cố Quản đốt lá vàng lấy ánh sáng mờ nhạt, soi tìm lại điểm vàng cuối cùng trên đồ bản. Cửu điểm hạt vàng nằm trên đình Thới Sơn, Cố Quản thầm tính từ chân đỉnh Bạch Vân, cuộc hành trình tiến về trấn Tịnh Biên, đình Thới Sơn, khoảng 15 dặm đường. Lúc phương Đông, thái dương bắt đầu rải ánh vàng xuống chân núi, Cư sĩ Cố Quản dặn dò các huynh đệ bắt đầu canh năm giờ Mẹo, tỉnh giấc chuẩn bị hành trang. Tất cà đồng sự trong giờ Mẹo bắt đầu bộ hành lên đường về biên trấn Tịnh Biên. Điểm tới đình Thới Sơn phải trước giờ Ngọ, ngày trọng đại cắm Bia thạch mộc màu vàng đúng chánh Ngọ, tượng trưng Trung Ương Tinh Quân. Cuối giờ Tỵ trong ngày, chư vị cao đồ đã đặt chân bên nầy vùng kênh VĩnhTế tại biên trấn Tịnh Biên. Con kênh vẫn xuôi chảy về hướng về linh địa Ba Chúc và âm thầm chảy qua các vùng đất quần sơn Tây Nam, thẳng ra biển Đông.Trước linh địa quen thuộc, các tôn đồ rẻ hướng quay về đình Thới Sơn, ngôi đình hàng trăm năm đứng im bóng, chứng kiến bao nhiêu thế sự thăng trầm của quê hương và dân lành. Hào khí lập đất, giữ đất mất hàng trăm năm từ khi Đàng Ngoài và dân đen áo nâu miền đất cao nguyên Trung thổ di dân lập ấp, đã vững chải thần khí bảo vệ cuộc đất. 5 vị cao đồ bước lên sân đình làng Thới Sơn, trong lòng ai cũng ngổn ngang trăm mối. Ngó lại vùng quê năm tháng xây dựng, hòa đồng tự túc sinh lộ và an lành trong tinh thần tu học.
Đình làng Thới Sơn, nằm trên vùng đất thịnh cư, hòa quyện với lòng người bản địa nên cung cách thờ phượng thật giản đơn, phần nào ảnh hưởng giáo lý Kỳ Hương. Trước và sau đình làng, vài cây dương cao vút, và khí hậu biên thùy hình như có mùi vị thanh cao khó tả, vừa trộn lẫn hồn người với hương vị cuộc đất thiên nhiên hoang dã. Tin tức nhanh chóng truyền nhau về việc các cao đồ Kỳ Hương thừa lệnh tôn sư, về bản địa lập đàn thực hiện huyền linh tôn phái tại trung tâm đình làng Thới Sơn. Tiếng trống khoan thai từng hồi len nhẹ vào từng thôn xóm, không gian như tan loảng ra khắp gia cư, đưa niềm tin vào từng thớ đất trấn biên. Giờ Ngọ, trong điện thờ  đình làng, 5 vị cao đồ thực hiện Chiếc Nghiên thạch anh trắng đã trộn một phần Thần sa trong túi da, Bùi Thiền Sư Tăng Chủ khấn niệm điểm nhản Bia thạch mộc màu vàng, tượng trưng Trung Ương Tinh Quân, Chánh Ngọ, ánh thái dương chiếu thẳng đứng Bia thạch mộc màu vàng được an vị trên chánh điện đình làng. Cơn gió nhẹ lãng đãng vờn quanh hàng cây dương liễu quanh sân đình. Những nhánh lá yểu điệu tha thướt vờn quanh tiếng hót sơn điểu, như một lời kinh nguyện xa vắng…
 
8. Ròng rã hơn 5 tuần nhật nguyệt, ước nguyện trọng đại của tôn phái Kỳ Hương dựng bia thạch mộc đầy huyền linh tối thượng, để giải trừ các trấn ếm cùa tà đạo phương Bắc. Bao nhiêu thế hệ tiếp nối, huyết lệ và tâm linh của Việt tộc vẫn chưa thoát được sức mạnh phong thủy tà kiến của kẻ ác ngoại lai, khiến quê hương hàng ngàn năm chìm đắm trong pháp thuật ma đạo. Cố Quản và các cao đồ Kỳ Hương trong tâm thức nhiều lần u buồn suy ngẫm về cuộc đất quê hương, Lịch sử liên tiếp qua nhiều thế hệ, sau Tổ thập bát Hùng Vương, đằng đẵng các vương triều Việt tộc vẫn quay cuồng trong các cuộc chiến xâm lược. Chiếc nõ thần Kim Quy thời kỳ kinh thành trôn ốc An Dương Vương vững chải vẫn bị tráo đổi, hàng trăm ngàn lượt mũi tên thần trấn quốc lại bắn ngược vào chủ soái. Đến thời vương triều Trưng Triệu, ngoại xâm vận dụng mưu chước khiến thiên cơ xoay ngược, trống đồng bị vùi lấp, các cột trụ đồng tà kiến thách đố dựng trước miếu đình. Ngoại triều Ân Tống Minh Thanh thừa dịp các vương triều Việt tộc Đinh Lê Lý Trần Lê Nguyễn suy yếu vì nội triều và định kiếp suy vi, trước mặt xua quân xâm lấn dành thế tham vọng thiên triều. Nhưng thế lực ngoại bang ngoài binh hùng tướng mạnh, cũng phải cúi đầu trước anh hùng hào kiệt phương Nam. Sau lưng, tà kiến được thực thi lét lút trong bóng tối, thế lực ngoại bang manh nha bằng trấn yếm trên các cuộc đất quê nhà, hầu làm suy yếu sinh mệnh và thần khí của hậu thế Việt tộc.
Thiên mệnh được điểm chỉ hình thành cho các vị cao nhân phong thủy, thiên văn trao hướng phá giải tà thuật ngoại bang. Cố Quản truyền tâm báu trí tuệ lục thông đạo pháp của các vị tôn sư Tả Ao, Cao Lỗ, và sư trưởng Giác Linh. Hàng mấy trăm năm trôi qua, những trấn yếm ngoại bang phương Bắc vẫn phát huy hiệu lực. Nên Đại Việt sương mù vẫn khuất lấp trong thế cuộc ngoại xâm và nội chiến không ngày an bình. Niên hiệu Tự Đức khởi truyền từ tiên vương Thiệu Trị, thì một năm sau tôn phái Kỳ Hương lập dựng cơ trời tại Tòng Sơn, tổng An Thạch Thượng, nơi nạn dịch hoành hành suốt gần 2 niên kỷ. Đức Ông tôn phái Giác Linh thuận theo thiên mệnh, năm thứ ba niên hiệu Tự Đức trở về vủng Vĩnh Tế, lập truyền tôn phái Kỳ Hương, và quy y tam bảo với pháp danh Pháp Tạng. Phái Kỳ Hương là nhánh Cư sĩ Phật học Kỳ Hương, thu nhận cao đồ khai hoang, lập ấp tu học theo đạo và đời, Phật hội Cư sĩ mở rộng đường cho nhánh tôn phái Kỳ Hương nhập thế.
Hoàn thành tôn chỉ Kỳ Hương, lập dựng Bia Ngũ Sắc tượng trưng 5 Vị Cổ Phật tại Tòng Sơn, diệt đại dịch suốt gần hơn một niên kỷ thời Nguyễn triểu Tự Đức. Các cao đồ Cố Quản, Bùi Thiền Sư, Đạo Xuyến, Đình Tây, Đơn Hùng Tín âm thầm lưu bước chân đạo hạnh trên các vùng đất. Các báu vật trấn sơn của tôn phái, 5 Bia thạch mộc được tôn nghiêm trấn giữ bốn phương Đông Nam Tây Bắc và Trung ương, quanh thổ cư tân lập quanh vùng đấp thấp Thủy Chân Lạp cổ. Đức Ông Giác Linh chờ đợi ngày nầy trước khi tiên tri viên tịch, các sư đệ Kỳ Hương  Giác Hòa, Giác Tha, Giác Đức, Giác Hạnh sẽ cùng ngũ vị cao đồ kế thừa sẽ quy tụ hướng về chân núi Thiên Cấm Sơn, nơi Đương lai Phật Maitreya Như Lai ra đời. Buổi sáng tinh sương đầu mùa Đông chí, 5 vị cao đồ hân hoan bước lên sườn núi Hộc Lãnh Sơn, bên tả lối đi lên bậc tam cấp Tây An Tự, giật mình trước mặt Tôn sư Giác Linh và 4 vị sư thúc đang ngồi thiền niệm. Các tôn đồ chấp tay chờ chư vị tôn sư định niệm xong, hành lễ và quy hướng theo tôn chỉ tôn phái.
Hình như, Đức Ông đã quy định trước ngày lên đường hướng về núi báu Thiên Cấm Sơn. Hai chiếc xe ngựa chờ đợi dưới sơn lộ đầu núi, chuyên chở sư đồ hướng về phía Tây quần sơn chập chùng, trên lộ trình tới Thiên Cấm Sơn. Quãng đường từ Tây An Tự về Thiên Cấm Sơn gần 20 dặm đường, được thâu ngắn thời gian qua hai chiếc xa mã, đầu giờ Ngọ thấp thoáng hình dáng ngọn cao sơn Thiên Cấm đã hiện trước mặt. Lưng chừng sườn núi, mây mù còn vương vấn bao phủ vời vợi quanh lưng núi. Một chiếc cầu vồng ngũ sắc vắt ngang lưng trời, như một chiếc thang mây chào đón cố nhân. Thiên Cấm Sơn cao vời vợi gần hai trăm trượng, đường xuyên sơn chằn chịt bít lối đi-về. Ngọn núi linh thiêng trong cấm địa quần sơn, nhiều huyền thoại về những tu sĩ ẩn danh, cũng nhiều hoang thú thượng cổ, bàn cờ tiên và vườn cây trái lạ trăm năm…Ở đây bao nhiêu thế kỷ trôi qua, không người lai vãng, thỉnh thoảng tiếng hổ gầm, vượn hú, tiếng hót hoang điểu kỳ bí không thể biết chim gì bay lạc trong mây…
Giờ khắc vươn lên theo từng bậc nắng rọi xuống lưng chừng núi. Tia nắng ấm ngày Đông lan dần tới chân núi Thiên Cấm Sơn. Thanh khí bao trùm những lữ khách phương xa, đang chờ thăm viếng trên từng chiều cao ngọn núi. Đường lên heo hút, lối mòn chằng chịt vắt quanh quẩn ngang dọc, không thể định hướng trước mây mù mờ tỏ bay phủ quanh năm. Tôn sư Giác Linh truyền hỏi chàng trai trẻ Đơn Hùng Tín, Chiếc Ngọc bội Thanh Long. Quanh năm suốt tháng, kỷ vật của ân sư Giác Tâm giao phó trước khi viên tịch, chàng kiếm khách vẫn canh cánh đeo chiếc đãy chứa ngọc bội và miếng vải trần điều đồ bản, trước trái tim. Bản đồ cửu điểm hạt vàng đã hoàn thành nhiệm vụ chỉ hướng từ nhất điểm hạt vàng đến bát điểm hạt vàng, từ thánh địa Tòng Sơn qua Sư thúc Giác Hòa dùng Bia Ngũ Sắc tượng trưng Ngũ Vị Cổ Phật diệt trừ dịch bệnh hoành hành hơn niên kỷ với dân bản địa. Với 2 điểm, tam điểm hạt vàngtứ điểm hạt vàng, là 2 điểm diện kiến sư thúc Giác Tha và sư thúc Giác Hạnh, giao nhận Chiếc Nghiên thạch Anh TrắngChiếc đãy chứa Thần Sa cùng Chiếc Bút lông cán thạch anh. Đường về trên trường giang mênh mông, chiếc đò bến giác của Sư thúc Giác Đức độ nguyện sang sông. Từ đó, trên đường di hành, sử dụng điểm nhản  5 Bia Thạch Mộc tượng trưng 5 vị Tinh Quân, trấn giữ ở 4 hướng Đông Tây Nam Bắc và hướng Trung Ương. Cửu điểm hạt vàng là điểm hạt vàng thứ 9, ứng với Lạc Thư Cửu Tinh Đồ là điểm hội tụ Thanh Long giữa tầng Thiên Cấm Sơn. Đức Ông cầm Chiếc Ngọc bội Thanh Long gật đầu tán thán công đức rộng lớn của tôn đồ, lập dựng trí giác và đạo pháp tế thế cho thế hệ hậu bối Việt tộc tiếp nối. Tôn sư chỉ dẫn với tôn đồ từng chi tiết của Thiên Cấm Sơn, Nhiều cơ man vị trí từ chân núi đến tận đỉnh, cao gần 200 trượng, nhiều cây lạ trái lành, muôn chim bản thú lưu trú thiên niên, sân tiên vồ ong bướm, vồ thiên tuế, đỉnh Ngọc Hoàng, cửa ngõ Sơn Thần cạnh dòng Suối Thanh Long, rừng thảo dược tiên đơn…Đức Ông trao lại cho tôn đồ trai trẻ Đơn Hùng Tín Chiếc Ngọc bội Thanh Long, đưa ra tôn ý: Với hiện tại, chư vị tôn đồ chỉ theo thiên ý, là soi rọi thiện căn của chiếc ngọc bội rồng xanh để tìm mật bảo mà thiên địa định phần cho Việt tộc. Tôn sư bảo thêm, chỉ như vậy, không cần thời gian tham viếng tới tận đỉnh Thiên Cấm Sơn vời vợi, giữa lưng núi cách chân núi nầy khoảng hơn 60 trượng, là cửa động Sơn Thần, tìm dòng Suối Thanh Long, ấn chứng với Ngọc bội rồng xanh. thiên cơ sẽ ứng hiện. Chàng trai trẻ Đơn Hùng Tín đã hơn 10 năm ẩn dấu báu vật, dù nhiều thời gian tìm hiểu vẫn mù mịt. Đơn Hùng Tín khẩn xin các sư thúc và sư huynh nên đồng hành lên núi. Hiện tại, giờ Ngọ đã vắt ngang đầu, hành trình kịp thời đến giờ Thân bóng chiều sẽ buông về đỉnh núi, còn kịp nhận biết vị trí dòng Suối Thanh Long.
Thời gian đã đến cuối giờ Mùi, đoàn cư sĩ Kỳ Hương và các tôn đồ cũng vừa kịp đến nơi đã tiên định. Đứng trên vồ đá lưng chừng núi, cư sĩ Cố Quản nghiêng mình nhìn về lối mòn trước mặt. Bỗng nghiêng tai lắng nghe Cố Quản vụt reo mừng rỡ, tiếng suối róc rách lòn lõi âm thanh phía trước cửa Động Sơn Thần. Đức Ông  dự đoán sư tôn đệ tử đã đến điểm, giờ Thân vừa chầm chậm bước qua không gian. Phút tịnh niệm, đoàn tôn phái cư sĩ bước lần theo tiếng suối, âm thanh tràn đầy thanh khí thiên nhiên. Bên phía hữu, cửa Động Sơn Thần là những tảng đá to hoang sơ lấp kín sơn động. Hình như, tiền nhân tu sĩ bí mật di chuyển từng mảng đá, đề che lấp muôn thú di trú trong sơn động. Các vị cao đồ len lỏi hàng cây mây dại che khuất trước mặt, lắng theo tiếng nước rì rào. Cách hơn 5 trượng dài, là một con suối từ trong vách đá len lỏi chảy xuống triền miên bên hố nước xanh trong, suối Thanh Long trước mặt.. Đức Ông và 4 sư thúc Kỳ Hương, khẽ hài lòng với định số trước mắt. Chiều xuống lưng núi, mây trắng như phủ lớp sương mù bay lãng vãng quanh các khe đá, vòm cây hoang dại. Trên vồ đá bên dòng suối Thanh Long, các vị sư đồ tọa thiền quanh chiếc thạch bàn hoang sơ. Đức Ông Kỳ Hương ra dấu sư đệ Giác Tha đem chiếc Nghiên thạch anh trấngchiếc Bút cán thạch anh, đặt giữa thạch bàn, cạnh bên Đãy da chứa Thần sa và tấm Đồ bản trần điều có 9 điểm hạt vàng. Phía thạch bàn hướng về con suối xanh, Đơn Hùng Tín đã thừa lệnh Tôn sư đặt chiếc Ngọc bội Thanh Long tẫm nước dòng suối Thanh Long trong chiếc Nghiên thạch anh trắng   Màn đêm buông xuống giữa núi rừng hoang vắng, tiếng muôn chim ríu rít quanh từng gốc cây, ngọn cỏ. Hơn mưoi cây đuốc lăn chay dư trù tiên liệu sẽ đốt lên chờ trăng mọc, cũng đã giúp xua đuổi muỗi mồng, muôn thú tránh xa ánh lửa qua đêm. Bóng trăng Rằm đang chiếu xuống địa phận Thiên Cấm Sơn. Trên lưng chừng núi, vầng trăng đầu mùa Đông to lớn vằng vặc rải từng ánh tơ vàng hoang vu, như chiếc hoàng bào thiên mệnh ấn chứng Nam quốc sơn hà Nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư (****). Cố Quản và Bùi Thiền Sư nhiều phen đồng cảm, thương khó trước nỗi sống của dân đen bản xứ, nên cũng chạnh lòng chờ đợi trước dấu hiệu thiên ân. Hai vị huynh trưởng nhìn 5 Sư tôn trầm mặc tịnh niệm, trở về bản lai hư không như những thánh tượng tôn nghiêm. Các tôn đồ ngồi thật yên lặng, hình như đang trông chờ sư mầu nhiệm trọng đại sẽ xãy ra trong một đêm trăng Rằm kỳ diệu.
Những cây đuốc lăn chay vẫn cháy sáng. Trước những ngọn gió núi đột ngột bay ngang, làm chau đi từng mảng bóng tối bóng sáng. Tiếng gầm vang động của muôn thú, khiến núi rừng càng tăng thêm nét hoang sơ huyền bí. Bóng trăng tròn vành vạnh, ánh sáng dịu huyền thông thả lướt trên từng cây cỏ. Trăng nghiêng trên vách đá, ánh sáng di chuyển nhểu dần trên lối đi, mon men bước lên bàn đá tôn nghiêm đang bày các báu vật Ngọc bội, Đãy da thần sa, chiếc NghiênBút thạch anh trắng … Các tôn đồ hướng tầm mắt không rời theo ánh trăng di chuyển trên bàn đá bên bờ suối xanh. Chiếc Nghiên thạch anh trắng bỗng như lay động, đón chờ ánh sáng trăng soi. Trong chiếc Nghiên, dòng nước xanh lung linh cũng xao động theo từng phút giây bóng trăng trôi lướt qua. Con Thanh long trong ngọc bội nằm chờn vờn nghiêng đầu về hướng cửa Động Sơn Thần. Giây phút bất chợt trong ảo giác, như định mệnh đã vạch bước an bày. Cửa động nằm bên hữu con suối Thanh Long, 5 vị tôn đồ thỉnh ý Đức Ông và chư vị sư thúc, bước về hướng Động Sơn Thần.
Những khối đá to nằm vắt ngang, vắt dọc khiến cửa động không còn lối đi. Hàng trăm năm trước, các vị tu sĩ đã có mặt trên cao sơn nầy, luyện tập tu chứng trong nhiều tông phái huyền bí. Cửa Sơn Thần cũng là nơi ẩn cư thuận lợi cho cuộc sống, chung quanh cây trái hoang dã, dòng suối Thanh Long trong lành, nên việc dưỡng sinh đã được thiên nhiên cung hiến. Chư vị tôn đồ thành tâm tịnh niệm, xin di dời những khối đá lấp cửa hang động…
 
9. Các tôn đồ Cố Quản, Bùi Thiền Sư, Đạo Xuyến, Đình Tây và Đơn Hùng Tín  cùng 4 vị sư thúc ra sức chuyển dịch các vồ đá tảng lấp kín cửa Động Sơn Thần thâu đêm đến sánh. Bình minh,mặt trời bừng chiếu báo hiệu sinh khí an lành. Đàn chim rừng lao xao rời tổ bay vội vã về không gian trải rộng trên quần sơn Tây Nam, sừng sững trong cách đồng bạt ngàn giữa phong thổ biên cương. Đức Ông quan sát chiều rộng cửa hang, điện thờ Sơn Thần mờ tỏ hiện ra trước mặt các sư tôn đệ tử. Cửa động bế quan chắc cũng hàng trăm niên kỷ, nhưng bên trong sơn điện cũng nằm yên với khí hậu mát lạnh, trong lành. Bệ thờ trống không, nhưng có một Bia đá linh vị khắc họa Sơn Thần tinh quân, bằng ngữ pháp Hán Nôm biến thể. Đức Ông và sư thúc, sư tôn theo cạnh Bùi Thiền Sư và Đơn Hùng Tín cầm 2 cây đuốc lăn chay soi rọi tả hữu sơn điện. Chư vị sư đồ hành lễ trước linh vị, không khí khiến bớt đi vẻ hoang sơ, trong giây phút chờ đợi điều linh diệu khơi tỏ. Từ hốc đá trống rỗng phía tả bệ thờ hoang vu, một đàn chim én đang ẩn nấp bên trong chiếc tổ trong sơn điện, ào ạt bay vụt ra cửa hang. Hàng đá nhỏ từ hốc đá chuyển mình lăn đổ xuống tả điện, cửa hang tổ chim vụt hiện một khoảng rộng, loáng thoáng cũng còn ít nhiều chim én bay ra vội vã sau cùng. Đức Ông linh tính hiễu thời khắc đã điểm, hiệu lệnh các tôn đồ hành sự phá rộng cửa tổ chim. Cửa hang được nới rộng, 2 vị cao đồ Cố Quản và Đơn Hùng Tín soi đuốc lách vào hang nhỏ. Bên trong. là hốc núi khá rộng, Cố Quản cùng sư đệ cung thỉnh chư vị Tôn sư cùng vào, khai thị ẩn khuất mờ ảo trước mặt. Thêm hàng đuốc chay được thắp sáng, ánh sáng từ trên đỉnh kẻ hở cửa Động Sơn Thần cũng chiếu thẳng đứng vào tổ hang chim én, giúp cửa hang nhỏ sáng rực rỡ. Bất chợt, một chiếc trống cổ yên lặng nằm giữa gồ đá cao như thạch bàn. Đức Ông hiễu ra, chấp tay tịnh niệm cùng chư vị tôn phái Kỳ Hương. Các tôn đồ bao quanh điều kỳ diệu vừa bày ra trước mắt, Tôn sư quán niệm xong lệnh các tôn đồ hiệp sức di dời chiếc trống đồng ra trước bệ thờ Sơn Thần. Trống đồng cổ nặng hàng tạ, bốn vị cao đồ ra sức nhẹ nhàng chuyển ra bên cạnh bệ thờ. Đức Ông quán niệm hồi lâu, các vị sư tôn dồ yên lặng trước lời định giảng. Báu vật thiên định với tôn phái như lời rao truyền thiên mệnh cho tôn phái Kỳ Hương, cuộc diện kiến hôm nay đã được báo hiệu trên chiếc Ngọc bội Thanh Long từ hơn 10 năm trước. Sứ mệnh Đơn Hùng Tín được ân sư Giác Tâm giao phó, phải đúng thời gian sau 10 năm mệnh số mới hình thành, đồng thời Chiếc Túi vải Trần điều với Đồ Bàn 9 điểm hạt vàng, sau khi hoàn thành trấn ôn dịch và cắm 5 Bia thạch mộc, giải kiết phong thủy của ngoại bang. Tôn sư Giác Linh cho biết,chiếc trống đồng nầy là Chiếc Trống đồng Đông Sơn, từ thế kỷ thứ 7 trước Tây lịch. Với nền văn hóa Lạc Việt , của người Việt cổ, hoa văn khắc họa sinh hoạt thời dựng nước. Ngôi sao nhiều cánh giữa mặt trống tượng trưng thần Thái Dương mà thời Văn Lang người cổ địa tin tưởng đời sống liên quan Thần Mặt Trời. Hai thiên niên kỷ trước, trống đồng là thần vật trấn quốc theo các triều nổi dậy khởi nghĩa và là linh vật trước nhiều cuộc chiến chống giặc ngoại xăm. Ngoài là vật thiêng trong đạo pháp tổ tiên Việt tộc, trống đồng biểu tượng nền văn minh nông nghiệp cổ đại, tôn giáo cùa người Việt cổ, biểu tượng văn hóa, vũ họa, dựng đất, nhã nhạc,  đúc đồng… Hiện giờ, trống đồng có mặt trong thời khơi dựng tôn phái, chứng tỏ bền vững chánh pháp của hệ phái cư sĩ Kỳ Hương trước thế sự.
Cùng chư tôn đồ tịnh niệm, trước khi cùng hàng xuống núi Thiên Cấm Sơn, Đức Ông truyền bảo các chư tôn đệ tử cùng lưu chuyển chiếc Trống đồng Đông Sơn vào hang chim én như lúc khai sinh. Cửa hang chim én được lấp kín vững chắc, đoàn sư tôn tịnh niệm trước Bia đá linh vị Sơn Thần, Bên dòng suối Thanh Long, cửa động Sơn Thần lại được niêm kín bằng những tảng đá vô tri, như ký gởi huyền linh cho những thế hệ hậu bối mai sau.
 
NGÔ NGUYÊN NGHIỄM 
Rằm tháng 4 Phật lịch 2566
 
Chú thích: ( *) (**),  Sấm Trạng Trình
                    (***), Sư trưởng Trúc Lâm Nương
                    (****), Nam quốc sơn hà Nam đế cư
                                Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
                                 Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
                                 Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!
                                 Lý Thường Kiệt
 
 


  Trở lại chuyên mục của : Ngô Nguyên Nghiễm