Nguyễn Âu Hồng

Đọc Mưa Nắng Trời Xuân  và Cuối Năm Đi Vẽ Panô (*) của Trần Huiền Ân
 
 
Tết Nguyên đán Quý Tỵ này được đọc hai truyện ngắn và hai tạp văn của Trần Huiền Ân tôi thấy những ngày đầu năm mới của tôi tràn đầy chim kêu hoa nở, thấy mình thật sung sướng, hạnh phúc.
Vậy nên có đôi dòng cảm nhận và cảm tạ.
Vì còn đang trong “bảy ngày xuân” nên tạp văn “Mưa Nắng Trời Xuân” được ưu tiên viết trước.
Bài tạp bút khởi đầu bằng hai câu thơ chữ Hán của ông cụ thân sinh nhà văn với mối giao hòa rộng mở : đón xuân nơi đất khách mà không thấy cô đơn, bởi vì khắp cả trời Nam mọi người cùng đón xuân với phong tục tập quán tự ngàn xưa, bởi vì mùa xuân tràn ngập trời Nam không riêng cho một Kỳ nào và, bởi vì mùa xuân không bao giờ lỗi hẹn
Rồi xuyên suốt tạp bút, cùng với mưa nắng mùa xuân và phong thổ cảnh sắc làng quê là những câu thơ của Mạnh Hạo Nhiên và Vương Duy, những câu thơ cổ đầy cảm hoài với mưa mai rắc bụi, với hoa rụng đêm xuân. Và mấy câu thơ của Kiều Lệ Thủy, với một câu hỏi lạ lùng:
Ai đem tâm sự mà thương nhớ
Cồn tóc mây xa ở cuối trời
Bạn cũ sông hồ năm bảy đứa
Biết con trinh bạch những đôi môi ? 
cũng là những câu thơ đầy nỗi niềm với bạn cựu, với dĩ vãng .
Chen giữa những trang văn tuyệt vời miêu tả cảnh sắc mùa xuân là tâm tư của tác giả từ ấu thời đến lão niên, một tâm tư luôn gắn với gia tộc và “dành trọn tình cảm sâu nặng cho làng quê” với văn phong đầm ấm  giàu chất tự sự :
  ...”Thanh niên miền Trung năm mươi năm trước phần đông hiền như cục đất...Mưa xuân làm đôi má bạn trắng hơn, nắng xuân làm má bạn bồng hơn.”
...”Tâm hồn tôi như lâng lâng khi dạo trong vườn tháp rêu phong, cứ nghĩ hoài đây là nơi gắn bó với những việc quan trọng của gia tộc. Trong cuộc khởi nghĩa Cần vương tại Phú Yên năm 1885 do Lê Thành Phương lãnh đạo, ông nội tôi lúc ấy hăm sáu tuổi là quân thứ từ hàn, lo về văn thư bút lục, thường lãnh nhiệm vụ ra chùa Đá Trắng làm một khách vãng cảnh để gặp gỡ liên hệ với các bạn đồng tâm trong văn thân tỉnh Bình Định...”
Nhưng trên hết Mưa Nắng Trời Xuân là sự giao hòa giữa thiên nhiên với thiên nhiên, giữa con người với thiên nhiên lúc đất trời chuyển từ đông sang xuân, một sự hòa quyện vừa êm nhẹ vừa rạo rực và vô cùng thắm thiết.
...”Dần dần mưa tạnh, run run chút nắng mong manh, lớp đất đóng rong trên mặt sân bóc lên những miếng bằng miệng chén, vỡ ra dòn vụn dưới bàn chân cho tôi sự thích thú nhẹ nhàng. Vài ba buổi chiều rồi năm bảy buổi chiều. Cái nắng như người bệnh yếu ớt ẻo lả ấy dần dần bình phục, mỗi hôm đậm thêm một chút, dần dần không biết tự lúc nào vẻ chói chang rực rỡ hiện rõ, trong màu nắng có hương thơm và hình như có cả vị ngọt...”
...”Đến cuối tháng chạp thì nắng đẹp lắm, màu vàng tươi rói. Thế mà sang tháng giêng thì cái nắng ấy biến đâu mất. Nắng tháng giêng đã nghiêng sang màu hồng, hơi nặng, không vàng không nhẹ như nắng tháng chạp...”
Đây là một trang văn vừa đẹp vừa trong sáng.
Đẹp đến lấp lánh.
Trong sáng đén mẫu mực.
...”Và tháng giêng trời lại chuyển mưa, hay có những cơn mưa : mưa xuân.             .
..Mưa vũ thủy mới đáng là mưa, mưa cho cây cối núi rừng, hoa đồng cỏ nội, ruộng đồng đất thổ, cho lúa bắp sắn khoai, mưa thật lớn, ào ào tuôn đổ, ép dẻ mái tranh, băng bờ tạo trổ, thật tươi trẻ, mạnh mẽ, dứt khoát từng cơn rồi tạnh ráo, tầng cao trở lại trong xanh, nõn nà mây trắng...”
Đây là một trang văn vừa đẹp vừa  có duyên và có dâu ấn riêng.
Đẹp đằm thắm.
Duyên mặn mòi.
Dấu ấn riêng giúp người đọc nhận dạng chân dung Trần Huiền Ân kèm theo dấu vân tay của ông.
Thật vậy, đẹp và chi li như Võ Phiến cũng không “ép dẽ mái tranh”, “băng bờ tạo trổ” ; đẹp và trang trọng như Võ Hồng cũng không “tầng cao trở lại trong xanh, nõn nà mây trắng...”
Thì ra Trần Huiền Ân là Trần Huiền Ân không lẫn với ai khác. Ông xứng đáng là bậc lão thành tỏa sáng một mình một cõi.                                                                                                                        
*     *     *
Tạp văn Cuối Năm Đi Vẽ Panô kể lại những ngày gian nan cơ cực về vật chất và hoang mang về tinh thần mà phần đông trí thức Việt Nam ít nhiều từng đã trải qua. Điều lạ lùng là những trải nghiệm này lại được kể với một giọng điệu điềm đạm và có phần hóm hỉnh. Nhà văn tự cho mình là một trong số thanh niên miền Trung “hiền khô như cục đất”, quả đúng y chang.
...”Lúc vẽ panô ở các đầu đường đầu ngõ vào làng, có người hỏi :                                           
- Sao các ông không vẽ chúng tôi có xe hơi nhà lầu, ít nhất cũng là xế nổ rồ ga, lúc nào cũng bắt chúng tôi vác cuốc cầm liềm dội mưa dang nắng đứng ngoài trời ? “
Câu hỏi này có câu trả lời, dù hơi mơ hồ.
...”Lúc vẽ bức Công Nông Công Binh Trí Đoàn Kết, có người hỏi :                                       
- Trí thức là người hiểu biết, phải đứng hàng đầu, phải xông lên trước để hướng dẫn bà con chớ sao lại rụt rè núp núp lén lén đằng sau ? “
Câu hỏi này không có câu trả lời .
Đây là đoạn kết bài diễn văn :
...”Đồng lúa đang xanh, đường bê tông thẳng rộng, thấy ít panô và ít những bức tranh vẽ người nông dân vác cuốc cầm liềm đứng dầm mưa dãi nắng . Chắc nay họ đã có nhà lầu hai ba tầng và ít nhất cũng có xế nổ phân khối lớn đi về ngang dọc. Mong được vậy thay.”
Trong bai tạp văn có hai câu hỏi, kết bài nhà văn chỉ trả lời lấp lửng có môt câu.
Cũng may, nhờ cái sự giả vờ quên này mà nhà văn Trần Huiền Ân còn sống khỏe mạnh an toàn đến ngày hôm nay để vinh hạnh cống hiến cho văn đàn hai áng văn, một Mưa Nắng Trời Xuân vừa lung linh rực rỡ vừa tràn đầy sức sống thanh xuân, hai Cuối Năm Đi Vẽ Panô vừa hóm hỉnh vừa hồn nhiên đôn hậu, nhân dịp xuân về...
 
Feb 14-2013 (Mồng bốn Tết Quý Tỵ)                                                                                                                  
  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Âu Hồng