Một Thiên Cá Mòi (II)
Tạp bút Nguyễn Âu Hồng
 

 
Hình ghe bàu trên bìa sách của Pierre Paris
 
Bài hai: Đi Tìm Quê Quán
Của Cô Gái “Bới Tóc Cánh Tiên”
(Tình duyên các lái với các cô gái địa phương)
 
Cô kia bới tóc cánh tiên
Ghe bàu đi cưới một thiên cá mòi
Không tin giở thử ra coi
Rau răm ở dưới, cá mòi ở trên.(1)
 
Cô kia bới tóc cánh tiên là nói đến cách trang điểm đỏm dáng, không nói rõ quê quán như trong bài Tiếng đồn con gái Phú Yên. Đã nói “Ghe bàu đi cưới” thì cứ lần theo manh mối của ghe bàu để may ra có thể tìm được quê quán của cô dâu. Lưu ý, danh từ “ghe bàu” trong bài ca dao không phải là vật thể chiếc ghe mà là con người: “dân ghe bàu”, “bạn ghe bàu”, “các lái ghe bàu”.
Trước tiên, cần biết sơ lược về “chiếc ghe” rồi sau mới tìm hiểu về những người làm việc trên ghe.
Các nhà nghiên cứu cho rằng tên gọi ghe bàu là biến âm của tên gốc Chăm là Prau, một loại thuyền mà người Mã Lai thường dùng đi lại giữa các đảo ở vùng Đông Nam Á hải đảo. (2)

Hình ghe bàu Hoàng Sa của Tiến sĩ Nguyễn Nhã
 
Ghe bàu là một sản phẩm đặc sắc của nghề biển Việt Nam, được từ điển hàng hải thế giới ghi nhận. Đây là loại thuyền có mũi và lái đều nhọn, bụng bầu, dài khoảng 30 thước tây, trọng tải cả trăm tấn. (2)
Người làm việc trên ghe bàu gọi là “bạn ghe bàu” hoặc “các lái ghe bàu”,  gọi chung là “dân ghe bàu”. Tìm hiểu về sinh hoạt của “dân ghe bàu”, bên cạnh những công trình của các nhà nghiên cứu còn có một di sản sống động là “Vè Các Lái”. Vè Các Lái hoặc Bài Ca Các Lái (Bài ca hải trình) là một sáng tác dân gian, dài gần 400 câu, ra đời từ thuở xa xưa nói về địa lý, phong tục tập quán, phương ngữ, sản vật các địa phương… Đặc biệt, Vè Các Lái thể hiện khá đậm đà tình yêu quê hương đất nước và tâm tình của người dân biển chất phác (3). Tuy lời lẽ nôm na, nhưng do giá trị thực tế nên bài vè được nhiều người dân biển thuộc nằm lòng, xem như một cẩm nang hải trình.
Về tâm tình:
Ghe bàu trở lái về đông
Con gái theo chồng bỏ mẹ ai nuôi.
 
Chim quyên đậu lái ghe bầu
Miệng kêu bớ Bảy xuống lầu trao thơ.
 
Ngó lên Hòn Miễu vắng tanh
Tứ bề quạnh quẽ trong mình xót xa.
 
Ghe bàu xuôi Nam ngược Bắc thường ghé những bến cảng sầm uất để trao đổi hàng hóa, buôn bán và tái tiếp tế gạo mắm, củi nước, rau quả, trầu cau…Trong những dịp như vậy, nhìn những gia đình sum vầy, một số bạn ghe đâm ra nhớ nhà: Vừa chào, vừa chạy cho mau/ Kẻ lo mua bán, người sầu niềm riêng. Họ chỉ mong xong công việc là tức tốc: Thôi thôi chớ nói thêm buồn/ Kéo neo mà chạy đi luôn kịp thời. Lên ghe giương buồm rồi, những lúc rảnh rỗi cũng chẳng vui: Thương con nhớ vợ trăm đàng/ Nước mắt hai hàng lệ ứa thấm biên. Những bạn độc thân lại có một nỗi buồn khác: Ngồi buồn cám cảnh ê chề/ Hỏi con sóng bổ tới quê bao thì.
Ghe bàu thường cặp cảng những bến bãi nào vừa thuận tiện cho việc buôn bán, tái tiếp tế vừa có thể tránh được giông gió. Do vậy, lẻ tẻ có một vài bến cảng ghe bầu đi luôn không ghé vào trong hải trình đi vào, nhưng lại ở chơi lâu trong hải trình đi ra và ngược lại. Đành rằng tình duyên lứa đôi nào ai đoán trước được, nhưng nếu không có điều kiện gặp gỡ, mua bán, trò chuyện thì làm sao “tìm hiểu” được nhau để mà “kết nghĩa phu thê”. Do vậy, lần theo Vè Các Lái thì các cô gái có nhiều cơ hội lấy chồng ghe bàu thuộc những địa phương sau:
(Tính từ Nam ra)
Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận)
Mũi Né (tỉnh Bình Thuận)
Vũng Găng-Đá Vách (giáp ranh Khánh Hòa và Ninh Thuận)
Chụt (tỉnh Khánh Hòa)
Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa)
Vũng Lắm (tỉnh Phú Yên)
Qui Nhơn (tỉnh Bình Định)
Tam Quan (tỉnh Bình Định)
 
PHAN THIẾT
Ghe thuyền tụ tập gần xa
Phú Hải, Phan Thiết ấy là trạm trung. (hát vô)
 
Đồn rằng Phan Thiết lịch thay
Sớm chiều phiên chợ, tối ngày bán buôn. (hát ra)
 
MŨI NÉ
Mũi Né ta sẽ buông khơi
Trong thời có xóm ăn chơi bĩ bàng
Anh em nước, củi đàng hoàng
Nước mắt hai hàng lụy nhỏ xót xa.(hát ra)
 
VŨNG GĂNG - ĐÁ VÁCH
Vũng Găng, Đá Vách tựa thành
Hai bên núi tấn vây quanh như buồng
Mặc dầu thuyền đậu bán buôn
Nào ai đình trú ở luôn mặc lòng. (hát vô)
 
CHỤT
Nha Trang, đất Chụt bao xa
Kẻ vô mua đệm, người ra mua chằng. (hát vô)
 
Có người cố quận kia là
Mai qua Bãi Chụt để mà gặp nhau. (hát ra)
 
Đôi ta kết nghĩa phu thê
Cùng qua mua bán mà mê tâm tình
Đất Chụt là đất nhàn thanh
Trai chuyên biển giã, gái rành bán buôn. (hát ra)
 
NHA TRANG
Cầu Đá, Cửa Bé là đây
Bãi Dông đã khỏi ló rày Nha Trang
Trên thời quán xá rộn ràng
Dưới sông thuyền đậu nghinh ngang quá chừng
Gặp nhau mừng rỡ tưng bừng
Rượu trà thết đãi vui chung chào mời
Kẻ thời ăn uống vui chơi
Người thời ve vãn những lời nguyệt hoa. (hát ra)
 
VŨNG LẮM
Trông về Vũng Lắm rất xinh
Vôi tô, ngói lợp, chen chân phố phường
Đây kia nhà ở hai phương
Bắc cầu Sông Cạn làm đường vãng lai
Sáng chiều họp chợ xoay vần
Thuyền bè tấp nập, khách thương đủ miền
Trực tình nhớ tới sự riêng
Kéo neo mà chạy nhắm miền quê xưa. (hát ra)
 
QUI NHƠN
Đi cho thấu chữ Qui Nhơn
Giáp đầm Thị Nại hãy còn sử xanh
Vô chợ ăn bún Song Thần (4)
Hỏi mua nón ngựa để dành về quê
Thiếu gì hải vị sơn khê
Vào Nam ra Bắc ê chề ngựa xe
Nói ra sợ nẫu cười chê
Có say đất khách mới mê nết người. (hát ra)
 
TAM QUAN
 
Vát ra khỏi mũi Sa Hoàng
Kìa kìa đã thấy Tam Quan nhiều dừa
Hèn chi lời thốt thuở xưa
Nam thanh nữ tú đã vừa con ngươi
Gặp nhau chưa nói đã cười
Kìa mũi Từ Phú là nơi nhiều ghè. (hát vô)
Tam Quan rày đã gần kề
Đất này nổi tiếng Tân Khê nhiều dừa
Nhớ lời thề thốt thuở xưa
Tiếng hát mài dừa lảnh lót thâu đêm
Tai nghe dạ xót niềm riêng
Nhổ neo mà chạy hướng lên Sa Hoàng. (hát ra)
 
Tới đây, xin gút lại những câu mấu chốt để tìm ra  bến bãi nào tạo diều kiện thuận tiện nhất cho “tình duyên các lái với các cô gái địa phương”, tức tìm ra quê quán của cô gái “bới tóc cánh tiên” trong bài vè dẫn bên trên.
Địa danh đầu tiên là Phan Thiết. Nhưng Phan Thiết chỉ là “trạm trung” của các thương lái, không nghe nói gì tới tình cảm trai gái.
Mũi Né tuy là nơi “ăn chơi bĩ bàng”, nhưng khi nước củi đầy đủ, chuẩn bị nhổ neo ra đi thì lại bịn rịn: Nước mắt hai hàng lụy nhỏ xót xa. “Ăn chơi” ở đây hiểu theo nghĩa ăn uống giải trí như trong Tháng Giêng là tháng ăn chơi. “Ăn chơi bĩ bàng” là ăn uống vui chơi thoải mái, không hề có nghĩa xấu. Với Mũi Né, tuy tình cảm sâu đậm đến mức lúc chia tay “nước mắt ngắn nước mắt dài”, nhưng tơ duyên chồng vợ thì chưa thấy nói tới.
Với Vũng Găng - Đá Vách thì không chỉ là manh mối mà “ván đã đóng thuyền”: Mặc dầu thuyền đậu bán buôn/Nào ai đình trú ở luôn mặc lòng. Với những người thường xuyên di chuyển như bạn ghe bàu thì phương ngữ “đình trú” của thời xa xưa này nghe có vẻ cả quyết hơn từ “thường trú” ngày nay. Như vậy, anh bạn ghe bàu này “ở rể”, và cô gái “bới tóc cánh tiên” lấy chồng ghe bàu đầu tiên (trong khuôn khổ bài viết này) là cô gái ở vùng biển giáp ranh hai tỉnh Ninh Thuận - Khánh Hòa.
Tại Đất Chụt:Có người cố quận kia là/Mai qua Đất Chụt để mà gặp nhau. Đôi ta kết nghĩa phu thê. Cùng qua mua bán mà mê tâm tình. Lễ cưới có thể tổ chức rình rang với đầy đủ sính lễ theo truyền thống như vòng vàng, tiền, áo cưới, trà rượu, trầu cau, bánh trái, nếu chú rể là thương lái giàu có. Gặp trường hợp chú rể nghèo thì sính lễ chỉ là trà rượu, trầu cau rồi làm bữa tiệc “sú sẩm” cho qua. “Một thiên cá mòi” có thể hiểu là món ăn để hai họ nhắm rượu, đồng thời hàm chứa nghĩa “có gì cưới nấy” theo cách sống giản dị của người dân miền biển. Cô gái “bới tóc cánh tiên” có thể là người ở ngay đất Chụt mà cũng có thể là người Cầu Đá, Cửa Bé.
Theo miêu tả trong Vè Các Lái thì Nha Trang thời đó đã nhộn nhịp, đô hội hơn Phan Thiết và Qui Nhơn. Kẻ thời ăn uống vui chơi/Người thời ve vãn những lời nguyệt hoa, chuyện hôn nhân chồng vợ rồi có lúc phải đến. Các thủy thủ/thương lái ghe bàu cất công ve vãn những lời nguyệt hoa, chỉ mong cô gái Nha Trang thốt ra một câu: Chừng nào Hòn Chữ bể đôi/Biển Nha Trang hết nước, mới thôi kết nguyền (5). Chao ơi, mấy câu ca dao đã từng làm cho những lứa đôi ở Khánh Hòa đắm đuối này, các lái ghe bàu khao khát bấy lâu, mà nào “em nó” có chịu nói ra. Thay vì thệ ước, cô gái (cô hàng) lại ưỡm ờ, hàng hai: Biết rằng cha mẹ đành không/ Anh chờ, em đợi uổng công hai đàng (5).Do vậy, tơ duyên giữa các lái với các cô gái Nha Trang tuy đã có đầu mối nhưng vẫn còn nằm trong “tiềm năng”.
Vũng Lắm cũng là nơi đô hội khách thương đủ miền, nhưng: Trực tình nhớ tới niềm riêng/ Kéo neo mà chạy nhắm miền quê xưa, không thấy có manh mối nào của tình duyên lưu luyến.
Tam Quan cũng không khác Vũng Lắm là mấy. Cả hai bài ca (đường vào và đường ra) đều hết lời khen ngợi đất nước - con người xứ dừa Tam Quan, nhưng không thấy dấu hiệu của tơ duyên. Nhớ lời thề thốt thuở xưa/Tiếng hát mài dừa lảnh lót thâu đêm/Tai nghe dạ xót niềm riêng/Kéo neo mà chạy hướng lên Sa Hoàng.
Không phải chỉ có Vũng Lắm, Tam Quan vì dạ xót niềm riêng hoặc nhớ tới niềm riêng mới  kéo neo mà chạy, động tác này thường gặp ở nhiều bến bãi Thôi thôi chớ nói thêm buồn/Kéo neo mà chạy đi luôn kịp thời. Vì sao? Vì thương vợ nhớ con, vì thương nhớ quê nhà, vì nhớ người cố quận hay còn vì một lý do nào khác? Đi cho thấu chữ Qui Nhơn, rồi ra hai túi sạch trơn, hết tiền? Đi bạn ghe bàu học buôn học bán, mong kiếm đồng lời nuôi vợ nuôi con hoặc để dành phòng thân, ham vui, sa đà coi chừng mất toi cả vốn lẫn lời?
Bài vè đã có những lời viết về Qui Nhơn thật thắm thiết: Nói ra sợ nẫu cười chê/ Có say đất khách mới mê nết người. Tuy thắm thiết và mê đắm (mê nết người), nhưng tiến tới hôn nhân thì chưa có dấu hiệu. Mạnh dạn ve vãn những lời nguyệt hoa như khi vào Nha Trang còn chưa ăn thua, huống hồ chỉ âm thầm Có say đất khách mới mê nết người, mà không thổ lộ. Hay tại các cô gái xứ bún Song Thần còn dè dặt: Thương chi cho uổng công tình/Nẫu về xứ nẫu, bỏ mình bơ vơ (6). Bơ vơ cam chịu bơ vơ, chỉ sợ tiếng đời cười chê. Cá trê bầu nấu canh đu đủ/Ghe bàu đi rồi em ngủ với ai?(6). Nói “em ngủ” là còn nhẹ tội, nhiều khi nêu thẳng tên “Sương  hoặc Trinh hoặc Hồng… ngủ với ai? ”, thì chỉ còn có nước tìm “đường nẻ mà chui”. Chạnh nhìn hòn núi Kẻ Thử (Cách Thử):Ngó vô Cách Thử, thương ôi/Trông chồng hóa đá, tích đời còn ghi. Hai câu này rút ra từ Vè Các Lái, chớ nào ở đâu xa. Sợ lắm, cho em xin hai chữ bình an!
Gút lại, tình duyên Các Lái với các cô gái địa phương chỉ xảy ra ở hai nơi: Vũng Găng và Chụt.
Vũng Găng - Đá Vách sát kề một nơi, gia đình nhà gái ở đây gả con lấy chồng ghe bàu rồi “bắt rể’’, làm thủ tục cho chú chàng “đình trú” luôn.
Qua những cuộc tình duyên giữa các lái ghe bàu và các cô gái địa phương ở Chụt, ta hiểu thêm ý vị của mấy câu ca dao Có người cố quận kia là/Mai qua Đất Chụt để mà gặp nhau. Đất Chụt là đất nhàn thanh/ Trai chuyên biển giã, gái rành bán buôn. Đất Chụt là đất thong dong/Trải chiếu giăng mùng chờ đợi ghe lên. Trong tâm tư của người phụ nữ có chồng đi bạn ghe bàu thì câu cuối này có cùng một nghĩa với Lạy trời nổi gió nồm đông/Cho buồm căng gió cho chồng tôi lên. Với lại, Trải chiếu giăng mùng chờ đợi ghe lên, là công việc của người vợ chuẩn bị đón chồng, ít ai đón khách mà chu đáo đến mức ấy.
Cuối cùng, mong các chị, các cô ở Vũng Găng - Đá Vách cũng như ở Chụt-Cầu Đá khi đọc bài viết này đừng có “ứ hự” hoặc “nguýt háy”. Quê ta có câu ca dao: Cúc mai trồng lộn một bồn/Thương đâu ưng đó,ai đồn mặc ai! Thôi kệ đi!
Nguyễn Âu Hồng
Vancouver, August 16, 2014
_____________
* Cô gái “bới tóc cánh tiên” trong khuôn khổ bài ca dao dẫn bên dưới.
(1)Thạch Chương & Ngô Quang Hiển - Ca dao  Nam Trung Bộ NXB KHXH 1994.
(2) Vũ Hữu San - Ghe Bàu và Vè Thủy Trình cận duyên thuở xưa. Wikipedia.
(3) Trần Xuân Toàn - Vùng biển Bình Định trong Vè Các Lái. Wikipedia.
(4) Thương hiệu một loại bún khô sợi nhỏ như bún tàu, đặc sản của Bình Định. NÂH
(5) Ca dao Khánh Hòa.
(6) Ca dao Bình Định - Phú Yên. Theo Trần Sĩ Huệ hai tỉnh này đã qua một thời gian dài cùng chung một phủ, có nhiều nét chung trong phong tục tập quán phương ngữ,ca dao.
 

  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Âu Hồng