NGÔ VĂN CƯ

 

Dấu Xưa Nơi Đất Cổ

Tản văn
 
 
Chỉ cách thành phố Quy Nhơn phía hướng bắc khoảng 25 km là đến với thị xã An Nhơn, nhưng nơi đó thuộc một vùng đất rất khác; vùng đất hội tụ nhiều ngành nghề thủ công truyền thống và món ăn dân dã. Nhưng nếu đi thêm khoảng 5 km nữa thì ta sẽ gặp ngọn tháp Cánh Tiên cao sừng sững trên đồi, thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, nơi từng là kinh đô của vương quốc Chămpa từ năm 999 đến năm 1471. Tháp Cánh Tiên là công trình trong khu vực thành Đồ Bàn còn nguyên vẹn đến nay, được coi là tháp cổ nhất và đẹp nhất ở Bình Định. Năm 1982, tháp Cánh Tiên được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật Chăm. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì: “An Nam cổ tháp ở thôn Nam An, huyện Tường Vân, trong thành Đồ Bàn, tục gọi là tháp Cánh Tiên. Từ vai tháp trở lên, bốn phía đều giống như cánh tiên bay lên nên gọi tên ấy”. Nhưng mỗi khi nhìn tháp, chúng ta có cảm giác như mỗi tầng tháp là hình ảnh những cánh chim đang chớp cánh bay, gợi sự tưởng tượng huyền bí mà người đời đặt tên tháp là Cánh Tiên. Những nét hoa văn độc đáo của tháp xin dành cho các nhà nghiên cứu nhưng khách tham quan vẫn bị cuốn hút vào những hình chạm trỗ hình đuôi phụng; hình thủy quái với vòi dài, nanh nhọn khiến cho tháp thêm phần huyền bí.

Nơi đây, thành Đồ Bàn, từng là trung tâm chính trị, hành chính của vương quốc Chăm Pa. Thành Đồ Bàn do vua Chiêm Thành Ngô Nhật Hoan xây từ thế kỷ thứ X, còn tháp Cánh Tiên được xây dựng vào thế kỷ thứ XII, dưới đời vua Chế Mân. Phải chăng, đây là ngôi tháp Chế Mân dành tặng hoàng hậu Huyền Trân công chúa, người con gái Việt cao quý đã cùng ông kết mối lương duyên lịch sử. Tưởng không quá khi nói rằng : Cưới Huyền Trân, sính lễ của Chế Mân là hai châu Ô – Lý, còn tháp Cánh Tiên là sính lễ tình yêu mà ông dành tặng cho nàng. Nên đến với tháp Cánh Tiên là tìm về mối lương duyên ngoại tộc ngắn ngủi vì vị vua Chăm tài hoa sớm băng hà để nàng công chúa tài sắc chịu cảnh cô đơn như tháp cổ. Để bây giờ người dân quanh vùng còn nhắc: “Thành xưa đã lặn vào non/ Cánh Tiên còn đó, dấu son một thời...
Về thăm phế tích của kinh thành xưa như một cuộc dạo chơi thoát ra cái chật chội của đô thị, lòng nhẹ tênh khi đi qua những con đường làng có những hàng cây cao vói, những vườn chuối xanh tươi, những vườn rau mơn mởn, những đám ruộng chín vàng... để bất chợt gặp ngôi cổ tự lâu đời nhất ở Bình Định và không kém phần huyền bí: Chùa Thập Tháp. Chùa tọa lạc phía Bắc thành cổ Đồ Bàn, kinh đô của nước Chiêm Thành xưa, nơi từng có mười ngôi tháp Chàm cổ kính đã thành phế tích và nay không còn dấu. Nhưng gạch của mười ngôi tháp ấy đã hóa thân thành chùa Thập Tháp. Từ lâu chùa đã trở thành danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Bình Định, thu hút nhiều khách thập phương về hành hương, cúng tế, lễ bái hoặc tham quan, khảo cứu vì đây là ngôi cổ tự xưa nhất ở miền Trung còn giữ nhiều hiện vật liên quan đến Phật pháp và phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Chùa nằm khuất trong vườn cây cổ thụ sum suê cành lá và quanh năm đắm chìm trong mầu xanh của ao đầm, của cây cỏ.

Đến với thị xã An Nhơn của miền đất võ, ta đâu chỉ gặp những nét cổ kính với những cảm xúc thích thú và khoảng khắc đáng nhớ; đâu chỉ gặp: “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái” mà còn có cả bún song thằn An Thái để có câu ca không kém phần nổi tiếng “Nón ngựa Gò Găng, bún song thằn An Thái”... Bây giờ, ta không còn nghe tiếng lộc cộc của tiếng xe ngựa nữa. Vật đổi sao dời, và có lẽ nhiều người sẽ khó hờ hững khi đến An Nhơn vì những địa danh như bến My Lăng đã đi vào thơ Yến Lan; rượu Bàu Đá ở Nhơn Lộc được xếp vào hàng mỹ tửu; làng gốm Vân Sơn, làng tiện gỗ mỹ nghệ ở Nhơn Hậu; làng rèn Phương Danh, làng đúc đồng Bằng Châu (Đập Đá)... đã thành một nét văn hóa của nột vùng đất. Đi một vòng An Nhơn ta sẽ thấy những cây hoa mai lâu năm bên cạnh những chậu hoa đang cắt tỉa  ở các thôn Háo Đức, Thuận Thái,  Thanh Liêm... đã làm nên thương hiệu “Mai vàng Nhơn An” khiến cho không gian lúc nào cũng ngập tràn sắc xuân.

Đến An Nhơn, có thể dừng chân bất cứ nơi nào thích. Chỉ cần đi vào các con đường nhỏ là gặp những ngôi nhà còn giữ nét cổ kính, giữ lại vẻ đẹp của một làng quê cổ. Chỉ cần đi vào một khu vườn là gặp sự thanh bình, yên ả; một không gian khác của một thị xã năng động đang vươn mình hòa nhập vào cuộc sống hối hả, hiện đại. Chỉ cần vào một ngôi nhà là gặp sự niềm nở, hiếu khách của chủ nhà chân chất, cần cù. Chỉ cần đến với An Nhơn là ta được hòa mình vào những điều xưa cũ, cổ kính; được rủ bỏ những muộn phiền đời thường và thấy cuộc đời này vẫn sẽ tươi đẹp rất nhiều.
Thỉnh thoảng ta lại đến An Nhơn, ghé vào quán cà phê nào đó, để có cảm giác được về một chốn thân quen...                                                     
 
 

 
  Trở lại chuyên mục của : Ngô Văn Cư