NGUYỄN AN BÌNH

Đi Qua Mùa Gió

 

Chờ mãi cũng không thấy nó quay về. Nhủ với lòng thôi không chờ nữa, thao thắt làm chi với con người bội bạc đi không nhớ đường về, giống như kẻ qua sông không hẹn ngày trở lại và cái bến cũ chỉ còn biết mốc meo chùng chình trong mưa nắng, giống như một kẻ bạc tình bỏ lại sau lưng những lời hứa hẹn ngọt ngào với người tình mặc cho cho chăn gối nhạt phai.Thì một ngày nắng mới, bỗng dưng nghe tiếng lá se se ngoài bãi, cái nắng nhàn nhạt khác hơn mọi khi và mùi bùn non dậy lên từ cửa sông làm ngầy ngật cái khứu giác rất ư là mẩn cảm với thời tiết của một cô gái lỡ thì, mặt sông không gợn một chút sóng, trời trong xanh ngăn ngắt thì nó lại len lén dấm dúi quay về không một lời báo tin, hẹn hò với người chờ đợi nó đến mòn mõi xao xác. Nếu có hỏi thì chắc gì nó trả lời hay nhiều khi chỉ nghiêm sắc mặt, giọng nói hanh hao lạ lẫm: Chờ tôi chi vậy, tôi có hẹn thề gì với mấy người đâu không biết, đời phải biết thong dong tự tại chớ, nần nợ chi mấy lời hẹn hò nhỏ mọn ấy rồi bận lòng cả đời sao, tui đâu có ngu. Trời ạ nếu nó trả lời như thế thì biết tính làm sao thôi đành im lặng mà lòng buồn hiu hắt. Cũng lạ, chờ đợi chi bây giờ nó về lại buồn. Phải chăng cái buồn trở nên thâm căn cố đế khi lòng mình đã đánh mất niềm tin, mà niềm tin xuất phát từ đâu, chỉ là một lời nói thôi mà, tin chi mà tin dữ vậy không biết bây giờ lại buồn, lãng xẹt hôn. Nó xấp xãi qua sông, lúc thì mơn man thì thầm, thong thả trên mấy ngọn bần trái vừa căng tròn xanh miết, lúc thì ào ạt làm mấy bụi cỏ ven sông se sắt lại, cái xanh mơn mởn của đám rau muống trước nhà co cụm lại giống như chúng đang nghiêng đầu vào nhau tự hỏi: Cái gì làm cho mình cảm thấy lạnh lẻo trống trải cô đơn vậy cà. Đúng rồi, mùa gió, gió chướng đây mà. Cái mùi quen thuộc mà chỉ những ai mẫn cảm, khắc khoải chờ mong mới nhận ra thôi. Nhận ra để rồi lại se lòng, khổ chi không biết.
Mùa gió làm cho vạt cải vàng bên sông hoa trổ một màu vàng đẹp rực rỡ. Cả một cánh đồng hoa vàng tít tắp chạy dài trên những mảnh đất ven sông màu mỡ phù sa đẹp đến nao lòng, cái mùa ong bướm không biết từ đâu lũ là lũ lượt kéo nhau về hàng đàn hàng đống, mơn man ve vuốt bởn cợt trên từng nụ hoa cải non vàng óng ả vừa mới trổ để hút lấy hút để cái mật ngọt say đắm cho thỏa lòng thỏa dạ, cái mùa mà mấy cái đám cưới chạy tết rước dâu qua sông không chờ đợi hoa cải trổ ngồng, cũng có thể là cái mùa làm bao cô thiếu nữ háo hức nghĩ về một chàng trai sẽ đến với mình như một chàng bạch mã hoàng tử trong cổ tích, đánh thức nàng công chúa ngủ say trong rừng nhưng đời có mấy ai nắm bắt được ước mơ của mình một cách trọn vẹn kia chứ hay mãi hoài cũng chỉ là giấc mơ thầm kín e ấp rồi cũng như đám hoa cải ven sông một ngày nào đó cũng tàn úa mà thôi.
Cái mùa có một người đi xa, chỉ để lại cái nhìn đắm đuối làm chết lòng người ở lại, cái mùa có một bàn tay vẩy vẩy của ai đó khi xuống chuyến đò chiều cuối ngày trôi lên thành phố rồi mãi mãi không còn thấy bóng thấy hình bắt người khác phải tổn thương không biết lấy thuốc thang gì chữa cho khỏi. Mẹ bảo con gái có thì, mình biết vậy, nhưng đâu phải muốn là được đâu chớ. Người lớn thì mong mỏi, lo lắng cho cái hoa trong vườn nhà, cái trái trên cây, hay hủ mắm treo đầu giường gì đó không khéo chín nẩu chín rụng mà bản thân đương sự lại cảm thấy dửng dưng vô cảm. Có kỳ lạ không kia chứ?
Hà lại nhớ mới hôm qua thôi nhỏ Linh viết thư về than thở: Tao nhớ mầy quá, nhớ cái gió lừng lững về quét qua sông, qua xóm lá nhà mình làm mùi bùn non ngóc lên dậy trời dậy đất. Nhớ mấy trái bần ổi chín rụng lộp bộp xuống sông trôi lấp la lấp lửng trên nhánh sông quê không biết tấp vào đâu để thành dám bần mới. Nhớ chao chát vị chua chua nồng nàn của nó chấm với muối ớt mà thèm chảy nước miếng quá mầy ơi. Con nhỏ thiệt ngộ, thời đại nào rồi mà còn viết thư với từ, bây giờ với cái máy thông minh gì đó chỉ cần bấm bấm vài cái, lấy tay quẹt quẹt là tha hồ nói, tha hồ tâm sự từ chuyện trên trời vũ trụ bao la cái phi thuyền thám hiểm sao hỏa trên đường trở về trái đất nổ tung trong bầu khí quyển, rồi chuyện ông Trum ông Trúm nào đó bên Mỹ tuyên bố tấn công I-răng I-rắc, đến chiến tranh thương mại với ông Trung Quốc nhà sát bên cạnh mình đến nước biển dâng làm tràn ngập đồng bằng miền Tây dăm ba chục năm nữa hay hơn thế, rồi tới chuyện thằng chồng hủ hèm của nó, say xỉn chun vô mùng mùi men nồng nực, kèo cưa đòi làm chuyện nầy chuyện nọ. Làm nó bực mình thượng cẳng chân hạ cẳng tay đạp cho thằng chả bay thẳng xuống sàn ngủ mà miệng còn lảm nhảm đòi yêu. Thêm lũ con lóc cóc đòi có áo mới cặp đẹp cho ngày tựu trường. Nói chung tất tần tật với cái cục sắt thông minh nó muốn nói gì thì nói, muốn kể gì thì kể tha hồ, nghiêm chỉnh cũng được, bông phèng cũng được lời nói đến tai mình nhanh như tia điện chớp, bày đặt viết thư viết từ làm chi thấy mắc mệt quá trời quá đất. Mà nói nào ngay đọc thư của nó coi vậy cũng làm mình rưng rưng chớ bộ, cũng làm mình khốn khổ thương cảm không ít. Ai biểu ham vui sớm ăn cơm trước kẻng làm chi không biết. Chưa học hết phổ thông đã đùng đùng đòi lấy chồng. Mà không lấy sớm nào có được đâu, cái bụng nó sắp bành trướng khỏi cái áo dài trắng tinh tươm thẳng thớm rồi còn gì. Lại đẻ sòn sòn năm một, một thằng cu và một cái hỉm. Giờ mặc sức mà lo, than thở cái gì không biết.
Mùa gió còn làm Hà nhớ thằng Tửng con ông Năm Nghĩa bạn học thời cấp 3 cùng xóm, hôm đám giổ ông nội nó gặp lại nhau ở bến đò qua sông, mừng quá rịt lấy vai nó kêu lên: Ôi cha sao lúc nầy ông phát tướng quá vậy không biết. Tửng cười rổn rảng: Người ta nói: Sang nhờ bạn, mập nhờ vợ mà, không phát tướng mới là lạ. Hà đã chỉnh trang lại hắn: Ông sạo vừa thôi, người ta nói: Giàu đổi bạn sang đổi vợ, mà ông có dám đổi không? Nó cũng cắc cớ: Đổi ai? Hà ngang phè: đổi tui nè được hôn? Hắn phá lên cười: Phải hồi đó bà chịu tui rước bà về dinh rồi. Hà đâm bực bội: Sao ngày xưa ông không bỏ lá thư tình thương mến thương vào học bàn của tui cho tui nhờ. Tửng hít hà: Tui mà lọt vô cửa đó là bà rêu rao từ đầu ngỏ tới cuối đường, từ đầu hành lang nầy đến đầu hành lang khác của trường, cái đầu của tui đội chuối khô bỏ xứ đi mất rồi còn đâu. Thì ông đừng để tên ai biết. Tửng cũng không vừa: Không để tên rủi bà thương thiệt thì biết đâu mà tìm. Ừ hén. Nghĩ Tửng nói thế cũng đúng. Cũng phải hồi đó Hà là chúa quỷ sứ, là ma nghịch ngợm, là con yêu tinh ma quái chuyên quấy phá trêu đùa chọc ghẹo trái tim đến độ rỉ máu của những thằng bạn đi theo sau trong đó hình như có Tửng thì phải(nhớ lại chuyện củ rích hồi nẳm làm Hà như se lòng, phải chi hồi đó. Thôi không nghĩ nữa…) Hà để hít hà cái hương bồ kết từ mái tóc dài của Hà xuôi theo chiều gió biết đâu tự nhiên Hà thương bất tử thì sao. Rồi nó bẻ ngang: Còn bà tới bây giờ sao không để ai rước đi cho rồi, mùa gió về buồn hiu buồn hắt làm sao chịu nổi.
Tửng lại nhắc đến mùa gió, tiếng gió lại dội về như tiếng sóng vỗ vào lồng ngực Hà âm âm một cảm giác hờn dỗi, mơ hồ. Gió rạo rực một nỗi niềm không sao tả xiết. Đêm nằm trong nhà mà tưởng như đang nằm dưới bóng trăng giữa một đất trời cao rộng nghe tiếng gió rào rạt chạy dài theo từng vạt cỏ tranh, giồng cát lạnh lẽo, cố hít hà mùi hương của bụi cúc dại loáng thoáng đâu đó, tiếng con cúm núm u hoài, dòng sông phía trước mơ hồ như tan chảy, cái ánh sáng nhạt nhòe của những vì sao trên trời kia tự nhiên chợt biến đâu mất. Trong mọi cái ngổn ngang bề bộn đó Hà nghe hình như có tiếng chân ai rón rén đến gần và Hà bật khóc một cách hả hê như chưa từng được khóc bao giờ.
Rồi mùa gió cũng sẽ đi qua, để lại một người hắt hiu cô độc ngóng chờ và chờ biết đến bao giờ gió ơi.

  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn An Bình