NGUYỄN ÂU HỒNG
Văn Tâm Trong Văn Xuôi Nguyễn Minh Nữu
Tôi học được cách đọc văn xuôi như đọc ca dao từ nhà văn Sơn Nam. Đó là cách ông đọc truyện dài Nhốt Gió của nhà văn Bình Nguyên Lộc...”Chúng tôi đọc Nhốt Gió để tìm một vài phút lâng lâng…Muốn thưởng thức Nhốt Gió thì nên lật ra, đọc một vài hàng, hoặc vài chục hàng để rồi xếp lại…Cứ đọc Nhốt Gió khi nào mình thấy thiếu thốn một chút hương vị quen thân…Nó giống như ca dao, những câu ca dao bằng văn xuôi. (Tạp chí Thời Tập, Sài Gòn-10-10-1974).
Hơn một năm trở lai đây, tôi thường đọc Đinh Cường, Phạm Cao Hoàng để tìm “một vài phút lâng lâng”, đọc Trần Huiền Ân, Trần Hoài Thư “khi nào mình thấy thiếu thốn một chút hương vị quen thân” của Phú Yên-Khánh Hòa và Nha Trang. Gần đây tôi thường đọc Nguyễn Minh Nữu. Với truyện ngắn “Con Trai Của Thủy Thần”, Nguyễn Minh Nữu đã làm tôi mê đắm ngay từ lần đọc đầu tiên; sau đó cứ mở ra đọc “một vài hàng, hoặc vài chục hàng để rồi xếp lại…Nó giống như ca dao, những câu ca dao bằng văn xuôi”.
Những câu ca dao bằng văn xuôi đó là:
…”Cô gái ngước mặt lên,khuôn mặt trắng hồng và đôi mắt to đen ngạc nhiên:
- Ông là ai? Một mình là sao khi ruộng lúa này là ruộng lúa của quê hương tôi, chung quanh còn có xóm giềng làng nước, trên dưới còn có đất trời, trái phải còn có thánh thần hai bên.
- Vậy ta … có thể làm gì giúp nàng hay không?
- Có chứ, chàng có thể làm cho cái nhìn của em thân thiết hơn bằng cách bôi chút sình lên mặt để giống con trai vùng Núi Cấm, có thể trộn màu quần áo tinh tươm kia với nước phù sa để đồng điệu với dân quê.
- Nếu ta làm theo ý nàng thì…
- Chưa đâu, vì chàng đã biết em tên gì đâu…
- Nàng tên gì…
- Chèng ơi… hỏi tên người ta dễ dàng vậy sao, vậy chàng tên gì?
…Họ quen nhau như thế. Bát Lang (con trai thứ tám của thủy thần) thành anh Tám mộc mạc sống bên người vợ hiền là cô gái nghèo mồ côi làm nghề gặt lúa mướn bên Núi Cấm… Họ sống trong yêu thương, quấn quýt bên nhau cho dến một ngày cô gái già yếu đi, bệnh hoạn và từ trần. Bát Lang chôn cất nàng dưới chân Núi Cấm và cam tâm chịu sống hiu quạnh một mình cho thương nhớ vô vàn người phối ngẫu.”
Với đoạn văn vừa dẫn, hàng chữ nào cũng đáng để đọc đi đọc lại như đọc ca dao, nhưng quan trọng nhất là câu nói của cô gái: “Một mình là sao khi ruộng lúa này là ruộng lúa của quê hương tôi, chung quanh còn có xóm giềng làng nước, trên dưới còn có đất trời, trái phải còn có thánh thần hai bên.”
Đây không phải là một câu nói bình thường mà là một câu dân ca, một điệu hò của miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long được viết bằng văn xuôi. Đây là bản hòa âm tuyệt vời về mối giao cảm giữa con người với mảnh đất mà họ đang sống. Đây là chất keo thiêng liêng gắn bó con người với quê hương, bản quán. Phải thấm đẫm tình tự dân tộc đến từng chân tơ kẻ tóc, phải yêu mảnh đất quê hương tha thiết đến từng tế bào, phải thừa hưởng được sự thông tuệ của cả một nền văn hiến, nhà văn mới có cơ duyên viết được một câu văn như thế.
Và đây là lời Bát Lang thưa với cha (Thủy Thần): … “Con yêu em Lành không vì nhan sắc, không vì dục vọng, không vì những lời nói phù phiếm bên nhau, mà vì tự trong tâm hồn của con và tâm hồn của em Lành là những phối nhịp dịu dàng của một hòa âm. Ở bên em Lành con được sống trong hoan lạc và an bình. Em Lành chết đi, nhưng cạnh mộ của em, vẫn là những an ủi sâu lắng, là những tình cảm thiết tha không ngừng trao đổi với nhau.”
Đoạn trước tác giả có viết: “Bát Lang chôn cất nàng dưới chân Núi Cấm và cam tâm chịu sống hiu quạnh một mình cho thương nhớ vô vàn người phối ngẫu”. Người đọc hiểu được tình cảm này của con người. Lác đác đây đó trong cuộc sống đời thường, ta vẫn gặp những người một mực thủy chung với nghĩa đá vàng như vậy. Nhưng “cam chịu sống hiu quạnh” bên cạnh mộ của người phối ngẫu mà “vẫn là những an ủi sâu lắng, là những tình cảm thiết tha không ngừng trao đổi với nhau” thì đã vượt ra ngoài tình cảm thông thường của con người bình thường. Có thể tạm lý giải - Ông Tám Rắn vốn là con trai của thủy thần, là Bát Lang. Nhưng đó là tình cảm, đúng hơn phải gọi là cảm ứng, của con người xuất thân là thần, mà tác giả là người trần mắt thịt, làm sao biết được? Nhưng lạ lùng ở chỗ đọc lên thấy khác thường mà không thấy chõi, mà vẫn muốn cùng tác giả khám phá một miền tâm thức mới lạ của những cảm ứng siêu nhiên! Biết đâu có sự mầu nhiệm khiến một người trần tục có được linh giác! Biết đâu cái tâm vô lượng của nhà văn đã làm cảm động hồn thiêng của chín con sông, bảy ngọn núi khiến hiển linh lên ngòi bút mà hiển thị thành chữ, thành câu văn!
Giới thiệu truyện ngắn Con Trai Của Thủy Thần trên Blog của mình, Phạm Cao Hoàng viết: “Dựa vào truyền thuyết dân gian về nguồn gốc sông Cửu Long và phong cảnh thiên nhiên ở vùng núi Thất Sơn (An Giang), Nguyễn Minh Nữu viết truyện Con Trai Của Thủy Thần. Truyện ca ngợi tình yêu, lòng chung thủy, và đạo làm người “. (PCH)
Lời giới thiệu thật ngắn gọn, súc tích. Đúng mạch, đúng nguồn. Đúng cốt lõi.
Bây giờ mời quí độc giả đến với một truyện ngắn khác của Nguyễn Minh Nữu, truyện Hà Nội Thứ Tư.
Nếu như Con Trai Của Thủy Thần được hiểu là tinh anh của văn hóa đồng bằng sông Cửu Long, là chất keo thiêng liêng gắn bó con người với quê hương, thì Hà Nội Thứ Tư là kết tinh của văn hiến Bắc Hà, là niềm tin vào sự liên tục của một nền văn hiến.
…”Tôi không đặt mình vào sự hiển linh của Tản Viên Sơn Thánh hay của Liễu Hạnh Công Chúa hay của một vị thần nào khác. Bởi vì tôi hiểu rằng sự hiển linh của một vị nào đó bất kì đều là kết tinh của một niềm tin rộng lớn nhưng thầm kín của cả một thế hệ, của cả một dân tộc. Cho nên tôi đặt niềm tin vào những đợt sóng ngầm đó, những luồng sóng ngầm trong lòng Hà Nội khi nó luân lưu thì là nguồn nuôi sống con người, nhưng khi đột phá thì nó chính là sự bùng vỡ từ cái trung tâm cứ tưởng là vô cùng bền vững kia”.
Nói gì các thứ “đồ đá-đồ đểu” là những thứ nói chơi cửa miệng không có thật, còn có nhiều thứ không có thật khác mà người ta cố gán cho Hà Nội:
…”Cái Hà Nội thứ nhất là cái Hà Nội trong nỗi nhớ của gia đình ông nên nó mơ hồ, nên thơ và tất nhiên không thể có thật. Cái Hà Nội thứ hai của anh bộ đội nón cối dép râu mô tả…cũng không thể là cái Hà Nội có thật. Và ngay cái Hà Nội thứ ba mà ông trực tiếp đối mặt, gặp gỡ…cũng không phải là cái Hà Nội đúng nghĩa…
Không phải thế đâu! Hãy nghiêng mình xuống để nghe được âm vang, hãy lắng lòng lại để rung theo địa chấn.
Xin mô tả với ông một Hà Nội khác, nó không phải là thành phố Hà Nội mà nó là tấm lòng Hà Nội. Nó không phải là chính quyền đang cai trị Hà Nội mà là thứ văn hiến bàng bạc trong thói ăn, nếp ở của người Hà Nội.
Nó là nề, nó là nếp, nó là Kinh, nó là Lịch mà không thể chế nào bôi xóa được nó.”
Đó là Hà Nội Thứ Tư, có thật sau ba cái Hà Nội không thật.
“Nó là nề, nó là nếp, nó là Kinh, nó là Lịch mà không thể chế nào bôi xóa được nó”.
Tôi phát hiện ra văn tâm của Nguyễn Minh Nữu từ niềm tin của tác giả vào lòng người, bất chấp vật đổi sao dời, bất chấp mọi thể chế…”Tình yêu, lòng chung thủy, và đạo làm người “ vẫn luôn được tác giả ca ngợi.
Xin được lập Lại: Nếu như Con Trai Của Thủy Thần là tinh anh của văn hóa đồng bằng sông Cửu Long, là bản hòa âm tuyệt vời về mối giao cảm giữa con người với mảnh đất quê hương, thì Hà Nội Thứ Tư là kết tinh của văn hiến Bắc Hà, là niềm tin vào sự liên tục của một nền văn hiến.
Văn tâm của Nguyễn Minh Nữu còn thể hiện ở sự tế nhị khi ông đề cập đến giới cầm bút Bắc Hà. Ông tránh dùng cái danh từ từng gây bao nhiêu đau thương, sĩ nhục cho văn nghệ sĩ. Ông tránh không chạm vào vết thương, không khơi lại dòng lệ …
Anh Trần Sĩ Huệ trích lời người xưa cho rằng “trí huệ nhân sĩ có được là nhờ ân sủng mầu nhiệm”. Với văn tâm nhân hậu, Nguyễn Minh Nữu đã tiếp nhận nguồn ân sủng mầu nhiệm đó và đã rộng lượng truyền hết cho người đọc...Cái văn tâm được nuôi dưỡng,rèn đúc rồi ra sẽ hiển linh thành văn tài, nào ai ngờ được, nào ai đoán được.
Vancouver, June 3-2013