NGUYỄN CẨM THY
Bông Ô Môi
Bông Ô Môi
Có một loài hoa thân to như cổ thụ, tự vươn mình lớn lên cạnh bờ ao, dưới mé sông hay ở một góc vườn. Vốn là loài hoa rừng hoang dại, nên chúng thường mọc lẻ loi một mình, trầm mặc với thời gian. Vậy mà, cứ mỗi độ vào tháng ba, tháng tư, khi cái nắng phương nam nồng nàn trên mọi nẻo đường quê, loài hoa ấy bỗng khoác lên mình chiếc áo cô dâu màu tím hồng rực rở một góc trời quê, để ai đó đi xa là vấn vương, lưu luyến màu của từng cánh Ô môi!
Nếu như ai đó đã từng ngây ngất trước vẻ đẹp kiêu sa của anh đào, như say lòng với cô gái thị thành kiều diễm, thì bông ô môi sẽ giữ lòng ai với nét đẹp dịu dàng như cô gái miền quê không quen son phấn. Có lẽ bông ô môi vốn sinh ra ở miền quê dân dã nên hoa nở, hoa tàn cũng nhẹ nhàng theo từng độ mùa qua. Cũng như người con gái thôn quê lớn cùng những mùa bông ô môi, để một hôm bỗng trở thành thiếu nữ, đôi má ửng hồng như màu thắm cánh hoa xinh.
Có không ít người tuổi thơ lớn lên dưới gốc ô môi già. Những kỉ niệm ngày xưa tưởng chừng sẽ theo dòng thời gian mờ nhạt, nhưng những kỉ niệm của lứa tuổi đầu đời thì đâu dễ lãng quên. “Anh se kết vòng ô môi đỏ thắm / Ngỡ hoa đào xứ lạnh của mộng mơ / Hoa miền tây chân chất vẻ ngây thơ / Khoe sắc thắm như má hồng thiếu nữ” (Vòng hoa ô môi - Nam Mai).
Tuổi nhỏ những đứa trẻ quê tôi hay chơi trò đóng giả làm cô dâu chú rể. Có ai đó đã nhặt từng cánh ô môi đỏ thắm kết thành vòng hoa cho cô bé nhà bên đội đầu làm cô dâu xinh xắn. Cứ ngỡ ô môi giản dị như cô gái bưng biền sinh ra chỉ dành cho những chàng trai thôn dã. Nhưng vốn dĩ cao xanh hay bày cảnh lá lay, trêu đùa những kẻ si tình.
Chỉ là trò chơi thuở bé vậy mà có kẻ đem lòng mong ước xa xôi, rồi đem cả màu hoa thương nhớ vào thơ, vào nhạc. “Bông ô môi tím hồng tê tái / Lòng ước gì ta vẫn mãi tuổi thơ / Nhìn màu hoa lòng vẫn cứ thẩn thờ / Thời hoa mộng bây giờ còn đâu nữa / Bông ô môi nhớ chuyện tình hai đứa / Kết trên đầu em hứa mãi chờ nhau / Bao nhiêu năm hoa chẳng đổi thay màu / Mà tình ấy xa nhau từ mấy độ” (Màu hoa nhớ - Thanh Tùng).
Đối với con người chúng ta, ai rồi cũng sẽ thay đổi theo dòng thời gian. Nhưng có những thứ thuộc về tình cảm, thuộc về miền kí ức tươi màu… thì dẫu có xa mùa thì cũng rất khó lãng quên. Tôi đi xa nhưng vẫn nhớ hoài rặng ô môi già dưới bến sông trước nhà. Gió thổi, cánh hoa rơi phủ hồng mặt nước. Mùa sang cũng là lúc từng trái ô môi già đổi màu treo mình lủng lẳng cho trẻ con háo hức niềm vui. Cũng nơi gốc ô môi già ấy, bà mắc võng cho tôi ngủ giấc trưa hè. Nơi đó, má tôi hay ngồi vá áo. Nơi đó, ba tôi hay tắm gội sau những bận đi đồng về. Nơi đó, chị hay ngồi róc ô môi, mấy đứa em nhỏ ngồi bên chờ phần cười thút thít.
Có lẽ vì trái ô môi già có màu đen, bên trong thịt cũng màu đen nên người ta gọi là ô môi. Bởi ô là đen, còn môi là thịt. Mùa ô môi chín rộ, từng trái ô môi đen dài, trái cong, trái thẳng đong đưa trong nắng gió. Con nít nhà quê luôn dòm ngó những trái ô môi chín trong sự thèm thuồng. Bởi đó là một món ngon mà ông trời ban tặng riêng cho những đứa trẻ lớn lên từ chốn quê nghèo. Cái hương vị nồng nàn của từng miếng ô môi tuy đen đúa mà ngọt ngào khác lạ.
Người ra đi vạn dặm, thưởng thức bao nhiêu món ngon, món lạ trên vạn nẻo sông hồ, vậy mà nhớ cái mùi hăng hẳng, ngòn ngọt, bùi bùi của ô môi mà cay xòe khóe mắt. Ăn ô môi thì phải róc hai bên hông trái, chừa lại hai đường gân cứng để xô cho từng múi ô môi mềm ra, dễ gở. Con nít thì khoái khẩu ăn chơi, nguời già thì ngâm rượu làm thuốc. Nghĩa tình ô môi là vậy. Chẳng đợi chờ công ai vun trồng chăm sóc, ô môi tự lớn, tự trưởng thành, tự dâng cho người quả ngọt hoa thơm.
Dòng thời gian vẫn mãi hoài trôi về một phía, trên mãnh đất quê xưa đã nhiều nét đổi thay. Vậy mà, cội ô mô già vẫn chơ vơ rực sắc hồng, vẫn cho đời nhiều trái và như vẫn chung thủy đợi chờ, như tiếng lòng nức nở của một ai “Tuổi xuân đi qua theo tháng năm trầm mặc / Nghèn nghẹn nỗi lòng se thắt cánh hoa trôi / Từng cánh hoa đời / Từng khát vọng xa xôi / Mỗi mùa ô môi có một người thương nhớ” (Chuyện tình ô môi - Phú sĩ).
Nguyễn Cẩm Thy