NGUYỄN AN BÌNH


Mùa Quả Thanh Trà Miền Tây

 

Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa quên tiếng kêu thảng thốt đầy vẻ ngạc nhiên và thích thú của anh bạn nhà văn Quảng Ngãi vào chơi khi tôi chở anh đi tham quan cầu Cần Thơ, từ đường dẫn bên phía Cần Thơ chạy dài qua phía thị xã Bình Minh thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long có những sạp hàng treo lủng lẳng từng chùm trái căng mọng vàng ươm trong thật ngon miệng và thích mắt. Anh chỉ tay và hỏi tôi quả gì. Tôi cười ổ: Trái thanh trà đó bạn ơi. Sư ngạc nhiên của bạn làm tôi mới sực nhớ đã vào tháng tư rồi, đây là mùa trái thanh trà rộ chín.Tôi dừng lại một sạp quán bên đường. Nói là sạp cho có vẻ sang vậy thôi, đó chỉ là chổ bán tạm bợ được che bằng bất cứ vật liệu gì mà người bán có sẳn ở nhà của mình, chủ yếu là những nọc tre đóng ngang dọc rồi treo trên đó những chùm quả thanh trà cốt làm sao đập vào mắt khách bộ hành chạy xe ngang qua và có thể tránh mưa tránh nắng chút đỉnh. Anh hỏi giá bán và cân ngay một chùm quả treo lủng lẳng trên cây ngang. Nhón vội một quả đưa vào miệng. Tôi thấy anh hơi nhăn mặt vì vị chua của nó nhưng sau đó là vẻ hớn hở như vừa khám khá ra một điều gì lạ lẫm mà mình chưa từng được thấy, được nghe được nếm thử.
Anh bạn văn chương của tôi ngạc nhiên cũng phải vì loại trái thanh trà là đặc sản của miền Tây Nam Bộ mà không phải nơi nào cũng trồng được. Hỏi những người cố cựu trồng loại cây nầy thì thanh trà là giống cây hoang dại mọc nhiều ở vùng Bảy Núi-An Giang và vùng giáp biên Campuchia, người dân ở đây lên chơi thấy giống cây lạ trái đẹp đem về trồng thử, không biết phải là hợp thổ nhưỡng hay không mà phát triển rất tốt lại rất sai quả, trái có vị ngọt lại bớt chua và thơm ngon hơn khi được trồng ở đất rừng hơn nữa giá bán lại không kém phần hấp dẫn ít tốn công chăm sóc nên cứ thế mà phát triển rộng ra. Ngon ăn nhất là vào những ngày Tết Nguyên đán. Lúc ấy thanh trà có bao nhiêu cũng bán hết, mà giá rất cao vậy mà cũng không có đủ hàng để cung cấp cho thị trường.
Hiện nay thanh trà được trồng tập trung nhiều nhất ở xã Đông Thành thị xã Bình Minh tỉnh Vĩnh Long. Diện tích trồng thanh trà đã chiếm hơn một nửa xã kéo dài từ ấy Đông Hưng đến ấp Đông Hòa và Mỹ Hòa nhưng tập trung nhiều nhất ở ấp Đông Hừng 2. Vào mùa thu hoạch, người ta treo bán trái cây đặc sản nầy dài theo quốc lộ 54, từ ấp Phù Ly(thị xã Bình Minh) đến khỏi thị trấn Trà Ôn(Trà Ôn, Vĩnh Long) và dọc theo đường dẫn cầu Cần Thơ sang cả địa bàn thành phố Cần Thơ nữa. Sáng sớm cũng như chiều tối, hai bên đường lúc nào các sạp hàng cũng treo lủng lẳng những chùm trái thanh trà như mời gọi, hút hồn khách qua đường. Khách vãng lai xe chạy qua rồi mà đầu còn ngoái lại tấm tắc: Trái gì mà vàng ươm trông ngon lành thế kia.

Thanh Trà rất dễ trồng, bằng kỹ thuật chiết nhánh và chăm sóc cẩn thận chỉ từ 2 tới 3 năm là có thể cho trái, còn nếu được trồng bằng hạt thời gian kết trái có thể gấp đôi hoặc gấp ba. Có ghé vào một nhà vườn trồng thanh trà mới thấy hết vẻ đẹp mát mắt của nó: Những hàng cây được trồng ngay hàng thẳng lối dọc theo các bờ mương đã lên liếp lấp xấp nước, chen lẫn với màu xanh thẫm của lá cây dày đặc là những chùm quả thanh trà vàng ươm lúc líu trên cành là thấy thú vị và mắt mắt vô cùng. Du khách tới đây sẽ phải “mỏi mắt” nhìn ngắm những cây thanh trà cao hàng 5-6m và cũng “mỏi tay” chụp hình những chùm trái thanh trà vàng ươm chín mọng lắc lẻo trên các cành cây xanh sậm lá, tất nhiên cũng rất “mỏi miệng” khi thưởng thức vị chua ngọt của những trái thanh trà còn tươi rói trên cành.
Người nông dân ở đây đã đúc kết một kinh nghiệm như thế nầy: “ Không có trồng cây gì sướng hơn là trồng thanh trà. Nhánh chiết ghim xuống ba năm thì đã có trái chiếng. Từ khi cây trổ bông đến khi thu hoạch chỉ có 3 tháng thôi. Mỗi ngày chỉ tưới sương sương một lần là xong, chẳng cần phân bón thuốc trừ sâu gì cả.(nghe nói mắc ham). Tuy nhiên có một điều đáng ngại là lúc cây trổ bông mà gặp lúc mưa hay sương muối thì bao nhiêu công sức cũng đổ đi, bông sẽ rụng hết hay không đậu quả được, đặc biệt cây càng già thì càng sai quả
Cây thanh trà trông giống như cây xoài, trái tương tự quả chanh, vỏ màu xanh, chín có màu vàng cam bóng láng, cơm mềm vị chua ngọt rất hấp dẫn mọi người – nhất là trẻ con. Thời vụ trái chín vào khoảng tháng giêng đến cuối tháng 3 âm lịch. Thanh trà có 2 loại: Thanh trà ngọt trái dài, vỏ dày, cứng, có lớp phấn trắng phủ bên ngoài, trái chín có màu vàng nhạt, còn thanh trà chua có trái tròn, vỏ mỏng, chín có màu vàng sậm, mềm dễ giập. Thanh trà khi chín được nhà vườn thu hái rất cẩn thận, thường đi kèm cả lá cho đẹp. Sau khi chọn lựa, phân loại, trái thanh trà được đóng thùng đưa đi các nơi tiêu thụ, trong đó có cả thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc.
Thưởng thức tranh trà cũng có năm đường bảy lối đấy nhé: Thông thường các bạn trẻ tuổi teen hay các cô em bà chị ưa chuông nhất là xơi trái thanh trà chín với muối ớt.: Việc đầu tiên là đặt trái thanh trà vào lòng hai bàn tay, vò cho mềm đều, lột vỏ chấm vào chén muối ớt. Vị chua ngọt, mùi thơm đặc trưng của thanh trà hòa quyện với vị mặn, cay của muối ớt tạo cho ta cái cảm giác lâng lâng và những cái hít hà vì cay nồng lên tận mũi làm ta vô cùng thú vị.
Nếu chúng ta có thời gian hơn và nhất là với những người lớn tuổi có cách thưởng thức khác: bỏ thanh trà chín vào rổ rửa sạch, dùng dao bén gọt bỏ vỏ, bỏ hột lấy phần thịt, cho vào ly thêm đường và tí muồi bọt cho hương vị đậm đà, lấy muổng cà phê dầm cho cơm thanh trà nhừ ra với đường, rồi cho thêm chút nước khuấy cho hòa tan cuối cùng là bỏ nước đá đã đập nhỏ vào là đã có được một thức uống giải nhiệt giữa cái nóng hanh hao của mùa hè thật là tuyệt vời.
Người ta còn dùng thanh trà làm gia vị chế biến các món ăn. Vị chua thanh của trái thanh trà có thể nói hơn hẳn vị chua của các loại cây trái khác, nếu dùng nó để làm các món ăn sẽ khiến cho thịt cá như được ướp trong một mùi chua thơm dịu nhất là nước lẩu của nó, húp một cái là “đã thần hồn” luôn. Trái thanh trà sống hay chín hườm là thứ gia vị tuyệt hảo đê nấu một nồi canh chua với cá lóc, tép, bông lau, hoặc sắt nhỏ kho cá thì phải nói là tuyệt cú mèo. Hoặc muốn để lâu hơn, người ta có thể chế biến thành mứt để ăn dần. Cách thực hành cũng dễ dàng thôi tuy có hơi nhọc công một chút: Chọn mua vài ký thanh trà chua, chín, nhớ lựa những trái cứng thịt, màu sáng không giập, rửa sạch, gọt vỏ, bỏ hạt, sắt thành từng miếng nhỏ. Sau đó cho cơm thanh trà vào thau cùng với đường cát trắng theo tỉ lệ: 1 ký cơm thanh trà với nửa ký đường cát trắng trộn đều cho hòa tan. Cuối cùng cho hỗn hợp vào nồi, đặt lên bếp với ngọn lửa riu riu cho đến khi hỗn hợp cô lại sền sệt, nhắc xuống để nguội và cho vào keo ăn dần. Muốn để lâu ta chỉ cần cho vào ngăn lạnh là được.
Nếu có dịp về miền Tây, hy vọng du khách sẽ không quên món đặc sản của miền Tây nầy. Với ưu thế màu sắc, mùi vị, nhiều người cho rằng, kể cả chưa nhìn thấy hay chưa được thưởng thức trái thanh trà thì chỉ “Nghe thôi đã thấy lòng mình dịu mát” thì còn chờ gì nữa mà không sẵn lòng ghé thăm những vườn trái thanh trà vàng ươm cái nắng phương Nam của một mùa hè rực rỡ sắp đến các bạn nhé.



 

  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn An Bình