NGÔ VĂN CƯ

 

Mả Ăn Mày
Truyện ngắn

Cái mả vô chủ ở trong vườn bà Lảnh bỗng nhiên có một số người ở xa đến nhận là mả cụ kỵ của họ. Cái xóm nhỏ Gò Sặt quanh năm yên bình bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Đi đến đâu cũng được nghe bàn tán về gốc gác, gia thế của con cháu người nằm dưới nấm đất kia. Nhìn những chiếc xe đời mới bóng lộn của những người tìm mả, cùng cách nói năng, đi đứng cũng đủ thấy sự giàu có, quyền lực. Họ còn nói con cháu có địa vị trong xã hội và làm ăn phát đạt là nhờ vào phúc đức cái mả kết lưu lạc này. Hành trình đi tìm người đã chết cũng thật ly kỳ. Không kỳ lạ sao được khi những người cao tuổi nơi đây cho rằng cái mả kia hiện diện trong vườn bà Lảnh cũng đã hơn trăm năm rồi. Hồi ấy thiếu phương tiện thông tin cho nhau và cũng không rõ người chết quê quán ở đâu, con cháu nơi nào… nên dân làng tự chôn cất và trở thành mả vô chủ, còn gọi là mả ăn mày. Con cháu thì ở xa, đâu biết người thân mình bỏ xác nơi nào. Thế mà bây giờ con cháu nhận ra mả tổ. Nhiều người tò mò muốn biết ngọn ngành thì một người có uy tín nhất trong dòng họ là ông Sương khẳng định:
-Chúng tôi đã tìm thấy mả cách đây mấy năm rồi nhưng vẫn phải xác minh cho rõ ràng mới dám đến nhận. Người nằm dưới nấm đất kia là cụ trưởng tộc của dòng họ. Ông từng tham gia phong trào Cần Vương của Vua Hàm Nghi khởi xướng. Không ngờ lại nằm ở nơi này.
-Thời gian đã qua lâu như thế… manh mối nào mà tìm ra được.
-À, Cụ linh hiển lắm… đã tìm về tận quê.
-Là sao?
-Cụ về và nhập vong vào một người cháu… rồi chúng tôi tiếp tục nhờ một nhà ngoại cảm xin gặp Cụ. Cụ hướng dẫn cho con cháu vào tận trong này. Khi gặp ngôi mộ, chúng tôi nhận ra ngay đây chính là người trưởng tộc của dòng họ. Sợi dây tâm linh đã gắn kết người chết và người sống. Chúng tôi càng tin tưởng hơn nữa khi cụ Song đã cho chúng tôi biết nhiều chi tiết liên quan đến vị trưởng tộc.
-Thế là anh đã gặp cụ Song?
-Vâng. Khi lần đầu tiên đến đây. Qua lời cụ Song, con cháu không cầm được nước mắt và nghĩ chỉ có cụ trưởng tộc của chúng tôi mới đủ có hành động lớn lao khi còn sống cũng như khi đã mất…
-Cụ thể là…
Cụ Song là người cao niên nhất trong xóm. Tuổi cũng đã gần chín chục, nhưng cụ còn nhớ những chuyện xưa từ đẩu từ đâu. Khổ nỗi, chuyện của cụ kể thường thì không đầu không cuối. Chuyện nọ xọ chuyện kia. Nhưng chính cụ là cầu nối thời gian đã lùi sâu vào dĩ vãng với hiện tại. Mọi người nghe cụ nói rồi chắp vá những mảnh ký ức vụn vặt của cụ mà hình dung sự việc đã xảy ra trong quá khứ. Ông Sương cũng đã làm như thế để thấy cụ trưởng tộc lưu lạc của dòng họ mình đã sống và chết như thế nào ở cái làng hẻo lánh này.
Nơi ngôi mả người ăn mày kia – mà ông Sương khẳng định là của Phạm Kha, trưởng tộc của dòng họ Phạm – trước đây là điếm canh của dân làng. Nơi đây, ngày trước là rìa làng. Hoang vắng lắm. Đêm đêm các tuần đinh cùng với gậy gộc, dây thừng, mõ tre… đến đây canh giữ bình yên cho dân làng. Một buổi chiều, họ thấy một người đã chết tự lúc nào trên cái sạp tre, nơi nghỉ lưng của phiên tuần. Đó là một người không rõ danh tính, không một giấy tờ tùy thân, chắc vừa đến làng trong ngày…có khi bị phong hàn cảm mạo do đi đường hoặc cũng có thể đói quá. Trong cái bị cói mang theo người chỉ có một bộ đồ đã cũ và vài thứ lặt vặt khác chẳng giá trị gì. Dân làng chôn ngay phía sau điếm canh. Các tuần đinh đùa rằng mỗi phiên tuần của làng, giờ thêm một suất đinh. Từ khi có mả người ăn mày kia, nhiều sự việc lạ xảy ra chung quanh điếm canh làm ai cũng sợ khi đi ngang qua. Không ít lần, người ta thấy có người ngồi trực ở điếm canh khi tuần đinh đang tuần trong làng. Hoặc có những khuya, khi mọi người đang ngủ ngon thì có người thêm củi vào bếp lửa sưởi ấm. Hoặc những tiếng nói chuyện rầm rì hòa cùng tiếng mớ ngủ của tuần đinh cứ rõ mồn một trong những đêm vắng … Và, nhiều sự việc khác mà cụ Song không nhớ hết. Hồi cụ Song còn nhỏ, điếm canh và mả ăn mày là nơi bọn trẻ chăn bò làm nơi bày ra những trò chơi. Thường là trò chơi đánh giặc. Ai thắng, được phong tướng và được đứng lên cao. Vị trí ấy, chính là mấm mả. Thế mà, bọn ông được người lớn hơn nhắc nhở không được leo lên vì người nằm dưới đó linh lắm. Có khi động mả thì bị vật chết đấy. Nhưng bọn trẻ chưa thấy bị vật lần nào; chỉ có ham chơi, phơi nắng, dầm mưa mà cảm mạo… Ông Sương cho rằng có thể vì điều linh nghiệm ấy mà mả đã lâu vẫn còn nguyên vẹn nhưng ông Song có cách giải thích khác. Một số người mỗi khi đi ngang qua mả thường bỏ lên nấm một nắm đất. Vì thế mà không người chăm sóc, nấm mả vẫn không bị san bằng mà lại lớn hơn các mả có chủ khác. Có thể khi ấy là công điền, mả lớn mả nhỏ cũng không ảnh hưởng đến đất đai của ai. Cũng có thể là lòng nhân ái, trắc ẩn của dân làng khi thấy số phận người cơ nhỡ, tha hương, không họ hàng chăm sóc. Cũng có thể là một cách an ủi, hối lộ cho người chết để họ khỏi nhiễu nhương xóm làng. Dẫu lý do gì gì đi nữa, người làng thường bỏ lên nấm mả nắm đất khi đi ngang qua là có thật. Nhờ đó mà hơn trăm năm qua, cái mả vẫn tồn tại trong vườn bà Lảnh cho con cháu tìm đến.
Qua lời kể của ông Song thì ông Phạm Kha chỉ vừa đến đầu làng rồi nằm đấy cho đến bây giờ. Từ đâu tới, không ai biết! Sẽ làm gì, không ai hay! Mục đích đến đây, không ai rõ! Điều ấy được ông Phạm Thanh Sương bổ sung thêm để thành một lý lịch hoàn chỉnh.
Phạm Kha là con cả của một gia đình có tiếng khoa bảng ở bắc Trung bộ sớm bộc lộ lòng yêu nước. Khi bọn Pháp đưa Đồng Khánh lên thay Hàm Nghi và đặt phong trào Cần Vương về phía phản loạn cần tiêu diệt thì Phạm Kha đã xếp bút nghiên theo đường cung kiếm. Là một trưởng tộc nên ông đã dặn dò cho em là Phạm Khá - cụ cố của Phạm Thanh Sương - quán xuyến tộc họ rồi lên đường. Phong trào chống Pháp ở Bình Định do Mai Xuân Thưởng lãnh đạo phát triển mạnh mẽ nên Phạm Kha tìm đến. Có lẽ chưa gặp được vị lãnh tụ Cần Vương ở Bình Định lại do đường sá xa xôi, mưa gió thất thường mà phải bỏ mạng giữa đường chăng! Dẫu công danh chưa toại nhưng Phạm Kha đã là tấm gương yêu nước cho cả tộc họ. Mỗi kỳ giỗ chạp, tên ông bao giờ cũng được nhắc đến một cách trịnh trọng, trân quý. Bây giờ gặp được Cụ ở đây là niềm vinh hạnh cho tộc họ. Nhưng họ hàng đã thống nhất là không cần chuyển Cụ về quê mà xây dựng cơ ngơi cho Cụ, nơi Cụ chọn yên giấc ngàn thu.
Như vậy, người nằm dưới mả bấy lâu vô danh vô tánh bỗng chốc được vinh hiển với một lý lịch hoàn hảo. Và cơ ngơi được xây dựng hoành tráng với tốp thợ được chọn từ Huế. Mả được xây với nhiều nét chạm trổ cầu kỳ, bề thế nổi bật giữa làng quê nghèo. Mảnh đất mả ăn mày bỗng chốc khang trang, sáng sủa. Bây giờ, người ta cũng cải tên cho mả. Mả ăn mày thành mả Cụ Phạm. Nhưng trong lúc trà dư tửu hậu, người dân nơi đây vẫn quen miệng gọi theo tên cũ. Dẫu sao, nhờ cái mả mà bà Lảnh được một khoản thu nhập đủ sống nhờ nhận chăm sóc, coi giữ, nhang khói vào những ngày sóc vọng…
Mả vô danh bỗng nhiên nổi tiếng kéo theo nhiều người vô danh khác cũng ăn theo, nương vào đó mà khẳng định mình. Tiêu biểu là ông Tân. Ông khẳng định rằng được cha mình kể lại chi tiết về người nằm dưới nấm đất kia. Rằng ông nội của ông Tân là người trực tiếp chôn cất cụ Phạm Kha và có một bí mật mà chỉ có ông mới biết. Rồi, cái bí mật ấy cũng dần hé lộ. Rằng khi chuẩn bị khâm liệm, thật ra là quấn vào chiếc chiếu xin được của làng, ông nội của ông Tân phát hiện ra một bí mật khi làm phép ngậm hàm cho người chết. Ông nội của ông Tân không muốn thấy người chết phải đi đến thế giới khác bằng tay không; tránh tà ma ác quỷ cướp đoạt và không bị đói nên đã cạy miệng bỏ vào đấy bảy hột gạo. Cũng vì việc làm này mà bí mật đã lộ ra. Trong miệng Cụ Phạm có ngậm một mảnh giấy. Có người ngạc nhiên hỏi ông Tân:
-Thế thì mảnh giấy không bị ướt à?
-Không! Nó được bọc một lớp sáp kỹ lưỡng.
-Ừ! Trong giấy viết những gì?
-Khi nội tôi bóc lớp sáp ra thì thấy một tờ giấy viết bằng chữ Nho và có đóng ấn son. Nhưng nội tôi không biết chữ nên chẳng biết người ta viết gì trong đó.
-Thế thì tờ giấy ấy đâu?
-À… à… Lâu rồi nên đã thất lạc.
Chi tiết này được ông Sương khẳng định là dụ mật của Vua Hàm Nghi gởi cho phong trào Cần Vương ở Bình Định và chính cụ Phạm Kha là người nhận nhiệm vụ mang sắc dụ đến lãnh tụ phong trào. Còn chi tiết việc ngậm sắc dụ vào miệng? Người đi đường, khi ngủ nghỉ, nơi an toàn nhất để khỏi mất là… trong miệng! Ôi, cụ Phạm Kha đã cẩn thận trong từng hành động. Ông Tân tin suy đoán của ông Sương và đi đâu cũng khoe việc ông nội của ông đã thấy sắc dụ của vua từ người của Phạm Kha, lại được kể vanh vách như chính ông chứng kiến và đã đọc. Còn dân ở Gò Sặt không một mảy may tin và cũng không quan tâm bất cứ một chi tiết nào về hành trình yêu nước của người nằm dưới mả kia. Chỉ biết rằng người đến làng dù họ là ai, sống hay chết vẫn được dân làng cưu mang, đùm bọc.
Lại như ông Phạm Mách, một người có gốc gác nhiều đời sống tại địa phương, cũng đến gặp ông Phạm Sương để nhận dòng tộc. Lý lẽ đưa ra rất vững chắc là cùng họ với nhau, nếu truy nguyên lên các đời cao tằng tổ khảo hoặc hơn nữa, sẽ chung một gốc. Họ Phạm sống khắp đất nước chỉ là cành nhánh của một gốc từ một cụ tổ họ Phạm mà sinh sôi nảy nở. Thế thì ông Phạm Mách có họ hàng dây mơ rễ má với ông Phạm Sương là đúng rồi. Xác định thứ bậc trong họ là căn cứ vào tuổi. Ông Mách nhỏ tuổi hơn nên chịu làm em. Các công việc liên quan đến họ hàng, chủ yếu là gắn với cái mả, thì được giao cho ông Mách quán xuyến. Mỗi lần có người đến thăm viếng mồ mả, ông Mách cũng thật sự bận rộn. Nhưng bù lại, thằng Vẹn, đứa con trai của ông Mách được dòng họ cưu mang, xin được một việc làm gì đó trên thành phố. Nghe đâu bây giờ thằng Vẹn cũng oách lắm và thu nhập cũng khá, chấm dứt một thời lêu lổng, chọc phá xóm làng. Nhiều người cho rằng như thế là tốt. Vì thằng Vẹn học hành dang dở, không có việc làm; thường tụ năm tụ bảy với bọn vô công rỗi nghề trong xóm nhậu nhẹt, say xỉn, đánh lộn… đã mấy lần phải đưa đến chính quyền giáo dục, răn đe. Từ khi thằng Vẹn đi làm xa, bọn trẻ mất đứa cầm đầu để quậy phá, xóm làng thêm yên bình. Có người nhận xét “Khi có ông Sương vào nhận dòng họ và thằng Vẹn có việc làm trên phố thì quê mình bớt xảy ra những vụ ẩu đả của lũ trẻ hơn. Làng mình cũng được ăn theo phúc của họ Phạm…”.
Nhưng đâu phải chỉ có những người lam lũ đổi đời bằng sự láu cá của mình. Ông Phạm Thạnh là một doanh nhân thành đạt có nhiều cơ sở làm ăn ở các thành phố lớn, không còn hộ khẩu nơi địa phương vẫn tìm về nhận bà con với Phạm Sương. Ông khẳng định rằng được thành đạt như ngày hôm nay là nhờ cái mả của dòng tộc kia ngày một phát. Con cháu thành đạt phải biết ơn phúc đức ông cha để lại. Tiền bạc là của ngoại thân. Và ông xin được góp tiền của để cùng xây mả cho thêm hoành tráng bằng cách mua thêm những vạt đất chung quanh. Mả càng lớn càng thể hiện sự thịnh vượng của con cháu và quy tụ được vượng khí của trời đất. Một rẻo đất nông nghiệp cằn cỗi bỗng dưng được giá để trở thành thổ mộ. Ai cũng hả hê. Thằng Siêng chỉ bị xâm phạm một chút đất vườn để khuôn đất thêm vuông vức mà được nhận một lô đất nhà ở. Câu nói người xưa phúc bất trùng lai chỉ đúng với người sống. Còn người chết dưới mả kia phúc ngày càng được vun đắp. Ông Thạnh cũng năng về quê hơn. Trong lúc trà dư tửu hậu, nhiều người khẳng định nếu cái mả kia cứ là mả ăn mày thì dân Gò Sặt quên mất trong làng có người thành đạt là ông Thạnh. Đúng là cái mả kia nằm trúng chỗ tụ khí nên có sức cuốn hút mọi người tụ họp lại; bất kể giàu nghèo, quyền chức hay thường dân, thành đạt hay thất bại…
Một thời, đi ngang qua mả ăn mày, mọi người đều sợ sệt những nỗi sợ mơ hồ về những oan hồn trong đêm vắng, ngày buồn hiện lên đùa cợt, trêu ghẹo. Rất ít người dám đi ngang qua đó một mình. Nếu không có người đi cùng thì trong tay phải có vật gì khua khoắng gây tiếng động nhằm át nỗi sợ hãi. Bây giờ, người ta cũng sợ nhưng sợ cách khác. Khi những chiếc xe hơi bóng lộn, cùng với những người mặc áo vét tề chỉnh thường được đi kèm với vài người đại diện cho chính quyền địa phương. Những lá cờ đuôi nheo đủ màu sắc cắm quanh mả thật vui mắt nhưng có vẻ cách biệt với cảnh vật chung quanh. Như vậy, nói cho cùng thì cái mả kia chưa bao giờ là của Gò Sặt. Khi chưa có danh tính thì bị coi thường, ghẻ lạnh, sợ sệt. Đến khi đã có danh phận thì tự nó đứng riêng ra. Khi hèn, khi sang cái mả ăn mày chưa bao giờ chịu hòa nhập vào cuộc sống của Gò Sặt. Thế mà nó vẫn tồn tại. Có người còn dự đoán nó sẽ mở rộng và nâng cấp theo mô hình lăng tẩm nữa kia. Và ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra! Biết đâu chừng…
Cùng một sự việc xảy ra nhưng với người này thì thế này, với người khác thì thế khác. Mả ăn mày trở thành mả nhà yêu nước Phạm Kha đã khẳng định ở Gò Sặt rồi. Thế mà gần đây lão Phụng, một người Gò Sặt chính gốc nhưng lưu lạc bôn ba kiếm sống xứ người, về thăm quê nói như đinh đóng cột:
-Chẳng có người ăn mày, cũng chẳng có ông Phạm Kha nào dưới nấm đất kia đâu!
-Ôi trời, mả thiêng lắm… đừng nói linh tinh.
-Ừ, có thờ có thiêng có kiêng có lành. Cục đất nắn thành ông táo rồi phụng thờ mà…
Theo ông Phụng thì cái điếm canh xưa là của làng nhưng thường bị bọn trẻ chăn trâu phá phách phải tốn công sửa chữa nhiều lần. Các tuần đinh nghĩ ra cách dọa bọn trẻ bằng đắp một cái mả gió. Hồi ấy đất ở Gò Sặt không có giá như bây giờ và còn hoang vắng lắm. Khi cái mả ăn mày đã hình thành thì câu chuyện về người chết đường chết sá linh thiêng từ miệng các tuần đinh loan ra. Dân Gò Sặt tin sái cổ. Bọn trẻ chăn trâu lại vô hiệu hóa bằng những trò chơi trận giả bên mộ. Một số người tin rằng đắp cho người mất một nắm đất vừa là tình người, vừa để oan hồn khỏi phá phách. Cái mả tồn tại bao nhiêu năm là vì thế…
-Còn việc cụ Kha về tận quê gọi con cháu và có người ngoại cảm đã gặp vong cụ?
-À, chuyện đó chỉ thuộc về người có quyền thế và tiền bạc cùng với những kẻ ngoại cảm của thế giới siêu hình…
-Là sao?
-Là có thể biến không thành có…
-Vậy là…
-Là huyền sử của một gia tộc hình thành chứ sao?
Nói xong, lão Phụng ngửa mặt lên trời cười khơ khớ!

  Trở lại chuyên mục của : Ngô Văn Cư