NGUYỄN AN BÌNH


Sông Ba Mùa Lũ
Truyện ngắn
 
       Ông Tự bước thấp bước cao vào nhà, kéo ghế ngồi xuống cái rột, mặt còn hầm hầm. Cái tức còn nghẹn trong cổ họng không nhả ra được làm cho ông cảm thấy bực bội khó chịu. Đây không biết là lần thứ mấy lão Thạnh làm mình tức muốn ói máu, chắc lão nghĩ lão hay hơn mình chắc, cái gì cũng làm ra vẻ ta đây không ai bằng. Chắc lão tưởng có thằng con là kỹ sư nông nghiệp phụ trách khuyến nông của cái huyện nầy rồi lên mặt dạy đời mình chớ. Cái mặt thấy ưa không nổi. Ông cầm bình trà rót vào ly đánh ực một cái hết veo. Cơn giận theo đó mà hạ hỏa một chút, ông nhìn ra ngoài chợt nghe tiếng xe máy xình xịch ngoài cửa, thấy Trang mới đi dạy về dựng xe ngoài sân bước vào nhà, cơn tức tự nhiên phừng phừng lên, ông nhìn Trang sẳng giọng:
-  Trang nè. Ba cấm mầy từ nay không được qua lại gì với thằng Sơn con thằng cha Thạnh nữa nghe không?
Trang ngạc nhiên nhìn ba:
-   Ủa! chuyện gì vậy ba? Bộ anh Sơn nói gì làm ba giận hả?
-  Nó không có nói gì. Nhưng tao không thích mầy giao du với nó vì nó là con lão Thạnh thế thôi. Tao không ưa cái bản mặt thằng chả.
Trang lắc đầu:
- Ba ngộ thiệt nghe. Chuyện của ba và bác Thạnh giận nhau có ăn thua gì với tụi con đâu. Ba và bác Thạnh lúc thì giận lúc làm hòa làm tụi con chạy theo cũng mệt đứt hơi luôn đó.
Nói xong Trang cầm giỏ đi vào nhà trong.Tự nảy giờ bà Tự ngồi gần đó đang lúi húi lựa những củ hoa lay ơn trong mấy cái hộc để ở góc nhà, bà chọn những củ chắc mình  tròn lẳn để qua một bên  chuẩn bị cho đợt trồng sắp tới bán trong dịp tết. Đây là giống hoa lay ơn đỏ mập bà đào lên từ giồng hoa thu hoạch năm trước, mấy củ nầy chưa ra hoa nên để dành tới bây gi. Hoa lay ơn còn được mệnh danh là thủ đô hoa sông Ba. Nó có tới 7,8 màu từ đỏ mập, đỏ vuông, trắng, vàng, tím cẩm, son sắt (vàng cam)… Năm ngoái nhờ có Sơn tư vấn bà trồng chỉ một loài lay ơn đỏ mập vì thị trường ưa chuộng màu nầy nên bán rất được giá nên năm nay bà cũng xuống giống loại hoa nầy thôi cũng góp lời:
- Hồi nảy tao thấy ổng  xấp xa xấp xải xăm xm đi từ ngoài vào, ngồi bịch xuống ghế mặt quạu đeo là tao biết có chuyện rồi. Cũng là chuyện thời tiết qua lại với nhau thôi mà. Bạn bè lâu năm nghịch nhỉ một chút có gì nhịn nhau cho vui vẻ không được sao, để bụng làm gì cho nó mệt.
Ông Tự nhìn mặt vợ nói như giải bày:
- Thì bà thử nghĩ coi, tôi có đụng chạm gì lão Thạnh đâu, sao lão nói xóc mé tui hoài hà ai mà chịu nổi chứ?
Bà Tự hỏi dò xét:
- Chuyện gì? Ông nói cho tui với con Trang nghe thử coi. Ai phải ai quấy biết liền hè.
Trang tủm tỉm nhìn mẹ cười. Cả nhà nầy ai còn lạ gì cái tật cố chấp của ông. Tánh ông hiền lành ai cũng biết, tánh hơi gàn bướng nên đôi khi nổi nóng có những lời to tướng, cải lẩy với bạn bè vì chuyện đâu đâu không đáng có, chứ thật ra tính lão cũng rất thật thà chất phát bụng để ngoài da. Mới hôm qua hùng hùng hổ hổ với người nầy người kia, đòi cạch mặt không thèm nhìn mặt nữa mà ngày hôm sau lòng nguôi nguôi lại cà phê cà pháo, ly anh ly tôi như không có chuyện gì xảy ra.
  Số là sáng nay tại quán của thím Tư Hiền ở đầu thôn mọi người ngồi uống cà phê. Quán thím tư nằm ở ngã ba của cái xóm bãi bồi nầy nên dân trong các vùng lân cận sáng sớm thường tụ về đây uống một tách cà phê, kiếm đỉa xôi mặn, ổ bánh mì thịt hay một tô hủ tiếu, cháo lòng nóng hổi thơm phức cho ấm bụng, nói chuyện mùa màng mây gió, nghe ngóng thời sự một chút rồi sau đó tản ra ai lo chuyện nấy đã thành thông lệ. Ông với ông Thạnh cũng là khách quen ở cái quán nầy. Chuyện xảy ra ở đâu không biết chứ ngồi ở cái quán nầy chưa hết một cử cà phê đã nắm được tình hình, biết vanh vách mọi chuyện.
  Ở đây ai mà không biết vùng bãi bồi của cái xã Hòa Bình nằm ở hạ lưu sông Ba nầy chuyên sống bằng nghề nuôi bò và làm rẩy trồng hoa. Con sông Ba bắt nguồn từ ngọn núi Ngọc Rô tuốt trên vùng đất đỏ ba dan Tây Nguyên,  chảy qua mấy tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai rồi xuôi về Phú Yên theo cửa Đà Diễn ra biển khơi. Hàng nghìn năm nay đã chuyên chở biết bao phù sa màu mở tưới cho cánh đồng lúa Phú Yên để nó trở thành vựa lúa lớn nhất miền Trung nầy. Phù sa của con sông còn tạo nên những bãi bồi màu mỡ cả một cánh đồng cỏ xanh mướt rất thích hợp để chăn thả bò trâu bò, gia súc gia cầm. Mỗi gia đình ở đây nuôi từ vài con đến hàng chục con là chuyện bình thường. Dân các xã  Hòa Thành, Bình Ngọc, Hòa Bình đều sống nhờ bãi bồi sông Ba, nói một cách khác là bãi bồi đã nuôi sống họ. Ở hạ lưu sông Ba từ tháng giêng đến tháng 9, mùa nầy nước cạn, bãi bồi lộ ra rộng mênh mông, doi đất đầy ắp phù sa đỏ au mịn màng, cỏ lũ lượt mọc lên xanh mướt. Người đân đua nhau cất chòi trên bãi, những cái chòi lá lụp sụp tạm bợ, cất bằng những vật liệu dễ tìm, trong chòi chỉ để một vài vật dụng cần thiết để tiện cho việc ăn uống nghỉ ngơi, che mưa che nắng một chút vì tới mùa mưa lũ những căn chòi như thế  chìm trong biển nước mênh mông không còn sử dụng được. Họ quay lưới nuôi vịt, trồng rau,bầu, bí, mướp cà những loại cây ngắn ngày. Cái chòi thấp lè tè, dây mướp, dây bí đôi khi bò kín cả mái. Ngoài các loại cỏ mọc hoang như cỏ mật, cỏ chân vịt, gọng vó ở các triền soi họ còn trồng thêm cỏ voi, dự trử rơm rạ, cám, thức ăn tinh để nuôi bò mau lớn. Nhìn mấy con bò cái mướt lông, mập mạp, mấy con bò đực bung đùi nổi u là thấy mình sắp có tiền vào túi.
    Cũng như các tỉnh miền Trung khác Phú Yên mỗi năm hứng lấy những trận lũ vào mùa mưa lớn từ tháng 10 đến tháng 12, lúc ấy cả một bãi bồi xanh mướt bỗng biến thành một biển nước mênh mông , người dân phải đưa bò lên các gò, cồn cao để tránh lũ. Tuy có thiệt hại đôi chút nhưng cũng có thể phòng tránh được.
Chỉ từ ngày con sông Ba bị băm xẻ thành nhiều mảnh để làm thủy điện thì vùng hạ lưu con sông người dân là khốn đốn rất nhiều.Tệ hại nhất là thằng thủy điện An Khê Kanak, ngăn dòng làm thủy điện khi xây dựng xong lại không trả nước về cho dòng sông mẹ mà chuyển dòng đổ vào sông Côn của Bình Định khiến khu vực hạ lưu thành một dòng sông chết. ô nhiễm nặng nề.
 Rồi kể tiếp một loạt các thủy điện khác được xây dựng như Krông H’Năng, Sông Hinh, Sông Ba Hạ nối tiếp nhau hình thành đã làm lượng phù sa đổ về hạ lưu ngày một ít đi ảnh hưởng rất lớn đến việc trồng trọt, chăn nuôi của người dân. Điều đáng nói hơn là trong mùa mưa lũ,các nhà máy thủy điện ở đầu nguồn lại ồ ạt xã lũ, mạnh thủy điện nào nấy xã, liên tục gây ngập lụt ảnh hưởng đến tài sản tính mạng của người dân vùng hạ lưu không theo một quy luật nào cả. Họ phàn nàn, bức xúc, khiếu nại khắp nơi. Chính quyền chậm chạp, lúng túng trong cách giải quyết, bồi thường thiệt hại, nhiều lúc trả lời dân trớt quớt: Mấy cái thủy điện trời ơi đất hỡi đó xã lũ đúng quy trình. Dân bãi bồi càu nhàu bực bội: Chơi như vậy thì chơi với ai? Thủy điện, thủy lợi đâu không thấy chỉ thấy thủy tai không hà. Vì thế chủ đề chính trong mấy buổi “mạn đàm” gần đây của dân bãi bồi cũng không ngoài vấn đề thời sự kể trên. Mở đầu là lời của ông Thạnh, cái loa nông nghiệp của dân bãi bồi:
 - Tôi nghe thằng con đi họp trên huyện về nói lại: Năm nay thời tiết thất thường,  mưa lũ có thể xảy ra sớm hơn mọi năm nên người dân mình phải có phương án phòng tránh sớm. Mấy hôm trước đã có vài cơn mưa lớn rải rác khắp nơi, báo hiệu mùa mưa đã gần kề, mưa thì đi liền với lũ, bà con mình có trồng rau trái nên thu hoạch sớm, đưa gia súc trâu bò lên cồn cao, dự trử thức ăn rơm rạ cho nó tránh thiệt hại không đáng có.
Chú Tám Đờn là người lo xa nhất bãi lên tiếng:
- Hôm qua tôi đã đưa mấy con bò lên ở nhờ cồn thằng Chín Đởm rồi, không khéo nó mà bị nước cuốn trôi mất như đàn bò của cô Mảnh mấy năm trước là tự sát nghe, tiền đâu mà trả nợ cho ngân hàng.
Nhắc tới cô Mảnh ai cũng ngao ngán: Hai năm trước cô vay vốn nuôi hơn chục con bò, định áp tết sẽ bán để trả nợ ngân hàng, tiền còn lại lo việc ăn học cho tụi nhỏ. Thế mà mưa lũ ào ạt đổ xuống, bất ngờ trở tay không kịp, cả đàn bò chết không còn một con, đến nay vẫn trả chưa hết nợ ngân hàng. Lại còn chuyện nầy nữa nghe, mới năm ngoái đây thôi chứ có xa xôi gì cho cam, đang mùa nước cạn. thủy điện đầu nguồn lại xã lũ đột ngột nên nước dồn về hạ lưu lênh láng, nửa đêm ông Hoàng ở xóm trên chạy xuống bãi vội lùa bò chạy về xóm nhà trên đất cao, đến chỗ nước sâu, lòng sông lại rộng không tài nào bơi nổi ông phải đu đuôi bò mới thoát được lên bờ, nếu không đã tiêu đời rồi còn đâu.
Lời qua tiếng lại, bàn tán xôn xao, chợt có ai đó hỏi ông Thạnh:
- Thế còn đàn bò của ông, ông đã di tản lên cồn chưa?
- Hôm nay nhất định tôi sẽ đưa chúng lên cồn hết không chừa lại con nào dưới bãi. Chịu cực một chút, đi xa mỗi ngày cắt cỏ cho nó, chứ thả rông ngoài bãi trong mùa nầy là không yên tâm đâu mấy ông ơi.
Rồi ông quay sang ông Tự hỏi:
- Còn ông bạn già của tôi, mấy con bò của ông chừng nào mới tính đây.
Ông Tự trả lời phân đôi:
 - Thong thả vài ba bữa đã vội gì mà gấp. Tôi thấy thời tiết chưa có gì đáng lo lắm mà.
-Ừ! Tôi nghe thằng con đi họp về nói vậy nên thông tin cho bà con biết để phòng. Tới chừng mưa lớn, mấy thằng thủy điện lại vô tư xả lũ trở tay không kịp, bấy giờ ai đó tuột quần mà chạy đó nghe.
  Cả quán ngồi nghe chợt cười cái rần. Ông Tự tím mặt tưởng ông Thạnh xỏ xiên mình. Ông dằn tiền trả cà phê dưới đáy ly, đứng dậy bỏ ra về một nước.
- Đó bà thấy chưa? Lão có nể mặt gì tui đâu. Tui không thèm nghe lời lão xem có gì không nào? Đừng ỷ có thằng con làm nông nghiệp trên huyện là chuyện trên trời dưới đất, thiên văn địa lý gì cũng rành hết.
Bà Tự than thở:
-Tánh ông cố chấp quá. Ông ấy nói là để nhắc chừng ông vậy thôi, nhưng tôi thấy ông ấy nói cũng có lý đó. Phòng xa vẫn hơn. Ngày mai ông đưa mấy con bò lên cồn đi, vất vả chăm sóc một chút đỡ lo hơn. Nhà có mấy con bò mà nó chết thì biết làm sao?
Lão Tự nổi quạu nạt ngang vợ:
- Bà biết gì mà nói. Thôi bà ở nhà lo cơm nước đi, tôi xuống bãi xem cho mấy con bò coi nó thế nào rồi.
Nói xong ông Tự lấy nón đội lên đầu bước ra cửa. Bà Tự nhìn theo buồn hiu.
*****
Mấy hôm nay mưa cứ rả rích suốt làm ông Tự càng thấy nóng ruột, đi tới đi lui trong nhà, nhìn ra ngoài ông trời như muốn trêu chọc ông nên mưa suốt, ông thở dài cái sượt. Mấy hôm trước, vì giận ông Thạnh nên ông không thèm dắt bò lên cồn để tránh lũ xem có trời đất có cái gì không, tới khi thấy có nhiều đám mưa liên tiếp nối nhau thì trong bụng đã thấy lo lo, đinh bụng sáng may trời hửng nắng một chút sẽ đem bò lên cồn tránh lũ, nhưng suốt từ sáng tới giờ mưa vẫn không ngớt hạt, nghe đâu mấy cái thủy điện đã bắt đầu xả lũ rồi, thằng ba lối xóm mới từ bãi bồi về nói nước bắt đầu dâng cao , mấy chỗ đất thấp nước đã bắt đầu ngập lênh láng càng làm ông nóng ruột hơn. Tự nảy giờ thấy ba mình đi tới đi lui mặt buồn xo, Trang cũng thấy bức rức trong lòng, vừa thương ông vừa lại bực mình về sự cố chấp của ông, Trang nhìn cha lo lắng:
-  Để con chạy qua nhà bác Thạnh tìm anh Sơn nhờ ảnh ra bãi bồi xem mấy con bò nhà mình thế nào rồi nghe ba. Coi có cách nào đưa bò lên cồn nhà bác Thạnh tránh lũ được không?
-  Tao sợ cha con nó còn giận tao không chịu giúp.
Bà Tự ngồi gần đó đưa mắt nhìn ông cự nự:
 -  Lúc nầy là lúc nào mà ông còn sĩ diện.
Quay sang Trang bà nói:
-  Thôi đi mau đi con. Trời mưa quá coi chừng trơn trợt nguy hiểm lắm đó nghe.
Trang dạ một tiếng đội áo mưa chạy ù đi tìm Sơn. Nhà Sơn cách đó không xa cũng trên đường đi ra bãi bồi nên cũng thuận tiện. Trang đến cũng vừa lúc Sơn vừa về đến nhà, áo mưa vẫn còn nhiểu nước ròng ròng, Trang hỏi:
-  Anh Sơn vừa đi đâu về vậy?
Sơn ngó trang ngạc nhiên:
-  Anh vừa mới đem thức ăn lên dự trử cho bò ăn dần trong mấy ngày lũ lên, còn Trang đi đâu trong mưa gió thế nầy?
-  Mấy ngày hôm nay vì bận quá nên ba chưa kịp đưa mấy con bò đi tránh lũ, mà trời mưa quá sợ bãi bồi ngập hết, lũ bò chạy không kìp thì nguy mất anh ạ.
Sơn hốt hoảng kêu lên:
-  Thôi chết. Mấy hôm nay anh tưởng bác đã đánh bò lên cồn rồi chứ. Công việc ở huyện lu bù nên anh quên mất nhắc bác chuyện mấy con bò. Thôi Trang theo anh ra ngoài bãi, thuyền còn để ngoài đó, mình đi tìm mấy con bò đưa nó lên cồn luôn được không?
Trang mững rỡ, vâng dạ vội theo Sơn ra bãi. Nước ngoài bãi lên rất nhanh từng phút một. Mới mấy ngày thôi đứng trên đê còn nhìn thấy cả một vùng bãi bồi cỏ xanh ngút mắt thế mà bây giờ chỉ thấy một màn nước mênh mông, chỉ còn mấy cái gò cao là nước  chưa lém tới mà thôi. Sơn cho thuyền vòng quanh mấy cái gò để tìm kiếm. Trang phát hiện ra hai con bò của ba mình đang lóng ngóng trên một cái gò cao. Mừng quá Sơn cho thuyền tấp vào. Vì nước lớn, sóng dập dìu chật vật lắm cả hai mới đưa cặp bò lên thuyền, có lúc thuyền chòng chành suýt lật, cả hai hú hồn vội chèo miết về phía cồn mặc cho mưa to gió thốc càng lúc càng mạnh, cuối cùng cũng đưa cặp bò lên bờ an toàn. Ông Thạnh đang ở trên cồn để chăm sóc đàn bò nhà ông đã đưa lên đây từ mấy hôm trước nói với Trang:
  -  Bác đã nói với ba con mấy hôm trước mà ba con không để ý. May mà có con và thằng Sơn đưa lên kịp nếu không chẳc ổng giận bác lắm.
Trang vừa vuốt mái tóc lòa xòa ướt mem của mình vừa trả lời:
  - Ba con hơi cố chập xin bác đừng giận nghe.
  - Bác đâu có giận chỉ sợ ông ấy hiểu lầm thôi.
Nói xong ông Thạnh bảo Sơn đưa Trang về, trời mưa to coi chừng bị cảm thì khốn.
   Trang về tới bãi thì trời đã tối mịt, mấy cái gò cao cũng không còn thấy bóng dáng đâu, bữa nay không đưa bò đi tránh lũ kịp có lẽ nó làm mồi cho hà bá mất. Trang vào tới nhà chưa kịp trút áo mưa ra, Ông Tự hấp tấp hỏi không ra hơi:
-  Sao rồi Trang. Mầy có gặp thằng Sơn không? Mầy đi lâu quá làm tao với mẹ mầy lo gần chểt. Chuyện thế nào rồi?
Bà Tự rầy rà:
-  Ông hỏi nhiều quá làm con nhỏ quýnh quáng lên rồi kìa. Để từ từ nó nói chứ.
Trang trút áo mưa ra, nướt chảy ròng ròng xuống đất, vuốt vội vạt tóc đang dính bệt trước mặt qua một bên:
-  Không sao rồi ba ơi. Con và anh Sơn tìm được mấy con bò và đưa nó lên cồn nhà bác Thạnh an toàn rồi. Trễ chút xíu là nguy mất. Bác Thạnh tối nay ngủ lại trên cồn để lo cho mấy con bò đó ba.
  Ông Tự thở hắt trút bỏ nổi lo âu như tá tảng đè lên ngực ông từ sáng đến giờ:
  -  Thế mà tao tưởng…
Bà Tự nhìn ông lườm lườm:
-  Ông tưởng gì? Chắc ông tưởng người ta ai cũng như ông đấy chắc?
-  Cái bà nầy…
Trang thấy sự việc có vẻ căng thẳng, cô kêu lên:
-  Ba mẹ cứ rầy rà với nhau hoài con rầu quá trời. Thôi! Con đi thay đồ đây, lạnh run hết rồi đây nầy.
  Ông Tự trở lại bàn ngồi nhìn ra ngoài cửa. Mưa vẫn chưa ngớt, ông lẩm bẩm có lẽ mưa cả đêm đây không chừng. Trong lòng ông bây giờ cảm thấy yên tâm, mấy con bò đã đưa lên cồn rồi thế là ổn. Ông lại nghĩ tới ông Thạnh, nghĩ tới sự cố chấp của mình cảm thấy mình có lỗi với ông bạn già mình quá, tại mình mà nhiều lúc hai gia đình trở nên căng thẳng làm ảnh hưởng đến tình cảm của hai đứa nhỏ. Thằng Sơn cũng là thằng có chữ nghĩa, làm việc ở huyện nhưng lại rất tận tình với bà con bãi bồi, tình làng nghĩa xóm không mất lòng ai bao giờ. Có thằng rể như thế còn muốn gì nữa hè? Thôi! Qua tết thong thả tính chuyện hai đứa nhỏ cho rồi, bán hai con bò, cộng thêm tiền lời bán hoa lay ơn dịp tết của bả nữa với ít tiền tiết kiệm cùng đủ lo cái đám cưới tươm tất có đủ họ hàng bà con lối xóm. Nhìn sang vợ ông định nói: Tui tính vậy được không bà? Nhưng kịp dừng lại được, không khéo bả lại la chưa chi đã tính chuyện không đâu.
Ông Tự tủm tỉm cười một mình. Ngoài trời vẫn không ngớt mưa. Mùa mưa lũ sông Ba lại sắp bằt đầu rồi.
 


  
 
 
 
 
 


  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn An Bình