NGÔ VĂN CƯ
 
THƠM NGON RAU DẠI
Tản văn
 
Không hiểu sao những loại rau dù có tên hay không tên, được trồng hay mọc hoang khi gộp vào nhau đều được gọi chung là rau dại, rau tập tàng. Chúng mọc riêng lẻ ngoài bờ rào, bãi hoang thì rau sam, rau má, rau dền, mồng tơi… nhưng khi đã ngắt vào rổ thì mang một tên chung là rau tập tàng. Rau dại dễ mọc, dễ sống, dễ sinh sôi nảy nở nhờ dinh dưỡng của đất mẹ và tưới tắm khí trời. Trong mỗi bữa ăn của người nhà quê thường có đĩa rau, tô canh tập tàng khiến bữa cơm đạm bạc nhưng ấm áp yêu thương.
 
Có lẽ mọi người yêu quý rau tập tàng bởi chúng vừa thân tình, gần gũi vừa làm thức ăn vừa là thêm vào cơ thể những vị thuốc quý từ tự nhiên theo kinh nghiệm dân gian. Ở vùng đất ẩm ướt ven đường, kênh rạch, ao hồ, bờ ruộng, ta có thể dễ dàng tìm thấy rau sam, rau má, cải bay, mồng tơi dùng làm rau sống, rau luộc, nấu canh… Chúng góp phần làm giàu giá trị dinh dưỡng cho bữa ăn còn là vị thuốc quý ngừa và trị nhiều chứng bệnh. Cũng có thể sức sống mãnh liệt của rau dại mà mọi người yêu quý chăng? Mùa mưa, nước ngập ruộng vườn; nước làm thúi đất; gió làm ngã cây, xác xơ cành lá nhưng những đám rau dại vẫn cố bám lấy đất để đâm chồi, nẩy lộc. Rau dại như người dân quê tôi sinh ra trong nghèo khó nhưng vẫn phải biết vươn lên mạnh mẽ trước sóng gió cuộc đời mà tồn tại. Nó mang trong mình hồn cốt của quê hương, gần gũi với con người từ bữa ăn đến đời sống hàng ngày.
 
Nếu hôm nào nhà có mớ tép hoặc cá rô đồng, chắc chắn má sẽ hái một rổ mồng tơi mọc bên bờ rào. Bữa cơm hôm ấy sẽ có một nồi canh nóng hôi hổi, xanh ngát màu mồng tơi! Có khi, không cần đến thịt cá, chỉ một ít đậu phộng với mồng tơi vẫn xanh tươi nồi canh giản dị mà đầy đặn. Nếu có một khúc thịt heo ba chỉ thì hẵn sẽ có một đĩa lá mơ lông và chén mắm ruốc ăn kèm. Vậy là ngon đến tận chân răng. Hồi nhỏ, tôi thích theo má hái rau và trong rổ của tôi đủ các loại rau dại mà má phải nhọc công lựa ra để có bát canh rau tập tàng và đĩa rau sống tươi roi rói trên mâm cơm. Và chút hương vị chan chứa tình của làng quê qua món rau dại đã lan tỏa trong mỗi thành viên gia đình. Nghĩ về rau dại, ký ức của tôi hiện lên những ngôi nhà tranh, vách đất dọc theo những con đường lầy lội bùn đất, nước vàng phèn chua khi mùa mưa; bụi bay mù trời trong gió mỗi khi nắng gắt!
Má tôi gọi canh rau dại là canh tập tàng. Càng có nhiều loại rau nấu lẫn vào nhau thì nồi canh càng ngon ngọt. Canh rau tập tàng không kén chọn món nấu cùng, thường là nấu suông nhưng cũng có thể cho vào nồi canh mớ tép đồng, chút riêu cua là đủ cảm thấu hương đồng gió nội, ngon đến khó quên vì mùi vị rất riêng, rất đặc biệt. Vào những ngày hè, có bát canh rau tập tàng nóng hổi chan vào chén cơm lúa mới dẻo thơm, ta nghe hương vị đồng quê thấm qua kẽ răng, đầu lưỡi. Mỗi thứ rau sở hữu trong mình một mùi, một vị riêng, làm nên sự tổng hòa mùi vị đến khó tả. Ta hiểu thêm người nhà quê rất sáng tạo và linh hoạt trong cách chế biến thức ăn từ những gì sẵn có. Dĩ nhiên rau dại là món ăn của nhà nghèo nên ít khi có mặt trên mâm cơm đãi khách. Nhưng giờ thì, canh tập tàng, rau tập tàng bỗng trở thành đặc sản đi vào các hàng quán sang trọng khi nấu cùng cua đồng, tôm nõn, thịt băm, mà giá cả cũng không hề rẻ. Tô canh tập tàng trong nhà hàng không còn giữ bản chất của món ăn nhà nghèo nữa, mà nó trở thành món ắn của nhà giàu vì nó quá tốn kém và đắt tiền, dẫu rằng nó ngon hơn tô canh rau tập tàng nấu suông!
 
Ẩm thực của người Việt không thể thiếu món rau, món canh dù là bữa ăn thường ngày hay lúc tiệc tùng, cũng giỗ; dù dưới mái tranh nghèo hay nhà hàng sang trọng. Riêng món rau tập tàng trong bữa cơm nhà nghèo là tận dụng những thứ có sẵn nơi ruộng vườn cho qua bữa; còn ở nhà hàng là một kiểu muốn thưởng thức hương vị đồng quê đã dần đi vào quên lãng. Nhưng dù ở đâu, món rau tập tàng tuy dân dã nhưng bổ dưỡng, cung cấp nhiều loại vitamin có lợi cho cơ thể. Mỗi loại rau là một vị thuốc dân gian quý. Rau mơ giúp hạ nhiệt, lợi tiểu; rau má, mồng tơi giải độc, giải nhiệt, giúp gan phổi thêm mạnh khỏe; rau ngót cung cấp vitamin; lá mơ nhuận tràng và trị kiết lỵ… Thật là một loại “thực phẩm chức năng” bổ sung dưỡng chất cho cơ thể mà còn thanh mát cho những ngày nắng nóng nữa.
 
Sau những ngày thừa mứa rượu bia, cỗ bàn khiến ruột gan cồn cào, sao chẳng tìm đến một bát canh rau tập tàng để mát lòng và nhẹ bụng? Hay đơn giản là chan canh tập tàng vào chén cơm trắng để tìm về kỷ niệm một thời gian khó đã qua!

  Trở lại chuyên mục của : Ngô Văn Cư