KHI CHIM ÉN BAY VỀ
ĐẬU TRÊN TÌNH YÊU VĨNH CỬU
ĐẬU TRÊN TÌNH YÊU VĨNH CỬU
(Đọc TÌNH YÊU VĨNH CỬU của Trần Thiên Hương)
Một cuốn tiểu thuyết dày dặn gần 600 trang, bìa cứng, trình bày trang nhã với cái tên nghe rất quen thuộc như đã từng gặp ở đâu đó: TÌNH YÊU VĨNH CỬU của Trần Thiên Hương đã nằm trên bàn đọc sách của tôi gần nửa tháng. Nhưng vì đây là sách được tặng nên phải đọc và sẽ đọc kỹ, đó là thói quen của tôi. Và, tôi đã đọc đi, đọc lại để nhận ra rằng tác giả gởi vào những cuộc tình trai gái là một tình yêu lớn lao: tình yêu quê hương đất nước. Sách được chia làm 2 phần: Khi chim én bay về (Phần 1) và Tình yêu vĩnh cửu (Phần 2) được tái hiện tình yêu và số phận nhiều nhân vật suốt thời gian gần thế kỷ với ba thế hệ trong một gia đình mà Julie Kiều Trang là sợi chỉ xuyên suốt tác phẩm. Người đọc dễ đuối sức khi dõi theo thế giới nhân vật hội đủ mọi tầng lớp xã hội; hội đủ sắc thái tình cảm nhân sinh; đa dạng, đông đảo trong quãng thời gian dài gần thế kỷ.
Phần I: KHI CHIM ÉN BAY VỀ hay MÙA XUÂN LẠI ĐẾN.
Ba nhân vật Chiêu, Jonathan và Julie Kiều Trang trái nghịch nhau về hoàn cảnh, quan điểm, suy nghĩ nhưng họ cuốn vào vòng xoáy của tình yêu trong bối cảnh, không gian của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Lịch sử đã làm cái phông nền cho tình yêu của ba người nẩy nở và từ tình yêu của họ người đọc thấy được những điều lớn lao: tình yêu Tổ quốc, gia đình; khát vọng về hòa bình, độc lập và giữ gìn nét văn hóa của dân tộc.
Jonathan, một tổng biên tập có trách nhiệm, chân tình và giàu tình cảm đã thầm yêu Kiều Trang, một nữ ký giả thông minh, sắc sảo. Anh không mệt mỏi theo đuổi nàng nhưng đến lúc ngỡ rằng đã nắm bắt được tình yêu thì mối tình ấy cùng cuộc đời anh đã chìm xuống đáy đại dương. Với Kiều Trang thì chưa chắc đó là tình yêu nam nữ mà là “… một niềm yêu mến vừa len lỏi trong tim nàng, nó chưa hình thành, mới chỉ khiến trái tim nàng hơi rung động.” (trang 130). Cuộc tình ấy kết thúc không có hậu từ lúc nàng nghe trọn lời Jonathan: “Kiều Trang…Tôi yêu em!...”.
Chiêu thì khác. Anh xuất thân từ tầng lớp trung nông, tham gia chống Pháp với tài đúc súng trường nhưng thông minh, ham học hỏi, dũng cảm. Anh được cụ Hoàng Hoa Thám tin cẩn và trọng dụng. Anh có một tình yêu vô cùng lớn lao là yêu tổ quốc; yêu quê hương xứ sở; yêu độc lập. tự do mà không tiếc máu xương, gian khổ. Anh cũng cảm mến Kiều Trang vì sắc đẹp và nét đoan trang nhưng biết “cô ta không bao giờ thuộc thế giới của mình nên cũng quên đi” (trang 185). Nhưng cuộc sống có lối đi riêng của nó nên Chiêu đã gặp lại Kiều Trang trong lớp học của nàng. Và, tình yêu của anh với nàng bắt đầu nẩy nở; rất logic, không khiên cưởng gượng ép dẫu rằng tưởng chừng như tác giả đã sắp xếp cho hai người gặp nhau.
Julie Kiều Trang sinh ra và lớn lên trong một gia đình quyền quý, hiền lành, đoan trang, thông minh, sắc sảo có việc làm ổn định và thành công trong công việc của mình. Kiều Trang phải đắn đo lựa chọn giữa hai người trai đáng ngưỡng mộ. Một Jonathan “…là người Pháp nhưng anh ta không cầm súng mà cầm bút. Anh ấy biết lẽ phải. Sứ mệnh của anh ta là sang đây là bênh vực lẽ phải.” (Trang 73). Một anh Chiêu “có một vóc dáng nam nhi mạnh mẽ, với bờ vai rắn chắc, đôi mắt đen sâu thẳm, sống mũi cao trên khuôn mặt cương nghị. Tất cả toát lên một vẻ đẹp đầy kiêu hãnh” (Trang 184). Cuối cùng “tình yêu đến có bao giờ báo trước, nó có cần điều kiện gì đâu” (Trang 185) nhưng trong thẳm sâu tình cảm, nàng đã lựa chọn con đường trở về với quê hương xứ sở đang còn trong loạn lạc, đói nghèo; khước từ một gia sản lớn và cuộc sống vương giả mà ai cũng ao ước. Sống trong lòng tổ quốc Kiều Trang đã phát sinh và nẩy nở tình yêu với Chiêu. Đó là mổi tình đẹp của hai tâm hồn cùng chí hướng: Phụng sự cho quê hương! Chiêu đã chiếm lĩnh tình cảm Kiều Trang từ lần đầu gặp nhau khiến nàng bồi hồi, xao xuyến trước hành động ngang tàng và bí hiểm của chàng. Kết thúc phần này là cái chết của Chiêu khiến cho cuộc tình Kiều Trang thêm một lần bi thương, một lần nữa lặp lại bi kịch của tình yêu. Vẫn biết “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi!”, nhưng người đọc vẫn thấy xót xa, hụt hẫng trước mối tình đẹp mà không trọn vẹn. May là còn có cậu bé An...
Dõi theo câu chuyện tình lãng mạn nhưng bi thương của đôi trai tài gái sắc trong bối cảnh đất nước đang bị kẻ thù xâm lược dày xéo, người đọc bắt gặp một mảng lịch sử hào hùng, bi tráng và một nền văn hóa của dân tộc ta cách đây hàng trăm năm. Cuộc tình của Chiêu và Kiều Trang éo le nhưng lại phù hợp với thời đại: Rất riêng tư nhưng thống nhất trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Tác giả không hề trực tiếp miêu tả những cuộc chiến giữa nghĩa quân Đề Thám và thực dân Pháp nhưng người đọc vẫn thấy sự khốc liệt của cuộc chiến; sự gian khổ, không nề hy sinh của nghĩa quân; sự bần cùng và thất học của đại đa số người dân… Cũng như người đọc theo dấu chân Kiều Trang thì thấy sự đa dạng, phong phú của các nền văn hóa. Thêm một lý do để ta yêu quý Kiều Trang là người con gái quý phái, có học thức ấy đã đồng cảm, yêu thương, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, khốn khó đang quằn quại sống dưới chế độ thuộc địa của thực dân Pháp. Kiều Trang như một chiến sĩ trong mặt trận văn hóa mà không trực diện với kẻ thù. Có lẽ nhờ vậy mà tác giả có những trang rất thăng hoa khi kể về mối tình của nàng và Chiêu.
Đọc hết phần I mới chợt nhận ra tiêu đề cho phần này có tính ẩn dụ cao. Hình ảnh chim én báo hiệu mùa xuân đất trời và cũng là mùa xuân của dân tộc lại xuất hiện khi Chiêu bị thương “Đôi mắt anh dần dần khép lại, trong đáy mắt vẫn in hình bóng của nàng cùng bầu trời chim én bay…” (Trang236). Còn Kiều Trang vẫn âm thầm tạo cho mình một mùa xuân tình yêu đôi lứa: Bé An ra đời và ghi dấu một tình yêu vĩnh cửu.
PHẦN II: TÌNH YÊU VĨNH CỬU hay TRONG TRO CÒN LỬA
Khi đã đọc hết phần I, độc giả không thể gấp sách. Bởi “Đời người đâu phải chỉ có một mối tình duy nhất, nếu chỉ một thì người ta còn nói mối tình đầu hay cuộc tình cuối làm gì! Cái chết gieo mầm cho sự sống, và tình yêu cũng không ngoại lệ. Mối tình xưa đã lụi tàn nhưng ngọn lửa yêu đương trong tim vẫn còn âm ỷ cháy…” (Trang 545), và Kiều Trang đã làm chất xúc tác cho tình yêu bùng lên hai thế hệ tiếp theo. Tình yêu tổ quốc và tình yêu trai gái lặp lại trong gia đình Kiều Trang.
Ông An, con trai của Kiều Trang và Chiêu, được tổ chức cài cắm vào lòng địch theo đoàn người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954. Anh nối tiếp lòng yêu nước của gia đình, tiếp tục hoạt động cách mạng với kẻ thù mới: Giặc Mỹ. Ông đã làm tốt nhiệm vụ của mình cùng với những đứa con.
Thời đại đã khác nên tư tưởng tình cảm của mỗi người cũng khác nhưng lòng yêu nước vẫn là mẫu số chung cho các thành viên trong gia đình.
Bảo Toàn, con của ông An; cháu nội của Kiều Trang, đã chịu xã hội chi phối trở thành Trung úy quân đội Việt Nam Cộng hòa nhưng vẫn giữ được truyền thống yêu nước của gia đình được bà nội Kiều Trang xe duyên cùng cô bác sĩ xuất thân nghèo khó khiến những nhân vật trong tiểu thuyết đa dạng hơn trong các chiến tuyến khác nhau.
Nguyên Anh được sống trong thời kỳ đất nước tái thiết và xây dựng; giặc ngoại xâm không còn nữa. Cô không bị cuốn theo dòng thời sự, xã hội nhiều nên có thể tự khám phá cuộc sống; khám phá bản thân; tự đi tìm tình yêu cho mình. Và, cô đã gặp được tình yêu đích thực với Thuyên, người con trai đã trải qua bao sóng gió cuộc đời.
Ba thế hệ của một gia đình, mà Kiều Trang là nhân vật xuyên suốt, đã sống và hoạt động kéo dài qua ba thời kỳ: Chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng đất nước, tạo nên những tuyến nhân vật đa cực, đa dạng; đủ mọi tầng lớp trong xã hội thành một dòng chảy liên tục về truyền thống yêu nước vĩnh cửu. Câu chuyện tình yêu và số phận của họ đã gắn liền với lịch sử. Mỗi người có cách nhìn nhận riêng về cuộc sống, về tình yêu nhưng cuối cùng ai cũng nhận ra hạnh phúc nhất là được sống với hiện tại. “Ta đã từng đi qua những niềm đau và cả cay đắng, mãi tìm hạnh phúc ở những nơi xa lắc, nhưng không ngờ rằng hạnh phúc ngay ở đây!” (Trang 555). Thời đại nào thì cuộc sống ấy, không thể khác! Nhưng tình yêu tổ quốc và tình yêu trai gái thì… vĩnh cửu!
KẾT
Hình ảnh những người kháng chiến chống Pháp xuất hiện từ đầu tác phẩm khiến người đọc nghĩ ngay rằng đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Còn tôi nghĩ thêm rằng tác giả Trần Thiên Hương đang giải thiêng những huyền thoại trong lịch sử. Tất cả đều là sự phỏng đoán không chính xác khi đọc hết tác phẩm. Lịch sử được chắt lọc trong tác phẩm chỉ là cái phông nền cho tác giả cho các nhân vật của mình hoạt động, bộc lộ những phẩm chất yêu nước, yêu người của mình. Mỗi giai đoạn lịch sử, tình yêu có thay đổi cho phù hợp nhưng tựu trung là cống hiến; không nề gian khổ; sẵn sàng hy sinh vì tình yêu. Tôi cho rằng Trần Thiên Hương đã thành công trong việc xây dựng tập thể nhân vật của mình mà trung tâm là nhân vật Julie Kiều Trang. Tình yêu của nàng và con cháu đã mềm hóa lịch sử vốn khốc liệt, tàn khốc, tang thương. Tác giả cũng đã biết chọn lối kể chuyện truyền thống theo thời gian vật lý kết hợp với thời gian đồng hiện để tránh sự cũ mòn theo kiểu tiểu thuyết chương hồi. Tôi tin Trần Thiên Hương sẽ thành công hơn nữa trên con đường văn chương. Còn hạn chế của tác phẩm ư? Người đọc sẽ tìm ra đáp án khi đọc: TÌNH YÊU VĨNH CỬU của Trần Thiên Hương in vào tháng 12/2022 do NXB Hội Nhà văn cấp phép
NVC