NGUYỄN CẨM THY
Đám Giỗ
Đám Giỗ
Chẳng biết tự khi nào mà người dân quê tôi từ bao đời nay luôn có phong tục cúng đám giỗ hay còn gọi là đám cúng cơm. Ở quê, hình như nhà nào cũng có đám giỗ, có nhà một năm có đến 2 hoặc 3 đám giỗ, bàn thờ đến hai ba cái lư hương. “Con người có tổ có tong / Như cây có cội như, sông có nguồn.” Đám giỗ là dịp để con cháu các nơi cùng nhau quay về nhà thờ tự để cúng kiến ông bà tổ tiên. Lúc nào không khí đám giỗ cũng rộn ràng tiếng nói cười, tiếng dao thớt, mùi nhang thơm bảng lảng quyện với hương hoa quả tạo thành một nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc nơi miền quê sông nước.
Tôi còn nhớ hồi nhỏ, năm nào má cũng cũng chở chị em tôi về nhà cậu để cúng giỗ. Trên chiếc xuồng ba lá, tôi ngồi cùng với mấy con vịt, vài trái dừa khô, một hai quài chuối chín bói mà được má để dành từ mấy tháng trước. (???) Cứ hễ gần đến ngày giỗ ngoại, khi chuối mới rụng bông, má nói “Hỗng biết quày chuối này có chín kịp đám giỗ ngoại?” Khi đàn vịt con vừa mới nở, kêu chíp chíp trong vườn, má nói “Vái cho bầy vịt này mau lớn dành đám giỗ ngoại.”
Hình như, ngày đám giỗ ngoại được má chuẩn bị từ rất sớm. Đến ngày đám giỗ, má đưa tôi về cậu, bởi vì cậu tôi ở chung với ngoại. Cậu là con trai lớn của ngoại, là người kế tự, tiếp nối việc cúng kiến ông bà. Trước ngày cúng chánh một ngày là ngày tiên thường. Đám giỗ vui nhất là ngày tiên thường nầy. Mấy dì, mấy cậu tôi đều về đông đủ, ai cũng có dẫn theo con của mình.
Đó là những anh chị em, cô cậu, bạn dì của tôi, mỗi năm thường gặp nhau vào dịp cúng kiến ông bà. Người lớn thì bắt tay vào làm công chuyện dưới bếp, như gói bánh tét, bánh ít, làm vịt, làm gà. Con nít hồ hởi, lăng xăng nô đùa, ra vườn tìm trái chín. Vườn nhà ngoại tôi rộng lắm, có nhiều loại trái cây ngoại tôi trồng khi còn sống. Chắc ngoại cũng chuẩn bị cho đám cháu nhỏ sau này, mỗi lần về là có trái chín để ăn.
Đám giỗ ngoại không những có con cháu về đông vui mà còn có nhiều cô bác ở xóm đến dự. Người dân miền tây đi đám giỗ, chẳng ai đi tay không. Nếu phụ nữ đi thì cũng là bọc trái cây, cái giò heo, ít chục trứng. Nhà ai có gà, có vịt thì lại đem sang gửi gia chủ cúng đám giỗ. Còn các ông đi đám thì thế nào xách theo rượu nếp, rượu thuốc, rượu đế… để trước thì rót cúng người khuất, sau thì mấy bác lai rai. Những điều đó như cái luật bất thành văn mà kết chặt thêm tình làng nghĩa xóm với nhau.
Ngày cúng chánh, trên nhà trước, các mâm cỗ tươm tất đủ đầy được dọn lên. Thường mỗi gia đình sẽ cúng ba mâm, người con trai trưởng sẽ đảm nhiệm vai trò khấn vái. Nhang được thắp lên, tuần rượu đầu tiên rót vào ly. Trước hết là mâm đất đai dương trạch, chỗ ăn, chỗ ở. Câu khấn thường là mời các bậc tiền nhân đã khai hoang mở cõi cho vùng đất này, nhân ngày giỗ cúng cơm mời các vị về dung bữa, gia hộ cho gia đình làm ăn tấn tới, mọi việc suông sẻ, hanh thông.
Sau đó là mâm cơm bàn thờ tổ tiên, rồi đến mâm cơm cúng chiến sĩ. Mâm cơm cúng chiến sỹ là mâm cơm để tưởng công ơn những người nằm xuống vì màu cờ sắc áo… Không khí trở nên trang nghiêm, thành kính, khi khói hương nghi ngút, cho ta có cảm giác như quá khứ, hiện tại hoà quyện vào nhau và hình bóng người đã khuất cũng đang về vui vầy với người còn sống. Hết tuần rượu, đến tuần trà, khi ấy nhang đã gần tàn thì sẽ lui nhang, rượu và trà được rưới xuống đất. Nghi lễ cúng kiến kết thúc.
Mâm cỗ được dọn xuống, thường thì cánh đàn ông chọn địa điểm ngoài trời dưới bóng cây mát rượi để thoải mái hơn. Còn các dì, các chị ngồi ở bộ ván ngựa lớn vừa ăn cơm vừa nói chuyện. Đám trẻ con chúng tôi thì mỗi đứa bưng một cái tô, vừa ăn vừa giỡn. Thỉnh thoảng có đứa nghịch phá bị la. Đứa nào bị la rầy thì chịu, coi như đứa ấy bị xui. Mà con nít chúng tôi thà chịu xui để có những tiếng cười giòn giã.
Khi ăn cơm xong mọi người ra về là lúc mợ tôi xách đòn bánh, ít trái cây, khi thì những món ăn được cho vào bọc kỉ càng gửi về nhà cho đám nhỏ. Vậy đó, mọi người thêm tình thân thiết. Đó cũng là thứ quà quê mà ngày xưa bọn trẻ con rất thích, rất mê và chờ đợi mỗi khi có người nhà đi ăn đám giỗ về. Thứ quà đơn sơ, bình dị mà rất ngon lành vì nó mang đậm tình người quê chân chất.
Ngày nay, đám giỗ ở vài nơi có phần khác đi nhiều so với đám giỗ quê ngày cũ. Đôi khi người ta đi đám giỗ bằng tiền, bằng những thùng bia… Tuy nhiên, với vùng nông thôn miền tây, dẫu có hòa vào nhịp sống hiện đại đến đâu, thì nét truyền thống đám cúng cơm vẫn luôn được gìn giữ. Ngày đám giỗ như nhắc nhở con cháu luôn nhớ đến nguồn cội. Và vẫn còn đó các dì, các mẹ, họ luôn chuẩn bị cho đám giỗ cúng ông bà từ những ngày còn rất sớm!
Nguyễn Cẩm Thy