NGUYỄN AN BÌNH
Trên Đồi Sương
Trên Đồi Sương
Bước thong thả ra khỏi phòng tranh đặt ở trung tâm triển lãm Hòa Bình, Miên đến hành lang bên ngoài phòng triển lãm đốt một điếu thuốc gắn lên môi, rít một hơi dài rồi nhả ra mấy vòng khói trắng bay lên không. Anh tì tay lên lan can, dựa vào cột tường ngả người ra phía sau một chút và cảm thấy khoan khoái khi thưởng thức mùi thuốc lá thơm tỏa nhẹ nhàng trong không khí khô ráo trong lành của phố núi. Mùa đông ở cao nguyên năm nay không lạnh lắm, có lẽ cái không khí ồn ào, nhộn nhịp của thành phố càng ngày càng đông đúc làm cho anh có cảm giác không khí ấm áp lên hơn chăng? Nhìn vào phòng tranh còn lác đác vài vị khách đến thưởng ngoạn tranh. Họ dừng lại ở bức tranh nầy một chút rồi bước sang bức tranh khác xăm soi ngắm nghía. Một vài bạn trẻ tụ lại ở bức tranh trừu tượng của một họa sĩ trẻ tranh luận với nhau một điều gì đó có vẻ thú vị lắm, cả nhóm bạn chợt phá lên cười rồi bước sang chiêm ngưỡng bức tranh khác. Miên chợt mỉm cười một mình, tuổi trẻ đáng yêu thật. Chắc họ đang tranh luận một đề tài nào đó mà bức tranh đã đem lại những hứng khởi bộc phát chăng? Ở thành phố nầy anh nhận thấy nhiều người trẻ vẫn còn giữ được cái không khí lãng mạn, yêu nghệ thuật dù đã mai một đi ít nhiều do sự phát triển nhiều mặt của xã hội và các thú vui khác về phim ảnh, ca hát hay các loại hình nghệ thuật khác nhưng họ vẫn dành cho hội họa một cảm tình, sự trân trọng nào đó, điều nầy làm cho Miên thích thú, có cảm tình với thành phố đáng yêu nầy. Đây là lần thứ hai Miên tham gia triển lãm tranh theo lời mời của nhóm họa sĩ trẻ Đà Lạt “Những người bạn”, “Sắc màu tháng mười” của thành phố ngàn hoa, lần trước cách đây đã hai năm rồi còn gì. Mới đây mà mau thật, anh tưởng như ngày hôm qua.
Trong đợt triển lãm nầy còn có ba người bạn họa sĩ trẻ của Đà Lạt cùng triển lãm chung: Trong ba người, anh thích nét cọ của anh bạn Đặng Hiền hơn cả. Tuy sống bằng nghề vẽ áp phích, tranh cổ động cho phòng văn hóa thông tin, Đặng Hiền lại rất say mê hội họa, các tác phẩm của anh tuyệt nhiên không có người chỉ có cỏ cây hoa lá, rừng núi sông hồ, nhưng dưới nét cọ của anh những đường nét, màu sắc của những vật thể vô tri đó trở nên có hồn, lung linh tươi đẹp và sống động vô cùng. Tranh phong cảnh của anh là màu hoa dã quỳ vàng mênh mông mờ ảo trong sương sớm, những góc núi mù sương lãng đãng dưới bóng chiều, những ngôi nhà mái ngói đỏ au chập chùng mây khói, một xóm nhỏ miền sơn cước in bóng dưới hồ nước trong xanh, những vạt đồi xanh thẩm, rừng cây buổi hoàng hôn, màu sương tím bên hồ bên cạnh những con thuyền đang yên nghĩ… tất cả gợi lên cho người xem một sự suy ngẫm về cái đẹp tĩnh lặng của phố núi mù sương.
Hôm nay đã là ngày cuối của đợt triển lãm tranh rồi, tranh của Miên cũng đã bán được một số bức, anh thầm nghĩ cũng không đến nổi uổng phí thời gian mà mình bỏ ra. Ngoài việc trở lại triển lãm tranh của thành phố nầy anh còn được trao đổi kinh nghiệm sáng tác với các bạn hòa sĩ khắp nơi tụ họp về đây. Tham gia triển lãm lần nầy, anh còn có một mục đích khác, mong tìm được cô gái mà anh tình cờ gặp trên đồi sương dạo nọ nói một lời xin lỗi vì không giữ được lời hứa nhưng biết có tìm được không. Đà Lạt tuy nhỏ nhưng không phải muốn tìm người cần gặp là chuyện không thật dễ dàng chút nào.
Đưa mắt nhìn nhóm tranh của mình được treo ở một góc phòng, đứng vị trí nầy ngoài hành lang Miên có thể bao quát được cả phòng tranh nhất là góc trưng bày tranh của anh, anh để ý đến người đàn ông đang đứng trước bức tranh “Trên Đồi Sương” của mình. Ông ta đứng nhìn thật lâu như đang suy nghĩ điều gì đó. Miên nhớ không lầm hình như người đàn ông đến thăm phòng tranh lần nầy là lần thứ ba rồi thì phải. Những lần trước anh không thật chú ý lắm, một phần vì cuộc triển lãm mấy ngày đầu còn đông khách, phần trao đổi thông tin với các bạn đồng nghiệp, các bạn họa sĩ trẻ, tiếp các khách thân hữu, người hỏi mua tranh nên anh không để ý lắm nhưng biết người đàn ông nầy dừng lại khá lâu ở các bức tranh của anh nhất là ở bức “Trên Đồi Sương”. Bức tranh vẽ một cô gái có mái tóc dài óng ả thả trôi theo bờ vai nhỏ được gió thổi tung về phía sau trên một nền đồi đầy màu vàng hoa dã quỳ chạy dài tít tắp tận phía chân trời trong một ánh sáng chiếu ngược từ phía sau làm nổi bật lên từng sợi tóc trong sương sớm. Đôi mắt mở to có vẻ ngạc nhiên như vừa khám phá ra điều gì mới mẻ làm gương mặt vừa lộ vẻ thơ ngây nhưng đầy thánh thiện.
Miên dụi tắt điếu thuốc, thong thả bước tới gần người đàn ông, nhã nhặn hỏi:
- Thưa ông, hình như ông rất thích bức tranh nầy thì phải.
Người đàn ông quay lại nhìn chàng như dò hỏi. Miên thấy gương mặt ông ta khá phúc hậu, nét mặt hơi khắc khổ, tóc đã có nhiều đốm bạc, ăn mặc gọn gàng thanh lịch, nhìn bề ngoài chắc có lẽ không dưới sáu mươi. Tự nhiên anh có cảm tình và hơi lúng túng mất tự nhiên trước người đàn ông đứng tuổi không quen biết:
- Thưa ông, cháu là người vẽ bức tranh nầy.
- Thế à. Tôi vô cùng vui sướng khi gặp được chủ nhân của bức tranh. Tôi tên Phúc, anh gọi tôi là ông Phúc được chứ? Điều làm tôi ngạc nhiên vì sao bức tranh không để giá bán trong khi các bức tranh khác đều có giá.
Miên không trả lời thẳng vào câu hỏi, anh nói hình như có ý thăm dò:
- Hình như ông có ý định mua bức tranh?
Ông Phúc nhìn anh gật đầu:
- Anh đoán đúng. Không phải là có ý định mà thực sự tôi muốn mua bức tranh nầy. Tôi đến đây là lần thứ ba rồi cũng chỉ để ngắm bức tranh nầy mà thôi.
- Ông có thể nói rõ nguyên nhân được không?
- Tôi muốn tặng cho cháu gái tôi nhân ngày sinh nhật của nó.
- Nhưng bức tranh nầy không bán thưa ông.
Người đàn ông có vẻ thất vọng, giọng nói có vẻ hơi buồn:
- Anh có thể nói cho tôi biết vì sao anh không thể bán?
- Bức tranh tôi vẽ tặng một cô gái nhưng cô ấy không có mặt ở đây nên tôi chưa thể tặng được, có vậy thôi thưa ông.
- Nhưng bức tranh nầy tôi rất thích, tôi nghĩ cháu gái tôi cũng thích nó.
- Nó cũng như bao bức tranh vẽ thiếu nữ khác, chẳng hạn như bức tranh phía bên kia – vừa nói Miên vừa đưa tay chỉ về bức tranh đang treo về bên tay phải mấy bước – theo cháu nghĩ nó cũng đẹp như bức tranh ông đang cần.
- Ồ không. Tôi vẫn thích bức nầy hơn.
Miên tỏ vẻ bất lực:
- Nếu thế cháu chẳng giúp được gì cho ông hơn.
Đột nhiên Miên hỏi:
- Sao ông không mời cô cháu gái đến phòng triển lãm xem tranh cùng ông để xem ý kiến của cô ấy thế nào?
Ông Phúc lắc đầu tỏ vẻ không vui:
- Cám ơn anh đã nhắc tôi điều đó. Nhưng cháu tôi không thể đến đây được.
Miên im lặng tỏ vẻ không hiểu câu trả lời của ông. Như hiểu được thắc mắc trong đầu của chàng họa sĩ, ông già nói:
- Nó đang bị bệnh anh ạ.
- Thế thì đành chịu thưa ông.
Ông già im lặng giây lát rồi đột nhiên mở lời:
- Tôi có thể trả giá bức tranh cao hơn theo ý anh muốn, anh nghĩ thế nào về đề nghị nầy?
Miên nhìn người đàn ông tóc bạc đang đứng trước mặt mình nhẹ nhàng lắc đầu từ chối:
- Thưa ông,vấn để ở đây không phải là tiền bạc mà là một lời hứa, như cháu đã nói cùng ông đây là món quà cháu dành tặng cho người con gái trong tranh hai năm trước khi tôi tình cờ quen và vẽ bức tranh cho cô ấy.
- Hai năm trước?
- Phải! Hai năm trước cháu tình cờ gặp cô gái khi cháu đang tìm phong cảnh vẽ trên đồi mọc đầy dã quỳ trong một ngày đầy sương sớm. Cô gái ấy tình cờ có mặt ở đấy, cháu nhìn thấy ở cô gái một sự hồn nhiên, ánh mắt trong sáng như một thiên thần, một người mẫu tuyệt hảo của tuổi thanh xuân nên cháu đã đề nghị cô ấy làm mẫu cho cháu vẽ và cháu đồng ý với yêu cầu sẽ tặng lại cô ấy sau khi vẽ xong.
Ông Phúc có vẻ ngạc nhiên:
- Bức tranh đã vẽ xong rồi sao nó vẫn ở đây?
- Cháu không gặp lại cô gái sau khi hoàn thành tác phẩm.
- Có chuyện gì đã xảy ra vậy?
Miên lắc đầu:
- Cháu không biết thưa ông. Hôm vẽ gần xong bức tranh thì trời lại đổ mưa. Cháu hẹn cô gái sáng hôm sau đến địa điểm cũ sẽ tặng tranh nhưng không thấy cô gái đến.
- Anh không tìm cô ấy à?
- Cháu quên hỏi nhà cô ấy.
- Thế thì tiếc thật. À! Mà anh có thể cho tôi biết tên cô gái ấy được không?
- Cháu chỉ biết cô gái tên Hạnh Dung và chỉ biết có vậy.
Ông già có vẻ thất vọng, giọng hơi nhỏ lại như nói với chính mình:
- Thế thì không phải rồi.
Miên tỏ vẻ không hiểu:
- Ông nói gì ạ.
Ông già vội vã lắc đầu;
- Ổ! Không có chuyện gì đâu anh.
Rồi ông già hỏi Miên:
- Chắc anh vẫn còn ý định tặng cô gái ấy khi gặp lại.
- Đúng thế. Cháu phải giữ lời hứa của mình.
- Tiếc quá. Tôi nghĩ nếu cháu gái tôi nếu nó thấy bức tranh chắc sẽ thích lắm, không chừng sẽ có kỳ tích cũng nên.
Miên lấy làm lạ trước câu nói của ông già nên cũng hơi tò mò, anh hỏi:
- Cháu hơi tò mò trước câu nói của ông, ông có thể nói rõ hơn một chút được không?
Ông Phúc nhìn Miên, giọng trầm buồn:
- Không biết tôi có lầm lẫn không nhưng bức tranh anh vẽ nhiều nét thấy giống cháu gái tôi quá. Cũng gương mặt nầy, mái tóc dài hơi ngã vàng, cái đầm màu ngọc thạch điểm xuyến những bông hoa tường vy đỏ, tất cả đều giống như thật nhưng lại không phải là nó. Cô gái trong tranh tên Hạnh Dung còn cháu gái tôi tên Nguyệt Cầm, có lẽ chỉ là sự giống nhau trùng hợp thôi. Nhưng dù sao tôi vẫn thích bức tranh nầy, không chừng khi nhìn nó cháu gái tôi có thể nhớ được điều gì đó trước khi gặp tai nạn hay không?
Miên an ủi ông già:
- Chắc người giống người thôi ông ạ, cách ăn mặc cũng là cái gu chung của các cô gái trẻ mà, nhưng chuyện gì đã xảy ra với cháu gái ông thế?
Giọng ông Phúc có vẻ đau khổ:
- Chuyện buồn tôi cũng không muốn nhắc lại, nhưng để anh hiểu vì sao tôi muốn mua bức tranh nầy vì nó có nhiều nét giống cháu gái tôi. Nó tên Nguyệt Cầm, ba mẹ và mấy anh em nó đều định cư ở Pháp cả, tôi không có ý định sống ở nước ngoài, thành phố nầy nơi tôi sinh ra lớn lên và làm việc cả cuộc đời, tôi yêu quí nó biết bao, hơn nữa bà nhà tôi cũng nằm lại nơi nầy tôi không muốn bỏ đi sợ bà ấy cô đơn lạnh lẽo một mình, ba mẹ Nguyệt Cầm thấy vậy nên không nài ép tôi đi nữa và sợ tôi tuổi già không ai chăm sóc nên để Nguyệt Cầm ở lại với tôi, được cái con bé rất yêu quí tôi nên tôi cũng được an ủi phần nào. Cách đây hai năm, một buổi sáng nó xin phép tôi ra ngoài gặp người bạn. Trên đường đi không may nó gặp tai nạn, một anh bạn trẻ chạy xe mô tô quá nhanh va phải nó. Nó té xuống đường bất tỉnh. Khi đưa vào bệnh viện chẩn đoán nó bị xuất huyết nảo. Cú va đập khá nặng nên mặc dù gia đình tôi tích cực điều trị nhưng trí nhớ của nó không được như xưa, lúc nhớ lúc quên. Đôi lúc tỉnh táo nó thường lẩm bẩm mấy tiếng bức tranh, họa sĩ gì đó. Tôi không biết nó đang nói đến bức tranh, ông họa sĩ nào nhưng chắc với nó mấy từ đó có ý nghĩa quan trọng lắm, nên tôi thường đến các gallery và các buổi triển lãm tranh để tìm xem có mối liên hệ nào đó có thể làm phục hồi trí nhớ của con bé hay không nhưng vẫn không thấy được mối liên hệ nào, cho đến hôm nay thấy bức tranh nầy tôi chợt nghĩ nếu nó nhìn thấy chắc vui lắm đây, còn việc phục hồi trí nhớ thì tôi không hy vọng lắm. Làm được điều gì cho đứa cháu tội nghiệp của tôi vui là tôi mừng rồi.
Miên thật sự xúc động trước tâm trạng của ông Phúc, hoàn cảnh của ông đáng thương thật, nếu giúp được gì cho ông chắn anh sẳn lòng giúp ngay, còn chuyện bức tranh làm anh khó nghĩ quá. Hai năm nay anh đã cố công tìm Hạnh Dung, nhờ bạn bè trong giới họa sĩ ở Đà Lạt, xem ai có đến tìm anh và hỏi họ về bức tranh nhờ họ báo về cho anh nhưng không hề có tin tức phản hồi, cô gái trong tranh biệt vô âm tín, giống như sương như khói, cô gái ấy nhất định không phải là cháu gái của ông già rồi. Cô gái tên Hạnh Dung còn cháu gái ông già tên Nguyệt Cầm làm sao là một người được. Nếu trao bức tranh cho ông già nếu sau nầy gặp lại Hạnh Dung anh biết ăn nói với nàng thế nào đây. Hai năm một khoảng thời gian khá dài để tìm và chờ đợi nhau, nhưng bóng chim tăm cá biền biệt biết làm thế nào. Đành vậy. Miên đột ngột đi đến quyết định:
- Thưa ông, nếu ông cho phép cháu xin được đến thăm cháu gái của ông, cô Nguyệt Cầm, cháu xin tặng bức tranh Trên Đồi Sương cho cô ấy. Hy vọng nó đem lại niềm vui nào đó cho Nguyệt Cầm trong những ngày còn bệnh.
- Ồ không! Tôi không thể nào nhận món quà quí báu của anh mà không trả tiền được đâu, hơn nữa nếu cô gái trong tranh xuất hiện thì anh tính thế nào?
Miên trả lời:
- Không sao, ông đừng lo nghĩ chuyện của cháu làm gì, cháu có cách giải quyết mà. Đã hai năm rồi, thời gian cũng vừa đủ cho sự chờ đợi. Được giúp ông, giúp cháu gái ông có niềm vui trong cuộc đời họa sĩ của mình.
Lộ vẻ vui mừng, ông già gật đầu:
- Thế thì còn gì bằng, anh ghi địa chỉ nhé.
Miên lấy sổ tay ghi lại địa chỉ và số điện thoại của ông Phúc. Ông già bắt tay anh lắc nhẹ mấy cái như thầm cám ơn sự tốt bụng của anh trước khi ra về.
Người khách rời phòng triển lãm, Miên nhìn theo vừa cảm thấy tội nghiệp hoàn cảnh ông già vừa bâng khuâng trăn trở không biết quyết định của mình đúng hay sai, vừa lúc anh chàng họa sĩ Đặng Hiền thân quen đi ngang qua , nhìn Miên vui vẻ nói:
- Chiều nay xong buổi triền lãm, nhóm có tổ chức liên hoan ăn mừng, ông đi nhé.
Miên cũng vui vẻ vỗ vai, xiết tay bạn:
- Tất nhiên rồi, phải ăn mừng chứ.
Đặng Hiền nheo nheo mắt nhìn bạn:
- Hình như ông đang có niềm vui?
- Ai nói vậy?
- Tôi trông sắc mặt là biết ngay thôi.
- Ông chỉ đoán mò.
Đoạn cả hai cùng cười một cách sảng khoái.
*
Đúng hẹn, sáng hôm sau Miên đón taxi đến địa chỉ đã được ghi trong giấy sau khi gói bức tranh Trên Đồi Sương lại cẩn thận đem theo để làm quà. Đêm qua anh đã đem bức tranh Trên Đồi Sương về để trên bàn và nhìn thật lâu, hai năm nó ở gần anh, hai năm hình ảnh Hạnh Dung vẫn sống trong lòng anh, có lẽ vừa đủ để giữ nó trong một ký ức nhỏ nhoi trong lòng, một kỷ niệm đáng yêu. Đã đến lúc phải chia tay với nhau rồi. Anh bọc gói cẩn thận bức tranh. Đây là bức tranh mà anh nguyện với lòng sẽ không bán cho ai dù họ trả giá cao đến đâu đi nữa vì đó là lời hứa với cô gái trẻ mà anh đến giờ vẫn chưa biết đang ở đâu, có lẽ bây giờ anh thất hứa với Hạnh Dung rồi – người bạn gái trẻ mà anh mới gặp lần đầu, ít ra sự thất hứa đó cũng mang lại niềm vui cho một người khác hay to tát hơn là mang lại một kỳ tích nào đó như lời ông Phúc nói. Nghĩ đến đó tâm hồn anh bỗng trở nên thanh thản.
Chiếc taxi dừng lại trước cửa một ngôi biệt thự nhỏ xinh xắn ở đường Hai Bà Trưng. Ở cổng rào màu đỏ của hoa tường vy được trồng hai bên tường làm nổi bật màu sơn trắng của cổng rào. Miên tần ngần trước cửa một hồi lâu rồi bấm chuông. Ông Phúc xuất hiện ở cửa nhà nhanh nhẹn bước ra cổng đón anh như đã chờ đợi cú bấm chuông từ rất lâu rồi vậy. Anh khẻ chào người đàn ông và theo ông ta bước qua cái sân rộng vào phòng khách. Phòng khách trang trí cổ kính giản dị nhưng không kém phần sang trọng chứng tỏ chủ nhân là người có khiếu thẩm mĩ. Ông Phúc nhìn anh khẻ nói:
- Chào cháu, cháu thật đúng hẹn. Hôm qua về tôi sợ cháu sẽ đổi ý. Như vậy thì tốt rồi.
Miên cười nhẹ:
- Ổ! Thưa ông, cháu chưa hề thất hứa với ai bao giờ.
Ông già cười cởi mở:
- Cám ơn cháu rất nhiều. Nguyệt Cầm đang ở trên lầu cháu ạ. Mời cháu đi theo tôi.
Miên đi theo ông già. Phòng của Nguyệt Cầm ngay trên tầng một. Phòng của cô còn có cửa mở ra lan can bên ngoài. Từ nơi đây cô có thể ngắm nhìn bao quát cả cái sân rộng bên dưới trồng đầy hoa và cảnh sinh hoạt ở phía ngoài đường phổ, chắc ông già cũng cố tình bố trí như thế để Nguyệt Cầm không nghĩ rằng cô bị tách biệt với thế giới bên ngoài và có thể lúc nào đó cô sẽ nhớ được tất cả nhưng hy vọng đó theo thời gian càng tỏ ra mỏng manh đối với người đàn ông tội nghiệp. Miên nhìn thấy cô gái đang đứng dựa vào vách tường nhìn xuống cái sân bên dưới. Màu nắng sớm chiếu vào làm ửng mái tóc dài của cô gái trông thật dễ thương. Miên không thấy được mặt nhưng nghĩ cô gái chắc đẹp lắm và cảm thấy tội nghiệp cho cô gái, tuổi đôi mươi trôi qua những ngày buồn bã lặng lẽ như thế. Anh quay lại ông Phúc hỏi ông già xem treo bức tranh chỗ nào cho phù hợp, ông chỉ cho anh chổ cần treo rồi ông bước đến gần cô gái ân cần nói:
- Nguyệt Cầm, cháu xem ông tặng con món quà gì nè.
Cô gái quay lưng lại nhìn ông nở nụ cười, theo ông bước vào phòng. Miên đang lúi húi chỉnh sửa lại bức tranh cho ngay ngắn không để ý đến cô gái đang đến gần. Cô gái nhìn bức tranh hồi lâu, chớp chớp mắt tỏ vẻ xúc động sững sờ. Ông Phúc lên tiếng trước:
- Anh họa sĩ, đây là Nguyệt Cầm cháu gái của tôi.
Miên nghe ông Phúc nói, anh quay mặt lại nhìn cô gái:
- Chào cô Nguyệt…
Anh chợt ngẩn người, sự ngạc nhiên làm cho anh không nói hết câu. Người con gái mà anh gặp trên đồi sương năm nào đang hiển hiện trước mắt anh, không lẽ nào Nguyệt Cầm lại là Hạnh Dung?
- Hạnh Dung, phải em không?
Cô gái cũng ngẩn người giây lát rồi khe khẻ gật đầu.
- Em cũng là Nguyệt Cầm?
Lại gật đầu. Miên không giữ được bình tĩnh nắm tay cô gái:
- Hạnh Dung có biết anh tìm em hai năm nay rồi không? Em hãy nhìn lên bức tranh nầy, đây là bức tranh anh hứa tặng Hạnh Dung hai năm trước đó, Em nhớ không?
Nguyệt Cầm chăm chú nhìn bức tranh, hình như bức tranh đã gợi cho cô những cảm xúc nào đó, mảng ký ức xa xăm hai năm về trước như một tia chớp chợt ùa về, cô khẻ nói:
- Đẹp và giống em lắm.
Ông Phúc đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác. Nhưng rồi ông chợt hiểu ra. Con bé Nguyệt Cầm của ông thật quá quắc lắm, tánh tinh nghịch lúc nào cũng ăn sâu vào đầu óc con bé. Hẳn con bé nghĩ ra cái tên Hạnh Dung bất chợt nào đó để đánh tráo cái tên cúng cơm của mình khi anh chàng họa sĩ hỏi tên làm quen nên khi ông nói cháu gái ông là Nguyệt Cầm anh chàng họa sĩ nầy không có một ấn tượng nào cả, suýt chút đánh mất cơ hội không dễ gì có được. Từ đầu sao mình không nghĩ đến điều ấy nhỉ, ngay từ nhỏ con bé đã nhiều lần làm cả nhà nháo nhào lên vì những trò chơi nghịch ngợm, chọc phá của nó rồi mà, giấu cái nầy, phá cái kia không để ai trong nhà yên một giây phút nào. Âu là một dịp may, trời phật phù hộ độ trì. Hai bạn trẻ gặp nhau trong một hoàn cảnh bất ngờ, kỳ lạ cũng là duyên phận, ông nhẹ nhàng bước ra khỏi phòng, bên tai ông còn nghe tiếng của chàng họa sĩ:
- Nguyệt Cầm có cho phép anh luôn ở gần bên em, chăm sóc em được không?
Gian phòng chỉ còn lại sự im lặng đáng yêu.
Ngoài sân hình như có tiếng hót của đôi chim nào đó đang gọi nhau.