NGUYỄN AN BÌNH

 

Hoa Đào Vườn Cũ
Truyện ngắn
       
Thôi Hộ(1) đưa ngòi bút lông chấm vào nghiên mực một cách thong thả rồi nhẹ nhàng vuốt lên thành nghiên để mực đọng lại vừa đủ và lăn tròn để se đầu ngọn bút lại cho mảnh hơn, có như thế chàng mới vẽ được những nét nhỏ và sắc sảo, chàng đang thực hiện giai đoạn cuối của bức tranh: vẽ đôi mắt của thiếu nữ ở vườn đào mà chàng đã gặp năm ngoái trong trí nhớ của mình. Một bức tranh mà chàng bỏ nhiều công sức mong muốn nó trở thành một bức tranh tuyệt mỹ về một ý tưởng bắt đầu bằng một cảm xúc sâu xa  trong lòng chàng: Bức tranh vẽ người con gái dưới cội hoa đào, à không mà cả một rừng đào thì phải đang thấp thoáng phía sau. Không biết đây là lần thứ mấy khi ngòi bút của Thôi Hộ vừa đặt lên bức tranh định điểm nhãn cho gương mặt thì bàn tay cầm bút trở nên run rấy không chủ động được, mà vẽ mắt không được thì xem như bức tranh bị bỏ đi phí bao công sức đã bỏ ra, chàng cũng không hiểu sao lại xảy ra tình trạng kỳ lạ như thế. Trong số các bạn học đồng song, các môn cầm kỳ thi họa thì chàng là người nổi tiếng với nét vẻ tài hoa, phóng khoáng nhất, nhiều bức tranh của chàng được nhiều người khen ngợi và được treo ở các nơi trịnh trọng nhất nay chỉ vẻ đôi mắt mắt cho một bức tranh thôi cũng không xong thì còn ra thể thống gì nữa, chàng gác bút lên nghiên mực nhìn bức tranh một cách buồn bã.
 Đây là bức tranh chàng vẽ thiếu nữ trong vườn đào mà tình cờ chàng gặp được trong lần du xuân năm ngoái ở phía nam thành Lạc Dương. Chàng không phải là người xứ kinh kỳ nhưng được thân phụ gởi gấm lên trọ nhà người quen ở Lạc Dương để sôi kinh nấu sử ở trường một danh nho có tiếng chờ ngày triều đình mở khoa thi hội. Chàng Thôi là một người thông minh sáng dạ, sống phong lưu thơ hay vẽ giỏi nhưng lại là một sĩ tử không may mắn chốn trường thi, chàng thi đến lần thứ hai rồi mà bảng vàng vẫn chưa được nêu danh. Buồn chán trong lòng nên nhân tiết thanh minh chàng theo bè bạn du xuân, mãi mê ngắm phong cảnh đẹp chàng vô tình lạc bước vào một con đường nhỏ dẫn đến thôn Đào Hoa, chàng thấy trước mắt mình hiện ra một rừng hoa đào với cây cối xanh tươi đang rộn ràng khoe sắc giữa gió xuân thổi từ phương đông về.
Say sưa trước cảnh đẹp thiên nhiên của hoa đào, Thôi Hộ ghé lại một trang viên gõ cửa xin nước uống. Và người mang nước cho Thôi Hộ là một thiếu nữ độ tuổi trăng rằm, dáng người thanh tú mặt đẹp như hoa đào mới nở. Nàng mang nước mời Thôi Hộ uống còn mình thì e lệ đứng nép dưới cành đào. Giữa một khung cảnh của hoa đào khoe sắc thắm, thiếu nữ lại ửng hồng đôi má, miệng chỉ chúm chím cười như hoa đào che kín nụ kín đáo chẳng nói năng chi thì chàng trai trẻ chưa vợ như Thôi Hộ làm sao không đắm đuối nhìn, không biết có phải sắc hồng của hoa đào khiến khuôn mặt người đẹp hồng tươi lên hay ngược lại là đôi má hồng của thiếu nữ tỏa sắc hồng thắm tươi lên những nụ hoa đào mà cảnh thêm đẹp. Quả là hoa đẹp mà người cũng thật là đẹp! Thôi Hộ thấy mình đang sống trong cảnh thần tiên nào đó chỉ có trong truyện cổ tích mà thôi.   
     Trước cảnh vật tươi sáng, tinh khôi, đầy chất lãng mạn ấy đã ngay lập tức như một cú sét ái tình làm say đắm trái tim thư sinh Thôi Hộ. Tuy nhiên khi lí do xin nước uống đã hết, dù cảnh đẹp người xinh Thôi Hộ cũng thấy nếu đứng lại thêm nữa thì thành ra vô duyên nên đành bịn rịn giã từ người đẹp ra về mặc dù trong lòng đầy luyến tiếc. Công việc học hành thi cử lo cho tương lai sắp tới đã làm Thôi Hộ quên đi chuyện gặp gỡ người con gái đẹp ở Đào hoa trang. Một năm lại trôi qua, cũng nhân ngày hội du xuân, Thôi Hộ lần về chốn cũ, hoa đào vẫn rực rỡ trong tiết xuân ấm áp mà lòng chàng lại cảm thấy buồn bã không vui. Cảnh cũ vẫn còn đó, nhưng người xưa đã vắng bóng. Nhìn trang viên thì cửa đóng then cài, chỉ có hoa đào bạt ngàn rực rỡ vẫn đang mơn man trong gió như mỉm cười chào đón khách du xuân mà thôi. Thẫn thờ Thôi Hộ ngậm ngùi đề thơ trước cổng rồi ra về trong tâm trạng ngổn ngang trăm mối.
Đang suy nghĩ vẩn vơ, Thôi Hộ bước tới bàn nhìn chồng sách, định đọc một vài trang sách nhưng thôi, tâm trạng không vui thì đọc sách có thích thú được gì. Thời may có lá thư của một bạn đồng môn do người nhà mang tới mời sang nhà dự tiệc vui xuân, uống rượu ngâm thơ. Chàng vui mừng bảo người đưa thư về trước mình sẽ sang ngay. Chàng bước tới cuốn bức tranh bỏ vào ống tre đem theo hy vọng lúc ngâm vịnh có thể tìm được cảm hứng nào chăng để hoàn tất bức tranh người đẹp.
Qua đến nơi thi bàn tiệc đã bày biện sẵn, ba chàng thư sinh đồng môn Trương Tịch, Đào Minh, Giả Đảo đều đã có mặt, họ đang trò chuyện râm ran về một buổi bình thơ sắp diễn ra hay một bài thơ của ai đó mà trông gương mặt của mỗi người cỏ vẻ thật phấn khích. Thấy chàng bước vào, chủ nhà Trương Tịch lộ vẻ vui mừng bước tới ân cần nắm tay chàng:
- Bữa tiệc hôm nay mà thiếu huynh là mất vui hết một nửa.
Thôi Hộ vội đỡ lời:
- Huynh làm như đệ là người quan trọng nhất không bằng vậy.
Đào Minh nói thay bạn:
- Chẳng là hôm nay chủ nhân bày tiệc, nhân ngày xuân hãy còn cùng nhau uống rược đọc thơ cho vui. Huynh nổi tiếng là người làm thơ hay nhất thành Lạc Dương nầy ai mà không biết, không có huynh thì bửa tiệc nầy không xong rồi, tôi nói thế chư huynh thấy có đúng không nào?
Cả bọn cả cười, Thôi Hộ ngồi vào bàn tiệc cùng mọi người:
- Chư huynh khen đệ làm đệ rất cảm kích, chẳng phải các huynh cũng có những ngón nghề không ai sánh kịp hay sao? Tiếng đàn của Giả huynh Bá Nha còn không sánh bằng, còn nước cờ của Trương huynh khi xuất chiêu có ai đỡ nổi, nghề thuốc và thuật số của Đào huynh đã thật sự đến chỗ cao diệu rồi, đệ tiếc là không theo kịp các huynh rồi.
Cả bốn người cùng vỗ tay chúc mừng rồi nhập tiệc. Qua vài tuần rượu, Trương Tịch đề cập đến mục đích buổi tiệc tân xuân:
- Như đã nói trước với chư huynh, hôm nay chúng ta ngồi uống rượu, nhân ngày xuân chưa tàn, tửu hứng lâng lâng lòng người lay động, chúng ta hãy cùng đọc một bài thơ có liên quan đến tiết xuân để thưởng thức, chư huynh thấy thế nào?
- Uống rượu mà không đọc thơ thì thú vui mất đi một nửa. Đệ xin đề nghị lấy chủ đề hoa làm đề tài chính, đọc thơ mình viết hay thơ của người khác cũng được miễn là có từ hoa là được, các huynh nghĩ sao?
Giả Đảo cao hứng xin đọc trước:
Huyền Đô Quán Đào Hoa
Tử mạch hồng trần phất diện lai,
Vô nhân bất đạo khán hoa hồi,
Huyền Đô quán lý đào thiên thụ,
Tận thị Lưu lang khứ hậu tài
(Lưu Vũ Tích)

Tạm dịch
Hoa Đào Trong Quán Huyền Đô
Bụi đỏ đường xanh chạm mặt người,
Chẳng ai dám nói mới đi coi,
Ngàn đào trong quán Huyền Đô ấy,
Trồng lúc chàng Lưu đã vắng rồi.

Cả bọn vỗ tay khen hay, Đào Minh hắng giọng nói đến lượt tôi đọc nhé, rồi chàng đọc ngay sau đó:
Xuân Mộ
Môn ngoại vô nhân vấn lạc hoa,
Lục âm nhiễm nhiễm biến thiên nha,
Lâm oanh đề đáo vô thanh xứ,
Thanh thảo trì đường độc thính oa.
(Tào Mân)

Tạm dịch
Cuối Xuân
Không ai ngoài cổng hỏi hoa rơi,
Bóng chập chờn xanh khắp cuối trời
Giọng hót oanh rừng xa thẳm hết
Chỉ nghe tiếng ếch rộn ao ngoài.

Đọc xong, Đào Minh nhìn Trương Tịch cười nói:
- Đến lượt huynh rồi.
Trương Tịch cười nói tôi xin hầu các huynh vậy, rồi cất cao giọng đọc:
Xuân Tình
Vũ tình sơ kiến hoa gian nhụy,
Vũ hậu toàn vô diệp để hoa,
Phong điệp phân phân quá tường khứ,
Khước nghi xuân sắc tại lân gia
(Vương Giá)

Tạm dịch
Sau Trận Mưa Xuân
Trước mưa, vừa thấy hoa phơi nhị,
Mưa tạnh còn trơ lá trụi hoa,
Ong bướm vượt tường bay lớp lớp,
Lại ngờ xuân thắm ở bên nhà

Đọc xong cả bọn nhìn Thôi Hộ, chàng đang lúng túng không biết đọc bài của ai, chợt nhớ đến bài thơ mình viết ở thôn Đào Hoa liền nói:
- Đệ cũng xin góp vui cùng chư huynh một bài vậy. Bài nầy đệ viết cách đây không lâu nhân dịp du xuân, có gì chưa hay chư huynh lượng thứ cho vậy.
 Đề Đô Thành Nam Trang
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong

Tạm dịch
Viết Ở Phía Nam Thành Đô
Hôm nay năm ngoái cổng này, 
Hoa đào soi ánh đỏ hây mặt người. 
Mặt người đã ở đâu rồi? 
Hoa đào nay vẫn còn cười gió đôn
g
Mấy người bạn học vỗ tay khen hay, cả tình lẫn ý đều không chê vào đâu được, nỗi lòng như thấm vào từng cánh hoa đào run rẩy trước làn gió đông vô tình, đoạn hỏi chàng viết bài thơ trong trường hợp nào. Thôi Hộ bèn kể lại câu chuyện du xuân lạc vào thôn Đào Hoa  gặp người con gái đẹp như hoa đào thế nào nhất nhất kể cho các bạn nghe.
Giả Đảo nhìn Thôi Hộ một lát rồi nói:
- Tình ý trong bài thơ huynh viết dành cho cô gái ấy thì đã rõ còn duyên nợ có hay không thì không thể nói trước được. Hình như huynh có tâm sự thì phải? Chắc phải nhờ Đào huynh bói cho một quẻ xem sao.
Thôi Hộ chợt nhớ đến bức tranh vẽ cô gái dưới gốc hoa đào còn đang lở dở, bèn mang ống tre lấy bức tranh cho các bạn xem đoạn nói không biết sao khi vẽ đến đôi mắt thì tay lại run lên, tâm thần bấn loạn. Các bạn đều lấy làm lạ, Đào Minh ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nhìn bạn nói:
- Tôi vừa bấm cho huynh một quẻ, ứng vào đường nhân duyên của huynh nhưng sao nó như một mây mù vừa hợp lại tan vừa tan lại hợp, chuyện nhân duyên của huynh thật khó đoán được nó xoay theo chiều hướng nào, theo tôi huynh hãy trở lại thôn Đào Hoa một chuyến thử xem, đường đi ngang qua Lam Kiều, sẽ có một chuyện lạ đang chờ huynh ở đó. Thôi huynh đi đi kẻo muộn.
Thôi Hộ cũng không biết chuyện gì nhưng nghe lời bạn từ giã lên đường. Trên đường qua cầu Lam thấy đang họp chợ, không khí mua bán ồn ào náo nhiệt, chợt thấy mọi người đang bàn tán xôn xao về một ông già kỳ lạ đang rao bán cành đào ở một góc chợ, điều đặc biệt là những đóa hoa đào trên cành nở rất đẹp và lớn gần gấp đôi hoa đào bình thường được trồng, giá lại cao ngất ngưỡng. Nhớ lời bạn chàng dừng lại xem. Trong chợ tiếng ông già vang lên:
- Ai hoa hoa đào không? Hoa đào nầy rất linh thiêng hiệu nghiệm đem lại may mắn cho gia chủ: Ai cầu tài được tài, ai cầu lộc được lộc, ai cầu duyên được duyên, linh nghiệm vô cùng, mỗi hoa một lượng vàng.
Dân trong chợ nghe rao thì phì cười, bảo sao mắc thế liệu có linh nghiệm như lời nói không, có người lại chế nhạo ông già, nếu đúng như lời rao sao ông không để ở nhà mà hưởng bán chi cho thiên hạ hưởng phước thay mình. Ông già không nói gì trước những lời đàm tiếu dị nghị đó mà vẫn bình thản rao bán như cũ. Thôi Hộ thấy chuyện cũng lạ nhưng cảm thấy không liên quan đến mình hơn nữa muốn mua cũng không có tiền, chàng bước tới lấy trong túi vải mấy đồng tiền trao cho ông già:
- Ông lão ơi,  tiểu sinh thật sự không đủ tiền để mua hoa đào giúp ông, tiểu sinh có mấy đồng tiền xin tặng ông uống nước vậy.
Ông già xua tay không nhận:
- Cám ơn công tử, lão không nhận đâu. Lão muốn đem cái may mắn đến cho mọi người xem ra không ai tin cả. Họ chê mắc ư? Với một lượng vàng để đổi lấy được tài lộc, tình duyên cho cả một đời xem ra lão bán còn quả rẻ. Thói đời người ta chỉ nghĩ đền cái lợi trước mắt chứ có ai nghĩ tới chuyện lâu dài đâu. Xem ra chỉ có công tử là người hiểu chuyện mà thôi. Tiếc thay tiếc thay.
Thôi Hộ từ giã ông già bán hoa định đi thi ông lão kêu lại:
- Ta xem ra công tử đang có chuyện cần phải đi. Nghĩ tấm lòng của công tử xin nhận một cánh hoa đào của lão, tin hay không tin sự hiệu nghiệm của nó tùy công tử vậy, sẽ có lúc công tử cần đến nó, xin hãy nhớ lời của lão.
Chàng chưa kịp nói lời nào, ông lão đã ngắt cánh hoa đào dúi vào tay chàng rồi đi thẳng. Bên tai chàng chỉ còn nghe câu hát của ông già mỗi lúc một xa:
Hoa Đào một cánh se duyên
Tơ hồng khéo buộc phỉ nguyền lứa đôi
Thôi Hộ đứng tần ngần nhìn theo ông lão, không hiểu ông lão muốn gởi gấm điều gì qua hai câu hát đó, ông hát cho vui hay ám chỉ chuyện của mình? Chuyện lạ mà Đào Minh nói với mình có phải là chuyện nầy chăng?
Đi một đỗi nữa đến thôn Đào Hoa, khác với cảnh đìu hiu vắng vẻ tháng trước, chàng thấy nhiều người ra vào cổng trang viên, nét mặt lộ vẻ lo âu, vội vã, chàng ngạc nhiên chận một người thanh niên đang đi tới hỏi điều gì đang xảy ra, anh ta gạt ngang rồi cắm cúi vội vã đi. Tần ngần một chút chàng lại thấy một ông lão vẻ mặt phúc hậu bước ra cổng mặt buồn bã như đang chờ đợi điều gì chốc lát quay lưng định bước vào trong, Thôi Hộ bước nhanh tới hỏi thăm, ông lão nhìn chàng lắc đầu nói:
- Gia đình lão đang có chuyện buồn, công tử là người ngoài không nên quan tâm làm chi cho mệt lòng.
Thôi Hộ vẫn tha thiết hỏi nguyên do, ông lão đành phải nói:
- Con gái lão đang bệnh nặng, lão nhờ gia nhân đi khắp đang tìm người có tên Thôi Hộ, nếu không tìm được người nầy chắc tính mạng con lão nguy mất.
Chàng ngạc nhiên quá đỗi nói chính mình là Thôi Hộ. Ông lão sửng sốt nắm chặt lấy tay chàng hỏi có phải là người viết bài thơ dán trước cửa tháng trước phải không? Thôi Hộ gật đầu, ông lão bỗng rơi nước mắt:
- Công tử đã hại chết con gái lão rồi.
Rồi ông lão kể lại cho chàng nghe. Hôm thanh minh gia đình lão về quê để tảo mộ người thân, khi về nhà thấy có bài thơ dán trước cửa, ý tình thật tha thiết nhớ nhung, cô gái biết đó là bài thơ của người khách du xuân năm ngoái trở lại  tìm nàng nhưng nàng đã vắng bóng nên để lại bài thơ gởi gắm niềm bâng khuâng thương nhớ. Đọc xong bài thơ, hiểu được tình cảm của chàng trai đối với mình, con lão buồn bã thở dài, hối tiếc cho duyên phận bẽ bàng của mình. Ngày qua ngày nó mòn mõi đợi trông người khách năm nào trở lại nhưng vẫn vô vọng, dung nhan ngày càng tiều tụy, cuộc sống giờ như chỉ mạnh treo chuông mà thôi.
Thôi Hộ nghe chuyện thì ân hận vô cùng vì bài thơ mình viết mà thiếu nữ sắp chết mang theo mối tuyệt tình khôn khuôi. Chàng theo ông lão bèn bước vào trong quỳ xuống cạnh giường nàng, ôm lấy cái thi thể bắt đầu lạnh giá của thiếu nữ mà khóc lóc thảm thiết. Nước mắt của Thôi Hộ rơi xuống thi thể người con gái như minh chứng cho một tình yêu oan trái.
Chàng vô cùng đau xót khẽ gọi:
- Đào nương ơi! Ta là Thôi Hộ đây, Thôi Hộ đã đến với nàng rồi đây.
Cái xác khô héo mòn mõi ấy vẫn bất động lạnh giá, chàng bỗng nhớ lời ông lão gặp ở Lam Kiều, lấy vội cánh hoa đào trong túi vải đặt lên ngực nàng, một lát sau kỳ lạ thay ngực nàng bắt đầu đập mạnh trở lại, cơ thể nóng dần lên, gương mặt đã thoáng nét hồng, chàng mừng quá lay gọi thiếu nữ nhưng không biết sao cô vẫn nằm im bất động không mở mắt, ông lão cũng mừng rỡ ngạc nhiên không kém. Thôi Hộ chợt nghĩ ra điều gì, bèn lấy bức tranh trong ống tre treo lên tường, xin người nhà chén nước để pha mực. Lần nầy thì ngọn bút lông của chàng chấm phá nhanh trên bức tranh, hoàn chỉnh phần khiếm khuyết của nó. Thật diệu kỳ khi đôi mắt trên bức họa vừa vẽ xong thì bức tranh sống động hẳn lên, cô gáp đẹp như hoa đào trong tranh như nhìn chàng đang mỉm cười e lệ cũng là lúc cô gái nằm bất động trên giường bệnh như bỗng bừng tỉnh giấc nồng giống như mới trải qua một giấc ngủ dài, nàng  từ từ mở mắt, khuôn mặt ửng lên màu hoa đào đầy sức sống. Thôi Hộ mừng rỡ vô cùng, quỳ xuống bên cạnh thiếu nữ, cầm lấy tay nàng run run nói:
- Cám ơn nàng đã sống lại, cám ơn nàng đã vì ta mà tỉnh giấc. Nàng biết ta nhớ thương nàng biết dường nào. Từ nay nàng cho ta được gần gũi chăm sóc nàng đến suốt cuộc đời nhé.
Cô gái để yên tay mình trong bàn tay ấm áp của Thôi Hộ gật đầu nhẹ, mặt ửng lên niềm hạnh phúc vô biên. Lúc đó Thôi Hộ mới hiểu được lời của Đào Minh, người chàng gặp ở Lam Kiều chính là Nguyệt Lão và cánh hoa đào là dây tơ hồng kết nối hai con người yêu nhau đến được gần nhau.
Hoa đào vườn cũ ngoài kia vẫn còn những cành hoa đang khoe sắc.
Một cuộc sống mới đang đón đợi đôi uyên ương phía trước.
       NGUYỄN AN BÌNH
 
____________________________________________________________
(1) Thôi Hộ: (sinh vào khoảng trước sau năm 804 cuối thời Trinh Nguyên, đời Đường Đức Tông), tự Ân Công, người quận Bác Lăng, nay là Định huyện, tỉnh Trực Lệ. Lận đận trên đường thi cử, mãi đến năm thứ 12 niên hiệu Trinh Nguyên(796) mới đậu tiến sĩ, sau cùng làm đến tiết độ sứ Lĩnh Nam. Nguyễn Du trong Truyện Kiều có lấy sự tích nầy qua hai câu:
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa Đào năm ngoái còn cười gió đông.
 
 
 
 
 
 
 


  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn An Bình