NGUYỄN AN BÌNH


Chuột và Người
Truyện ngắn

Từ ngày ông y tá già nghỉ hưu dọn về ở cái xóm gà, thì đã thấy lão Thìn thợ săn chuột có số má trong làng nghề này từ lâu. Lão Thìn tham gia vào đội quân săn chuột cống thành phố và trở thành một cao thủ từ lúc nào không ai biết, chỉ biết lão sống chung với loài gặm nhấm hôi hám mang đầy mầm bệnh như những người bạn gắn bó thân thiết, làm cho người ta tưởng tượng nếu một ngày nào đó không có sự hiện diện, tiếng kêu la náo loạn và mùi hôi hám đến nỗi thân thuộc không rứt ra được chắc lão sẽ chết mất…

Trong ngôi nhà của lão suốt ngày luôn nghe tiếng kêu chít chít, tiếng cắn xé nhau của lũ chuột bị nhốt trong lồng chờ đến giờ được hóa kiếp siêu sanh về miền cực lạc trở thành những món mồi nhậu hấp dẫn, cung phụng cho đám thượng đế phàm ăn tục uống mỗi chiều, và nhất là mùi tanh đến tởm lợm của loại động vật suốt ngày sống chui rúc trong cống rảnh, kiếm ăn ở những đống rác dơ bẩn hôi hám nơi người ta mỗi ngày vứt đi những thứ không cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày từ những vật dụng đã hư hỏng, những thùng giấy lon bia đến những món đồ ăn dư thừa ôi thiu đang phân hủy lên mùi, nhất là mùi hôi ấy bốc lên từ đám bầy nhầy mà vợ chồng lão thu dọn sơ sài không hết từ những con chuột đã thành phẩm sắp đem đi giao cho khách hàng là chủ những quán nhậu bình dân hay nhà hàng lên đời trá hình ở khắp nơi trong thành phố.

Nhà lão ở cuối xóm gà lại cách khu dân cư một khoảng sân trống, dù vậy mỗi lần có cơn gió mạnh thổi qua cũng làm dân cư xóm gà phải bịt mũi, vả lại mỗi ngày dân xóm gà đã lục đục bỏ đi từ sớm tỏa đi khắp nơi tìm sự mưu sinh đến tối mịt mới về nên cũng chẳng ai quan tâm lắm đến cái nghề của lão. Ở cái xóm gà dân tứ xứ tụ tập về đây, làm đủ mọi nghề thượng vàng hạ cám, từ lao động chân tay đến công chức nơi công sở, từ mấy bà mua gánh bán bưng đến những cô cậu sinh viên tỉnh xa lên thành phố học không đủ tiền mướn những chỗ tươm tất an toàn hơn và cũng có đủ các thành phần trong xã hội lưu manh có, lương thiện có nhưng hình như có một qui luật bất thành văn: làm cái gì thì làm nhưng đừng đem chuyện chém giết, lừa đảo, giựt dọc chửi chó mắng mèo gây xáo trộn ầm ĩ đêm khuya ở cái xóm nầy là “ô kê”. Chuyện nhà ai nấy lo, ông y tá già thấy mình dọn về sống ở cái xóm nầy những ngày còn lại như vậy là tốt lắm rồi.

Cuộc đời của ông y tá già cũng không lấy gì làm vui vẻ, vợ mất hơn mười năm trước, có hai thằng con trai đều có gia đình, cuộc sống không mấy khá giả. Ông về hưu hai thằng con đùn đẩy với nhau về việc chăm sóc bố, lại nghe lời vợ đòi ông bán nhà chia. Ông buồn lắm. Ừ bán thì bán, ông bán nhà chia cho mỗi đứa một phần rồi mua ngôi nhà cấp bốn ở xóm gà để sống. Có lẽ ở xóm gà ông và lão Thìn gặp mặt nhau nhiều nhất vì mỗi sáng đều có mặt ở quán cóc cà phê đầu hẻm của chị Tư Liễu làm chủ. Có lần ngồi nhâm nhi bên ly cà phê buổi sáng, dân cư tản đi hết rồi chỉ còn lại lão Thìn và ông y tá già độc thân lão cao hứng kể cho ông y tá già lão đến với cái nghề bất đắc dĩ nầy trong một dịp hết sức tình cờ nhưng cái nghề nghiệp không giống ai đó mang lại cho lão một cuộc sống dễ chịu đến mức bất ngờ, lão không còn phải chạy vạy lo kiếm ăn từng bữa, không còn chịu đựng cái nhìn dè bỉu của đám cư dân xóm gà vì sự say xỉn, cãi vã với bà vợ lắm chuyện thường làm mất trật tự trong xóm.

Lão Thìn vốn là thợ hồ cha truyền con nối đã ba đời, đời cha lão là lính công binh trong chế độ trước, khi tan hàng nhảy ra làm thợ, đến đời lão theo cha đi khắp công trình xây dựng từ năm 15 tuổi, đến thằng con lão – thằng Tí – cũng thế. Suốt cả thời tuổi trẻ lão đi theo chủ thầu xây dựng hết công trình này đến công trình khác, một thời lão được chủ thầu cưng hết mức vì siêng năng, đường bay hồ khéo léo tài hoa chuẩn xác của lão, cho đến một ngày nọ khi đứng trên giàn giáo cao để tô tường, không biết làm thế nào mà lão lại hụt chân (chắc do dư chấn của cuộc nhậu quá độ đêm qua chăng), lão té từ trên cao xuống nhưng may mắn cho lão té nhằm nơi đất mềm nên thương tích không nặng lắm. Tuy vậy, lão cũng phải nằm nhà hơn nửa tháng, từ đó lão tự nhiên lại sợ độ cao nên không dám nhận đứng xây trên giàn cao nữa, lão đành chấp nhận làm phụ hồ và làm những chuyện vặt vãnh dưới đất, chủ thầu cũng không còn coi trọng lão, mấy thằng thợ hồ xưa kia gọi lão một anh ba, hai cũng anh ba, bây giờ cũng ra mặt coi thường lão.

Lão buồn tình nên thường hay mượn rượu để làm vui cho đến một ngày trong một lần nhậu say với mấy chiến hữu thời làm thợ hồ cho một công ty xây dựng, lão oắt cần câu không nhớ đường về và tạt ngang qua cái chợ “chồm hổm” bên đường, ngã lăn trên sàn sạp thịt bỏ trống gần đó ngáy ầm ĩ. Quá nửa khuya lão giật mình thức giấc vì cái chân bị mấy con chuột bâu vào cắn xé chắc nó tưởng lão là miếng thịt béo bở, lão lầm rầm văng tục mấy tiếng co hai cái chân đá vụt vào khoảng trống trước mặt rồi lăn qua một bên tiếp tục ngáy. Lại bị cắn, lão bực mình ngồi phắt dậy nhìn dáo dác chung quanh rồi chửi đổng:

– Mẹ cha bay, tao mà bắt được chúng mày là cho vào lò nướng trui cả đám cho mà biết.

Đang lầm bầm chửi rủa, mắt nhướng tới nhướng lui chưa tỉnh ngủ, chợt lão thấy có ánh đèn pin nhấp nháy ở đằng xa từ mấy miệng cống, tiếng chó sủa, rồi tiếng mấy con chuột kêu chí chóe nghe hoảng loạn lắm, lão bèn bỏ chân xuống sạp thịt, sờ soạng tìm mấy chiếc dép đã mòn gót văng không biết nơi đâu khi lão ngã vật xuống sạp thịt ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Lão lần mò bước tới theo ánh đèn pin lấp loáng trước mặt, thấy một người đàn ông đang lúi húi quay tới quay lui, lão lè nhè hỏi:

– Đêm hôm khuya lơ khuya lắc làm gì ầm ĩ không cho ai ngủ đó anh bạn?

Người đàn ông đeo đèn pin trên trán ngước lên nhìn lão, ánh đèn pin sáng hoắc chiếu thẳng vào mặt lão khiến lão nhăn mặt lấy tay che mắt lại cho khỏi bị chói miệng muốn văng tục nhưng kịp dừng lại trước cổ họng, gã đàn ông nói nhát gừng:

– Bắt chuột. Bộ không thấy sao còn hỏi?

Lão Thìn méo miệng cười giả lả:

– Thấy rồi, hỏi cho biết vậy mà.

Gã săn chuột nhìn lão có vẻ nghi kỵ:

– Còn ông làm cái quái quỷ gì ở cái chợ không người đêm hôm khuya khoắc vậy?

Lão Thìn giơ hai tay lên trời phân bua:

– Ối trời! Hôm qua nhậu xỉn quá không nhớ đường về ngủ đại ở đây vậy mà.

Lão dừng lại mấy giây hỏi gã săn chuột:

– Mà nè ông anh, bộ không có nghề ngỗng gì sao mà lại làm cái nghề tối tăm hôi hám này thế.

Gã thợ săn bỗng sựng cồ:

– Ai bảo với ông cái nghề hôi hám bẩn thỉu hử? Này nhé, tôi hỏi ông một ngày ông làm công cho thiên hạ, bị họ sai bảo mắng mỏ, họ trả công cho ông bao nhiêu tiền, ông có kiếm được bạc triệu bằng cái nghề ông cho là hôi hám dơ bẩn này không? Còn thằng này một đêm chịu khó có vài tiếng đồng hồ sáng ra là có bạc triệu trong tay tha hồ ăn nhậu đấy nhé thì hôi hám chút đỉnh nào có sá gì, chẳng lẽ tôi bắt chước ông say xỉn bạ đâu ngủ đó à?

Câu nói của thằng thợ săn làm lão tỉnh ngủ hẳn. Ừ nhỉ, lão chợt nhớ ra rằng không biết từ lúc nào món thịt chuột trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều thượng đế khi được đặt lên bàn nhậu, nó không còn là món ăn dân dã chỉ có ở chốn nông thôn mà nó vươn ra ngoài thành thị từ những quán nhậu bình dân trên lề đường vỉa hè mà trở thành món đặc sản trong nhiều nhà hàng sang trọng với nhiều món ăn chơi chế biến khác nhau. Thịt chuột đồng làm sao cung ứng đủ cho tầng lớp thích ăn nhậu kia chứ nên cái nghề săn chuột cống trở thành cái nghề kiếm cơm đổi đời của những con người nghèo khổ bần cùng của chốn thành thị đầy bon chen vật chất.

Kiếm tiền triệu mỗi ngày ai mà không thích nhỉ, sao hồi nào tới giờ mình không nghĩ đến điều nầy kia chứ? Nghĩ đến việc có tiền triệu rủng rỉnh trong túi mỗi ngày làm cho mặt lão bừng bừng lên vì niềm phấn khích, các cơ mặt giựt giựt liên hồi trông gương mặt lão lúc này thật dễ sợ may mà gã săn chuột mãi, lo săm soi kiếm lũ chuột hoang nếu không chắc cũng phát hoảng. Ôi chao! Lão nhớ lại từ khi bị tai nạn lao động đến nay lão không thể làm việc nặng nhọc được nữa nên lão thầu không còn coi trọng lão, ai cũng có thể sai bảo lão, tiền công thì rẻ mạt, tiền bạc không đủ chi tiêu thiếu trước hụt sau vợ con cằn nhằn, lão đâm ra chán đời nghiện ngập, lão nghĩ coi bộ cái nghề này có lẽ phù hợp với mình đây.

Lão hạ giọng cầu khẩn:

– Này ông anh chỉ cho mình với nhé, một chầu nhậu được không?

Gã thợ săn nhếch mép hỏi khoáy lão:

– Sao ông nói cái nghề nầy hôi hám lắm mà bây giờ lại muốn học là sao? Ông muốn giỡn hớt với tôi đó hả? Nghề này chỉ dành cho những kẻ bần cùng như tụi tui mà thôi nghe chưa.

Lão Thìn gãi tai nhăn nhó:

– Cho tôi xin lỗi nghe, hồi nảy tôi lỡ lời thôi mà. Tôi cũng sống vất vưởng nghèo rớt mồng tơi chớ có sung sướng gì đâu ông anh ơi.

Tần ngần một chút lão hạ giọng nói tiếp:

– Một chầu nhậu được không?

– Nhậu nhẹt gì, tui không ưa cái khoản đó, muốn học thì đi theo tui, một hai buổi là rành việc, nhìn người ta làm gì thì bắt chước, Nghề này có khỉ khô gì mà học, ăn thua mình lẹ mắt nhanh tay, chỉ có khác một chỗ người ta lấy ngày để mưu sinh còn mình ngược lại lấy đêm làm ngày để kiếm cơm, lâu dài đeo đuổi nghề này mới là chuyện khó đó. Nhưng tui nói trước cái nghề này tổn thọ lắm à nghe, thức đêm thức hôm lại còn rượu chè be bét như ông anh liệu có kham nổi không?

– Ông anh yên tâm, tui đã làm việc gì là làm tới cùng, tui từng làm những việc nặng nhọc hơn thế nầy nữa xá gì…

Lão Thìn bỏ lửng câu nói vì không biết diễn đạt thế nào sợ tay thợ săn hiểu lầm nổi quạu thì xôi hỏng bỏng không, nhưng tay thợ săn hình như không để ý đến điều này mà nói qua chuyện khác:

– Có điều nầy tôi nhắc ông nên nhớ học xong đừng lừa thầy phản bạn là được, địa bàn của ai người nấy giữ không được xâm canh đó nghe. Qui luật bất thành văn đó. Biết chưa?

Lão Thìn ầm ừ:

– Ừ! Tui biết điều đó mà ông anh.

Bảo bối của tay thợ săn cũng đơn giản: Ngoài cái đèn pin gắn trên đầu, cây chỉa hai đầu nhọn hoắc gắn trên một thanh tre dài khoảng một mét rưỡi, thêm cái vợt rộng, túi lưới, còn cái lồng sắt to hai tầng dùng để nhốt chuột đã được ghịt chặt trên chiếc xe máy cà tàng. Lão đi theo hắn. Gã săn chuột lắng tai nghe, ánh mắt ngó nghiêng quan sát, đi dần về phía có tiếng động ở phía sau một sạp hàng, ánh đèn pin liên tục quét vào những ngóc ngách tối tăm ẩm thấp, khi phát hiện ra con chuột, lập tức ánh đèn chiếu thẳng vào con chuột và nhanh như chớp tay thợ săn dùng mũi lao có đầu chỉa nhọn đâm chuột. Một tiếng kêu ét vang lên, hắn ta dùng một tay còn lại lần theo cây lao tóm lấy cái đuôi con chuột quay tít làm con chuột cứng đơ rồi ung dung bỏ nó vào lồng sắt nhốt. Gã thợ săn tiếp tục đi dọc theo lề đường đến gần một cái cống, có mấy con chuột đang kiếm ăn gần đó nghe động chui tọt xuống đó, tức thì hắn căng cái lưới ngay đầu miệng cống rồi vòng ra phía sau dùng cây gậy ngắn gõ dồn dập lên thành cống, âm thanh dội vào lòng cống liên tục làm cho lũ chuột nấp ở bên dưới hoảng sợ vội phóng vọt lên, lão Thìn thấy có ít nhất cũng 5 con sa vào túi lưới của hắn.

Chiếc túi lúc nhúc mấy con chuột cống đen sì, béo nung núc, chân vướng vào lưới, cả đàn không thể chạy chỉ giẫy giụa một lúc rồi nằm im thin thít. Hắn dùng chiếc kìm tự chế, đó là một mẩu sắt uốn tròn gắn trên đầu cây gậy gỗ lừa thế bẻ răng nanh từng con rồi thảy tọt từng con vào lồng sắt hai tầng kia. Lão Thìn tỏ vẻ ngạc nhiên: ông anh bẻ răng chúng làm gì cho phí sức, vứt mẹ chúng vào lồng có hơn không. Tên thợ săn cười giảng giải cho lão hiểu: Việc bẻ răng nanh là rất cần thiết, mất răng nanh bọn chúng không cắn được nhưng vẫn sống. Chuột phải sống thì thịt mới ngon. Còn chết trước khi làm thì coi như vứt, mất hết độ tươi, giòn thơm, còn có mùi hôi. cái tụi gậm nhấm nầy răng nanh của nó cứng như thép, suốt ngày chỉ biết lục lội phá phách không thôi, nhốt chung một chỗ không bẻ răng chúng cắn nhau loạn xạ, bị thương hay chết làm sao bán được tiền, không khéo nó quay ra cắn mình vết thương làm độc thì chết hiểu không ông anh? Lão Thìn gật gù tỏ ra hiểu biết và theo tay thợ săn gần tới sáng mới chia tay. Đó là buổi học nghề đầu tiên và duy nhất của lão. Cũng chỉ một đêm hôm đó mà lão trở thành kẻ bắt chuột lành nghề cho tới bây giờ.

Ngoài các đồ nghề tự chế để bắt chuột, trợ thủ đắc lực giúp lão săn lùng lũ chuột là con chó mực, không một con chuột nào có thể thoát khỏi đôi chân và cái miệng đầy răng như một gọng kìm của con mực. Để bắt được chuột thợ săn phải biết huấn luyện, mỗi tay thợ săn đều có bí quyết riêng của mình để dạy chó săn chuột, nhưng tựu chung có mấy điểm quan trọng cần chú ý sau: chó săn phải biết nghe và hiểu được những mệnh lệnh của chủ, khả năng đánh mùi, đuổi bắt, đánh chặn và nhất là khả năng tấn công, kỹ thuật tránh đòn trước đòn cắn trả của những con chuột cống rất lớn hung dữ, răng nanh chúng rất sắc và độc, khi bị tấn công chúng thường chống trả rất quyết liệt dữ dội.

Nhưng với con mực lão không cần chỉ bảo nó một điều gì nhưng việc đánh hơi, đuổi bắt chuột ngay từ đầu nó đã tỏ ra là một cao thủ, ngay cả việc vồ, ngoạm, lắc khống chế lũ chuột nó cũng tỏ ra rất tinh ranh khéo léo bằng kỹ thuật “ngoạm ngang lưng”, chuột khi bị ngoạn ngang lưng và lắc mạnh thì mất đi khả năng kháng cự tạm thời không chết để mặc cho con chó săn mang chiến lợi phẩm về cho chủ. Địa điểm hai thầy trò bắt được nhiều chuột nhất là những nơi ẩm ướt, hôi hám bẩn thỉu nhất như chợ búa, nơi ban ngày hàng cá hàng thịt ngồi là nơi có nhiều chuột nhất, cống rãnh, bãi rác thậm chí thầy trò còn vào cả bãi rác của bệnh viện để bắt chuột. Mỗi ngày với số chuột cống bắt được sau khi làm thịt vứt bỏ bộ đồ lòng cũng không dưới 10 đến 12 ký, giá thị trường bây giờ cũng từ 100 đến 120 ngàn thì bỏ túi tròm trèm trên một triệu hỏi vậy ai mà không khoái.

Chính vì thế từ ngày lão chuyển qua cái nghề săn chuột, có đồng ra đồng vô thì vợ lão không còn cằn nhằn cử nhử nữa, mà trở thành người cộng sự đắc lực cho chồng từ việc giội nước sôi, chặt đầu lột da moi lòng làm sạch để giao cho khách hàng. Có lần mụ đem giao hàng cho mấy tay chủ quán, bọn họ đùa cợt đại loại như: Này bà Thìn, chuột đồng ở đâu mà chồng bà bắt nhiều vậy? Lũ chuột đẻ làm sao cho kịp để vợ chồng bà bắt hè? Hoặc là: Chuột đồng hay chuột cống đây bà nội, sao con nào con nấy múp míp mập mạp thế kia.

Mụ cũng không vừa trả lời ngang phè: Biết rồi mà còn hỏi, chuột đồng hay chuột thành có gì khác nhau đâu nào, cũng là thịt chuột cũng cho vô bụng đấy thôi. Mấy ông thấy đấy, thượng đế đến quán mấy ông thưởng thức có chết thằng tây nào đâu mà bảo bị bệnh dịch này dịch nọ. Chẳng phải ăn thịt chuột còn ngon và an toàn hơn thịt gà, thịt lợn, thịt bò thôi sao. Nuôi mấy con gà con lợn người ta bỏ thêm chất tăng trọng với chất kích thích tăng trưởng độc hại vô cùng, còn thịt chuột làm gì có ai chui xuống cống để bón chất tăng trọng cho chuột, tôi nói vậy mấy ông thấy có đúng không nào?

Vợ chồng lão làm gì không biết bọn chủ quán nói này nói nọ để kì kèo yêu sách giá cả thôi mà, còn đối với dân nhậu thì họ chém thẳng tay. Lão Thìn không lạ gì các món ăn mà mấy quán nhậu chế biến từ chuột mà ông cung cấp như: Chuột quay lu, nướng chao, nấu giả cầy, áp chảo, xào lăn, khìa nước dừa, xào lá cách, chiên nước mắm, rang muối, nấu đông, hấp lá chanh… Khi mang ra cho khách dưới những cái tên rất mỹ miều Hồng Kông bên hông Chợ Lớn. Thậm chí còn cải đổi gốc gác của cái món chuột bình dân thành món ăn cao cấp như đà điểu, kăng gu gu gì đó thì có trời mà biết. Thôi kệ, thằng nào ngu ráng chịu không mắc mớ gì đến lão như thịt cừu, bò nai gì đó lão không cần quan tâm miễn là trong túi lão luôn có tiền là được. Có tiền muốn mua sắm cái này cái nọ đều có, có tiền lối xóm không còn cạnh khóe nói này nói kia thì không tốt hơn sao.

Nhưng có một người không thích lão làm cái nghề mà theo hắn ta đó là cái nghề ôn dịch, là thằng Ti con lão. Đi làm về cái mặt lầm lì cau có, quạu quọ. Một hôm không chịu nỗi nữa, nó nhìn ông già tía to tiếng:

– Nè ông già, ông nghĩ sao mà làm cái nghề sát nhơn ác đức vậy chớ.

Lão Thìn vừa nâng ly rượu đế lên chưa kịp chiêu vào miệng, chưng hửng nhìn thằng con trai như chưa hiểu nó muốn nói gì. Lão dằn mạnh ly rượu xuống bàn sẳng giọng:

– Mày nói gì vậy thằng kia, tao làm nghề gì mà mày nói sát nhơn ác đức chớ?

– Thì cái nghề săn chuột cống bán cho mấy quán nhậu chứ nghề gì? Ông biết mấy con chuột cống hôi hám, sống chui rúc trong đường mương cống rãnh, ăn những đồ hư thối người ta vứt đi, mang biết bao mầm bệnh ông biết không, người ta ăn vô sinh ra nhiều bệnh tật, thậm chí ung thư, dính vô căn bệnh đó là tán gia bại sản như chơi, làm chuyện gì cũng để đức lại cho con cháu đó ông biết không?

Mụ vợ lão Thìn nghe thằng con quý tử nói trợn tròn đôi mắt rít qua kẻ răng:

– Ối giời, mày nói chuyện nhơn đức hồi nào vậy? Khối thằng làm nghề như ông già mày có sao đâu, người ta ăn thịt chuột cống hà rầm mỗi ngày có chết thằng tây nào đâu, mày chỉ vẽ chuyện.

Thằng Tí cũng không vừa:

– Bà già biết gì mà xía vô. Bà sinh tui ra mà không biết tui tuổi gì sao? Tuổi Tí cầm tinh con chuột đó bà nhớ chưa? Ông bà làm nghề giết chuột chẳng lẽ không ảnh hưởng đến tương lai sự nghiệp của tui sao? Con bồ tui đến đây một lần nó xếp de chạy dài rồi đó, lại còn cái xóm gà này nữa, người ta nói ra nói vào về mùi hôi thúi của mấy con chuột chết, tui làm sao chịu thấu chứ.

Lão Thìn tự nãy giờ lắng nghe hai mẹ con thằng Tí nói bỗng tức khí rống lên:

– Mày nói lạ, giết chuột cũng là một nghề như bao nghề khác như giết gà, giết heo, giết trâu vậy thôi. Chẳng lẽ mày tuổi Dậu, tuổi Hợi, tuổi Sửu là cha mẹ mày không được làm nghề giết gà, giết heo, giết trâu để bán sao? Còn con bồ của mày, nó không thích thì mày kiếm con khác, đời thiếu gì con gái mà mày lại chạy theo đuôi cái con Duyên – con lão Tám Tàng làm xe ôm. Còn chuyện cái xóm gà này nữa, bọn chúng còn làm bao nhiêu điều tệ hại hơn tao nhiều mà tao có nói gì đâu, chẳng qua ai cũng vì miếng cơm manh áo thôi, tao không đụng chạm gì đến bọn chúng mắc mớ chi bọn chúng đụng chạm đến công ăn việc làm của tao hè. Mày nghĩ coi có phải không?

Thằng Tí nói sảng:

– Ông bà không bỏ cái nghề ôn dịch này là tôi bỏ nhà đi không về đó.

Trong cơn nóng giận lão Thìn nói lớn:

– Mày đi đâu thì đi tao không cần, mày có nuôi tao được một ngày một bữa nào đâu mà làm trận làm thượng với tao vậy.

– Vậy ông không nhớ lúc ông bị té từ trên giàn giáo xuống ai cõng ông vô bệnh viện, ai lo tiền thuốc thang săn sóc ông vậy, ma chắc?

– Tao nhớ nhưng đây là nồi cơm của tao với má mày, mày nói thế chẳng khác nào mày đập bể nồi cơm của tao sao?

– Ông vẫn đi làm hồ như tui được mà.

– Nghề đó cực quá tao không theo nỗi nữa rồi.

– Vậy chớ tía thức đêm thức hôm đi bắt chuột không cực khổ hơn sao?

Lão Thìn bực tức:

– Nhưng được nhiều tiền mày không thấy sao?

– Tía không nghe thì tui bỏ đi đó.

– Mày muốn đi đâu thi đi tao không cản.

Vậy là thằng Tí làm căng bỏ đi thiệt. Nó vào trong cuốn mấy bộ đồ bỏ vào chiếc ba lô củ mèm quảy lên vai rồi đi thẳng. Lão Thìn biết nó bỏ ra ngoài công trình xây dựng để ngủ cho bỏ nư đấy mà. Thôi thây kệ nó, nghe lời nó không có tiền cạp đất mà ăn à?

Có vào nhà lão Thìn mới thấy hết vẻ bề bộn và mùi hôi hám bốc lên từ xác động vật thối rữa không dọn dẹp sạch sau mỗi lần làm thịt lũ chuột cung cấp cho mấy quán nhậu, hay mấy cửa hàng “đặc sản” mà dân nhậu ưa thích.

Cuộc hôn phối kỳ lạ giữa người và chuột chắc sẽ còn tiếp diễn dài dài không có gì để bàn cãi như chuyện thường ngày của huyện, nếu một ngày nọ nếu không có chuyện xảy ra. Vào buổi chiều hôm đó, lão Thìn đang khề khà bên ly rượu đế, trên bàn ê hề các món thịt chuột mà vợ lão học lóm từ mấy quán nhậu, bụng lão chợt đau oằn oại, phồng lên xệp xuống khiến lão ôm bụng gập người xuống, mặt nhăn nhúm biến dạng đến khó coi hết sức, miệng chỉ kịp la lên mấy tiếng:

– Chết tôi rồi bà nó ơi.

Rồi người đổ gập xuống như cây chuối bị ai đốn ngã, mắt trợn trừng lên, miệng ọc đầy máu tươi phun ra như có vòi, vợ lão nghe tiếng kêu lật đật chạy vào thì lão đi từ đời nào, mụ tru tréo gào lên làm náo động cả xóm gà. Họ ào ào chạy tới để xem, bàn tán đủ thứ chuyện, có người nhanh chân chạy vội ra công trình báo tin cho thằng con biết, Thằng Tí nghe tin phóng xe hớt hải chạy về thì ông già tía của nó tắt thở đã mấy đời vương rồi.

Cái chết của lão ghê rợn và nhanh chóng quá làm ai cũng hãi hùng hoảng sợ, không biết lão bệnh gì nhưng họ cả quyết rằng tất cả đều do lũ chuột mà ra. Âm hồn của mấy con chuột lãng vãng đòi mạng, lão không bị dịch hạch thì cũng bị nhiễm trùng máu vì mấy con vi rút truyền nhiễm từ loài động vật ghê gớm kia. Nhưng tất cả cũng chỉ là lời đồn thổi thôi, họ không biết có một người biết được nguyên nhân cái chết của lão Thìn đó là ông y tá già ở đầu xóm: Mấy tháng trước ông già thấy lão Thìn có mấy triệu chứng hơi bất thường: da và tròng mắt ngã màu vàng nghệ, bụng trương lên thấy rõ, dáng đi đã bắt đầu chậm chạp, ông già có khuyên lão nên khi khám bệnh những lão đã gạt phắt đi: Người ta ai có số ông đừng lo cho tôi, tôi còn sống dai lắm. Hôm nào ông tới nhà nhậu với tôi cho đã một bữa nghe. Rồi lão cười khà khà khệnh khạng bỏ đi một nước.

Nhưng ông y tá già im lặng không nói lời nào bỏ về nhà vì ông biết nói ra chắc vì ai tin thì nói làm gì cứ để nó trôi đi, người chết là hết can chi nói ra nói vào làm gì không biết, nhưng ông già biết chắc chắn một điều từ nay cuộc hôn phối giữa người và chuột chắc chắn sẽ chấm dứt theo cái chết lạ lùng của lão Thìn và cư dân của cái xóm gà. Mặc dù trước mặt gia đình người quá cố làm ra vẻ mặt buồn thảm khi đến đưa đám nhưng thực ra trong bụng họ lại mừng thầm vì từ nay thoát được cái mùi hôi hám thối tha từ ngôi nhà ấy mang lại.

  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn An Bình