NGUYỄN ÂU HỒNG
Lá Daffodil Thắt Bím
Truyện ngắn
Truyện ngắn
Mùa xuân năm ấy đã đến với vùng hạ lưu sông Columbia một cách lặng lẽ nhưng vô cùng thắm thiết (*) và rạo rực đến không chịu nổi. Mới giữa tháng hai, những tia nắng hiếm quý đã xuyên thủng sương mù sưởi ấm lớp đất mùn mà mới cách đó một tuần tuyết còn phủ trắng xóa. Rồi một buổi sáng, người đưa thư bỗng ngập ngừng không muốn cho xe rời khỏi nhà bà Barbara nhanh như mọi ngày: quanh chân thùng thư hoa crocus đã đâm những nụ mầm như những búp măng non với màu trắng tinh khôi, màu vàng ấm áp và màu tím diệu vợi. Phải vài hôm nữa hoa mới nở. Mà nở vào buổi sáng sớm, gần trưa hay đợi đến quá giữa trưa là tùy vào thời tiết. Tuy còn e ấp, nhưng những búp hoa crocus là những sắc mầu đầu tiên báo hiệu mùa xuân đang đến với vùng hạ lưu sông Columbia tươi xanh này.
Trồng hoa quanh chân thùng thư là một tập quán văn hóa của cư dân trong vùng. Đó là một món quà tặng người đưa thư, mong làm dịu bớt phần nào sự mệt mỏi vì phải lái xe liên tục sáu ngày trong tuần. Khi hoa crocus bắt đầu nở, người đưa thư ngừng xe lâu hơn một chút, kịp lúc bà chủ nhà Barbara ra nhận thư và hai người chào hỏi nhau thân thiện. Như vậy hoa crocus không chỉ báo hiệu mùa xuân mà còn giúp con người xích lại gần nhau hơn. Tiếc thay niềm vui của họ chỉ kéo dài vỏn vẹn một tuần. Khi hoa đã nở mãn khai thì lá mầm bắt đầu mọc, những chiếc lá như lá cỏ cứ chen giữa đám hoa, đâm thẳng lên. Lá crocus là rau xanh ngon tuyệt với lũ sóc đang rượn tình đầu xuân. Sóc chỉ ăn lá crocus, không ăn hoa. Nhưng chúng nó vừa ăn vừa trững giỡn giẫm cả lên hoa. Những đóa hoa nhỏ nhắn yếu ớt lại không cuống không cọng, không nơi nương tựa, bị đạp ngã là nằm mẹp luôn. Công bằng mà nói, hình ảnh lũ sóc động cỡn rượt đuổi nhau rần rật cũng là tín hiệu sinh động của mùa xuân. Con người ta kia, lúc mù quáng với ái tình còn quên cả khuôn phép, nói chi đến con vật là lũ sóc. Không phải vì lũ sóc làm “đầu cầu” giúp Tân tiếp cận rồi trở thành người làm vườn thường xuyên của bà Barbara mà ông bênh vực, nhưng việc rậm rật động tình trong thời tiết còn giá lạnh bộc lộ một sức khỏe sung mãn, sự khát khao truyền giống và khí xuân hừng hực đang đến khiến chúng nó không thể chờ đợi thêm một phút giây nào nữa.
Bà Barbara vừa vẫy tay chào người đưa thư vừa bước qua đường, xăm xăm đi ra sân sau nhà ông Dorn tìm gặp người làm vườn. Ông Tân, người làm vườn, vừa dọn xong mớ cành cây bị bão tuyết làm gãy và tắt máy cưa thì cũng vừa lúc bà bước đến.
-Chào anh Tân, tôi là Barbara. Xin lỗi về sự đường đột- ông Dorn cho tôi biết tên anh. Nhà tôi bên kia đường. Anh có thể dành chút thời giờ bước qua xem thử có thể cứu đám hoa crocus của tôi được không?
-Vậy chớ bị sao mà sao mà phải cứu?
-Bị sóc giẫm đạp.
-Bà nên gọi cho Đời sống hoang dã, tôi có số điện thoại đây.
-Tôi gọi rồi. Họ bảo gọi cho cơ quan kiểm soát động vật đô thị. Lại bảo gọi cho công ty kiểm soát dán mối. Công ty dán mối lại bảo gọi cho chim chuột, cóc nhái, mô v.v...Gọi chim chuột nói sóc phá hoa crocus thì họ hẹn ba hôm nữa, mà tôi thì cần có giải pháp tức khắc. Bộ anh không thể bước qua một chút được sao?
-Được chứ. Nhưng giải pháp tức khắc thì không dám hứa
Bà nói “cứ thử xem” rồi xăng xái bước về, hai tay “đánh đàng xa” như những phụ nữ lao động Việt Nam, dễ thương đến lạ lùng.
Tân bước theo sau, nhìn hai mông đít khổng lồ của bà ngoe nguẩy phía trước mà cười thầm trong bụng. Cũng may, sóc chỉ mới giẫm nát mấy vạt hoa quanh chân thùng thư còn những vạt hoa phía bên kia bãi đậu xe và phía trước hiên nhà hầu như còn nguyên vẹn.
Tân đề nghị giải pháp:
-Tôi không có giấy phép về động vật nên không dám đụng tới lũ sóc. Nhưng tôi biết có một loại bình xịt bán rộng rãi ở Home Depot. Khi đã xịt quanh đám hoa rồi thì chuột, sóc, cóc nhái gì cũng tránh xa.
-Thế thỏ có vào được không?
-Thỏ cũng tránh xa.
-Như vậy thì tội nghiệp cho mấy con thỏ quá. Thỏ cũng ăn lá crocus như sóc, nhưng chúng chỉ đứng bên ngoài hoặc đi loanh quanh, không đạp lên hoa.
Để cho “giải pháp tức khắc” được trọn vẹn, Tân đưa cho bà nhãn hiệu của bình xịt rồi dặn bà sẵn đường mua ít cây xà lách, năm bảy củ cà rốt và một bịch đậu phụng. Bà biết xà lách, cà rốt và đậu phụng dùng để làm gì nên trước khi lái xe đi còn nói “anh chu đáo lắm”.
Tân trở lại nhà ông Dorn thu dọn máy móc, dụng cụ. Chưa vào mùa nên cứ nhẩn nha không gì phải vội. Ông Dorn ra đưa check trả tiền cũng không vào nhà ngay. Hai người đang đứng nói chuyện thời tiết mưa nắng, chuyên câu cá-hẹn tới mùa cá hồi sẽ gặp nhau tại bến cũ trên sông Columbia..thì bà Barbara lại xăm xăm bước tới. Bà chào ông Dorn rồi bất ngờ giơ cao bình thuốc, cười ha hả, cười lớn hết cỡ và cũng hết cỡ tươi tắn, tươi tắn đến bất ngờ so với độ tuổi đã ngoài bảy mươi của bà. (Tuổi tác là ông Tân đoán mò mà thôi). Cười thoải mái xong, tưởng sao, bà ấn bình xịt vào tay Tân, không nói không rằng, quay lưng xăng xái bước về, hai tay “đánh đàng xa” như những phụ nữ lao động Việt Nam, dễ thương đến lạ lùng. Tân đành phải đi theo. Nhìn hai mông đít khổng lồ của bà ngoe nguẩy phía trước, lần này, ngoài việc cười thầm trong bụng, ông còn miên man nghĩ về những trái chín cuối mùa trên xứ sở Hoa Kỳ.
Tân chỉ hướng dẫn cách xịt, buộc bà phải tự làm. Barbara vừa cầm bình xịt vừa nguýt háy trách Tân quá cứng nhắc trong việc chấp hành luật lệ. Trông bà cao to dềnh dàng, vậy chớ khi cúi xuống quơ bình xịt, thao tác dịu dàng như múa. Bà còn định xịt quanh các khóm daffodil và tulip nhưng Tân cản lại. Daffodil đã lên cao hơn một gang tay còn tulip thì chỉ mới nhú khỏi mặt đất. Tân nói:
-Sóc và thỏ chỉ ăn lá crocus và mầm non lily, không ăn lá và mầm non daffodil, tulip.
Nghe Tân nói vậy, Barbara cứ gật gù như đang ngẫm nghĩ một điều gì, rồi bất chợt hỏi:
-Anh uống gì không, Tân? Trà nóng hay cà phê nóng?
-Cám ơn bà. Tôi chỉ uống trà và cà phê một lần trong ngày vào buổi sáng sớm. À mà Barbara này, bà có mua rau và đậu phụng không?
-Tôi đã mua. Anh chu đáo lắm, Tân.
Barbara mở cóp xe lôi ra một bịch giấy xi-măng. Tân đón lấy rồi đi thẳng tới cổng ra sân sau, thò tay mở chốt, nhưng cổng đã bị khóa. Ông định quay ra gọi thì Barbara xuất hiện đúng lúc vừa mở khóa vừa cười ha hả, cười lớn hết cỡ và cũng hết cỡ tươi tắn, tươi tắn đến nỗi ông bị bất ngờ thêm một lần nữa.
Sân sau nhà Barbara không rộng lắm,nhưng nhờ mặt lưng giáp với khu rừng thông đại thụ chưa bị đô thị hóa lấn chiếm nên trông như một góc của công viên quốc gia, tràn ngập thiên nhiên. Tân rải rau và đậu phụng dưới gốc bờ dậu arbervitae, một bờ dậu dài và khá cao nhưng không được chăm sóc đúng mức rồi bước ra tận góc xa giáp với khu rừng. Khu rừng này đã làm Tân chú ý ngay từ lúc mới vừa bước qua khỏi cánh cổng. Chỉ cách nhau không quá một trăm bước chân mà không khí ở đây lạnh hơn hẳn còn không gian thì như chìm đắm trong mộng ảo. Nắng trưa mà sao xiên xiên xuyên qua lớp sương mù đọng giữa những tàn cây, một màu nắng huyền hoặc, không vàng không thắm cũng không trắng không hồng, một màu nắng phơn phớt tím hoa cà liên tục chuyển động, lung linh kỳ ảo lạ thường.
Mặc dù đang chìm đắm trong mộng ảo ông Tân vẫn nghe được tiếng bước chân đạp lên lá mục rồi ông nghe được hơi thở và ngửi được mùi đàn bà phát ra từ cơ thể Barbara. Đứng yên một chặp, ông quay sang, nói:
- Barbara, bà không nên ra đây. Ngoài này lạnh lắm.
Barbara không trả lời, chỉ lặng lẽ nhìn người đứng cạnh. Ông Tân hơi ngạc nhiên, ông nhìn Barbara kỹ hơn và thấy những nét đẹp của thời thanh xuân như vẫn còn lưu lại trên khuôn mặt người đàn bà đã cao tuổi với sóng mũi thẳng, hai cánh mũi túm gọn tao nhã, đôi mày cong diễm lệ và đẹp nhất là đôi mắt, đôi mắt huyền thoại phơn phớt màu tím hoa cà. (Tất nhiên những nếp nhăn của thời gian xuất hiện đây đó trên khuôn mặt là không tránh khỏi). Barbara cứ đứng một chỗ hết nhìn ông Tân lại nhìn ra khu rừng. Rồi bà nói nhỏ như thì thầm:
- Gọi tên tôi một lần nữa đi Tân.
- Barbara, bà có sao không?
- Xin gọi tên tôi...
- Barbara, tôi nghĩ chúng ta nên đi vào. Ở ngoài này lâu sẽ bị cảm lạnh mất.
- Xin gọi tên tôi, dù…
- Barbara...
- Tiếng anh gọi tên tôi nghe sao dịu ngọt như anh Jack yêu quí của tôi gọi tôi lúc chúng tôi còn tuổi trẻ.
Ông Tân tưởng Barbara bị mộng du nên đặt hai tay lên vai lay cho bà tỉnh. Barbara nói, giọng mơ màng:
- Tân ơi, anh ôm tôi đi. Xin vui lòng cho tôi một vòng tay ôm.
Ông Tân hơi ngập ngừng, nhưng giọng nói và ánh mắt của Barbara van nài tha thiết quá khiến ông không dừng được. Ông bước tới một bước, vòng tay quanh người Barbara, một vòng tay Á Đông nhưng nhờ thường xuyên tập tạ nên cũng không đến nỗi quá nhỏ bé so với thân hình to lớn của người đàn bà, rồi với tất cả sức mạnh của một người làm vườn chuyên nghiệp, anh siết thật mạnh và giữ chặt thật lâu. Đây chắc là một vòng tay ôm nhớ đời. Họ đứng yên một chặp, có cảm giác như quả đất cũng đứng yên. Bỗng ông Tân đâm hoảng: tấm thân đồ sộ chắc nịch của Barbara trong vòng tay ông như tan chảy, mềm dần rồi nhũn xuống như cọng bún. Ông xiểng liểng phải dựa vào một góc thông gần đó mới không bị ngã...
Phần Barbara, trong phút giây đó, trong vòng tay của người đàn ông Á Đông nhỏ bé đó, bà như sống lại tuổi trẻ, đầu tiên là tiếng gọi Barbara dịu ngọt thân thương của anh Jack yêu quí, tiếp theo là những ngày thanh xuân mê đắm trong tình yêu và tràn đầy nhiệt huyết với đất nước- trận Trân Châu Cảng nổ ra lúc Barbara mười tám tuổi, đã tình nguyện vào xưởng đóng tàu chiến bên bờ sông Columbia làm việc hai ca một ngày- muốn sống một giây bằng một ngày, muốn sống một ngày bằng trọn cả một đời, muốn ôm hết vẻ đẹp của quả đất vào lòng...
Khi Barbara cứng cáp trở lại thì ông Tân bắt đầu chìm vào cơn mê, ông khởi sự thăm dò những trái chín cuối mùa của xứ sở Hoa Kỳ...Quả đất như ngừng quay...Trong mê đắm hai người há hốc miệng như đang ăn sương giá, như đang uống nắng trời. Ông Tân mơ màng như đã uống vào người cái màu nắng trùng với màu mắt Barbara, màu mắt huyền thoại phơn phớt tím hoa cà. Hai người sẽ chìm đắm mãi trong cơn mê nếu lũ quạ không kêu quang quác gây ồn ào náo động vì đang họp đàn và đang đánh đuổi một con chim lạ. Trước đó, lũ sóc tha đậu phụng cứ xồng xộc phóng lên cây thông già nơi hai người đang đứng, nhưng cả sóc và người không bên nào thấy khó chịu, cứ điềm nhiên như nhiên.
Mùa xuân vẫn đang ngự trị, bầu trời xanh trong và nắng ấm chan hòa khắp vùng hạ lưu sông Columbia. Khi hoa crocus bắt đầu giảm sắc rồi ngã rạp xuống như những xác bong bóng vỡ cũng là lúc hoa daffodil bắt đầu bung nở. Không e dè khiêm tốn như crocus, hoa daffodil một khi tới mùa là nở đồng loạt, bung nở hết cỡ, ngạo nghễ khoe sắc vàng rực rỡ với nắng xuân. Hoa daffodil vừa xuống sắc thì hoa tulip lại đua nở cùng với lily, cúc, vạn thọ, đồng tiền...ở dưới thấp; hoa hồng, hoa azelea (đỗ quyên), dâm bụt, phù dung, rhododendron (sơn lựu), dogwood đỏ...ở tầng giữa và hoa dogwood trắng, hoa mận, hoa anh đào, hoa magnolea (mộc lan)...nở rợp trên tầng cao. Hoa xuân càng nở rộ, lòng khát khao mùa xuân của bà Barbara càng phơi phới. Bà mặc quần áo lao động, làm việc ngoài trời hầu như suốt ngày, khi thì nhổ cỏ dại ở sân trước, lúc cào lá mục ở sân sau...Một hôm, khi ra khu rừng để đổ rác, không hiểu do tiềm thức nào dẫn dắt, Barbara đã đến đứng dựa lưng vào gốc thông, nơi bà đã rơi vào vòng tay của người làm vườn...
Barbara đứng nhìn ra rừng thông rồi bỗng dưng bà há hốc miệng như đang ăn nắng sớm, như đang uống sương chiều, như sống lại thời tuổi trẻ, sống lại những ngày lồng lộng thanh xuân- muốn sống một giây bằng một ngày, muốn sống một ngày bằng trọn cả một đời, muốn ôm hết vẻ đẹp của quả đất vào lòng. Ôi tuổi trẻ, tuổi trẻ, những ngày mê đắm trong tình yêu với anh Jack yêu quí và tràn đầy nhiệt huyết với đất nước. Hai người cùng làm việc ở xưởng đóng tàu chiến, có khi làm hai ca một ngày, có khi làm bảy ngày một tuần, tiền lương chỉ giữ một phần nhỏ đủ trang trải cho cuộc sống đạm bạc, còn bao nhiêu đóng góp hết cho cuộc chiến. Không riêng cặp Barbara-Jack mà nửa triệu công nhân của xưởng đóng tàu ai cũng làm việc cật lực, ai cũng thắt lưng buộc bụng, cùng với đất nước dồn hết tài nguyên vật lực nhằm chiến thắng phát-xít. Tin hay không? Con gái mới lớn cần ít son phấn làm duyên, mà khi mua một cây son môi, một lọ kem thoa mặt loại rẻ tiền-chỉ năm bảy đô thời đó- còn cân nhắc tới lui, vậy chớ đóng góp trăm này ngàn nọ cho đất nước thì luôn sẵn sàng. Đến kẹo cao su thôi mà ông Davis, thợ cả của phân xưởng mộc, tuổi đã ngoài năm mươi, còn cho là xa xỉ. Và điều quan trọng là con người luôn yêu thương gắn bó, luôn quan tâm lẫn nhau...
Rồi thế chiến kết thúc. Những xưởng đóng tàu dọc bờ sông ngưng hoạt động. Nửa triệu công nhân tứ tán đi khắp nước Mỹ và thế giới. Thế nhưng, khi tới tuổi về hưu, nhiều công nhân của xưởng đóng tàu năm xưa đã quay về mảnh đất cũ, mảnh đất bên bờ hạ lưu sông Columbia hiền hòa tươi xanh in dấu những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và mê đắm...Barbara và Jack là một trong những cặp đã quay về. Nhưng Jack không có số an hưởng điền viên. Sau hai năm về hưu, anh Jack yêu quí đã bị tai nạn xe hơi và ra đi...
Mùa xuân vẫn đang ngự trị, nhưng hoa daffodil đã tàn úa. Thông thường người ta túm cả lá và cuống hoa bẻ quắp rồi cột lại, từ xa trông như những bó mạ. Bà Barbara không làm như vậy. Từ tiềm thức văn hóa đầy thơ mộng, Barbara đã ngồi xuống bên khóm hoa tàn, tẩn mẩn vuốt từng chiếc lá rồi thắt thành bím như người ta thắt bím tóc con rít. Hết khóm này đến khóm khác, bà vuốt những chiếc lá với một cảm xúc càng lúc càng ngây ngất. Thắt bím xong khóm cuối cùng, khi đứng lên Barbara thấy mặt mày xây xẩm và ngã quỵ xuống. Bà không bao giờ còn đứng lên được nữa. Barbara vừa tổ chức mừng sinh nhật lần thứ tám mươi hôm qua, ông Tân được mời tham dự. Mới hôm qua đây thôi khi thổi tắt hết đám đèn cầy, bà bước lùi một bước tránh khói, ưỡn người hít thở một hơi thật sâu rồi cười ha hả, cười lớn hết cỡ và cũng hết cỡ tươi tắn, tươi tắn đến nỗi những người có mặt phải ngạc nhiên. Ông Tân tuy đã quen với với lối cười ấy của Barbara, vẫn thấy thích thú. Ông càng thích thú hơn khi nhìn vào mắt Barbara: trong đêm, dưới ánh đèn chùm, đôi mắt có màu tím hoa cà trông càng liêu trai huyễn hoặc và diễm lệ lạ thường. Đôi mắt ấy, lẽ nào đã vinh viễn khép lại?
Mùa xuân kế tiếp và nhiều mùa xuân sau này, cứ đến cuối tháng hai đầu tháng ba, ông Tân lại ra đứng nơi góc xa giáp với khu rừng chỗ ông đã từng ôm siết Barbara, để ôn lại kỷ niệm và cũng có ý muốn tìm ra khởi thủy của cái nắng có màu tím hoa cà lung linh huyền ảo của năm xưa. Một hôm, nhờ sương mù tan hết, trời trong đến mức có thể nhìn rõ khe suối có dòng nước nhỏ xíu như một khóe mắt lấp lánh dưới lũng sâu, ông Tân thấy mấy cây bạch dương với những lá mầm màu huyết dụ dày đặc. Nhưng ông không tin, ông không tin cái màu tím huyền ảo đã xuất phát từ đó. Biết đâu cái nắng có màu tím năm xưa là màu thời gian, từ vàng tươi chuyển sang đỏ nhạt, đỏ thắm rồi phơn phớt tím hoa cà trước khi trở nên tím ngắt rồi lịm tắt như màu hoàng hôn.
Ông Tân đứng nơi góc xa ấy để tìm lại màu nắng của năm xưa, một màu nắng huyền diệu, không vàng không thắm cũng không trắng không hồng, một màu nắng phơn phớt tím hoa cà liên tục chuyển động, lung linh kỳ ảo của năm xưa, nhưng ông không tìm được. Làm sao ông tìm lại được cái màu nắng ấy khi mà đôi mắt có màu tím huyền thoại của Barbara, đôi mắt lần cuối cùng ông nhìn ngắm, trong đêm sinh nhật định mệnh, trông liêu trai huyễn hoặc và diễm lệ lạ thường, đã khép lại.
Mùa xuân kế tiếp và nhiều mùa xuân sau này, cứ đúng ngày giỗ của Barbara-một ngày sau ngày sinh nhật- ông Tân lại ngồi xuống bên khóm hoa daffodil tàn úa, thận trọng vuốt những chiếc lá và những cuống hoa tàn rồi thắt thành bím, những bím lá con rít trông khá ngộ nghĩnh. Ông muốn gởi tới Barbara yêu quí một món quà, vậy thôi...Rồi với thời gian, ông Tân già yếu không làm việc nặng được nữa, doanh nghiệp làm vườn cũng đã sang cho đứa cháu. Nhưng đúng hẹn, ông vẫn nài xin đứa cháu cho ông được đến nhà cũ của Barbara. Năm rồi, khi ông ngồi xuống vuốt những chiếc lá daffodil để thắt bím, ông có cảm giác như đang chạm vào người Barbara. Hết khóm này đến khóm khác, ông vuốt những chiếc lá với cảm xúc càng lúc càng ngây ngất, ngây ngất đến mức tuổi tác không khứng nổi. Về đến nhà ông Tân tiếp tục thăng hoa và ngủ một giấc ngủ êm đềm...
(*) Mượn câu mở đầu Sông Đông Êm Đềm.
May 20-2004 - Jan 4-2014