NGÔ VĂN CƯ


NHUỘM XANH MỘT NỖI U HOÀI
(Đọc Mãi vẫn còn xanh của Lý Thành Long)



 
Tôi quen biết Lý Thành Long khi làm tuyển tập thơ cho một Câu lạc bộ thơ cấp… địa phương! Rồi sau này cùng sinh hoạt ở Hội VHNT tỉnh dù không cùng chuyên ngành nhưng vẫn đọc thơ nhau. Và bây giờ, trên tay tôi là tập thơ in riêng nhỏ xinh của Lý Thành Long: MÃI VẪN CÒN XANH! Tập thơ gồm 59 bài thơ ngắn gói gọn trong 88 trang do NXB Hội Nhà văn cấp phép năm 2019. Xin có một vài cảm nhận:
 
Mãi vẫn còn xanh một tiếng thơ hoài cổ
 
Ai cũng có một miền ký ức để trở về, để trú ẩn khi lòng thấy thiếu an yên, và khi đọc thơ Lý Thành Long ta cũng bắt gặp tác giả quay trở về ngày xưa của mình. Cái ngày xưa ấy là những ngày yên bình cùng người mẹ dấu yêu tung tăng trên con đường làng quen thuộc, và cũng từ đó, tác giả bước đầu chọn con đường phải – trái của mình: Con đường này/ ngày xưa/ mẹ/ dắt tôi đi/ Thầm thì bên tai mẹ nhắc/ nhớ nghe con/ phải - trái của con đường.(Con đường)
Con đường mà tác giả chọn là trở về với Bên trang thơ cổ, bởi chỉ trong di sản của nhân loại được sàng lọc qua thời gian ta mới thấy cuộc sống thi vị hơn, đáng yêu hơn trước sự xô bồ của xã hội hiện đại. Những hình ảnh nước trời trong vắt, nắng ngàn dâu, gió lùa, bể rập rờn… chỉ có thể tái hiện lại khi: Ta trở về bên bát nước ngày xưa/ Hớp cùng nhau ngụm nước trời trong vắt/ Nắng ngàn dâu gió lùa xanh mút mắt/ Bể rập rờn thanh thót bóng câu (Bên trang thơ cổ)
Về với ngày xưa đâu chỉ là về với những kỷ niệm yên bình nơi quê nhà với các mối quan hệ thường ngày, mà còn học ở người xưa những niềm cảm khái, ý chí, nhân cách sống:
Câu chí cả người xưa còn đó
Giọng ngân rung sóng sánh Hồ trường
(Cảm tác Hồ trường)
Với sự nhạy cảm của người nghệ sĩ, Lý Thành Long như còn thấy một thời vàng son mơ màng của Đường thi; như còn thấy đâu đây bóng dáng của bến Tầm Dương, của Hoàng Hạc lâu, của thành Cô Tô, của chùa Hàn San. của vũ khúc nghê thường… bàng bạc trong từng câu chữ: Vẫn còn đây/ một trời sương khói/ Ngàn năm /phảng phất/ bóng Đường thi (Nhớ khúc Tỳ Bà hành)
Và từng thân phận mỗi nhà thơ là một bi kịch để muôn đời sau nhìn vào mà vui buồn: Ngàn năm mặt bể còn cau/ Mai sau/ ai biết/ mai sau… có buồn/ Lời thơ mệnh phận cánh chuồn/ Thèm chao mặt nước gọi luồng mưa sa (Cảm Lý Bạch)
Tất cả rồi sẽ qua đi, còn lại chăng là những vần thơ nhân văn với tâm trạng đau đáu về nhân tình thế thái:
Sương tan
Nắng tan
Tất cả rồi tan
Còn giọt thơ đọng lại
Ngất ngây một loài hương dại
Cái gam màu thời gian!
(Huyền thoại người thơ – tưởng nhớ Văn Cao)
Đọc thơ Lý Thành Long ta thấy một nét cổ xưa hiện về nhưng vẫn không thoát ly với thực tại. Mà xét cho cùng thì nhà thơ nào chẳng hoài cổ, tuy nhiên với Lý Thành Long thì mật độ dày đặc hơn, nhưng dẫu đắm mình trong không khí xưa tác giả vẫn không quên gởi gắm tình cảm mình vào quê hương, gia đình, bè bạn…
 
Mãi vẫn còn xanh tình cảm quê hương, gia đình
 
Tình yêu quê hương bắt đầu từ tình yêu gia đình, mà cụ thể là người mẹ tảo tần, chịu thương chịu khó vì chồng vì con. Hình ảnh người mẹ được ví như hình ảnh con cò là rất quen thuộc và ước lệ nhưng trong thơ của Lý Thành Long thì người mẹ mang một thông điệp mới:
Đã xa… xa lắm, một thời
Con cò gánh gạo khóc lời nỉ non
Bây giờ cò gánh theo con
Tìm chồng tận bến cùng non cuối trời
Đắng cay nhận lấy một đời….
(Mệt nhoài)
Bởi người mẹ như giếng làng luôn cung cấp nước ngọt lành làm dịu cơn khát khi: Con về hớp ngụm giếng quê/ Như sà vào mẹ hả hê nỗi niềm (Giếng quê)
Mẹ là nguồn nước ngọt vô tận cho con. Còn người vợ chính là hương hoa, là nguồn sống, là một nửa cuộc đời của chính mỗi chúng ta. Ở Lý Thành Long có một nửa cuộc đời đã là quá khứ để tác giả nghĩ: Yêu em một đời không hết/ Sợ từng giọt nắng xanh xao/ Giao thừa không mong được tết/ Để môi em thắm ngọt ngào. (Tơ tóc) Hoặc gởi gắm trực tiếp tình cảm vào một nửa yêu thương: Bóng em trong chiều nắng quái/ Càng thương gió sớm cuộc đời/ Vẫn luôn nụ cười con gái/ Trao đời anh tuổi đôi mươi (Xuân đời- Tặng Thiên Lý)
Nặng lòng yêu thương, chung thủy với tình yêu là một nét đáng yêu trong thơ của Lý Thành Long. Có lẽ do tình yêu lứa đôi được tác giả gắn với tình yêu quê hương, tình yêu làng xóm hay là bắt nguồn từ tình yêu quê hương, làng xóm mà tác giả yêu người con gái mang dáng dấp quê kiểng:
Yêu em yêu cả hồn quê ấy
Mỗi bóng dừa xanh một mảnh vườn
Thoáng bóng con đò tay nón vẫy
Vi vu câu hát miền thùy dương
(Hoài niệm phố xưa)
Khoảnh khắc của tình yêu cũng chính là thiên thu của một đời người. Phải chăng mỗi người một công việc, một cách nhìn cuộc sống riêng, một khoảng trời riêng… nhưng chỉ cần một sát na hòa hợp là thiên thu gắn bó. Có lẽ đó là sự kỳ diệu của tình yêu?
Đằng sau gốc me già, một ánh nhìn về quá khứ
Tôi hướng về phía chân trời trên đôi cánh phù du
Em lật gỡ từng nụ cười xếp cất trong thớ vỏ
Tôi nhặt từng giọt mi buồn rớt từ đầu hạ sang thu
(Khoảnh khắc và thiên thu)
 
Mãi vẫn còn xanh một đời người, một đời nghề
 
Lý Thanh Long là một nhà giáo, tưởng đâu sẽ gắn bó hết đời với nghề, nhưng bất ngờ, nửa chừng lại rời bục giảng để đợi chế độ hưu trí. Học sinh. Bảng đen. Phấn trắng. Sân trường… Tất cả đã trở thành quá khứ mà mỗi lần nhớ đến không khỏi gợn lên nỗi bâng khuâng, gợi lên niềm nuối tiếc cái duyên bục giảng một thời gắn bó:
Hai bảy năm một giấc mơ
Cái duyên bục giảng tình cờ tạt qua
Ngỡ là chút mặn phù sa
Ngờ đâu cả Máu – Hương hoa – Kiếp người
Dẫu đi chưa trọn một đời
Dẫu còn bỏ dở nụ cười xa xôi
(Véo von tiếng hát chưa mòn)
Một thầy giáo có tâm hồn nghệ sĩ nên khi vừa rời bục giảng thì Lý Thành Long đã miệt mài với các làn điệu dân ca bài chòi, với những cây đàn truyền thống và đã đạt nhiều thành tựu qua các cuộc hội diễn từ địa phương đến trung ương. Được di chuyển nhiều, gặp nhiều tầng lớp người, nghe được nhiều tâm sự, cảm nhận được nhiều tâm trạng chính là chất men để tác giả rung lên những cung bậc tình cảm:
Giữa bao nhập nhằng u uất
Rung lên tiếng hát tim mình
Lặng nghe nhịp đời chìm khuất
Bên trời cánh gió lung linh
(Bể đời hư thực)
Đây là một hiện thực mà tác giả như một phóng viên ghi lại sau cơn lũ nhưng ta thấy đầy ắp tính nhân văn: Cơn lũ đi qua/ Người ta liệt kê những thiệt hại/ Sẻ chia tiếp nối sẻ chia/ Tình người đọng lại (Cơn lũ đi qua)
Và đây là một đám ma tác giả bắt gặp trên đường rồi rút ra một nhận định về cuộc đời vô thường, hạnh phúc và khổ đau luôn tồn tại trong ta: Đám ma ngang qua đám cưới/ Tiếng kèn đưa tang chạm với tiếng nhạc rộn ràng/ Đời hợp – tan trong từng thời khắc/ Cuộc sống sinh sôi từ nụ cười và nước mắt/ Cứ hồn nhiên qua (Đám ma). Nhưng Lý Thành Long không hề bi quan, không bi lụy vì đã nắm được quy luật sinh diệt của mọi vật:
Dằng dặc cuộc đời trong khoảnh khắc
Ấm nồng lửa bọn chút tàn tro
Tầm Dương bến cách còn xa lắc
Thấp thỏm bờ vui cứ gọi đò
(Xa lắc)
Nhưng trên hết vẫn là những điệu nhạc cổ mà một đời Lý Thành Long đam mê đeo đuổi. Cũng từ các cung bậc nhạc xưa nuôi dưỡng mà tác giả đã để lại cho đời những vần thơ đầy ắp tâm trạng, đầy ắp tình người:
Khúc Chầu Văn sơn son
Điệu Kim Tiền thếp vàng
Ai chạnh lòng non nước
Mà day dức ngập tràn
Bến Văn Lâu ai sầu ai cảm
Mà câu hò mênh mang… mênh mang…
(Ca Huế trên sông Hương)
Bài đã dài, và tôi xin được nói ở đây rằng, nếu tác giả bớt đi những hình ảnh ước lệ, sáo mòn thì tập thơ sẽ “mới” hơn, hấp dẫn hơn; nhưng dẫu sao ta cũng ghi nhận đứa con tinh thần của Lý Thành Long phản ánh được con người của tác giả và cuộc sống. Tôi tin tập thơ sẽ mãi vẫn còn xanh  với thời gian như một đoạn thơ của chính tác giả:
 
Hôm nay và mãi xưa sau
Trời quê xứ Nẫu xanh màu câu thai
Mùa theo cánh én vươn dài
Bóng người đứng giữa núi đồi hoang sơ
(Trước đền thờ Đào Duy Từ)
Và mượn lời tác giả để khép lại bài viết này:
Tay bưng dĩa muối chén gừng
Chút duyên nồng mặn ai đừng bỏ ai
….
Chút duyên ai ghép nên vần
Chớ làm môi nhạt mà lần lửa hương
(Chút duyên)
Ngô Văn Cư


  Trở lại chuyên mục của : Ngô Văn Cư