NGUYỄN CẨM THY

 
Bâng Khuâng
Tháng Chạp
 
Tháng Chạp. Tháng cuối cùng của một năm dài, tất bật với bao chuyện buồn vui cuộc sống. Tháng để mình nghĩ nhiều về những chuyện đã qua trong suốt chuổi ngày dài, là tháng cho ta ấp ôm thêm nhiều dự định cho năm mới sắp sang. Bởi thế cho nên mỗi bận tháng Chạp về lại đan cài vào lòng người ta biết bao niềm xúc cảm.
 
Tháng Chạp về bằng những ngọn gió se se lạnh và những tia nắng hồng ấm áp mang hơi thở mùa xuân. Những vạt hoa ai trồng một sáng xanhlên với những chiếc lá non mơn mởn như đã đợi chờ tháng Chạp về từ lâu lắm.
 
Tháng Chạp có bước chân ai xuôi ngược về nhà, giũ bỏ những bụi đường xa ngái. Bàn tay con gái chăm chỉ quét dọn vườn nhà, giặt những mảnh chăn bông vắt lên sào hứng nắng mùi xuân để tối vào nhà còn thơm nồng mùi nắng. Tờ lịch đỏ được treo lên trong nhà như thúc giục nhịp phách thời gian vào những ngày cuối năm thêm tất bật rộn ràng mà cũng lắm lo toan.
 
Để chuẩn bị cho cái Tết đủ đầy sau một năm dài nhiều vất vả, những ngày đầu tháng Chạp, trên ruộng mạ màu xanh ba phải hối hả cho xong một mùa cấy dặm để kịp về ngắm nghía, chăm coi từng gốc cây đã được uốn éo thành những hình thù như ghi dấu lại thời gian. Bên chung trà ấm thơm lừng trong đôi mắt xa xăm ba tôi lại nhớ về những cái Tết xưa bằng những câu chuyện kể cùng cháu bây giờ.
 
Vào những ngày cuối tháng Chạp, má thường bận bịu trong gian bếp với mùi mứt bánh, dưa cà, dưa kiệu... Mấy đứa con nít chạy tới chạy lui thêm rộn ràng tiếng cười tiếng nói. Đứa nào cũng hăm hở đợi chờ được áo quần xúng xính nôn nao về nội, về ngoại để chúc Tết ông bà. Đêm, ngày tháng Chạp như trôi nhanh hơn mà ta cứ muốn chần chừ níu lại. Như là bịn rịn vấn vương, tiếc thật nhiều những dự định dở dang.
 
Tháng Chạp như một đoản khúc thời gian đủ để mỗi người nhìn lại và đánh giá về những điều đã trải qua, đã nhận được trong suốt một năm dài trôi qua như chớp mắt. Mới thấy thời gian nhanh đến dường nào. Nhớ ngày ta xuôi ngược đường xa, nhớ ngày nào ta ngẫn ngơ với những miền đất lạ mà giờ đây ta đã về lại với quê nhà với cuộc sống giản dị bình yên.
 
Tháng Chạp cho ta được trở lại là chính mình, cho phép mình được thả lỏng, tận hưởng để chờ đón một năm mới sắp đến với bao kế hoạch, dự định đợi chờ ta phía trước. Phải chăng ta nên tự mình gấp lại những nỗi buồn vui của một năm để dang tay đón nhận bao điều đợi ta phía trước. Tháng Chạp –tháng của đoàn tụ, của yêu thương, tháng của niềm hạnh phúc.


Hạnh Phúc
Mùa Vu Lan
 
Tháng bảy âm lịch về, khi nắng vàng trải đều trên những mái nhà quê, gió lay những bông tràm sau nhà như những con sâu rượm vàng đang bò tắm nắng là lúc mẹ tôi loay hoay xay bột để chuẩn bị nấu chè, còn bà tôi lại qua chùa coi chuyện củi đuốc, để mừng mùa Vu lan báo hiếu.
 
Từ khi ba tôi bỏ đi, mẹ dẫn tôi về ở với ngoại, nhà ngoại gần chùa nên cứ sắp đến rằm hay những ngày lễ lớn thì tôi được bà và mẹ cho qua chùa chơi. Mùa vu lan năm    nào tôi cũng được bà và mẹ dắt đi qua chùa lễ phật. Tôi và mẹ được cài lên ngực áo một nụ hồng màu đỏ, đến khi bà ngoại mất thì nụ hồng trên áo của mẹ tôi là màu trắng bơ vơ. Đó là những mùa vu lan tôi thấy mẹ buồn. Mẹ hay nắm lấy bàn tay bé xíu của tôi dắt tôi bước lên những bậc thềm, nơi cửa phật.
 
Tôi thấy mình ấm nồng với nụ hồng màu đỏ, thấy bước chân mình thật vững vàng khi có mẹ cạnh bên. Nhưng có lẽ lúc ấy, mẹ tôi đang cảm thấy chơi vơi giữa dòng đời với màu hoa hồng trắng. Thời gian thấm thoát trôi nhanh, mỗi mùa vu lan tôi lại cùng mẹ đi lễ chùa. Mỗi năm tôi thấy mẹ tôi ngày một già hơn, mắt mẹ tôi đã mờ đục vì sương, và mái tóc xưa đã bạc màu, tay mẹ run run tựa vào tôi để bước lên những bậc thềm ngày trước mẹ dắt tôi đi. Bổng dưng tôi nghe lòng mình nhiều lo sợ.
 
Nhưng rồi một một ngày tôi đã đủ lớn, tôi có thể tự mình vượt qua những gió giông của cuộc sống thì mùa vu lan của tôi đã không còn có mẹ. Tôi cài hoa hồng màu trắng trên áo bước bơ vơ trong dòng người đang dâng hương khấn nguyện. Vóc dáng của một bà già tưởng chừng như dáng bà, dáng mẹ. Bà già với dáng người nhỏ thó mặc chiếc áo bà ba bạc màu, thành khấn dâng hương cúng Phật. Cái nắng sớm của mùa thu xuyên qua từng kẽ tóc trắng màu mây, tôi thấy rõ làn da nhăn nheo mỏng dính trên gương mặt bà và và đôi mắt hỏm sâu. Đôi mắt mờ mờ, nặng trĩu như có đám mây sắp mưa.
 
Đứng sau lưng bà tôi còn nghe mùi trầu thơm nồng ấm, như hơi thở của bà, của mẹ. Bà già chắp tay nguyện cầu cho những đứa con còn đang đâu đó xa xôi ở một miền Tổ quốc. Ai bảo vu lan chỉ có con cái cầu xin phước lành cho cha mẹ, đôi khi có những bà mẹ đang lặng lẽ xin những bình an cho con mình. Nhìn thấy bà, tôi như thấy sự tảo tần của mẹ ngày xưa, tôi chợt muốn ôm bà một cái để cho lòng bà thêm ấm và để lòng tôi bớt bơ vơ.
 
Tôi nhận ra giữa cuộc đời này, trong muôn vạn tình thương thì tình thương của cha mẹ là mênh mông nhất, rộng lớn nhất. Nhưng sao ba tôi nỡ bỏ mẹ con tôi đi biền biệt vậy không biết? Nhớ mẹ, nhớ tưổi thơ mình thì tôi cảm thấy giận ba. Tôi một mình bơ vơ trong dòng người dâng hương lễ phật, nụ hoa màu trắng trên ngực áo làm tôi cảm thấy lạc loài vì mất đi những vòng tay che chở, mất đi những hơi ấm của mẹ cha.
 
Trong dòng người đang khấn nguyện thành tâm thì có một cậu bé chạng chừng gần mười tuổi, em bối rối vì em không biết cài hoa màu nào lên ngực áo. Tôi cứ tưởng em chưa biết ý nghĩa từng màu hoa nên tôi nhẹ nhàng đến bên và giải thích cho em. Nhưng em cuối đầu rồi chầm chậm nói với tôi, “em biết ý nghĩa những màu hoa, nhưng em không biết cha mẹ của mình”. Câu nói ngại ngùng, ấp úng, lí nhí của em rơi vào lòng tôi nhưng một giọt nước dường như đã đọng trĩu lâu ngày chực chờ rơi xuống, chạm một tiếng “tách” vỡ òa ở đáy ly.
 
Tôi nín lặng, là tôi đang chơi vơi vì nụ hồng màu trắng trên ngực mình hay sự chơi vơi giữa đời của em làm tôi không ngăn nỗi giọt nước mắt của mình. Tôi tự hỏi mình, nếu tôi là em thì tôi sẽ chọn màu hoa nào để cài lên ngực áo, hay tôi sẽ khóc òa òa để ngực áo trống trơn? Tôi cũng không biết nữa. Rồi em quay lại nhìn tôi bằng ánh nhìn vui vẽ lạc quan, đầy tin, yêu và hy vọng. Em mĩm cười cài lên ngực mình nụ hoa đỏ thắm, em nói “em mong cha mẹ em vẫn còn sống, em mong họ được hạnh phúc, bình an, có như thế thì họ mới có thể đi tìm em được!”
 
Nụ cười rạng rở trên đôi môi của em như những tia nắng ban mai sưởi ấm lại tâm hồn teo héo của tôi với những ý nghĩ trách hờn rằng “sao người ta có thể bỏ rơi con mình, để nó bơ vơ, cơ cực như thế nhỉ? Sao họ ác thế nhỉ? Như ba tôi, sao Người bỏ tôi thành một đứa trẻ mồ côi cha từ nhỏ…” Nhưng tôi chợt nhớ ra giữa cuộc đời cần có những thứ tha, phận làm con cái đôi khi phải biết thứ tha cho những lỗi lầm người lớn. Bổng nhiên, tôi không còn giận ba nữa, cũng không trách ông về những
chuyện ngày xưa.
 
Mùa vu lan trong tôi lại ngập tràn hạnh phúc. Tôi vẫn cầu mong cho bà, cho mẹ được thanh thản, bình yên và mong cho ba tôi mãi được bình an dù ông còn ở đâu đó dù là xôi và tôi sẽ đi tìm lại ba mình.
 

 



  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Cẩm Thy