NGUYỄN ÂU HỒNG



Estate Sale

Ở vùng Tây-Bắc Hoa Kỳ, vào cuối tuần các mùa nắng ráo, người ta thường bán Garage Sale và Estate Sale. Garage Sale bày bán “sôn” đồ cũ-mới đủ thứ linh tinh với giá thật rẻ. Vì thường bày trong garage nên gọi là Garage Sale – đôi khi gọi là Yard Sale vì bày ngoài sân. Ngoài ra còn có Moving Sale tức là bán bớt đồ khi dọn nhà. Người ta bán đổ bán tháo những thứ chủ nhân không còn cần dùng mà để thì chật nhà, chật kho hoặc dọn nhà đi xa không tiện đem theo.

Estate Sale, đặc biệt hơn, bán toàn bộ đồ đạc trong nhà: từ dao nĩa ly tách chén bát, đến quần áo, giường tủ kể cả tủ thờ, bệ thờ. Những vật kỷ niệm như tranh, tượng, gốm, sứ cũng bày bán nốt. Giá bán của Estate Sale tuy không đến nỗi rẻ mạt nhưng cũng chỉ chừng mười, hai mươi phần trăm giá ngoài thị trường. Sở dĩ bán ráo trọi như vậy vì chủ nhà giao nhà cho Sở & Cty Nhà Đất, dọn vào ở trong những căn hộ (sang trọng?) dành cho người già hoặc viện dưỡng lão (cao cấp?) hoặc bệnh viện.

Người Mỹ đi Estate Sale như đi hội chợ, nhất là Estate Sale ở những khu nhà trung lưu, giàu có. Ngay từ sáng sớm thiên hạ đã xếp hàng ghi tên, xe hơi đậu dọc dài hai ba blocks phố. Tới giờ mở cửa, người ta bưng bê, khiêng đồ ra nườm nượp, náo nức như được chia của. Nhân viên nhà đất lo việc bày bán; chủ nhà, nếu có mặt, chỉ trầm ngâm ngồi nhìn. Ông (bà) ta ngồi đó ngậm ngùi nhìn những đồ vật đã gắn bó với mình hằng bao nhiêu năm lần lượt ra đi. Dẫu biết rằng, dù có sống lâu trăm tuổi, rồi cũng đến lúc phải rời bỏ ngôi nhà thân yêu cùng những đồ dùng gắn bó, tiếp sau là rời bỏ người thân, rời bỏ cuộc đời, nhưng cái dáng ngồi trầm tư và ánh mắt nhìn u ẩn của chủ nhà luôn gây trong lòng tôi niềm trắc ẩn. Tôi dễ mủi lòng còn vì lúc mới qua Mỹ tôi được nhiều lưu dân đến trước giúp đỡ, trong đó có một người về sau đã giao nhà cho nhà đất – Estate Sale. Bà ta tên là Kateryna đến từ Ukraine.

Sang Mỹ từ lúc còn trẻ nhưng Kateryna không chạy theo thời trang hay quần jeans, váy ngắn mà vẫn kiên trì những y phục truyền thống của Ukrainian: mùa hè váy dài Poltava, áo và váy cùng màu; mùa đông mặc váy thêu, mùa lễ mặc y phục lễ hội, tất cả đều có những đường hoa văn cầu kỳ nhưng duyên dáng.

Kateryna nói: “Làm sao anh biết được, nội cái việc được thoải mái mặc y phục truyền thống dân tộc cũng là một biểu hiện của tự do, đồng thời cũng là biểu hiện của xã hội Hoa Kỳ đa dạng văn hóa. Dưới chế độ Xô Viết thời tôi mới lớn, y phục truyền thống của người Ukrainian bị loại trừ, bị tịch thu hết. Đến rương hòm cũng bị xới tung nên một số người phải gói gởi ở nhà thờ, mặc vào làm lễ xong lại cởi ra.” Cũng như nhiều phụ nữ Ukrainian khác, Kateryna không cắt tóc, bởi vậy, để cho gọn bà thường chít khăn voan. “Anh biết không, vào những dịp lễ hội, khi những người phụ nữ trẻ của Ukrainian cởi khăn, xõa tung mái tóc vàng óng ra rồi vừa hát, vừa nhảy điệu dân vũ Arkan thì đến con tắc kè cũng phải bò ra khỏi bọng cây, ngẩn ngơ”, ông Dmytro, chồng bà Kateryna thuở còn sinh tiền, đã nói như vậy.

Lúc nạn đói 1932-1933 ở Ukraine xảy ra, Kateryna mới sáu-bảy tuổi, nhưng nỗi ám ảnh cứ đeo bám đến cả cuộc đời. (Nạn đói về sau có tên gọi là Holodomor). Sang được đất Mỹ, hạnh phúc đầu tiên của Kateryna là được thỏa mãn cái miệng thèm ăn. Là y tá chuyên săn sóc người già, bà thừa biết ăn uống quá độ sẽ dẫn đến bệnh béo phì và nhiều bệnh về tim mạch, nhưng không tự chủ được. Tưởng tôi cũng phàm ăn, bà thường mua tặng tôi khi thì nguyên con gà quay Fred Myer, khi thì cả khối thịt bò hun khói Safeway. Tôi nói, tôi sống đơn chiếc, ăn uống đạm bạc, cả tuần ăn không hết một con gà quay hay một khối thịt bò, nhưng bà vẫn cứ mua tặng. Do phàm ăn, nét duyên dáng của một phụ nữ Ukrainian cứ bị các khối mỡ lấn át và đẩy lùi. Đến năm Kateryna 65 tuổi, khi ông chồng Dmytro chết vì bệnh tim, bà mới bắt đầu ăn kiêng, thì đã muộn. Năm 70 tuổi, do quá béo mập, béo đến mức mỡ nọng thòng xuống ngực, mỡ sa ở bụng thòng xuống tận bắp vế, Kateryna không thể tự đứng trên đôi chân của mình mà phải ngồi xe scooter. Năm 81 tuổi, Kateryna bị bệnh hoại thư. Trước khi nhập viện bà nhắn tôi đến nhà. Tôi chẳng biết làm gì để an ủi, chỉ biết xoa xoa vai Kateryna nói “bảo trọng”, “bảo trọng”. Chuẩn bị lên xe, bà ra dấu cho tôi cúi sát xuống rồi nói nhỏ, rất nhỏ, như tiếng thì thầm: “Hôn tôi đi!” Linh tính cho tôi biết lần ra đi này là vĩnh biệt, nên bất chấp mỡ nọng, mỡ sa, hoại thư, hoại tử, ngay trước mặt hai cô y tá, nhân viên cứu hỏa và con trai bà, tôi đã ôm mái đầu tóc bạc rồi nhẹ nhàng hôn lên má lên môi Kateryna. Khi buông ra tôi thấy đôi má thường ngày trắng bợt của Kateryna ửng đỏ lên. Thì ra, khi được một người đàn ông ôm hôn thắm thiết thì đôi má của người đàn bà, dù ở bất cứ lứa tuổi nào, bệnh tật ra sao, vẫn cứ ửng đỏ.

Linh tính của tôi quả không sai, Kateryna không qua khỏi dù phải chịu đau đớn qua hai ca phẫu thuật, một lần cắt ngang gối, một lần cắt tới tận bẹn.

Một tháng sau tôi thấy những người đi mua đồ Estate Sale nườm nượp bưng, bê, khiêng vật dụng, đồ đạc từ trong nhà bà Kateryna ra xe, náo nức như được chia của. Tôi đau đớn lặng nhìn, rồi tự hứa với lòng là sẽ không bao giờ bước vào bất cứ một ngôi nhà Estate Sale nào để mua bất cứ thứ gì.

December 2014

 

Holodomor

Các sử gia Ukrainian cho rằng, khi nông dân Ukraine chống lại chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp, Stalin và Trung ương Xô Viết đã dùng trại cải tạo lao động, xử bắn, và tạo ra nạn đói để giết chết trên mười triệu người Ukraine. Rằng, nhà độc tài Xô Viết Joseph Stalin đã mở chiến dịch diệt chủng nhằm chống lại người dân Ukraine. Thảm cảnh này về sau có tên là Holodomor.

Theo Từ điển Ukraine xuất bản năm 2004, Holodomor là nạn đói nhân tạo được tổ chức bởi một thể chế tội phạm với quy mô rộng lớn nhằm chống lại một dân tộc.

Sử gia Robert Conquest trong Harvest of Sorrow cho rằng Stalin và Trung ương Xô Viết không hề có kế hoạch diệt chủng từ trước, mà chỉ muốn trừng phạt người dân Ukraine vì đã dám chống lại chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp. Nhưng, với quyền lực vô song, đến Thượng Đế cũng không ngăn nổi, thì sự trừng phạt dẫn đến những hình phạt kinh hoàng dã man chưa từng thấy trong lịch sử loài người.

Một ngày cuối tháng 8-2014, bà Nataliya, một phụ nữ cao niên người Mỹ gốc Ukraine khi xem một đoạn phóng sự quay cảnh đổ nát và đầy những dấu tích bom đạn của thành phố Slavyansk, bà đã không cầm được nước mắt. Rồi khi nghe một phụ nữ đồng lứa tuổi nói, “Cảnh tàn phá trong thế chiến thứ hai cũng không như thế này, không điện, không hơi đốt, không nước máy”, bà đã khóc òa lên. Bà Nataliya sinh ra ở Donetsk, nhưng lớn lên ở thành phố Slavyansk, đã trải qua những ngày tuổi trẻ hoa mộng sau chiến tranh ở đó. Bà nói: “Có đất nước nào chịu nhiều thảm họa như đất nước Ukraine không? Có dân tộc nào chịu nhiều đau thương như dân tộc Ukraine không?”. Tôi nói về những đau thương khốn cùng của dân tộc Việt và của đất nước Việt Nam, là để nhằm chia xẻ thôi, không ngờ bà lại càng bi phẫn hơn: “Dân tộc Việt Nam các anh dẫu có chết cũng được chết dưới ánh mặt trời, còn dân tộc Ukraine chúng tôi đã phải chết trong bóng tối. Những thảm họa mà dân tộc Ukraine phải gánh chịu là những thảm họa câm lặng. Riêng Holodomor thôi, hàng triệu người Ukraine đã câm lặng đi vào cõi chết. Cho đến tận hôm nay, máu của những nạn nhân Holodomor vẫn kêu gào đòi công lý, đòi sự thật phải được phơi bày ra ánh sáng, đòi phải quật mồ những tên tội phạm gây tội ác chống nhân loại”.

Cho hay, dù cuống rốn đã lìa, dù đã nhập quốc tịch Hoa Kỳ hơn nửa thế kỷ, tấm lòng của kẻ ly hương (Nataliya) dành cho quê hương cũ, đồng bào xa, vẫn còn sâu nặng xiết bao!

Và càng rõ thêm, đoạn trường ai có qua cầu mới hay!

January 2015

 

  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Âu Hồng