Những Chiều Buồn
Truyện ngắn
Năm ngất ngưỡng bước vào nhà trừng mắt nhìn vợ đang giũa móng tay:
-Lại chuẩn bị… đi à?
-Thì ông cũng vừa về đấy thôi!
-Cứ trả treo…
-Thì ông hỏi tôi mới trả lời chứ.
-Đi hát à?
-Không!
-Đã có cơm nước gì chưa?
-Còn cơm từ trưa, ăn tạm đi.
-Trời,… vợ với con…
-Tưởng ông ăn uống với bạn bè rồi chứ.
-Chỉ nhậu suông thôi.
-Nghỉ đi! Khi về, tôi mua đồ ăn cho.
Nghe những câu đối thoại đại loại như thế, khó có ai hình dung ra đây là vợ chồng Năm và Hồng từng sống với nhau hơn hai mươi năm, đã có con lớn đang theo năm ba đại học, đứa nhỏ cũng vào năm nhất. Họ từng đến với nhau bằng tình yêu đích thực hay tương tự như thế. Khi ấy Năm bị phản đối kịch liệt cuộc hôn nhân mà cụ thể là người mẹ. Bà không chấp nhận người con dâu theo đạo công giáo khác biệt với phật giáo mà gia đình bà đang theo. Hơn nữa, cô dâu tương lai, theo bà, có lí lịch không rõ ràng về nhân thân. Đến bây giờ cũng chưa rõ ai là người cha đẻ, đó là điều khó có thể chấp nhận được. Còn Hồng thì rào cản lớn nhất là Năm ngoại đạo. Chỉ cần Năm chấp thuận làm lễ cưới ở nhà thờ là được. Những khó khăn ấy rồi cũng vượt qua bắt đầu từ người mẹ của Năm đột ngột qua đời. Họ hàng, đã chuyển hướng và vun quén cho cặp đôi để hai người thành vợ chồng. Còn với Năm, chuyện làm lễ cưới ở đâu cũng thế. Xong! Đâu vào đấy!
Chuyện bắt đầu có chiều hướng xấu khi Hồng sinh liền tù tì hai cô công chúa. Năm muốn thêm một đứa con trai còn Hồng nhất quyết với chữ không! Biết bao gia đình rất hạnh phúc với những đứa con gái đó sao? Vẫn biết thế, nhưng mỗi lần ngồi với bạn bè, Năm bị trêu chọc:
-Hãy biết an phận và quỵ lụy cho quen. Kẻo mai sau thằng con rể không giỗ bố vợ thì phải hưởng đồ cúng thôi. Sức vóc của mày không giành giựt được đồ ăn với bọn ma đói đâu, phải năn nỉ chúng để được phần. Nên bây giờ… bắt đầu…! Ha … ha….
Nghe mà giận đến tím người.
Rồi buồn!
Rồi mỗi buổi chiều, Năm làm vài ba ly để quên nỗi buồn. Riết rồi quen. Chiều nào không có chất men vào người thì nhớ. Lại tìm đến những thằng bạn thân để tâm sự. Nỗi buồn được theo men rượu chảy vào dạ dày, tan dần vào cơ thể. Đến khi không còn buồn nữa thì cơn giận lại đến, Năm thất thểu về nhà, trợn trừng với vợ con. Tiếng lũ bạn rượu còn văng vẳng. “Khi bước lên giường mày có lo? Nhìn hai bướm nhỏ một bướm to. Mai kia bướm nhỏ bay đi hết. Để lại cho mày một bướm to!” Nỗi buồn thì nuốt vào, nhưng tức giận thì phải nhổ ra ngoài. Năm đã trút nỗi tức giận ấy vào vợ con. Vợ là thứ người không biết đẻ. Người ta thì “có chim có bướm” còn mụ vợ của Năm chỉ biết có một bề mà toàn một lũ bướm vô tích sự. Năm tự chia chiến tuyến đối lập với vợ con; cố thủ và lối cư xử chỉ còn là sự hằn học vô cớ. Riết, vợ con ngại nói chuyện, tâm sự, cứ ngày càng tách biệt, xa cách, lạc lõng…
Sự chịu đựng của Hồng cũng có hạn. Không thể chịu mãi cảnh mỗi chiều lại nghe tiếng chì chiết, hằn học không đâu của chồng bằng giọng nhừa nhựa men rượu; cũng không thể đáp trả lại với chồng, nên mỗi khi Năm sắp về nhà thì Hồng lại tránh mặt đến chòm xóm, bạn bè xa gần tâm sự, đợi khi Năm ngấm rượu ngủ say mới về nhà. Nhiều buổi chiều ngồi lê với bạn như thế đã thành thói quen không thể thiếu được với Hồng. Năm thì rượu; Hồng thì chuyện trò. Những người đàn bà ngồi lại với nhau thì những câu chuyện sẽ không có điểm cuối, nhưng cuối cùng cũng đã đọng lại một kế sách cho Hồng sử dụng. Đó là, đợi khi Năm sắp về nhà thì Hồng đem son phấn ra trang điểm như sắp đi đến nới hẹn hò với ai đấy, nhưng cũng chỉ đến bè bạn tán gẫu, họa chăng lúc hứng lên cùng rủ đi hát hò… Những ngày đầu Năm mặc kệ. Tụi bạn rượu lại có chuyện để bàn tán.
- Vợ mày độ rày tút tát lại dữ quá hén!
- Thì đàn bà mà!
- Đàn bà có chồng mà chiều chiều lại chăm chút nhan sắc rồi ra khỏi nhà, cũng đáng ngờ…
-Ha… ha… ha…
- À há!
-Mình không thèm để ý đâu, mình tin vợ mình…
-Tao sẽ hiến kế cho mày. Một hôm đẹp trời nào đấy, mày hãy để chiến hữu lại chiến đấu còn mày hãy lẻn về nhà trinh sát…
-Lần nào tao cũng về nhà trước mà!
-Thì xem vợ mày đến những nơi nào…
Những góp ý nhanh chóng quên khi bữa nhậu tàn cuộc. Nhưng Năm thì không. Sự ngờ vực như một con rắn nhẹ nhàng len lỏi vào suy nghĩ của Năm, nó làm xói mòn niềm tin lẫn nhau. Cái điệp khúc Năm nhậu xong với bạn bè, hầm hầm về nhà để trút nỗi bực tức vào vợ nhưng căn nhà vắng hoe làm Năm thấm nỗi buồn và thấm rượu! Không thể làm theo đúng kịch bản bè bạn đã chỉ ra, Năm đã đi thẳng vào vấn đề. Rồi tiếp đến là những ngày tra hỏi, dằn vặt lẫn nhau vì hai vợ chồng mỗi người có một buổi chiều riêng. Nỗi nghi ngờ của Năm lớn đến nỗi có lần vặn hỏi vợ:
-Đi hò hẹn với thằng nào mà sửa soạn dữ?
-Ông đi chơi với những ai, tôi đâu có hỏi.
Năm nghẹn họng nuốt cục tức.
Cũng đã có lần Hồng đề nghị:
-Chỉ cần ông không tụ tập bù khú vào mỗi chiều thì tôi cũng ở nhà cho đầm ấm.
Đúng là tấm lòng người vợ muốn cho gia đình êm ấm. Nhìn sang các gia đình hàng xóm láng giềng, Hồng có một chút thèm muốn và ganh tỵ, mũi lòng. Chỉ cần Năm bớt đi những chiều rượu chè thì gia đình thật hoàn hảo. Có lần, Năm đã thực hiện nghiêm túc nhưng đâu được mươi ngày thì lại bị chế giễu:
-Ở nhà giữ vợ phải không?
Máu sĩ bùng lên và Năm lại cùng với bạn rượu quên đời…
Hồng nghĩ đến ngày xưa mà nhớ đến những ngày vui sống tuyệt đẹp!
Bây giờ, chiều nào cũng thấy chồng thất thiểu không còn ra dáng con người… mà thấy tẻ nhạt.
Mình tô son điểm phấn ra đi mỗi chiều để chồng tỉnh ngộ nhưng đành bất lực, sống trong cảnh đồng sàng dị mộng… Không biết tình cảnh này kéo dài đến bao giờ. Hai vợ chồng đang đi trên một con đường nhưng không nhìn cùng một hướng. Hồng bế tắc, không biết cách nào làm cho Năm tỉnh ngộ.
Nỗi buồn lớn nhất hiện nay của Hồng là nhiều người cho rằng Hồng đã có nhân tình nhân ngãi nên Năm mới bỏ mặc đời mình như thế.
Rồi, chiều nối tiếp chiều, người son phấn lòe loẹt, kẻ thất thiểu tàn tạ; người phí rượu, kẻ phí son phấn chạm mặt trong một ngôi nhà mà tự thấy mình lạc hậu, yếu hèn, nhu nhược.
Thêm một buổi chiều không vui!