NGÔ VĂN CƯ


NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU NHƯ SÓNG
(Đọc tập thơ SÓNG của NHƯ HOÀI)


                                           
Tôi biết Như Hoài trong buổi ra mắt sách của một bạn văn tại Nha Trang năm 2017; nhưng đến năm 2019, tôi mới quen nhau cũng trong một lần dự trại sáng tác tại Nha Trang. Một cô gái nhỏ nhắn về hình dáng, nhẹ nhàng trong lời nói, dịu dàng trong giao tiếp... lại là tác giả tập thơ SÓNG với hình bìa dữ dội của họa sĩ Lê Duy Khanh. Tôi có thói quen là xem mục lục và đếm bài trước khi đọc nội dung; đó cũng là cách ước lượng thời gian đọc. 60 bài thơ và 9 bản nhạc phổ từ thơ Như Hoài cùng bài tiểu luận phê bình của Nguyễn Thị Phụng trong 110 trang sách khổ 13x20 được nxb Hội Nhà văn cấp phép tháng 4/2010 là vừa sức đọc của tôi trong... một đêm! Nhưng sợ bài tiểu luận dẫn dắt, định hướng và giai điệu nhạc mê hoặc nên tôi chỉ đọc phần... thơ!
Gấp tập sách, tôi cứ ám ảnh bởi người đàn bà đang yêu trong thơ Như Hoài. Người đàn bà nào chẳng cháy hết mình khi yêu nhưng có mấy ai dám bộc bạch cái “sự cháy” ấy của mình. Người ta gọi chung chung là nữ tính. Như Hoài lại tách riêng ra khỏi cái thường tình nhi nữ ấy:
“Đã xanh xanh lá càng xanh
Đã yêu yêu hết chòng chành trong nhau”
(Đành)
Như một tuyên ngôn về tình yêu; sống và yêu đến kiệt cùng. Không hề có sự nửa vời. Đã yêu ai thì yêu cả trái tim của mình chứ không phải như một nhà thơ nổi tiếng viết: Trái tim anh đó - Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ: Anh dành riêng cho...” (Tố Hữu). Cũng đâu cần phải giống một ai đó, tựa vào một kiểu yêu đương nào đó... Thế thì đâu có một Như Hoài:
“Còn say nước mắt
Còn khát bờ môi
Còn nghe chua chát
Còn nhau bên đời
Còn nhận còn biết
Còn ta đấy thôi!”
(Còn nhau bên đời)
Vậy mà, tôi đã bắt gặp một Như Hoài biết “chia” tình yêu của mình. Ôi, không phải! Tác giả chỉ ôm một “nửa” “chòng chành, chơi vơi” để mà “đắm đuối”, để mà “díu dan”, để rồi ôm một mối tình “đau”! Đọc thơ, ta ngỡ rằng tác giả đã chia nhỏ những cung bậc tình cảm nhưng “lật ngược phía sau từ ngữ” ta thấy Như Hoài lại nhân lên:
“Nửa chòng chành nửa chơi vơi
Nửa đắm đuối nửa lung lơi cuộc tàn
Nửa vòng ôm nửa díu dan
Nửa say nửa tỉnh nửa vàng vọt đau”
(Nửa)
Đâu chỉ hết mình vì tình yêu là được tình yêu đáp trả, được hưởng hạnh phúc bên người mình yêu, được chiều chuộng, được đi trên thảm hoa hồng! Người đang yêu là người sống đủ cung bậc tình cảm cộng với sự nhạy cảm tinh tế của người thơ khiến cho lòng yêu kia khó mà không thốt lên lời hờn dỗi:
 
Em thôi không viết thơ tình nữa
Vì rằng không thể nhói tim anh
Cũng thôi say khúc tình dang dở
Thôi đắm mình vào cõi mông mênh
(Em thôi không viết thơ tình nữa)
Không viết thơ tình nữa ư? Đâu dễ thế! Con tim vẫn dào dạt tình yêu thì thơ tự nó bật ra như ta hít thở khí trời, như nhu cầu đói ăn khát uống... và, người thơ thì sống bằng quá khứ, bằng hoài niệm:
Rồi chiều dừng chân gối mỏi
Giật mình nẻo gió mong manh
Thương ai cảnh cùng lữ thứ
Chạnh lòng ta gót độc hành
(Và... chiều nay nghe nhớ phố)
Dẫu cho “Duyên ai phận nấy cả rồi/ Còn mong chi những đổi dời mà mong” (Cho đi sợi nắng gầy), người thơ vẫn cứ vớt vát một hy vọng nhỏ nhoi:Vậy em muốn hỏi trái tim kia bé nhỏ/ Có ngăn nào anh dành chỗ cho em?” (Trái tim nhiều ngăn); hay là một lời tưởng chừng như cầu xin: “Anh đừng như phố dửng dưng/ Bỏ em thơ thẩn bước chân vô hồn” (Dửng dưng). Tôi nghĩ đây là tình cảm rất đàn bà, thường tình mà da diết và chính đáng! Đâu phải thế là yếu mềm; mà muốn giữ hạnh phúc cho chính mình. Chỉ có tình yêu và tấm lòng vị tha của người vợ mới mang hạnh phúc đến người đàn ông được yêu: “Bao giờ anh hết thương đau/ Về đây tay gối tựa đầu với em” (Tay gối tựa đầu).
Đọc thơ Như Hoài, tôi thích cái thật tình, bộc trực, không màu mè, không làm dáng trong tình yêu... đến trần trụi:
Em cũng từng có nghĩ
Về cuộc sống hôn nhân
Về nghĩa vợ tình chồng
Và vô vàn thứ khác
(Từ những gì có thể)
Nghĩ ngợi gì? Như Hoài đã là người vợ trong một ngôi nhà đã từng đầy ắp tiếng cười hạnh phúc. Cho dù có “chờ đợi”,  có “hờn dỗi”, “héo hắt” thì cuối cùng thì “môi cười” rạng rỡ:
Rồi thì ta lại có với nhau
Ngày nắng... ngày mưa... ngày chờ đợi!
Ngày không anh, ngày ta hờn dỗi
Xao xanh trong héo hắt môi cười
(Phố nắng)
Người phụ nữ và cả người đàn ông, dù có làm gì đi nữa vẫn là để có một gia đình hạnh phúc. Ta sẽ chỉ còn con số không tròn trĩnh và không thể nói là thành đạt khi sống trong một gia đình không trọn vẹn. “Thê thằng, tử phược” được Như Hoài “thơ hóa”:
Được làm vợ làm chồng đã là duyên
thêm các con thêm sợi dây gắn kết 
cho ta bao nồng nàn tha thiết
hay lắm khi niềm đau giá buốt
tất thảy đều là hạnh phúc của tình yêu!
(Hạnh phúc trong tình yêu)
Trong từng con chữ, ta cứ thấy người đàn bà yêu Như Hoài cứ dần dần đổ vỡ, không thể cứu vãn được. Có thể đây là bi kịch của nhà thơ:
Tự lúc nào không biết
Tình chẳng còn trong nhau
Tự lúc nào cũng hết
Lòng chẳng còn thương đau.
(Tâm khúc)
Nhưng đâu phải trong lòng nhà thơ đã hết yêu, đã hết hy vọng gương vỡ lại lành, tuy rất mong manh:
Có những ngày biệt ly
Mới đắm lòng da diết
Qua nhau mùa chia biệt
Mới dài nỗi chờ mong
(Màu thu)
Ai đã từng chia xa, từng không gần gũi được người mình yêu mới cảm nhận được cảnh “Gió chia rẻo gió tình tang/ Chạnh lòng cô phụ đa mang khối sầu” (Đông về). Tôi đã từng nhiều lần nghe đàn bà hát, nhưng cái sự hát say mê, phơi phới niềm yêu; chứ chưa một lần chứng kiến người đàn bà hát nghêu ngao. Đọc mà nhói lòng:
Người đàn bà một mình hát nghêu ngao
phía ngoài kia dòng sông đời lặng lẽ
dòng xuôi chảy không phân trần ngấn lệ
(Người đàn bà hát nghêu ngao)
Thôi thì cùng với nhà thơ mơ ước một giấc mơ lành nhưng dữ dội như SÓNG:
Gì gì đó cứ là tôi
Là tôi một kiếp cũng rồi cỏ xanh
(Là cỏ cứ xanh... là hoa cứ thắm)
Và, cuối cùng mượn chính lời của tác giả kết thúc bài cảm nhận sau khi đọc tập thơ SÓNG của NHƯ HOÀI này:
Giật mình chợt giấc cô đơn
Loanh quanh chiếc bóng vô thường ta ơi
Nẻo đời thoáng chốc vụt trôi
Nắm tay một vốc tình tôi vui buồn.
(Giấc tình)
Và bạn đọc nên tìm đọc tập thơ SÓNG mới có cái nhìn... khác tôi về các cung bậc tình yêu của Như Hoài!
Nói thêm, có người hỏi tôi, sao viết bài như thế này mà không nhắc đến thành tựu về nghệ thuật, nội dung tư tưởng của tập thơ. Xin thưa: Đó là chuyện của những nhà phê bình văn học, nhà viết tiểu luận văn chương... còn tôi chỉ là người đọc bình thường, đọc những điều mình thích; còn không thích thì... không đọc và  chỉ viết những điều mình... biết!
NVC
 
 


  Trở lại chuyên mục của : Ngô Văn Cư