NGUYỄN ÂU HỒNG
 
Hoa Trâm Trâm
 
Truyện Ngắn

Làm sao anh nói ra, lời lẻ giản dị như ca dao và tình yêu
hồn nhiên như rừng núi hồn nhiên như hơi thở em
(Thơ Đinh Cường)


Ai về Giồng Dứa qua truông                                                                       
 Gió lay bông sậy bỏ buồn cho em.                                        
Chỉ vỏn vẹn hai câu thơ mà gợi buồn gợi nhớ, man mác bông sậy gió lay, tài tình quá. Nhưng “về” chớ  nào phải ra đi, sao lại buồn ? Thì ra  cô gái không phải người Giồng Dứa, “ về” đây là chàng trai về lại quê anh ta ở đất giồng, một mình. Mẹ mong gả thiếp về giồng, thiếp than phận thiếp gánh gồng không kham, do vậy mà buồn.                                                                                                 

Thà rằng gả thiếp về vườn, ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh, chớ không kham nổi khoai lang đất giồng. Mà cần gì miệt vườn, ở vùng ruộng lúa cũng có người “lịch sự” vậy!                                        
Nước từ trong rạch chảy ra                                                                               
Chào anh đi học ở xa mới dìa.                                                          
 
Ước gì được như con nước cứ ào chảy ra, hớn hở reo vui mà đón mà chào. Nghiệt nỗi, cô vừa e thẹn vừa làm bộ “ chảnh”:                                                      
 
Tay cầm nắm lạt bẻ cò                                                                                      

Thương anh đứt ruột giả đò làm ngơ.                                   
 
Có khó gì đâu, một lời chào kèm một nụ cười, một ánh mắt gửi trao, dễ quá, mà sao cứ đứng tần ngần! Cô gái đứng tần ngần mà lòng dạ nát tan, đứt từng đoạn ruột.                                                        
Cô gái “cầm nắm lạt bẻ cò” trong câu chuyện này có tên là Mén. Còn anh học trò, mới ở xa về thấy mấy người đang nhổ mạ không rõ có nhận ra cô bạn nhỏ của mình không mà bước cứ ngập ngừng. Rồi chàng đi khuất sau gò đất hoang mọc đầy các bụi cây chim chim, cò ke, dủ dẻ, trâm trâm...

Anh thương em ruột thắt gan bào                                                                     
 Biết em có thương lại phần nào hay chăng?**                                                                                                                                                        

 Chàng trai trẻ học trò thuở ấy chính là tôi đây, người kể câu chuyện này.
 
***
Tôi ở thôn Trung, Mén ở thôn Nam, hai thôn liền nhau nhưng khác xã. Thôn Nam hợp với thôn Tây thành xã Diên Sơn còn thôn Trung hợp với thôn Đông thành xã Diên Điền. ( Thôn là đơn vị hành chánh dưới xã, còn thường ngày bà con vẫn gọi là làng, thân thương hơn).Vùng này đồng ruộng rộng cò bay thẳng cánh nên còn có tên là  “Tứ thôn Đại Điền”. Ngoài ra, chữ “sơn” cho biết xã Diên Sơn quê Mén vừa có ruộng vừa có núi, có rừng già. Dĩ nhiên giữa ruộng và rừng già là vùng đất thổ tiếp với gò đồi và những trảng tranh, trảng cỏ, những rừng tre gai thưa thớt, rừng le dày đặt. Kỳ lạ một điều, hai bên bờ con suối từ trong rừng Sòng Tát chảy ra cánh đồng thôn Nam cây cối rậm rạp, ngoài vô số cây bụi và dây leo  còn có cả những cây đã thành cổ thụ như da bá, cầy, sung, thô, gạc nai, duối, dừng...cung cấp khoảng mát cho người làm ruộng nghỉ trưa và sân chơi lý tưởng cho đám mục đồng. Nhưng cách đó không bao xa, hai bên bờ con suối từ Lồ Ồ chảy ra thôn Trung thì cây cối thưa thớt đến nỗi trâm bầu, dứa núi, đủng đỉnh, bời lời...cũng chỉ thấp le tè, chơi “cút bắt” còn không đủ kín nói chi tới bóng mát trưa hè. Có lẽ từ nguồn phong thổ đó mà con gái thôn Trung tuy cũng  “viền chỉ đỏ” (1) độc đáo và quý giá như con gái thôn Nam nhưng “cỏ lá” không trù phú và “đa dạng sinh học” như gái thôn Nam.  Mén và tôi cùng học lớp năm, tôi năm A, Mén năm B ở trường tiểu học liên xã Phú Điền, tuy biết tên biết mặt nhưng chúng tôi không quen thân. Tôi đâu ngờ sau này hình bóng Mén mãi mãi là nguồn mạch tươi mát nuôi dưỡng tâm hồn tôi.                                     
Ngoài những buổi đến trường, tôi phụ làm việc nhà và việc đồng áng như  những đứa trẻ cùng lứa tuổi trong xóm. Việc nhà như hái rau heo, chằm nón, mùa bẻ thuốc lá thì ghim thuốc, mỗi chiều phải gánh nước tưới rau, tưới hẹ. Thứ năm và chủ nhật là hai ngày nghỉ trong tuần thì ra đồng, mùa nào việc nấy, nhưng việc chính của lứa tuổi tiểu học là chăn  trâu. Một hôm tôi thả trâu ra ăn cỏ ở Gò Tre thì gặp Mén. Không ngờ Mén là con gái mà cũng dám chăn trâu. Tôi nhận ra bầy trâu quen do có một con trâu cò và một con trâu cái sừng quặp khác thường, mọi ngày do một chú bé đen trùi trủi, theo chăn. Chú bé cứ ngồi riết trên lưng con trâu cò, thậm chí nó còn nằm gọn trên lưng trâu, úp chiếc nón cời che mặt mà ngủ.                    
Dù gì cũng là con trai nên tôi lên tiếng trước:                                                           
- Nữ sinh mà cũng biết chăn trâu sao?                                                           
- Cái gì nam sinh làm được là nữ sinh làm được. Tôi biết làm cỏ, cấy giặm, nhổ mạ, cắt lúa từ hồi lớp ba, lớp bốn đâu đợi tới bây giờ.                                 
- Tôi mới biết cày hồi mùa hè. Cắt lúa thì nhanh nhưng chưa biết gặt bằng vòng hái.                     
- Mén cũng vậy. Gặt bằng vòng hái sao khó quá, tréo qua là tuột, tréo lại cũng tuột.                      
- Tôi chằm nón vừa nhanh vừa đẹp. Mẹ tôi xây xong giao hai chị em mỗi người một mê, tôi chằm xong đi chơi, chị tôi mới già nửa.                            
- Xóm Hùng dưới Trung mà cũng chằm nón sao ?                                       
 - Trung, Nam thì có khác gì nhau. Cũng làm ruộng cấy lúa, đất thổ thì  trồng dưa, trồng đậu, trồng mía, đất rẫy thì thanh long, chuối mốc, đu đủ, mít, xoài. Lớp ruộng, lớp thổ, lớp rẫy nên bà con tứ thôn ta bận rộn cơ cực quanh năm, không có cái gọi là ngày nông nhàn.                              
- Hùng mới bao nhiêu tuổi mà ăn nói nghe như người lớn. Hèn gì hội diễn văn nghệ, Hùng đóng vai Mạc Đăng Dung mài gươm dưới trăng rồi ngâm thơ coi bộ chững chạc hết ý.             
- Thầy Sảnh nói phải thể hiện trên nét mặt mối hận mất nước, cho nên mình làm nghiêm vậy thôi. Mài gươm xong, ngước lên nhìn trăng lại phải thể hiện nỗi buồn của một người nuôi chí lớn nhưng tóc đã bạc mà thù nước chưa xong, nên thầy Sảnh nói diễn ngâm làm sao trong hào khí phải có một chút u ẩn thì mới đạt. Vậy chớ cũng đem về cho trường ta được cái bằng khen.    
- Cũng nhờ âm thanh ánh sáng, chớ lúc diễn trong đêm lửa trại, đang khi Hùng ngâm thơ, một bạn nào đó đem quăng một khúc củi tươi vào đống lửa làm nổ lốp bốp, chẳng nghe được gì.           
- Mén biết thằng Lục con giáo Năm ngoài thôn Tây không? Nó đòi thủ vai mà tại nó có cái răng lòi xỉ thầy Sảnh không chọn nên nó tức, nó phá.
Năm cuối tiểu học gặp nhau một đôi lần, trò chuyện bâng quơ , nói chung thì cũng không có gì đặc biệt.
Hè năm đó cậu tôi từ Qui Nhơn về quê giỗ ông cố tiện thể dẫn tôi theo để ông kèm luyện thi vào đệ thất (lớp 6) trường công.Tôi học hai năm đệ thất-đệ lục ở Qui Nhơn. Đến mùa hè chuẩn bị vào đệ ngũ, cậu tôi được thuyên chuyển về Nha Trang, tôi mới có dịp trở lại với những sinh hoạt của làng quê. Vừa xuống xe lam đi bộ qua Bầu Dừng gặp con mương nước tuôn chảy ào ào như reo vui, ứng với câu ca dao “nước từ trong rạch chảy ra-Chào anh đi học ở xa mới về”, làm tôi cảm động và thấy yêu quí làng quê của mình quá. Mấy ngày đầu cả nhà thả ga cho tôi rong chơi thăm bạn bè, kéo bè kéo lũ “phá làng phá xóm”. Nhưng rồi phải xáp vào với công việc của một gia đình làm nông. Đang mùa cày nên tôi phải phụ một tay. Anh tôi “bỏ giạt” tức mở đường cày đầu tiên, tôi cứ thế cày theo. Thời đó quê tôi chưa có thói quen cày ngày hai buổi. Cày một buổi từ sáng tới trưa là cho trâu (bò) nghỉ đi ăn cỏ. Một người, thường là đứa nhỏ đi theo chăn trâu (bò), người lao động chính phải lo cuốc góc, chải bờ, dẫn nước...Gia đình tôi chỉ sở hữu mỗi một sở ruộng ở vùng có địa danh “Đất Ông Ngàn” nhưng vì nhà có nhiều lao động và có hai cặp trâu cày nên đã “đấu giá” thêm hai sở ruộng công, và làm “đong ngỡ” thêm một sở nữa của Giáo Hai, tổng cộng canh tác đến bốn sở ruộng. Quê tôi ruộng công nhiều hơn ruộng tư. “Đấu giá” tức phát canh thu tô cho người cày dưới hình thức công khai, thuận mua vừa bán. Ta thấy đồng ruộng liền nhau vậy chớ từng vùng, từng nhóm tức từng sở ruộng đều có tên riêng. Sở ruộng nào là thượng đẳng điền, hạ đẳng điền, trong điều kiện thời tiết bình thường, thu hoạch mỗi mùa bao nhiêu dân làng đều thuộc. Gọi là đấu giá nhưng ít có sự tranh giành nâng giá, cứ y như cũ mà làm. Lẻ tẻ có gia đình trả ruộng lại vì thiếu lao động do có người qua đời đột ngột, người bị bệnh mất sức hoặc đi làm ăn xa, đi lính quốc gia hoặc nhảy núi...thì mới thực sự đưa ra đấu giá. Rồi cũng thu xếp ổn thỏa, ưu tiên cho người thiếu ruộng. Còn “đong ngỡ” tức nhận khoán, cũng một hình thức phát canh thu tô nhưng phần đong cho chủ ruộng còn “ngỡ” tức còn tùy vào mức thu hoạch. Tôi thấy không có sự hà khắc hay bóc lột gì. Nhưng cộng đồng nào cũng vậy, ở đâu cũng có người giàu người nghèo, ở đâu cũng có cảnh “kẻ ăn không hết người lần không ra”. Trong thôn tôi có mấy gia đình nghèo đến nỗi không có “cục đất ném gà”, thôn xã phải cấp cho một đám đất công để cất nhà. Tình làng nghĩa xóm chan hòa. Chính vì vậy mà ở “Tứ thôn Đại Điền”quê tôi, suốt thời “chín năm” cũng như sau này, thảm cảnh đấu tố không hề xảy ra. Nói cho đúng ra, “chiến dịch đấu tố” cũng đã từng được “phát động”, nhưng may thay, người quê tôi nhân hậu đã không tiếp tay nuôi dưỡng con ác quỷ đó, làm lơ để nó tự sinh tự diệt. Mấy ngày cày ở đất Ông Ngàn và sở ruộng của Giáo Hai tôi lùa trâu ra Bầu Đá cho chúng giầm nước rồi thả ăn cỏ quanh Hòn Một. Tôi và hai người bạn tên Mân và Hăng thường lật lá sen bắt ốc bưu bầu (to gấp ba gấp bốn ốc bưu ruộng). Rồi ba chúng tôi nhập bọn với đám thằng Ẩn, Nhẩn,Thới. Đám bạn này đào chuột có đơm chà di, bắt chuột xỏ lòi thành mấy xâu dài. Chúng tôi chia làm hai nhóm, một đi quơ rạ thui chuột lột da làm ruột, nhóm kia đi kiếm củi găng khô đốt cho có than chắc, chặt tre rừng vót làm ghim làm kẹp để nướng chuột. Lâu lắm tôi mới được sinh hoạt và ăn một bữa ăn độc đáo rặt mục đồng Đại Điền: chuột xát muối ớt nướng lửa than và ốc bưu bầu nướng cho thật khô nước nhớt. Không riêng gì tôi, xa quê lâu ngày thèm ăn ngấu nghiến, các bạn trong làng cũng nhai xương chuột rau ráu, nhai ốc bưu sần sật. Trong đám bạn có Nhẩn là tình cảm nhất, nhường cho tôi nguyên một ghim chuột lói. Chuột lói là chuột con chưa mọc lông, da còn đỏ lói, xương mềm, thịt thơm ngọt đặc biệt. Cơm, chuột, ốc nhiều vậy mà rồi tất cả đều hết sạch. Ăn cơm xong, giỡn đùa một chặp, cả bọn lại rủ nhau đi đào chuột. Nhẩn và Thới khéo tay, trong lúc chẻ tre làm kẹp đã vót nan bện thêm cả mớ chà di. Lần này không đào chuột theo bờ ruộng mà lợi dụng quân đông, chà di nhiều, đi bao vây, tấn công các gò đất rộng. Việc đầu tiên là phải đi cắt rạ. Bạn Hăng làm chỉ huy, định chiều gió chọn địa điểm đốt rạ un khói, các bạn khác lần theo đường mòn chuột chạy, găm chà di đơm tất cả các cửa hang, các ngóc ngách. Xong đâu đó mới dùng cuốc vạt chỗ miệng hang một lõm sâu rồi chất rạ đốt. Những người khác trực chiến, mỗi người canh chừng một nhóm chà di. Hang chuột trên gò thường rùng rình thông nhau và luồn sâu dưới các gốc cây nên nếu dùng cuốc mà đào thật khó bề, phải có chiến thuật. Hỏa công là chiến thuật hiệu quả nhất. Thật vậy, vừa thuận chiều gió, vừa lấy nón quạt thêm, qua mấy phút đã thấy khói tỏa lên nhiều nơi trên gò. Các bạn trực chiến thấy lỗ mạch nào có khói tỏa lên mà chưa đơm chà di thì phải găm cho lẹ vì chuột không chịu được khói sẽ phóng lên liền liền. Chà di nào có một con chuột phóng lên thì từ từ cũng được, nhưng nếu có hai hay ba con thì phải tóm nhanh, liền tay găm chà di thay thế. Vì con chuột đầu tiên phóng lên mạnh quá đầu bị kẹt vào hốc, con sau không bị kẹt tung mạnh có thể làm văng chà di ra rồi tẩu thoát. Kéo con chuột từ trong chà di ra, bẻ gãy hai chân sau, bẻ gãy hai cái răng hàm dưới rồi mới bỏ vào giỏ, nếu không có giỏ thì cứ quăng đại ra một khoảng gò ruộng sau lưng, cho kịp có chà di trống thay thế. Một khi đã bị gãy hai chân sau thì trong một thời gian ngắn chuột không thể bò đi xa.Từ lúc khói bắt đầu tỏa ra các ngóc ngách đến lúc kết thúc cao điểm trận hỏa tập, thời gian chừng hút hết một điếu thuốc, không hơn. Các bạn trực chiến đi gom chuột đã quăng ra, xỏ xâu. Chỗ yết hầu nằm giữa hai xương hàm của loài chuột mềm lắm, đâm đầu sợi lạc hoặc sợi giang xốc lên miệng là xong. Tuy đã qua cao điểm nhưng vẫn liên tục đốt rạ un khói để buộc đám chuột chưa mở mắt ngất ngư bò ra, bắt đem về làm quà cho ông già bà cả đã rụng hết răng. Diệt chủng xong gò này, tiếp tục sang gò khác, chừng khi nào mỗi đứa đều lủng lẳng một xâu chuột dài để chiều đem về nhà, mới thôi. Có người hỏi, muốn  nhanh, sao không đập chết cho lẹ mà phải bẻ cẳng bẻ răng? Xin thưa, người quê tôi không ai ăn chuột chết. Tiện đây nói luôn nguồn gốc cái biệt danh “diệt thử tài nhân” của tôi. Số là sang gò mối thứ hai, tôi thấy một đường chuột chạy len lỏi giữa đám cỏ tranh nối vào khu rừng gai, đường mòn nhẵn thín, mới rợi  nên nảy ra sáng kiến. Tôi cho Hăng biết, bạn ấy nói “nhắm chắc ăn thì làm”. Tôi cắt tranh phủ lên đoạn đường mòn rồi đi nhổ mấy ôm bồ xít rải chồng lên và chèn kín một đầu. Chuột bị khói phóng lên cứ theo đường mòn mà chạy, tới chỗ bị chận lại mới bung  nhảy lùng bùng con sau ụi con trước, không đợi chúng quay lui, tôi phóng người nằm đè lên. Rồi cứ thấy chuột cựa quậy chỗ nào là luồn tay tóm lấy, bẻ chân bẻ răng bỏ qua một bên. Lần lượt con cựa quậy dưới chân tóm trước, dưới bụng dưới ngực tóm sau. Một cú phóng bắt được bảy con chuột. Tay không bắt chuột như vậy tạm gọi là tài, nhưng nếu không có bạn Nhẩn thì chẳng ai hay biết. Hồi mới học lớp bốn Nhẩn đã biết làm vè lêu lêu mấy chị “nấu cơm chưa chín giở vung ăn lần”, thì “diệt thử tài nhân” cũng từ bạn ấy mà đồn dần ra.            Cày hai sở ruộng giáp với làng Đông xong, anh em tôi liền chuyển cày chuyển quải đến sở ruộng giáp với làng Nam. Sau buổi cày, tôi thả trâu ra Gò Tre rồi xuống vùng ao bầu có tên là Bờ Đó cắm câu. Không hiểu sao chẳng có đứa bạn nào thả trâu thả bò ra cùng một gò để vui đùa. Có thể đoán chúng nó đang mê chuột đồng mà vùng gò đồi chen lẫn rừng cây gai quanh Hòn Một là hang ổ, còn Gò Tre chuột không nhiều. Gò Tre thuộc làng Trung nên không “đa dạng sinh học”. Trên gò, ngoài bốn năm bụi tre còn toàn cây bụi như trâm trâm, chim chim, dủ dẻ, cò ke, chùm rụm, chùm rượu, thiếu hẳn những cây có gai nhọn như móc mèo, móc ó, sưng, dứa núi...Cây gai có vẻ như là “phên dậu” tạo vòng đai phòng thủ cho những cộng đồng chuột xây dựng “thành phố địa đạo” nên gò đồi nào càng có nhiều cây gai càng có nhiều chuột. Bù lại, Gò Tre có hai cây duối cao lớn đứng chụm vào nhau như hai cái tàn dù. Ngày hôm sau rồi hôm sau nữa, cũng chỉ mình tôi thả trâu rồi lửng thửng một mình đi cắm câu. Một mình cũng không sao nhưng hơi buồn khi trui cá ăn cơm mà không có bạn. Gò Tre ít chuột nhưng Bờ Đó gần đó thì nhiều cá. Đem theo một bó chừng mười cần câu kèm theo lon trùn, cắm xong cần cuối cùng thì đã có ít nhất một trự cá trầu dính câu quẫy “ổn ổn” ở mấy cần đầu. Khi quay lại gò, tôi đem theo mấy trự cá “mau mắn” này nướng lửa rơm chấm muối ớt ăn cơm.                                                                               
Đến ngày thứ tư, ngay lúc mới từ chỗ cắm câu xách mấy con cá quay lên tôi đã nhận ra đàn trâu có con trâu cò và con trâu cái sừng quặp,  đàn trâu nhà Mén. Trên lưng con trâu cò không có thằng nhỏ đội chiếc nón cời.Tim tôi đập rộn ràng. Tôi chợt nhận ra nỗi buồn xa vắng mấy hôm nay không phải vì thiếu đám bạn Mân, Hăng, Ẩn, Nhẩn, Thới mà vì thiếu bóng dáng một người con gái, vì thiếu Mén. Là con trai, hơn nữa đã từng đi học xa ngoài tỉnh, đáng lẽ phải mạnh dạn, tôi lại hồi hộp khi tới gần hai gốc duối nơi Mén đang đứng. Mấy con cá trầu trong xâu cỏ ống như đang cựa quậy. Tay tôi hơi run, chân tôi bước khập khựng. Bộ tịch của tôi lúc đó chắc lóng ngóng lắm. May mà Mén đã bước tới cầm lấy xâu cá như người ta nhận một món quà, nhìn săm soi rồi nói:
- Ồ, đã quá. Cá trầu lớn quá. Cỡ này mà nướng trui chấm muối ớt thì hết ý.                                   
Cử chỉ hồn nhiên của Mén làm tôi  trấn tỉnh, tự tin hơn, tôi nói :                             
- Mén khỏe không?  Mới đó mà đã hai năm rồi không gặp.                          
- Nhờ Trời vẫn khỏe, cám ơn nhiều. Đi học xa, bảnh quá, về cả nửa tháng  nay mà chẳng thèm hỏi tới đây một tiếng.                                                  
- Cho Hùng xin lỗi. Tại ham chơi với đám bạn.                                 
Mới hai năm mà Mén cao lớn hẳn lên, đã chớm có dáng con gái. Mén nhìn tôi, chớp chớp mắt. Trong giọng nói và trong ánh mắt của Mén như có chất chứa chờ mong, hờn trách. Tôi nhìn đôi má ửng đỏ, đôi môi hồng tươi mấp máy hết sức dễ thương của Mén rồi bỗng dưng tôi muốn quỵ xuống, quy hàng:                     
- Mình vô tâm quá, thành thật xin lỗi.                                                           
- Lỗi phải mà chi! Thôi đi nướng cá ăn cơm.                                     
Hai chúng tôi đi bẻ cành cò ke làm ghim nướng cá. Cá lớn tằm cán rựa trui lửa rơm vừa cháy lớp vẩy là vừa chín bên trong. Mén dồn hai mo cơm chung lại, lấy mo trống đựng cá. Tôi đi bẻ đại mấy cành trâm trâm tuốt vỏ làm đủa. Hai đứa ngồi bệt trên cỏ, dưới bóng mát của hai cây duối, ăn cơm. Vừa ăn được mấy  miếng, tôi nói :                                                                                   
- Mình ăn cơm cùng một mo như vầy, người ngoài nhìn tưởng hai đứa đậu gạo nấu  cơm chung...Mén hiểu ẩn ý của câu nói, nguýt có đuôi rồi bĩu môi:                                              
- Ở đó mà ham. Còn lâu!                                                                    
Tôi vừa ăn  vừa nghĩ bụng “đúng là còn lâu thật, vì hai đứa còn nhỏ quá”.   Ăn cá tràu ngon nhất bộ lòng nhưng Mén không dám ăn, tôi hưởng trọn cả ba bộ. Để  bù lại tôi nhường cho Mén ăn hết phần thịt. Ăn hết cá còn ít cơm, tôi nói để đi thăm câu kiếm cá nướng ăn tiếp, Mén không cho, bóc cơm chấm muối ăn tiếp. Ăn cơm xong cả hai cùng uống nước đựng trong một trái bầu khô. Cứ chuyền tay mỗi người một hớp. Sau đó tôi tìm chỗ treo bầu nước lên cao, thấy duối có nhiều trái chín quá, hái đưa cho Mén một bụm. Duối là cây bụi, hiếm hoi  lắm mới thành cổ thụ như hai cây “sinh đôi” ở Gò Tre này. Duối thường được trồng làm giậu nhờ có cành cong queo đã mọc đan chéo còn dày kín.  Vỏ duối xù xì, lá nhám màu xanh sạm lam lũ vậy mà cho trái chín vàng óng, lớn hơn hạt bắp một chút, không có mùi thơm đặc biệt, nhưng rất ngọt. Mén không ăn hết, chừa lại một trái đặt giữa lòng bàn tay đưa ra trước mặt tôi, hỏi:                          
- Hùng thấy quả duối này có đẹp không?                                                      
- Đẹp, màu vàng ửng lên  đẹp lắm.                                                                
- Nó có hình gì để ý thấy không ?                                                                  
- Có hình trái tim. Tại lúc trên cây nó chúc ngược nên không nhận ra. Tôi đưa ngón tay trỏ xoay xoay quả duối chín  giữa lòng bàn tay ngửa ra của Mén rồi nhích qua một chút để hai đứa đứng cùng chiều, nói tiếp: -nhìn chiều này nó mới giống hình trái tim, một trái tim nhỏ bé mà tung búng mật ngọt.                       
- Một trái tim nhỏ bé mà tung búng mật ngọt. Mén lập lại rồi đưa quả duối lên sát môi tôi -mật ngọt đất trời dành cho Hùng đó, ăn đi.Tôi đưa môi múm quả duối chín vàng giữa lòng bàn tay Mén, vị ngọt của quả chín ngấm vào lưỡi cùng lúc với hương vị ngọt ngào từ ẩn dụ của Mén làm tôi đê mê. Tôi muốn hôn lên đôi má rám nắng ửng đỏ, đại biểu thơm tho của tâm hồn Mén trắng trong; tôi muốn hôn lên đôi môi hồng tươi tắn, đại biểu khả ái của trái tim Mén ngọt ngào. Tôi muốn lắm, tôi ước ao mà chẳng dám. Rồi tôi tự an ủi, mà cần gì phải hôn, phải nếm, chỉ cần đứng gần kề Mén thôi, lặng lẽ hấp thụ sự tinh khôi giản dị từ tấm lòng trinh bạch của cô bé tỏa ra, cũng đủ hạnh phúc. Ăn duối chín chán, tôi rủ Mén đi hái những quả dại khác. Gò Tre khuất vắng nên quả dại không bị đám học trò lùng sục, hai chúng tôi tha hồ hái ăn. Nhiều nhất là dủ dẻ. Bụi cây dủ dẻ không cao, cành thường mọc ngang, lá dày, bóng, cả hoa lẫn trái đều núp phía dưới lá, muốn tìm hái phải nắm cành kéo ngửa ra. Một chùm dủ dẻ có ba bốn trái lớn bằng hột mít tố nữ nhưng dài hơn, lúc chín vỏ xanh chuyển sang vàng nhạt. Dủ dẻ chín vừa có mùi thơm vừa có vị ngọt. Hoa dủ dẻ dựa vào buổi chập choạng giữa ngày và đêm mà tỏa hương, một mùi hương liêu trai rất đậm. Anh tôi nói mỗi lần đi qua đường truông Gò Cầy râm rạp vào buổi sẩm tối, mùi hoa dủ dẻ tỏa ra nồng đến nỗi anh cảm thấy rờn rợn, tưởng như có những con hồ ly tinh với múi xạ hương đang chực chờ trong bóng đêm. Tôi thấy hoa dủ dẻ không hợp với tính cách e ắp  nhẹ nhàng  của con gái vùng quê, không hợp với tính cách của Mén, nên không hái tặng Mén bông mà chỉ hái  tặng trái.                                                                        
Ngược với cành dủ dẻ đâm ngang, cành chim chim đâm thẳng và thường dựa vào các cây khác. Chùm trái chim chim trông như một bàn tay nhiều ngón, khẳng khiu, co quắp, mỗi ngón có nhiều đốt chứa hột tròn, lúc chín chuyển từ xanh sang hồng rồi đỏ tươi, đến đỏ sậm thì lớp cơm mỏng bọc quanh hột và nối các hột mới thật ngọt. Trái chùm rượu và cò ke cũng ăn được, đang có nhiều quả chín nhưng ít ai ăn. Trên mấy giây rau bát bò vắt chéo giữa bụi táo nhơn có mấy trái bát chín đỏ, tôi định hái tặng Mén, nhưng khi đến gần thấy chim đã xí trước, mổ ăn lủng mấy lổ. Dưới chân bụi táo nhơn,  thấy có đám mằng khẳng tôi liền quỳ xuống. Không hiểu sao tôi có tình cảm đặc biệt với mằng khẳng. Nó có trái giống dưa gang nhưng nhỏ xíu, chỉ bằng ngón tay út, bỏ vào miệng nhai dòn rụm. Tôi bươi lá hái được sáu bảy trái tặng Mén, cô bé đưa tay hứng nhưng không ăn. Tôi tìm thêm được mấy bụi mằng khẳng nữa, hái trái chuyển hết cho Mén. Nhiều mằng khẳng quá nên Mén phải lấy vạt áo mà hứng. Tôi biểu Mén ăn, cô bé bậm miệng lắc đầu. Thì ra Mén chưa từng ăn mằng khẳng bao giờ, nên sợ. Tôi bốc mằng khẳng từ vạt áo, ăn ngon lành, thấy vậy Mén mới miễn cưỡng bốc ăn thử, gật đầu khen ngon.                                                                           Mằng khẳng tuy dòn ngon nhưng cũng như táo nhơn, ăn nhiều bị hôi miệng, nhờ vậy tôi có cớ rủ Mén đi hút mật hoa trâm trâm cho miệng được thơm. Cây trâm trâm khác với cây trâm mộc hay trâm nam thân to lớn, cũng không phải cây trâm bầu cành khẳng khiu dọc thân mộc có u gai. Trâm trâm là cây bụi, cành dòn, lá nhám như lá duối nhưng màu xanh có chỗ tươi non không đến nỗi lam lũ như lá duối. Hoa trâm trâm ngũ sắc nở chùm trên một búp nhỏ cỡ bông tần ô. Khi hoa tàn bày ra một chùm trái bằng trái tiêu sọ, còn sống màu xanh ve chai chín chuyển thành đen. Kiều kỳ lạ là trong một chùm trái chín đen luôn có chen những trái già, thậm chí có cả những trái non. Trái trâm trâm già thì dòn, chín đen thì mềm dễ dập, còn non thì đắng. Do vậy hái trâm trâm ăn phải chịu khó lựa bỏ trái non, thổi sạch bụi và các đài hoa tàn nằm giữa chùm trái. Nghe tôi nói “đi hút mật hoa” Mén trố mắt nhìn “người chớ phải ong, bướm sao đi hút mật hoa?”. Dễ quá mà, cứ dùng đầu ngón tay túm lấy chùm hoa ngũ sắc trên đầu búp, kéo nhẹ lên rồi đưa những cuống hoa li ti vô miệng  mà hút nhụy. Không no đủ mập béo gì, nhưng nó thơm miệng và là một công việc đầy thơ mộng. Thấy Mén say sưa túm hết chùm hoa này đến chùm hoa khác đưa lên miệng, tôi tới gần, nói:  
- Đâu cần phải là ong, bướm, người cũng biết hút mật hoa, đúng không?                                        
- Thơm thơm, ngọt ngọt, rất hay. Đây đáng lẽ là món bọn con gái tụi tôi phải rành, sao tôi lại không biết, lạ thật. Hoa trâm trâm thiếu gì, bờ rào, gò bụi nào mà chẳng có.Thơm thơm, ngọt ngọt, hay lắm.  
- Ong, bướm đắm đuối khi hút mật hoa, nhụy hoa, Mén thấy thế nào, có đắm đuối không ?           
- Thấy thích thích, hay lắm.                                                               
- Chúng ta thua xa ong, bướm chỗ này. Cùng hút nhụy hoa mà ong, bướm thì đắm đuối còn chúng ta thì chỉ thấy thích thích.Tới đây thì Mén đã hiểu ẩn ý của các điệp từ “ong bướm, nhụy hoa, đắm đuối” nên túm liên tục bốn năm chùm hoa trâm trâm ném vào người tôi. Tôi bỏ chạy lòng vòng rồi quay về chỗ hai cây duối “sinh đôi” uống nước. Sau buổi ấy, chúng tôi còn “ăn cơm chung mo” hai lần và tung tăng với nhau hai buổi chiều nữa. Buổi chiều cuối cùng, Mén ngồi dựa gốc duối, tôi ngồi gần kề, cùng nhìn mông lung ra đồng. Tôi nói với Mén là tôi đã xong việc ở mấy sở ruộng bầu, từ ngày mai anh em tôi phải dời vô Ruộng Phèn và thả trâu ăn vùng Gò Duối dưới chân Núi Chúa. Mén không nói gì. Người còn đây, quê còn đó, thôn Trung, làng Nam liền nhau chớ nào phải người cuối bãi kẻ đầu sông , cũng chẳng mất đi đâu mà sao cả hai đều thấy buồn buồn. Ngồi yên được một chặp, thì Mén ngập ngựng đặt một bàn tay lên vai tôi. Tôi chưa kịp nhận biết cảm xúc của mình cách rõ ràng thì Mén đặt một bàn tay nữa lên vai bên kia, cũng hơi ngập ngựng. Rồi cả hai bàn tay nhè nhẹ kéo tôi ra sau: Mén kéo người tôi ngửa ra dựa vào hai gối khép lại của cô bé. Đầu gối và ống quyển nào có mềm mại gì đâu mà sao tôi thấy êm ái lạ thường, cả hồn cả vía cả người tôi đều lâng lâng, bay bổng. Rồi những ngón tay thon nhỏ, mềm dịu của Mén măn măn trên  mái tóc tôi kiểu như người ta măn bắt chí. Nhưng Mén không bắt chí, cô bé choàng tay đưa ra trước mắt tôi mấy cánh hoa trâm trâm bé tí như bông khế. Tôi hé mắt nhìn thấy nhưng không đưa tay ra nhận mà khẽ kéo bàn tay có mấy cánh hoa đã héo úa xuống sát miệng, đưa lưỡi liếm kiểu như thằn lằn bắt muỗi. Không hiểu sao trên mái tóc tôi lại vướng nhiều hoa trâm trâm quá. Mén cứ liên tục đưa bàn tay có mấy cánh hoa ra  trước mặt tôi. Tôi nhâm nhi những cánh hoa có dính mồ hôi của Mén lẫn với mùi tóc của chính mình, lúc đầu chẳng thấy có gì đặc biệt nhưng rồi cái hương vị ngọt ngào cứ ngấm vào người làm tôi đê mê. Rồi tôi ngủ hiền lành như đứa trẻ ngây thơ ngủ say trong lòng mẹ.Lòng mẹ! Sự nồng ấm tinh tươi từ tấm lòng trinh bạch của Mén cũng bao la như lòng mẹ vậy.                                                             
Khi thức giấc, quả nhiên tôi đang nằm trong tư thế của đứa bé đang bú sữa mẹ, nằm trong lòng Mén. Miệng tôi cũng đang kề bầu sữa, nhưng nó còn nhỏ xíu  như cái chủm cau. Cái chủm cau không có mùi cau cũng chẳng thơm mùi sữa mà thơm mùi con gái tuổi chớm xuân , mùi hương đồng cỏ nội, mùi hoa trâm  trâm phảng phất.                                                                         Tôi đang ngất ngư đắm chìm trong cái mùi hương kỳ ảo ấy thì Mén giật mình. Xem ra cô bé cũng đã chìm vào cơn mê. Tôi thấy rõ vẻ thẹn thùng và sự hốt hoảng của Mén nên bung ngồi dậy rồi đứng hẳn người lên. Cả hai cùng ngường ngượng, chẳng ai nói với ai tiếng nào. Chặp lâu thấy mặt trời đang lặn xuống sắp chạm vào đỉnh Hòn Ngang, tôi nói:                                    
- Một ngày qua nhanh quá. Đi gom trâu là vừa. Hay đợi tôi đi thăm câu có cá gởi Mén ít con trọng trọng về nướng ?                                                          
- Thôi để mình về. Mai vô trong đó đừng có làm điều gì quấy quá. Núi Chúa linh lắm đó.              
- Thôi Mén về. Minh sẽ nhớ lời Mén dặn.                                         
Mén đi gom trâu, cả hai bầy. Tôi đi gỡ câu. Quay lên tôi chỉ kịp nhìn thấy bóng cô bé khuất sau đám lau sậy của truông Mã Đại, một đoạn truông ngắn nối Gò Tre với làng Nam. Bóng chiều tà và bóng ngưới xa gây cho tôi một nỗi buồn hiu hắt. Tình cảnh của tôi sao giống với câu ca dao:                                       

Ai về Giồng Dứa qua truông                                                                         
Gió lay bông sậy bỏ buồn cho em.                                                     

Những ngày thả trâu trong Núi Chúa tôi nhớ Mén quay quắt. Nỗi nhớ thương làm cho người ta trở nên lãng mạng, tôi tập tành làm thơ. ( Sao không? Bạn Nhẩn mới học lớp bốn đã làm vè châm biếm, được làng trên xóm dưới truyền tụng, thì sao tôi lại không mạnh dạn làm thơ gởi cho Mén, cô bé đáng yêu của tôi). Chỉ là mấy câu ngắn gọn thôi:                                               

Gần nhau có ba buổi chiều                                                                            
Mà sao như thể đã nhiều năm qua                                                                 
Mai sau nếu còn thiết tha                                                                               
Thì em hãy nhớ đến ba buổi chiều.
***
 
Cả hai chúng tôi đều không dè ba buổi chiều ấy là ba buổi chiều duy nhất, từ đó về sau chẳng còn có buổi chiều nào hai đứa tung tăng chạy giỡn hay ngồi cận kề bên nhau  được nữa. Chiến tranh đã cướp mất tuổi hoa niên và tuổi trẻ của hai chúng tôi, của bạn bè tôi. Một năm sau, tức cuối năm đệ ngũ nội trong hai thôn Trung và Nam đã có sáu bạn bỏ học nhảy núi. Đó là các bạn nam: Se, Hăng, Ẩn, Nhẩn, Thới và một bạn nữ, là Mén. Sợ bị lộ nên Mén và các bạn ra đi mà không nhắn lại một lời nào.
Vào tuần thứ tư của mùa hè năm ấy, sau mấy ngày cày gần thôm Nam mà không thấy Mén cũng không thấy đàn trâu có con trâu cò và con trâu cái sừng quặp thả ra Gò Tre, tôi vừa nôn nao buồn nhớ vừa lo. Một hôm tôi đánh bạo lên thôn Nam, vào tận nhà Mén. Ngươi nhà nói Mén đi nhổ mạ. Tôi ra tận ruộng. Thấy Mén đang nhổ mạ cùng với năm sáu người khác, tôi gọi nhưng Mén làm bộ như không nghe. Tôi gọi ba bốn lần Mén vẫn không lên. Rồi từ nhóm người nhổ mạ, một tiếng hát cất lên :                                
 
Tay cầm nắm lạt bẻ cò                                                                                   
Thương anh đứt ruột giả đò làm ngơ                                                            
Thương sao thương dại, nhớ khờ                                                                  
Trong nhà không khóc ra bụi bờ khóc than!                                      
 
Làn điệu Xuân Nữ với một giọng nữ thanh trong đẹp đến nỗi lòng tôi như thắt lại. Tôi biết cô ấy đang ghẹo hai chúng tôi.Tôi muốn hát đáp lại lắm mà hoàn cảnh không thuận tiện. Tôi đã từng bao phen (đóng vai) mài gươm dưới trăng rồi cất giọng ngâm thơ với hào khí sang sảng pha chút u ẩn, thì sợ gì tiếng hát của một cô gái. Không kềm được, tôi bỗng cất tiếng hát :                                                     
 Hết nhìn ruộng thấp đến nhìn gò cao                                                  
Nhìn truông Mã  Đại lau sậy lao xao                                                  
 Anh thương em ruột thắt gan bào                                                                   
 Biết em có thương lại phần nào hay không?                        
 
Tôi không chọn lựa, nhưng làn điệu Xàng Xê thuận theo lời thơ, tự nhiên cất lên. Có tiếng vỗ tay, có lời khen hay, nhưng Mén vẫn không lên.         Sau đó mấy ngày, Mén ra đi.
Biết ra thì đã muộn rồi. Làm sao chia sẻ nỗi đau cắt ruột của Mén khi đứng trên ruộng mạ “tay cầm nắm lạt bẻ cò” nghe cô bạn bên cạnh và tôi (thị tài) hát đối đáp! Làm sao bù đắp được những mất mát mà Mén phải gánh chịu, nhất là những mất mát của tuổi chớm hoa xuân! Biết mình sắp dấn thân vào nơi hung hiểm, vừa bom đạn vừa nguồm cao nước độc, nên dẫu có thương tôi cách mấy Mén cũng đành bóp bụng. Mén không  giả đò làm ngơ mà buộc lòng phải  làm ngơ . Hoàn cảnh bắt buộc Mén không được mềm lòng, dù lòng dạ có nát tan.
Chiến tranh mỗi ngày một lan rộng, đôi bên đều đòi hỏi cống hiến thêm xương máu. Một năm sau tôi hay tin Se và Hăng hy sinh. Hai bạn ấy còn trẻ quá lúc bỏ mình, tuổi vừa tròn đôi tám. Không có tin tức gì về Mén. Một năm sau nữa anh Loi (Ba Xuân) con bác ruột tôi hy sinh cùng với  mười một (11) người khác . Tôi theo bác trai nhận xác anh Ba Loi và xác một thanh niên không có thân nhân, thuê xe ngựa chở về chôn ở gò Mả Đại. Chôn cất xong mới về nhà bác lập bàn thờ làm lễ cúng sàng.
Cúng sàng xong, dù mặt trời còn cách xa đỉnh Hòn Ngang, tôi đã vội đạp xe về Thành. Làng xóm bây giờ hung hiểm không dám tin vào một ai. Hôm mở cửa mả cho anh Ba Loi, đứng trên gò Mả Đại nhìn xuống Gò Tre, bỗng dưng tôi thấy nhớ Mén quá nên đã đi bộ xuống Gò Tre, đến bên hai cây duối “sinh đôi”, nhìn lại chỗ hai chúng tôi từng ngồi, từng đốt rạ trui cá, rồi thơ thẩn quanh những bụi hoa trâm trâm  mà thấy lòng nặng trĩu buồn đau chen lẫn nhớ thương. Rồi tôi liều mạng lên làng Nam, tìm đến nhà Mén hỏi thăm. Gọi là liều mạng vì có thể lãnh đạn từ cả hai phía khi đi lại trong vùng bất an. Đường vào nhà Mén vắng tanh, lá khô rụng đầy lối đi. Không một tiếng gà gáy, không một tiếng chó sủa, không cả tiếng cu gù. Cả làng Nam đang để tang. Trong mười hai người vừa bỏ mình có đến tám người là du kích làng Nam. Làng xóm mới ngày nào thân yêu gắn bó mà nay mỗi bước mỗi rờn rợn. Nhà Mén cửa đóng im ỉm, nhện giăng khắp nơi, lá tre bay cả vào hiên. Nhà trên nhà dưới, vườn trước vườn sau chẳng có một bóng người, cũng chẳng có một bóng gà vịt. Chuồng heo trống trơn, bãi cột trâu trống trơn. Mãi đến sau này tôi mới biết là gia đình Mén đã dời vào Đồng Lác, Hòa Tân để lánh nạn. Coi như tôi đã hoàn toàn mất dấu vì ngoài gia đình Mén ra, tôi không còn biết chỗ nào khác để hỏi thăm .
Mãi đến sau năm 1975, tôi mới biết Mén còn sống.                                        
Trong dịp về dự lễ Cúng Xuân đình làng Nam tôi đã nhìn thấy Mén, nhưng Mén không còn là Mén của năm xưa. Mén bây giờ là  Lan, một Lan xa lạ đến ngỡ ngàng . Vào tiệc, tôi ngồi chung bàn với anh Bảy Chân, anh Mười Thọ, anh Bốn Lực và các bạn Nhẩn, Hai, Sơn, Trực, Sanh. Mén ngồi cách đó hai bàn. Tiệc xong, ra sân đình uống nước, không hiểu sao bạn Nhẩn lại hỏi tôi:          
-  Lan là Mén ở xóm Đàng Lội đó, có nhận ra không ?                                 
- Có nhận ra. Nhưng sao Nhẩn lại hỏi ?                                                         
- Cây kim bọc trong mười lớp vải có ngày còn lòi ra. Chào hỏi nhau đi. Góa phụ nửa chừng xuân duyên thắm mặn mòi...Bạn Nhẩn cứ  tủm tỉm cười làm tôi thấy ngờ ngợ.                                   
- Nhưng sao phải chào ?                                                                       
Bạn Nhẩn kể gọn
:
 -Vào một buổi chiều mùa hè cuối năm đệ lục, anh xuống Gò Tre cắt đọt muồng què về luộc ăn sổ lãi, thấy bên gốc hai cây duối có hai đứa thanh thiếu niên một nam một nữ đang ngủ...Thật bất ngờ. Vậy mà tôi cứ đinh ninh không ai biết được bí mật của hai chúng tôi. Tôi nói với Nhẩn:        
- Lỡ làng duyên phận cả rồi. Bây giờ người cuối bãi kẻ đầu sông, chào hỏi nhau mà làm gì.
Dự lễ Cúng Xuân xong, thay vì về làng Trung hay về Nha Trang, tôi chạy Honda lòng vòng bất định rồi lại len lỏi xuống Gò Tre. Đã bao nhiêu năm qua mà hai cây duối “sinh đôi” chẳng thấy lớn thêm chút nào. Nơi chỗ chúng tôi ngồi năm xưa, muồng què mọc dày kín. Duối đang chín, vẫn những trái duối vàng ửng, tung búng. Nhưng “mật ngọt của đất trời” không dành cho tôi nên tôi đưa tay lên khẽ chạm rồi rút lại. Tôi đứng  tần ngần nhìn quanh. Cảnh vật không thay đổi mấy. Nhưng một bụi hoa làm tôi chú ý. Ngay nơi trước kia tôi đốt rạ để trui cá, một bụi hoa trâm trâm đã mọc lên, không cao lắm nhưng tỏa rộng, sum suê. Tôi bước đến, quíu gối quỳ xuống, đưa má sát vào những chùm hoa ngũ sắc, tận hưởng mùi hương nhẹ nhàng thanh thoát của hoa trâm trâm mà thấy lòng rưng rưng...                                                                                  
Thời gian ơi, tuổi thơ ơi ! Đâu rồi vẻ tươi non trinh bạch của tuổi chớm hoa xuân! Đâu rồi vẻ tinh khôi giản dị của đóa hoa đồng nội! Mén hồn nhiên vĩ đại sống mãi trong lòng tôi! Tôi không biết, tôi không cần biết Lan, Thảo, Loan, Gáo gì hết. Trả Mén lại cho tôi! Trả tuổi thơ lại cho chúng tôi!                        
Trả  chúng tôi lại đám ruộng mạ để tôi chuộc lỗi lầm khi thị tài hát đối đáp, đã vô tình xát thêm muối vào cõi lòng nát tan của Mén.                        
Tôi ngồi bệt lên đám muồng què, dựa lưng vào gốc duối, hồi tưởng miên man rồi ngủ thiếp đi.Tôi  ngủ mơ màng trong mùi hương kỳ ảo của vú chủm cau thoang thoảng mùi hoa trâm trâm.
 
                     
*Trong  Cào Lá Ngoài Sân Đêm,  Vĩnh viễn tr.8. Thư Ấn Quán xb 2014.                           
(1) Gái Đại Điền l. viền chỉ đỏ -tục ngữ.                                                       
**Chữ nghiêng là ca dao.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Âu Hồng