NGUYỄN ÂU HỒNG


Truyện Ngắn Tàn Đông
Tình Yêu Và Cái Chết Nơi Biên Cương Đất Trích*

Tạp bút  
 
Phạm Ngọc Lư viết truyện ngắn Tàn Đông vào tháng 12 năm 1970, đăng tạp chí Bách Khoa số 344. Truyện lấy bối cảnh thị trấn Củng Sơn, quận miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Cùng thời điểm đó, tức tháng 12 năm 1970, tôi có đến BCH chi khu Sơn Hòa, biết mùa đông năm ấy Củng Sơn lạnh, sương mù dày đặc, nhưng mãi đến khi đọc truyện Tàn Đông tôi mới  biết thêm chi tiết mây mù và sương núi dày tối đến nỗi ban ngày mà học sinh đi học phải ghé quán mua đèn sáp, đốt  cắm trên từng dãy bàn dài:
 
…”Núi Cấm hiểm trở, núi Một vòi või, núi Lá rậm rì… Và rừng Hỏa-thán thâm u, rừng Hoàng-long điệp điệp. Suốt tháng nay chưa có một ngày nắng lớn, mặt trời không xé nổi mây, mây tụ tập càng lúc càng dày, xuống thấp mãi, sát ngọn cây, đụng mái nhà, cho đến một buổi sáng mở cửa ra: mặt đất mù mịt như có khói lan tỏa, sương kín dày, khí lạnh phả vào mặt, xanh tái da.
…Học trò đã đi học ngoài đường, ghé vào quán moi bạc cắc mua mỗi đứa một cây đèn sáp đút vào cặp.
Kiền tới trường lúc lũ học trò đang ngồi chờ thầy trong lớp. Chúng đốt đèn sáp cắm trên từng dãy bàn dài, nơi bàn anh cũng có một ngọn cháy leo lét.”

 
Nhân vật chính của truyện là một giáo viên tên Kiền, ở trọ cùng nhà với một cô y tá trẻ đẹp. Cánh đàn ông độc thân ở thị trấn miền núi Củng Sơn, kể cả ông phó quận trưởng, xem cô y tá như một món quà, ngược lại, cô bạn phải sống cảnh ủ ê cây-quế-giữa-rừng. Nơi biên cương đất trích mù tối, họ thèm nắng, thèm đồng bằng nơi có nắng mượt như lụa trên những đồng lúa non.
…”-Giả thử chiều nay anh được trực thăng chở về phố đưa vào một quán ăn sang trọng nhất, anh thèm món gì trước?
-Nắng!”

 
Phương tiện duy nhất để viên chức và binh lính từ quận lỵ Củng Sơn đi về đồng bằng là trực thăng. (Thường dân thì chủ yếu là xe honda và xe đạp thồ, đi thăm thân nhân hoặc đi buôn đều phải đóng thuế cho cả hai bên). Khi cùng Ban Cố vấn Quân khu 2 (MR2 Advisory Committee) từ Pleiku đến BCH chi khu Sơn Hòa ở Củng Sơn, từ trực thăng nhìn xuống tôi chỉ thấy một thung lũng chìm trong sương mù, một thứ sương mù trắng đục và gờn gợn như nước lụt.  Sông Ba  mới đó còn lấp lánh ở Phú Bổn, bỗng chốc tan thành mây khói và dường như sương núi và khói đá từ bốn phía núi rừng cùng đổ dồn về vùng lòng chảo, phủ kin cây cối, nhà cửa. Viên phi công đã quen với địa hình, cho trực thăng giảm độ cao, cánh quạt xới tung lớp sương dày đặc, đến khi nhìn thấy  đám sương mù có lẫn khói màu thì đáp xuống. Từ bãi trực thăng vào hội trường chi khu, bên một đoạn đường đất ngắn, lính nghĩa quân cả kinh lẫn thượng trực chiến ngồi dưới hố cá nhân. Họ ngồi bất động trong sương lạnh, súng gác lên bao cát. Nhìn cảnh bố phòng, tôi cứ nghĩ, ông chi khu trưởng khéo bày trò trình diễn chơi, đến khi đọc Tàn Đông mới biết là họ chiến đấu thật, đã giữ vững chi khu sau một trận công đồn:
 
…”Bỗng một tiếng nổ vang ầm rung đất. Từng tràng súng khác nổ tiếp theo, nghe quá gần, đâu dưới xóm chợ, càng lúc càng gần thêm, phía trường học, trụ sở xã… Mé sông, ngoài vòng đai chi khu, đạn nổ rát hơn. Súng cối bắn đùng đùng tới tấp, đạn bay vèo vèo trên đầu. Vách nhà rung chuyển liên hồi…
Phòng Kiền dạy sập một góc mái, gạch ngói nát vụn…Kiền ngậm ngùi ngó những đứa học sinh ôm cặp đến trường như thường lệ…
Trời lạnh, ba cái xác chết còn tươi bỏ nằm tênh hênh trên bờ ruộng. Đám đông hiếu kỳ tản dần. Một người chỉ cái tử thi nhỏ thó, trẻ măng cỡ 15,16  tuổi nói giọng tiếc rẻ:
-Thằng này là học sinh mới trốn theo nẫu, dại dột chết uổng. Thầy nhớ nó chứ?
Kiền nhìn khuôn mặt thâm tái dính đầy máu cục bùn đất, lắc đầu bỏ đi.”
 

Có người trách tác giả Tàn Đông đã xây dựng nhân vật Kiền có tính cách hơi khác thường: là thầy giáo, anh ta dửng dưng trước cái chết oan uổng của học trò mình; là người cùng nhà trọ, anh ta dấm dớ trước những biểu hiện tình cảm của cô bạn y tá xinh đẹp đang khát tình. Tôi không đồng tình với nhận định này. Tôi còn cho rằng đây chính là mạch ngầm làm nên bút pháp thâm trầm của Phạm Ngọc Lư . Thời ấy, tình cảm của thầy cô đối với học sinh thường cũng bao la sâu rộng như tình thương của cha mẹ đối với con cái. Nhưng, trong cảnh huống bi thương, nhiều bậc cha mẹ thường nhìn xác con rồi buộc miệng,“sanh con há dễ sanh lòng”. Trách thầy giáo Kiền mà chi! Tôi dám cả quyết cái tử thi nhỏ thó đó là học trò của thầy Kiền, nhưng thầy nhìn khuôn mặt thâm tái dính đầy máu cục bùn đất, lắc đầu bỏ đi . Trí nhớ của thầy rất tốt, nhìn tấm ảnh một thiếu nữ do cô bạn y tá giới thiệu, anh chẳng những nhận ra đó là học trò mình bốn năm trước mà còn nhớ cả tên, khiến cô bạn phải thốt lên,”Anh thật quỷ quái, nhớ chi mà dai thế!”. Học trò cũ  nay đã thành một cô gái, anh còn nhớ, thì một học sinh trẻ măng cỡ 15,16 tuổi mới bỏ học trốn theo nẫu, sao anh lại không nhớ, nhưng anh lắc đầu bỏ đi vì một lẽ oan khuất, “sanh con há dễ sanh lòng”.
 
Về tình yêu, bộ tịch dấm dớ của anh giáo Kiền chẳng qua chỉ là giả nai với sách lược tuy cũ nhưng hiệu quả “lửa gần rơm lâu ngày phải bén”. Hơn nữa, lửa và rơm được xếp gần nhau ở nơi thâm sơn cùng cốc. Và đây cũng là mạch ngầm làm nên nét duyên của Tàn Đông.
 
Ở trọ chung một nhà, người phòng trong người gian ngoài, sáng nào cô bạn y tá cũng dậy sớm nhóm lửa nấu nước để anh giáo có nước sôi chích thuốc. Khi cô bạn ngã bệnh, “Anh xuống bếp bưng cháo vào tận buồng nàng, pha nước khuấy sữa, xăng văng hỏi han về bệnh tình thuốc thang liền miệng… Người bạn gái uốn cong mình dẫy dụa, mặt nhăn nhó đau đớn, kêu khan:
-Đè chặt tôi lại coi… Sao cứ bay bổng lên.
Kiền e dè cúi xuống dằn tay bạn. Bất ngờ nàng ôm chầm lấy anh lôi ngả sấp lên ngực, hơi thở nóng ran, hổn hển, dồn dập. Kiền nhúc nhích cựa nhẹ mình nhưng không dám gỡ vòng tay bạn đang quấn quýt siết chặt trên lưng”

 
Đây là một cách biểu hiện tình cảm nam nữ được che đậy bởi một cơn bệnh. Còn đây là cái cách “hùn gió bẻ măng”, ngay trong cơn binh lửa:
 
“Súng cối bắn đùng đùng tới tấp, đạn bay vèo vèo trên đầu. Vách nhà rung chuyển liên hồi. Phòng trong người bạn kêu ơi ới. Kiền sực nhớ, bỏ chỗ núp dưới gầm phản chạy vào, thở hổn hển, cứng miệng nói không ra tiếng. Anh lôi bạn xuống khỏi giường, nàng thất thần ngã vào người anh mềm nhũn như kẻ vừa trúng đạn chết không kịp ngáp”.
 
Sao không viết Nàng thất thần ngã vào người anh mềm nhũn như cọng rau héo, như cọng bún, như người không có xương sống… như gì chẳng được, mà phải là như kẻ vừa trúng đạn chết không kịp ngáp?  Vì trận đánh đang diễn ra, đạn bay vèo vèo trên đầu nên xán luôn? Chết không kịp ngáp như  ba cái xác chết trong đó có tử thi nhỏ thó, trẻ măng cỡ 15,16 tuổi, là học sinh mới trốn theo nẫu, dại dột chết uổng, mà sáng ra thầy Kiền mới tận mắt nhìn thấy. Phải chăng tác giả muốn nói, nơi Biên Cương Đất Trích tử khí bốc lên dày như sương thì tình yêu và cái chết gần liền nhau, oan khuất trong buổi Tàn Đông.
 
May 4, 2016
Nguyễn Âu Hồng
 
___
*Đất Trích là đầu đề một bài thơ của Phạm Ngọc Lư đăng trên tạp chí Trình Bầy. Bài thơ có cùng bối cảnh với truyện Tàn Đông: thị trấn miền núi Củng Sơn …“Bốn phía rừng xanh mầu nước độc/ Đông tây nam bắc núi chận đường/ Một lũng đất bằng khu chén nhỏ/ Trói đời ta vào chân Trường Sơn…Canh khuya cọp gầm vang núi Lá”. Trong Tàn Đông “núi Cấm hiểm trở, núi Một vòi või, núi Lá rậm rì…”
 
* Biên Cương là một bài hành đã thấu đến lòng người của Phạm Ngọc Lư: “Đây biên cương ghê thay biên cương/ Tử khí bốc lên dày như sương… Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết/ Thổi lấp rừng già bạt núi non… Cô hồn một lũ nơi đất trích/ vỗ đá mà ca ngông hát cuồng…”
 

 
Nguồn: Thư Quán Bản Thảo 70

  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Âu Hồng