NGUYỄN AN BÌNH
Trên Chuyến Xe Chiều Cuối Năm
Trên Chuyến Xe Chiều Cuối Năm
Tôi vào quầy lấy vé đặt trước qua điện thoại. Cô gái của hảng xe ở quầy hỏi tôi ba số cuối điện thoại rồi tra trên màn hình máy tính, hỏi tên sau đó xé vé xe trao cho tôi và ân cần nhắc nhở: Xe sắp rời bến chú ra xe luôn đi nhé, chúc chú có chuyến đi vui vẻ. Tôi nói cám ơn và gởi tiền vé rồi quẩy ba lô ra tìm chiếc xe có đề mã số trên tấm vé đang đậu ở ngoài bãi đỗ xe gần đó.
Bến xe Cần Thơ mới nầy đưa vào hoạt động không lâu, nó nằm trên tuyến đường tránh qua thành phố trung tâm miền Tây đi thẳng lên thành phố Hồ Chí Minh và xuống các tỉnh cực nam như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau nên mật độ xe cộ lưu thông tương đối thoáng đãng hơn trong nội thị. Không như ở bến xe cũ đặt tại đường 91B bây giờ là đường Nguyễn Văn Linh đã trở nên qua chật chội vì vừa sát chợ Hưng Lợi vừa gần khu dân cư lại đối diện với siêu thị lớn nên mật độ xe cộ, người tham gia giao thông đông đúc nên thường xảy ra ùn tắc nhất là vào những giờ cao điểm.
Không mất thời gian lắm cho việc tìm kiếm, tôi bước lên xe và ngồi vào chiếc ghế của mình. Xe còn thưa khách, lúc nầy tôi mới có chút thư thả để nhìn qua lớp kính trắng cảnh sinh hoạt của bến xe. Đã gần 7 giờ tối, đường đã lên đèn từ lâu, tôi thầm nghĩ về đến thành phố và bắt xe ôm đến nhà chắc không dưới 11 giờ đêm. Hôm nay đã là 22 tháng chạp rồi, ngủ một đêm sáng mắt ra đã là ngày 23, ngày mà theo tục lệ của người Việt Nam là tống tiễn đưa ông táo về trời để bẩm báo với Ngọc Hoàng chuyện một năm xảy ra ở hạ giới như thế nào và cũng là lúc các thành viên trong gia đình chuẩn bị dọn dẹp trang hoàng nhà cửa đón một cái tết cổ truyền của dân tộc, dù giàu dù nghèo ai cũng mong hưởng một cái tết đầm ấm bên cạnh sự có mặt đông đủ của người thân. Tuy vậy chuyến xe cuối chiều về thành phố vẫn còn đông khách cho cả hai loại xe có thương hiệu là TB và PT. Hành khách lũ lượt lên xe với túi xách gọn nhẹ của mình, cái gì cồng kềnh đều đã được gởi ở khoang hành lý dưới gầm xe hết rồi, một người đàn bà gương mặt không còn trẻ nữa, sáng sủa khá đôn hậu bước lên xe và ngồi vào chiếc ghế trống cạnh tôi, đặt dưới chân mình một túi xách nhỏ màu nâu đậm. Tôi lướt cái nhìn phớt qua gương mặt người ngồi bên cạnh có cảm giác đó là một người đàn bà hiền hậu rồi tiếp tục quay ra cửa kính nhìn cảnh nhộn nhịp của những chiếc xe đang chuẩn bị rời bến. Từ phòng bán vé của hảng xe PT vẳng lên tiếng nhắc nhở hành khách có mặt ở các chuyến xe sắp khởi hành. Một nhân viên của nhà xe lên kiểm soát chỗ ngồi, xe bắt đầu lăn bánh rời bến. Qua cầu vượt vào quốc lộ 1A hướng về thành phố.
Tôi lơ đãng nhìn hàng cây chạy ngả nghiêng ngược hai bên đường quốc lộ. Những vệt đèn vàng kéo dài, dòng xe nối tiếp ngược chiều nhau qua lại, tiếng còi xe loáng thoáng vang lên. Xe bắt đầu qua cầu Cần Thơ. Trên xe nhìn qua cửa kính chỉ thấy những ánh đèn thấp thoáng, không nghe được tiếng sóng rạt rào, tiếng gió thốc ràn rạt thịt da những khi đi phà lúc chưa có cầu nhưng tôi vẫn cảm nhận được một thứ tình cảm khó tả len vào tâm hồn. Cây cầu dây giăng bắt qua sông Hậu, cái mơ ước lâu đời của người miền Tây đã thành hiện thực từ lâu bỏ lại sau lưng nó cái thời đò ngang cách trở. Tôi chợt nhớ đến những chuyến phà đưa đón hành khách nhiều năm về trước trên dòng sông nầy. Ngày đó muốn qua sông Hậu chỉ có những chuyến phà 100 hoặc 200 nối hai bên bờ sông và phải mắt hàng tiếng đồng hồ hoặc hơn thế nếu là những ngày đông khách, mưa bão. Tôi đã nhiều lần qua lại những chuyến phà nầy khi trở thành kẻ buôn chuyến đường xa bất đắc dĩ trong những năm khốn khó sau ngày thống nhất đất nước. Cái thời bao cấp, ngăn sông cấm chợ, buôn một món hàng nào dù rẻ hay mắc, dù có giá trị hay không giá trị ngoài những mặt hàng quốc doanh, hợp tác xã đều là hàng lậu cả. Một thằng du kích ba lơn cũng có thể làm khó dễ người đi đường nếu nó nghi trong túi xách họ chứa hàng lậu. Có những đêm kẹt xe, tôi về tới bến trễ, phà ngừng hoạt động phải ngủ vất vưỡng trên xe chờ sáng, tôi thấm thía nhiều về những ngày chạy theo miếng cơm manh áo để nuôi mấy miệng ăn của cái gia đình nhỏ bé của mình. Tôi lại nhớ tới ngôi nhà cũ, mới đây thôi cũng đã trao qua tay người chủ mới đã năm tháng rồi còn gì. Trở về quê lần nầy cố gắng thu xếp những chuyện gì còn dang dở, cho tiền mấy đứa em hoàn cảnh còn khó khăn, thăm một vài thằng bạn chí cốt thường ngày lê lết cà phê cà pháo, uống dăm ly rượu, bia bọt với bạn bè văn chương, đi mà lòng sao cảm thấy buồn, nhớ không biết vì sao. Phải chăng khi ta rời bỏ những thứ gì hằng ngày gần gủi thân thiết bình thường ta không để ý tới, bấy giờ mới cảm thấy có chút gì hụt hẫng, buồn bã tiếc nuối ngậm ngùi. Thật ra khi vợ chồng tôi quyết định bán nhà về thành phố cũng là một cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt lắm đấy chứ nhưng cứ dùng dằng mãi. Cho đến lúc vợ tôi bị một cơn đột quỵ bất ngờ vì tắc động mạch não nhưng may cấp cứu kịp thời nên không để lại di chứng gì nặng nề cho lắm khiến tôi phải hối tiếc, chính điều nầy đã khiến tôi phải suy nghĩ lại và từ đó tôi ngộ ra một điều tuổi già đã xộc đến cận kề trước mắt rồi nên đồng ý theo lời đề nghị của thằng con tra i(mặc dù nó đã nói điều nầy với vợ chồng tôi mấy năm trước rồi) bán nhà lên thành phố sống chung với nó để khi đau ốm bệnh tật dễ xoay trở hơn. Con người ta sống gần suốt cuộc đời mình trên mảnh đất mình ra ra và trưởng thành với bao kỷ niệm không phải dễ dàng quên được thì khi dứt áo ra đi, vô hình chung bứng họ ra khỏi vùng đất đã từng cưu mang đùm bọc họ, nơi gắn bó những tình cảm gia đình, nơi lưu giữ những khổ đau và những hạnh phúc thì làm gì họ không có chút hụt hẫng, chao đảo trong tâm hồn và thể xác kia chứ.
- Anh về thành phố không ghé lại dọc đường?
Người đàn bà ngồi bên cạnh chợt lên tiếng.
Tôi liếc nhìn qua chị:
- Vâng! Thưa chị.
- Anh là người thành phố?
- Thưa không. À! Mà cũng có thể nói như vậy.
Người đàn bà quay sang nhìn tôi có vẻ dò xét:
- Anh nói gì tôi chưa hiểu rõ cho lắm.
Tôi cười nhẹ:
- Quê tôi ở đây nhưng mới về chuyển về thành phố vài tháng nay thôi chị ạ.
- Thế à?
Rồi người đàn bà im lặng, ngừng nói. Tôi nhìn qua chị lúc bấy giờ tôi mới có dịp quan sát chị kỹ hơn: Đó là người đàn bà trung niên, có tuổi nhưng mái tóc còn rất dài, mượt và đẹp nữa, được cột lại gọn gàng bằng vòng thun vải màu lam nhạt trông gương mặt có vẻ trẻ trung hơn. Nước da mịn màng, đôi mắt trong sáng nhưng có vẻ hơi phiền muộn. Có chút gì quen quen nhưng tôi không nghĩ ra mình gặp ở đâu. Một người có vẻ dễ gần gủi, thân thiện. Tôi chợt hỏi:
- Chị lên thành phố có chuyện?
- Tôi lên thăm gia đình đứa em gái. Ở chơi vài bửa cho đở buồn, sẵn làm visa đi Úc luôn anh ạ.
Tôi ngần ngừ muốn hỏi tiềp nhưng chợt nhớ ra mình với cô ấy chỉ mới nói vài câu xã giao thôi chứ có thân thiết gì đâu mà hỏi cặn kẽ người ta như thế nên đành im lặng, người đàn bà lại lên tiếng trước:
- Hình như anh từng làm việc cho nhà nước?
- Vâng! Tôi từng là giáo viên.
- Anh dạy trường nào?
- Tôi cũng đi dạy nhiều nơi nhưng trường cuối cùng tôi dạy và cũng lâu nhất cho đến khi hưu là ĐTĐ.
- Tôi biết trường đó. Đó là trường cấp 2 lớn nhất thành phố.
- Phải.
- Anh nghỉ hưu theo chế độ.
- Ồ không! Tôi nghỉ hưu trước tuổi nhưng vẫn có chế độ vì đủ thâm niên giảng dạy.
- Vì sao?
Tôi khẽ nhún vai:
- Biết nói sao cho chị dễ hiểu nhỉ? Có lẽ tôi không còn hứng thú với công việc dạy dỗ trong giai đoạn nầy, thế thôi.
Người đàn bà chép miệng:
- Cũng phải thôi. Xã hội bây giờ đổi thay nhiều quá. Cái ngày xưa mình thích, lý tưởng đeo duổi bây giờ lại hóa ra lại tầm thường, dung tục. Cũng giống như tôi, tôi thường tự hào cho rằng gia đình của tôi là hạnh phúc, đầy ấp tiếng cười, niềm vui trẻ thơ thế mà bỗng chốc trở nên u ám, nghẹt thở đến nỗi bây giờ ở nhà ngày nào tôi cảm thấy không khí càng ngột ngạt khó thở ngày ấy nên muốn đi xa một thời gian cho khuây khỏa.
- Hình như chị có chuyện buồn?
- Không phải chuyện buồn. Nói bất hạnh thì đúng hơn.
-Tôi không nghĩ thế.
Người đàn bà quay sang nhìn tôi:
- Sao anh lại cho rằng như thế.
- Tôi thấy gương mặt chị rất phúc hậu, người như thế không thể gặp chuyện bất hạnh được, vậy thôi.
Tôi nghe bên tai có tiếng thở dài nhè nhẹ:
- Vậy mà hoàn cảnh tôi lại hoàn toàn ngược lại.
Người đàn bà im lặng giây lát rồi chợt hỏi tôi:
- Co bao giờ anh nghĩ rằng người sống chung với mình gần suốt cuộc đời lại phản bội mình một cách tàn nhẫn không?
Tôi nhìn cô phân vân không biết trả lời thế nào.
- Tôi biết anh không tin nhưng hoàn cảnh tôi lại như thế anh ạ.
Rồi giống như một con suối mà dòng chảy bị tắt nghẻn từ lâu vừa được khơi thông, chị bộc bạch cuộc đời của mình:
- Tôi tên Hồng thứ ba nên mọi người thường gọi tôi là Ba Hồng, ở Nhơn Ái Phong Điền, còn chồng tôi tên Quân. Tôi và anh ấy quen nhau trong thời chiến tranh. Lúc ấy tôi làm y tá trong trạm quân dân y còn anh ấy đã là xã đội trưởng. Địa bàn hoạt động của chùng tôi là vùng ven của thành phố CT một thời nổi tiếng với tên gọi Lộ Vòng Cung. Nghĩ lại thời chiến tranh cực khổ, nguy hiểm thiếu thốn trăm bề mà tình nghĩa vợ chồng luôn yêu thương gắn bó với nhau thế mà sao ngày hòa bình con người lại có thể đổi thay dường ấy.
Tôi im lặng chờ nghe chị nói tiếp:
- Sau ngày thống nhất anh ấy chuyển sang ngành công an. Tôi làm ở bệnh viện tỉnh một thời gian nữa mới xin thôi việc để toàn tâm lo việc gia đình cho anh ấy yên tâm công tác. Sau nhiều năm tháng làm việc cống hiến, anh ấy được đề bạt lên trưởng công an huyện Đ. Trong công việc thì tận tụy, trong gia đình anh ấy là một người chồng, người cha rất có trách nhiệm. Tôi rất hạnh phúc và rất tự hào có được một người chồng như anh ấy. Vậy mà tất cả đều sụp đổ khi anh ấy suốt một thời gian dài che giấu phản bội tôi. Tôi thực sự rất sốc khi phát hiện ra anh ấy cò một gia đình khác.
- Chị phát hiện ra anh ấy có gia đình riêng từ lúc nào?
- Phải nói anh ấy rất giỏi trong việc giấu diếm quan hệ bất chính bên ngoài. Chuyện xảy ra rất lâu nhưng tôi không hề hay biết hay nghi ngờ và tự anh ấy phơi bày, tung hê hết mọi chuyện khi thấy không còn cần thiết phải che giấu nữa. Tôi đã từng tự hỏi một thời gian dài như vậy mà tôi không phát hiện ra, chắc anh cho rằng tôi là một người đàn bà ngốc nghếch lắm phải không?
Tôi lắc đầu e ngại:
- Tôi không nghĩ như thế.
- Cũng phải thôi. Nếu anh là tôi chắc cũng bị lầm mất. Hằng ngày đi làm anh đếu về nhà rất đúng giờ, ăn cơm sinh hoạt cùng gia đình vui vẻ, có việc cần thì lên phòng sớm để làm việc thêm mà thôi. Anh ấy chỉ vắng nhà ban đêm khi trực ban hay đi công tác xa.
- Như vậy làm sao anh ấy có thời gian đi lại với người đàn bà khác?
- Anh ấy lợi dụng những đêm trực ban. Vì là lãnh đạo nên mỗi tuần đều trực cơ quan một hoặc hai lần, Khoảng mười một giờ đêm gì đó là anh ấy rời khỏi cơ quan đến nhà con nhỏ đó, bọn lính tưởng anh ấy về nhà hơn nữa ảnh là thủ trưởng cơ quan có thằng lính nào dám hỏi han sếp của mình đâu chứ. Xin lỗi anh, con nhỏ đó chỉ đáng con anh ấy thôi. Suốt một thời gian dài như thế nên không ai phát hiện ra.
- Cơ quan không ai biết à?
- Nếu biết cũng không ai dại gì nói ra, cái lợi chưa thấy đã thấy vạ miệng trước mắt.
- Rồi sao chị lại phát hiện?
- Phải tôi phát hiện được thì hậu quả đâu đến nỗi tồi tệ. Tự ông ấy phơi bày ra mọi thứ đó thôi, điều đó làm cho tôi quá đổi đau lòng nhưng biết trách ai đây.
- Chị nói sao tôi thấy rối mù không hiểu gì cả.
- Số là sau khi có giấy quyết định về hưu, ông ấy báo cơ quan cho đi nghỉ dưỡng một tuần rồi biến mất luôn mấy tháng trời không tin tức, tôi tìm kiếm khắp nơi mà không biết ông ấy đi đâu.
- Chị không báo với cơ quan của anh ấy sao?
- Họ cũng không biết ông ấy đang làm gì, ở đâu.
Tôi dò hỏi:
- Lạ thật. Sao chị tìm ra anh ấy?
- Tôi nghĩ làm cái gì thì làm hành động của ông ấy trong cơ quan chắc cũng phải có người biết. Tôi nhớ ra thằng lính thân tín thường ngày đi chung với ổng. Ban đầu cậu ta chối bay chối biến không biết gì cả, hết năn nỉ rồi hăm he nếu không nói sẽ báo cơ quan vì tội che giấu sẽ bị kỷ luật, mất việc, cuối cùng cậu ta cũng chịu nói ra, một phần vì thương hoàn cảnh của tôi một phần sợ vì che giấu mà bị khiển trách của cơ quan.
- Thế ông ấy đi đâu?
Chị cay đắng:
- Ông ấy nào có đi xa đâu anh ơi, ở ngay trong thành phố Cần Thơ nầy thôi.
Tôi hơi ngạc nhiên, Người đàn bà cười buồn:
- Anh biết ông ấy làm gì không? Mở đại lý vé số để nuôi mẹ con con nhỏ đó. Anh xem có mắc cỡ với người ta không?
Bỗng có tiếng nhạc chờ trong điện thoại, tôi nhắc chị:
- Có điện thoại của ai gọi kìa chị.
Chị lấy điện thoại trong cái túi xách để dưới chân mình, bấm máy nghe.
Có tiếng người con trai loáng thoáng trong máy, người đàn bà nhìn qua khung cửa kính xe trả lời:
- Vừa vào đường cao tốc một chút thôi con, chắn hơn một tiếng nữa mới đến Sài Gòn, mẹ đã gọi điện cho dì dượng tư rồi, họ nói sẽ ra đón mẹ ở bến xe. Mẹ không sao đâu con đừng lo. Nhớ chú ý việc học hành của hai đứa nhỏ và chuyện dọn dẹp nhà cửa giúp mẹ nhé, gần tết mà mẹ không có nhà con đừng buồn, nhớ nói với bọn trẻ bà nội đi chơi vài bửa về có quà cho chúng vui nhé con.
Cất máy xong, người đàn bà nói tiếp câu chuyện của mình còn lở dở của mình:
- Cuộc điện thoại vừa rồi của thằng con trai lớn của tôi với ông ấy đấy. Nó hiện giờ là giáo sư đại học đã có 2 con.
- Các con của chị biết ông ấy có người ngoài không?
- Bọn chúng đều biết cả nhưng lại chín chắn điềm tĩnh lắm anh ạ. Ngay cả khi cùng tôi đến tìm ba của bọn chúng. Ông ấy mở đại lý vé số tại nhà con nhỏ đó.Thấy ba chúng đang làm công việc phân phối vé số cho khách hàng, ân cần nhỏ nhẹ với khách khác xa với cung cách của người làm lãnh đạo trước kia, không kìm nén nổi tức giận tôi đã muốn chạy vào quậy tưng lên nhưng bọn chúng cản lại nói làm như thế chỉ làm ba hổ thẹn thêm, mọi việc sẽ xấu hơn không ích lợi gì. Tôi nghĩ cũng phải, làm lớn chuyện thì xấu chàng hổ thiếp, hơn nữa ổng cũng từng lãnh đạo một cơ quan luật pháp, lối xóm nhìn vào soi mói không ra gì nên tôi thôi anh ạ. Đi về mà lòng bực tức ấm ức mãi.
- Chị làm như thế là đúng. Rồi chuyện sau đó thế nào chị?
Chị thở dài:
- Tôi đem câu chuyện trình bày với cơ quan cũ, ban tổ chức huyện ủy mời ông ấy về làm việc chứ biết làm sao nữa anh.
Tôi tò mò muốn nghe đoạn kết câu chuyện không vui nầy ra sao, chị thong thả nói tiếp:
- Trước mặt mọi người ông ấy thừa nhận mình có người đàn bà khác cách đây hơn sáu năm. Nguyên nhân cũng dề hiểu: Cô gái ấy là gái phục vụ trong một quán karaoke, khá xinh, ca hay lại khéo chiều chuộng khách. Trong một lần tiệc tùng cơ quan ông ấy rủ nhau đi hát karaoke, ông ấy gặp cô ta và dính với nhau từ đó. Cả hai đã có một đứa con trai năm tuổi. Họ sống với nhau hơn sáu năm, có một mặt con mà tới giờ nầy tôi mới biết anh thấy có khổ không?
- Cách giải quyết như thế nào hả chị?
- Mặc dù có lời khuyên răn, hòa giải cũng như lời tha thứ lẫn năn nỉ của tôi nhưng ông ấy lại rất cứng rắn dứt khoát. Ông ấy bảo đành có lỗi với tôi và mấy đứa nhỏ nên tài sản nhà cửa ông đều giao hết cho tôi không lấy một thứ gì, hai đứa con đã lớn đều đã lập gia đình có công ăn việc làm ổn định ông không còn phải lo lắng gì nữa, hãy để cho ổng sống cuộc đời riêng của mình. Ổng còn có một gia đình, một đứa con nhỏ mới năm tuổi nên có trách nhiệm nuôi nấng nó nên người nên xin mọi người nên thông cảm cho ông.
- Thế là ông ấy xin ly dị.
Người đàn bà thở dài:
- Tôi còn biết phải làm gì chứ anh. Giữ người ở lại chứ ai lại giữ người bỏ đi phải không anh? Bọn trẻ thấy tôi buồn nên khuyên tôi đi chơi đây đó để thanh thản.
- Vì thế chị mới lên thành phố?
- Đi mà trong bụng nhớ mấy đứa cháu quá. Cũng phải đi đây đó chứ ở nhà quanh quẩn chắc tôi cũng điên mất.
- Nếu tôi như chị chắc tôi cũng làm thế thôi.
Tôi nhìn người đàn bà ngồi kế bên mình. Gương mặt mảnh mai, hiền hậu ấy ai ngờ chịu một tổn thương quá lớn từ chính người chồng mình đã yêu thương tin tưởng, từng vượt qua những hoạn nạn trong chiến tranh, những khó khăn trong thời bao cấp đến khi cuộc sống sung túc đủ đầy lại gẩy đổ tan vỡ. Tình cảm con người thật quá phức tạp, khó hiểu không thề lý giải được, thấy đó rồi mất đó.
- Tôi xin chia buồn cùng chị về chuyện nhà không vui.
Chị nhìn tôi nhẹ nhàng nói:
- Anh đừng lo cho tôi, tôi không còn cảm thấy bị tổn thương xúc phạm nữa. Bên cạnh tôi còn mấy đứa con và một bầy cháu nội ngoại nữa. Cái gì rồi cũng sẽ qua đi, nuôi giữ giận hờn, ghen tuông trong lòng mãi cũng không đem lại lợi ích gì cho ai cả phải không anh?
Tôi cảm thấy an tâm nhẹ nhõm trong lòng, người đàn bà trước mặt tôi không hề yếu đuối ủy mị chút nào. Chị sẵn sàng đối phó trước những đau khổ và bất hạnh, biết tìm một lối thoát cho mình khỏi những bế tắc khi tình cảm gia đình không còn nguyên vẹn, bị sứt mẻ, tổn thương. Tự nhiên tôi thương cho số phận của người phụ nữ biết bao. Họ là người vợ, người mẹ luôn tất bật lo lắng, vun quén cho gia đình nhỏ bé của mình được vuông tròn, hạnh phúc, vui cái vui sau mọi người, khổ đau lại là người chịu đựng đầu tiên không than vãn trách móc. Trong tình cảm cũng thế, khi gia đình còn còn yên ấm đưa đến chia ly, đổ vỡ thì chính họ là người chịu tổn thương, thiệt thòi nhiều nhất.
Tôi nhìn người đàn bà, tới lúc nầy mới thấy có chút gì đó thoáng gợn trong đầu. Cái tên Ba Hồng loáng thoáng gợi nhớ cho tôi một điều gì đó xa lắm, trong đám mây mù mờ trí nhớ cằn cỗi của mình tôi chợt bật lên câu hỏi:
- Ba Hồng ở Nhơn Ái Phong Điền, em của Hai Kiệt và là chị của Tư Nhàn?
Người đàn bà hình như sững sờ quay nhanh lại về phía tôi, trong ánh sáng lờ mờ của mấy ngọn đèn nhỏ trong xe, tôi thấy trên gương mặt cô ấy lộ nét ngạc nhiên:
- Phải! Sao anh biết?
Tôi không trả lời mà nói theo dòng hồi tưởng của mình:
- Nhà có trồng một bụi trang đỏ trước bàn thờ ông thiên, trước nhà có con rạch chảy về Trường Long phải không?
Người đàn bà nói như reo lên:
- Đúng rồi! Sao anh biết rành quá vậy?
Tôi thoáng bâng khuâng. Đúng là Hồng, em của Kiệt bạn tôi đây mà. Đã hơn bốn mươi năm rồi còn gì. Ngày ấy tôi và Kiệt học chung lớp ở Đại Học Sư Phạm Cần Thơ, cả hai cùng thích văn chương và có gởi bài cho một số báo giấy ở Sài Gòn nên rất thân thiết. Những ngày nghỉ lễ tôi thường hay theo Kiệt về quê của bạn ở Nhơn Ái chơi, Hồng lúc đó học lớp mười hai, đã ra dáng một cô thiếu nữ rồi, rất dễ thương và dạn dĩ, những lúc rảnh rổi Hồng thường theo ghe hàng bông của mẹ xuôi ngược sông rạch đi bán đó đây để phụ giúp mẹ có tiền lo cho ba anh em ăn học. Tôi quí Hồng ở chỗ ham học và biết quán xuyến lo cho gia đình và Hồng cũng rất thích tôi ở chỗ rất điềm đạm và làm thơ hay. Đôi lần Kiệt đùa bảo tôi:
- Mầy chịu làm em rể tao không? Tao nói một tiếng là bà già tao chịu liền. Tao xem con Hồng cũng thương mầy lắm.
Tôi ưu tư trả lời:
- Mầy đừng nhắc chuyện đó. Tao đã có người yêu rồi mà.
- Tao biết, nhưng xem ra chuyện tình của mầy không đi đến đâu, chỉ sợ ngày sau đem lại những buồn phiền không đáng có.
- Tao hiểu điều đó, nhưng đó là chuyện sau nầy, đừng lo nghĩ xa quá. Mầy cũng đừng nói gì sợ Hồng nó buồn.
- Việc đó mầy đừng lo.
Hình như Hồng cũng loáng thoáng biết việc tôi có người yêu nhưng em giả đò không biết và tôi cũng thế cho đến ngày ra trường, tôi và Kiệt mỗi đứa một nơi. Cuộc sống sau đó bộn bề nhiều khó khăn không còn biết tin tức gì của nhau nữa.
Tôi nhìn người đàn bà trước mặt. Hèn gì khi thấy cô lên xe, tôi đã ngờ ngợ như đã từng gặp ở đâu mà trong nhất thời không thể nhớ được. Tôi chậm rải trả lời cô ấy:
- Anh là Dũng. Bạn học của anh Kiệt ở trường sư phạm đây mà. Ngày trước anh thường theo anh Kiệt về Nhơn Ái chơi Hồng còn nhớ không?
Ba Hồng chăm chú nhìn tôi, chợt cô reo lên:
- Đúng là anh Dũng rồi. Trời! Hơn bốn mươi năm rồi còn gì? Nếu anh không nói chắc em cũng không nhận ra. Thời gian làm người ta thay đổi qua phải không anh?
Tôi gật đầu:
- Ừ! Đã hơn bốn mươi năm rồi còn gì. Anh nhớ lúc ấy Hồng còn học lớp 12 mà.
Ba Hồng nhìn tôi cười:
- Anh không nhớ lúc ấy em thường theo ghe của mẹ đi bán hàng bông sao? Mẹ em lúc ấy đang là một đầu mối giao liên cơ sở của cách mạng, một thời gian sau cơ sở nội thành bị lộ mẹ vào vùng giải phóng, em cũng thoát ly theo mẹ vào trong ấy luôn rồi đi học lớp y tá và gặp ông ấy trong đó.
- Anh không nghe anh Kiệt nói điều nầy. Mà cũng phải đó là chuyện không thể nói với người khác được. Mà hôm nay 22 tháng chạp rồi sao Hồng không ở nhà lo cúng quảy lên Sài Gòn làm chi?
- Em buồn nên lên thăm vợ chồng Tư Nhàn vài bữa cho khuây khỏa vậy mà, ở nhà nhớ chuyện gia đình buồn héo buồn hắt đó anh.
Tôi nói lãng sang chuyện khác:
- À! Anh Kiệt bây giờ thế nào rồi em? Từ ngày ra trường đến nay anh không còn gặp anh ấy.
Giọng Ba Hồng chợt trầm xuống:
- Anh Kiệt mất lâu lắm rồi anh. Lúc ra trường anh ấy được phân về Giá Rai Bạc Liêu để dạy, rồi thương một cô thôn nữ ở đó. Mấy năm sau anh ấy bị bệnh nặng rồi mất đi trong hoàn cảnh nghèo túng. Lúc ấy ai cũng khó khăn quá, có thuốc men gì đâu anh. Mẹ em cũng vì chuyện ấy buồn rầu một thời gian sau cũng qua đời.
Không khí có vẻ ngột ngạt. Lần đầu gặp lại Ba Hồng, em gái người bạn học cũ tôi cảm thấy rất vui nhưng đi liền lại là tin buồn, rất buồn. Tôi khẽ thở dài. Mấy mươi năm tôi và Kiệt không có tin tức gì của nhau, thế mà khi được tin lại tin không vui. Cuộc đời có ai đoán được chữ ngờ bao giờ đâu. Tôi quay mặt nhìn ra cửa kính cố giấu cảm xúc của mình. Ba Hồng biết tôi đang xúc động nên cũng im lặng không nói gì.
*
Xe bắt đầu vào bến, tôi hỏi Ba Hồng về đâu. Cô nói về Bình Thạnh và có người quen ra đón. Tôi yên tâm, bắt tay cô chúc cô có chuyến đi vui vẻ rồi bước qua xe trung chuyển để vào thành phố. Ngồi trên xe trung chuyển nhìn qua cửa kính tôi thấy Hồng còn đứng đó, mắt nhìn theo xe tôi bắt đầu lăn bánh, có lẽ người quen chưa đến kịp nên cô còn đứng chờ, một vài tài xế tắc xi bước tới hỏi cô về đâu, nhưng cô lắc đầu từ chối. Cơn mưa trái mùa chợt ào tới, tôi thấy Hồng lúp xúp kéo hành lý vào mái che của nhà chờ gần đó, hình ảnh người đàn bà đứng dáo dác trong cơn mưa sao lẻ loi đến tội nghiệp. Xe di chuyển một đoạn khá xa, tôi cố nhìn lại hình ảnh Ba Hồng lần nữa, cô đứng một mình đơn độc giữa đám người không quen biết đang hối hả tất bật trong cái bến xe miền Tây nầy như nhạt nhòa trong những dòng nước mưa đang ào ạt chảy loang trên mặt đường dưới những ngọn đèn vàng của dòng xe trong bến lấp loáng nhỏ dần nhỏ dần.
Tôi mong Hồng những ngày ở thành phố hay nếu có đi đâu đó ở nước ngoài như lời cô nói sẽ tìm được sự an yên trong tâm hồn, quên đi những phiền muộn của chuyện chồng con mà cô đã cho đi năm tháng tuổi trẻ của đời mình đến tuổi xế chiều lý ra Hồng được tận hưởng. Cuộc đời không hề bất công với ai bao giờ cả, còn nhiều điều tốt đẹp còn ở phía trước để chúng ta thấy mình còn đáng sống và cuộc sống còn đáng yêu biết bao nhiêu phải không Ba Hồng, em gái của người bạn thân tôi thuở nào?