NGUYỄN BÀNG
‘CÔ’ SƯỚNG CƯỚI VỢ - Một Truyện Ngắn
Đầy Ắp Tiếng Cười Vui
Và Rất Đẹp Tính Nhân Văn
‘CÔ’ SƯỚNG CƯỚI VỢ - Một Truyện Ngắn
Đầy Ắp Tiếng Cười Vui
Và Rất Đẹp Tính Nhân Văn
Cuối tuần trước, nhà văn Đặng Xuân Xuyến gửi cho tôi truyện ngắn "CÔ" SƯỚNG CƯỚI VỢ”, anh viết từ năm 2015 và mới đưa lên mạng. Anh nói với tôi “viết tặng vợ chồng cậu em họ”, lại thêm lời đề tặng ở đầu truyện, thì đúng là chuyện thật người thật rồi. Vì thế tôi thích thú đọc ngay và nhận được từ câu chuyện đầy ắp những tiếng cười vui vẻ.
Truyện vui ngay khi nhìn thấy cái tên của nó: “CÔ” SƯỚNG CƯỚI VỢ”.
Nói như câu ca dao “Vợ tôi con gái đàn bà nữ nhi” thì hiển nhiên người vợ của “cô” Sướng là nữ giới rồi. Đúng vậy, đó là nàng Ngân, một gái quê “không mỏng mày hay hạt nhưng thùy mị, nết na, không sắc nước hương trời nhưng nét dịu dàng đủ khiến trai làng phải thầm mơ trộm nhớ. Ngân được người. Ngân được nết.”
Thế thì chồng của nàng Ngân phải là con trai, đàn ông, nam nhi chứ sao lại là cô Sướng? Thắc mắc này cũng chính là cái thắc mắc của người kể khi mở đầu câu chuyện “Vâng! Thì hẳn là “cô” Sướng lấy vợ chứ làm sao có chuyện “cô” Sướng lấy chồng!”. Một kiểu vào đề thật khéo, đánh vào trí tò mò của người đọc khiến họ không thể không đọc tiếp để xem sự thể nó ra sao.
Và rồi đầu đuôi của chuyện cứ dần dần được hé mở trong những câu chữ tưng tửng của người kể không theo một trình tự thời gian nào cả.
Thì ra cô Sướng không phải là cô mà là cậu Sướng, là anh Sướng, con trai cụ Phúc làng Đỗ Hạ. Một gã trai “Tuy không được cao ráo, mạnh mẽ nhưng bù lại rất khéo tay, chịu khó lam làm và đặc biệt là người rất tốt nết”. Nhưng cha mẹ sinh con trời sinh tính, anh Sướng con cụ Bống mang trong mình nhiều thói nữ tính: Thuở bé, Sướng thích nhảy dây, thích chơi ô ăn quan, thích chơi trò búp bê, thích buôn hàng, thích cãi lộn. Lớn lên, Sướng thích được gọi là cô, là chị và khoái nhất khi được mọi người mắng yêu bằng câu: “Con đĩ Sướng này xinh phết!”. Rồi, không hiểu sao Sướng lại còn dấp phải tính khí đanh đá chua ngoa và phát triển khiếu chửi nhau lừng danh thôn xóm.
Nhưng đó chỉ là những dị tính phát tiết ra ngoài mà thôi, còn trong thâm tâm của Sướng thì: “Thích là thế nhưng Sướng ghét cay ghét đắng kẻ nào lại thực tâm coi Sướng là phụ nữ, là phận liễu yếu đào tơ, là thân gái chân yếu tay mềm”. Và để thể hiện điều đó, “Sướng vẫn chưa bao giờ phải tụt quần ngồi xổm mà tiểu tiện”. (Sao không dùng chữ đái dân giã đời thường thay hai chữ tiểu tiện tao nhã này nhỉ?)
Tuy là đàn ông thật nhưng với cái thích là thế, trong mắt dân làng, Sướng không còn là đàn ông nữa mà là cô Sướng, chị Sướng và mắng yêu anh là “con đĩ Sướng”, như anh hằng thích. Đã thế Sướng lại chơi thân với Kiên mà dân làng gọi là Kiên “ái”, một gã trai hẳn hoi nhưng lại “dửng dưng chuyện yêu đương trai gái, cứ khó chịu ra mặt khi có người nhắc đến chuyện lấy vợ”, cùng Sướng nhận nhau là hai “chị em”, thích được Sướng gọi là “dì” vì Kiên ít tuổi hơn và cái chính là vì Kiên “ái” rất yêu Sướng. Chả thế mà khi nghe tin Sướng sắp cưới vợ, Kiên đã nắm tay Sướng, đăm đắm nhìn thẳng vào mắt Sướng, nũng nịu:
- Nhớ. Sướng đừng lấy vợ nữa nhớ. Sướng mà lấy vợ là em xuống tóc đi tu đấy.
Một “Cô” Sướng khắp làng điều tiếng thị phi “dở ông dở bà” như thế, sao nàng Ngân nết na thùy mị lại nhận lời lấy làm chồng? Có phải vì chơi thân với nhau từ nhỏ, cả 2 cùng thích chơi nhảy dây, chơi chắt chuyền, chơi ô ăn quan, chơi búp bê, chơi buôn hàng... nên đã trở thành lứa đôi thanh mai trúc mã đẹp như đôi trẻ trong thơ Lý Bạch:
Tóc em mới kín trán,
Trước cửa bẻ hoa đùa.
Chàng cưỡi ngựa trúc lại,
Quanh ghế tung mơ chua.
Cùng ở xóm Trường Can,
Đôi trẻ vui tha hồ,
Để rồi:
Mười bốn làm vợ chàng,
Thơ ngây em hổ thẹn
Bên vách cúi gầm đầu,
Mặc cho chàng gọi đến.
Mười lăm mới bạo dạn,
Quấn nhau không muốn rời.
(Trường Can hành - Trúc Khê dịch)
Hoàn toàn không có chuyện thơ mộng ấy vì “chưa bao giờ Ngân nghĩ Sướng là con trai cả.”
Nhưng hiển nhiên là “cô” Sướng lấy vợ và nhà cụ Bống đang mổ lợn để làm đám ăn hỏi Ngân cho Sướng. Thế thì duyên do tại sao?
Câu chuyện vui nhất chính là ở trường đoạn này. Ta hãy lần theo lời kể hóm hỉnh của Đặng Xuân Xuyến:
Trước những lời đồn ra đồn vào về chuyện thằng con chín phần gái nửa dại phần đàn ông của mình chuẩn bị cưới vợ; trong lúc đông vui người đang ngả lợn để làm đám hỏi cho nó, cụ Bống vẻ cũng lo lắng lắm. Vừa lúc đó Sướng đi mời khách về đến nhà.
Cụ Bống kéo Sướng vào, hỏi dồn:
- Thầy hỏi, con phải trả lời thật nhé. Con có yêu cái Ngân không? Con có làm chuyện đàn ông với đàn bà được không? Còn chuyện con với thằng Kiên “ái” nhà ông Vận thế nào? Thầy nghe thằng cháu đích tôn nói con với thằng Kiên “ái” yêu nhau, thề thốt nếu không được sống cùng nhau sẽ cắt tóc đi tu. Đã thế, còn bày đặt chuyện lấy vợ làm gì hả con?
Sau khi mắng chửi té tát thằng cháu trưởng hay hớt lẻo chuyện của mình với ông nội, Sướng chưa biết trả lời bố ra sao thì cụ Bống đã ra tối hậu quyết định:
- Thôi, không cưới xin gì nữa. Để tôi ra thưa chuyện với bên nhà, nói rõ “chị” là đàn bà để xin hủy hôn.
Đến đây thì Sướng cuống lên:
- Thầy! Thầy đừng làm thế. Con yêu Ngân thật mà. Con là đàn ông thật mà! Con thề! Tiên sư bố đứa nào mà con nói điêu!
Chưa thấy cụ Bống phản ứng ra sao thì “Vừa lúc đấy, Ngân bước vào. Như chết đuối vớ được cọc, Sướng vội kéo Ngân vào cuộc.”. Sau khi nghe con trai mình luôn mồm chị chị Ngân Ngân xin nàng nói cho bố mình biết mình là đàn ông thật, Cụ Bống nhìn Ngân, nhẹ giọng:
- Ngân này. Con đẹp người đẹp nết lấy đâu chả được thằng chồng tử tế sao lại chọn thằng Sướng nhà bác làm chồng? Lấy nhau về, không có con cái thì sao được hả con? Rồi sẽ khổ cả đời, con ạ. Nghe bác, hủy đám cưới với thằng Sướng nhà bác đi.
Ngân đỏ mặt, nhìn thật nhanh xuống bụng, rồi nhỏ nhẹ:
- Dạ! Con nghe lời thầy nhưng còn cháu nội của thầy thì sao ạ?
Thì ra chuyện thâm cung bí sử của họ là ở chỗ cái thằng cháu nội của cụ Bống đang nằm trong bụng Ngân. Và đầu đuôi chuyện là như vầy:
“Trong suy nghĩ của Ngân, Sướng là một người chị tốt, người chị không giống chị em khác chỉ một điều duy nhất là khi đi tiểu, chị Sướng không bao giờ phải ngồi xổm”. (Lại đi tiểu !)
Thì nghĩ như vậy nên Ngân mới chủ quan. Tối ấy, sinh hoạt chi đoàn về, trời lất phất mưa lại còn rét đậm, đường về nhà Sướng thì xa, sợ “chị” Sướng ngấm mưa ngấm rét sẽ khổ nên Ngân mới rủ “chị” Sướng ngủ lại. Ai ngờ, đêm ấy thành đêm định mệnh, thành đêm gạo nấu thành cơm, ván đóng thành thuyền”
Và:
“Ngân không ngờ “chị” Sướng tưởng là thằng lại cái, tưởng là thằng vứt đi, chỉ giỏi mấy trò nhảy dây, chơi chắt chuyền, chơi búp bê, chơi buôn hàng... và giỏi hăng máu chửi lộn với đám đàn bà con gái,... ấy thế mà khi làm cái chuyện của thằng đàn ông thì lại thật đâu ra đấy, ra tấm ra đẫn, ra ngô ra khoai, ăn đứt khối thằng vẫn khoác loác tự nhận là giỏi về chuyện thầm kín của đấng mày râu! …
Nghĩ thế, Ngân bằng lòng đón nhận tình yêu của Sướng, nhận lời lấy Sướng.
Khỏi phải nói cụ Bống vui sướng ra sao khi biết thằng con của mình tiếng thế mà đàn ông đích thực và cũng khỏi nói đám “CÔ” SƯỚNG CƯỚI VỢ sẽ tưng bừng vui vẻ ra sao ở cái làng Đỗ Hạ.
Khi gửi cho tôi thiên truyện này, nhà văn Đặng Xuân Xuyến bảo để tôi đọc giải trí. Truyện của anh đã đem lại cho tôi đầy ắp tiếng cười vui nhưng không phải là tiếng cười mua vui giải trí như những truyện khôi hài phê phán cái ngược đời, cái trái lẽ tự nhiên, lầm lẫn, hớ hênh của người đời mà là những tiếng cười tán thưởng, biểu thị niềm vui, sự yêu mến với con người như “cô” Sướng, nàng Ngân và cụ Bống, trong đó phần lớn nhất dành cho Cô Sướng!
Một số người trong làng Đỗ Hạ, điển hình nhất là cụ Vận bố Kiên “ái” đã không ngớt lời miệt thị khinh bỉ “cô” Sướng. Nào là con dở ông dở thằng, nào là đồng cô, pha gái, lại cái… Ấy là những tiếng dân giã của những năm xưa trước. Giờ đây, người ta nhập ngoại về một lô các tên gọi khác như: gay, pê-đê, bóng, chuyển giới, ái nam ái nữ. Không cần hiểu biết nguồn gốc của các từ ấy, không cần biết nó là tiếng Hy Lạp, tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Hán, trong tư tưởng của đa số người dân Việt Nam, những từ kể trên đều bị hiểu theo một nghĩa là đồng tính luyến ái. Mà đã là đồng tính luyến ái thì bị đánh đồng với sự sa đọa, bệnh tật, tệ nạn xấu xa, đều đáng khinh bỉ, đáng bị lên án, nhẹ nhất thì cũng bị phớt lờ, không thèm quan tâm. Hiểu sai dẫn đến ứng xử sai, khiến một số người như “cô” Sướng trở nên mặc cảm, sống co cụm lại.
Nhưng “cô” Sướng trong truyện ngắn của Đặng Xuân Xuyến đã không phải chịu những tai hại của những ứng xử sai như thế vì “cô” có được mấy cái may mắn:
Một, số người dân làng Đỗ Hạ đã miệt thị khinh bỉ “cô” Sướng, tiêu biểu như cụ Vận không nhiều. Mà cụ Vận có quá lời chửi Sướng thì ta cũng dễ bề thông cảm vì cụ mang nỗi khổ ấm ức con trai mình là “Kiên ái” thực sự là đứa đồng tính luyến ái. Đa phần người dân làng Đỗ Hạ đều nhìn Sướng bằng con mắt thiện cảm, họ mở lòng chiều cái tính hây hấy của anh, gọi anh là cô, là chị và sẵn sàng mắng yêu anh: “Con đĩ Sướng này xinh phết!”. Và họ đều thừa nhận: “Nếu không dấp phải tính khí đanh đá chua ngoa thì hẳn “cô” là người hiền thục nhất nhì làng xã”. Và vì vậy, khi nghe tin “cô” Sướng cưới vợ, dân làng đã mừng cho “cô”: “tính khí của “cô” nửa gà nửa vịt như thế mà có người đồng ý lấy “cô” làm chồng là may lắm rồi, phúc đức lắm rồi”. Dân làng đông vui đến ngả lợn giúp nhà "cô" và chuyện trò rôm rả cũng vì cái sự mừng chân tình ấy!
Hai, Sướng không phải là ái nam ái nữ hay người đồng tính luyến ái, mà chỉ là một người dị tính bị thu hút hấp dẫn đặc biệt, “khác thường” bởi những người khác giới nên thích được gọi là cô là chị, thích chơi các trò chơi của con gái, thích thể hiện sự đanh đá chua ngoa của những người đàn bà lắm mồm. Trong anh vẫn nguyên vẹn khí chất đàn ông, khi có dịp nó sẽ bừng dậy đưa anh trở về cuộc sống thật với con người thật của mình.
Nhưng hai cái may kể trên chưa cái nào là điều may nhất cho Sướng mà cái may nhất cho anh là anh có được Ngân, người bạn thân từ tuổi thơ ấu đến cả lúc đã trưởng thành, mặc điều tiếng thị phi của người làng, Ngân không bao giờ tìm cách xa lánh Sướng. Đã vậy, Ngân còn rất ngây thơ trong suy nghĩ coi “Sướng là một người chị tốt, người chị không giống chị em khác chỉ một điều duy nhất là khi đi tiểu, chị Sướng không bao giờ phải ngồi xổm”. Và nhờ cái ngây thơ thành thật ấy, Ngân và Sướng đã có một đêm mà tác giả gọi là cái đêm định mệnh.
Ô hay, sao nhà văn Đặng Xuân Xuyến lại coi đó là cái đêm định mệnh nhỉ? Bởi lẽ, định mệnh là số mệnh của con người, do một lực lượng huyền bí định sẵn, không thể cưỡng lại được khiến nhiều người phải thụ động cam chịu dù nó rủi ro đến đâu. Cái đêm Ngân - Sướng ấy đâu có phải là cái đêm cả hai hoặc một người trong họ phải cam chịu mà phải nói, nó là cái đêm kỳ thú nhất trong đời của họ tựa như cái đêm trong thơ Cung oán:
Cái đêm hôm ấy đêm gì
Bóng dương lồng bóng đồ mi trập trùng
Tuy Sướng không phải là bóng dương và Ngân cũng không phải là một đóa đồ mi nhưng cái đêm hôm ấy, Sướng đã làm cho lửa dục vọng trong Ngân sáng lên rồi được đốt cháy mãnh liệt khiến Ngân sung sướng thỏa thuê và hiểu chân tơ kẽ tóc cái nam tính trong con người Sướng. Thử hỏi, nếu trong cái đêm ấy, Sướng không làm được, “quá được” cái chuyện ấy, cho dù Ngân đã dành cho Sướng biết bao tình cảm cảm tốt đẹp từ thời chăn trâu cắt cỏ đến nay, sẽ chẳng bao giờ Ngân chịu lấy Sướng làm chồng. Bởi lẽ, người phụ nữ lấy chồng trước hết là để có được “lời lãi đứa con”:
Lấy chồng mà chẳng có con
Khác gì hoa nở trên non một mình
Và còn bởi, tình dục là một vấn đề rất đời thường và luôn luôn hiện diện trong cuộc sống của con người nhưng đã mấy ai trung thực không màu mè nói ra chuyện ấy. Mấy ai được như Ngân, thẳng thắn thừa nhận với cụ Bống rằng, Sướng con trai cụ đã làm chuyện ấy với mình, rồi nhìn xuống cái bụng đang mang hình hài đứa cháu nội của cụ.
Vì vậy, “CÔ” SƯỚNG CƯỚI VỢ không chỉ đầy ắp tiếng cười vui mà còn rất đẹp tính nhân văn. Tác phẩm vừa miêu tả thực cuộc sống thực của con người vừa vun vào cho khát vọng hạnh phúc của họ, tán thưởng và biểu thị niềm vui, sự yêu mến với họ. Tác phẩm cũng không quên phê phán những cái xấu có thể phá vỡ hạnh phúc tự do vốn có của con người. Đó không chỉ là cái xấu của một số người như cụ Vân luôn tỏ ra khinh bỉ, miệt thị cay nghiệt một người như “cô” Sướng mà ngay cả Sướng cũng phải lãnh một phần sự phê bình nhẹ nhàng vì đã để cho cái dị tính trong anh phát triển quá đà, nếu không được Ngân đưa vào cái đêm định mệnh ấy đưa Sướng về với đời thực của mình thì không biết số phận đời anh sẽ ra sao?
Khi gửi cho tôi truyện ngắn “CÔ” SƯỚNG CƯỚI VỢ, nhà văn Đặng Xuân Xuyến nói với tôi về tác phẩm của anh: “Cháu viết cũng vội nên chất lượng không được như ý”.
Nhưng, ngoại trừ hai tiếng tiểu tiện tao nhã quá, tôi thấy đây là một truyện ngắn hay, rất đáng đọc.