NGUYỄN CẨM THY
Giăng Câu Đêm
Giăng Câu Đêm
Hàng năm khi những ngọn gió chướng bắt đầu thổi mạnh, ngoài đồng con nước vẫn đang độ dềnh dàng, trắng xóa mênh mông. Lòng tôi lại nhớ về tuổi thơ mình được phiêu du cùng ba trên chiếc xuồng ba lá ra đồng giăng câu vào những đêm trăng sáng.
Tôi thích nhất là những mùa gió cuối năm. Những ngọn gió lành lạnh mơn man bấu vào da thịt. Những đêm trăng sáng vằng vặt, cánh đồng trước nhà ắp đầy con nước. Trong màn đêm tĩnh mịch tôi miên man thả hồn với ruộng sâu đồng rộng. Ánh trăng sáng vằng vặc trên cao soi một dòng lấp lánh trải rộng sáng như ánh vàng chạy dài, xa tít, mênh mông.
Trên chiếc xuồng ba lá nhỏ chòng chành, tôi luôn dành ngồi trước mũi để nghe gió vờn qua tóc, để thấy hết ánh trăng huyền hoặc mông lung. Tiếng nước vỗ óc ách vào hai bên mạn xuồng nghe đều đều êm tai lắm. Ba tôi vừa chống xuồng vừa móc mồi thả câu. Xa xa trên vạt đồng mênh mông luôn có những chiếc đèn đỏ ối, đó cũng là những chiếc xuồng giăng câu khác.
Mùa nước tràn đồng, người dân quê tôi cũng bắt đầu với cuộc mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá. Nhưng có lẽ trong tất cả cá loại đánh bắt như chài cá, thả lờ, đặt dớn, giăng lưới… thì giăng câu là loại hình tao nhã nhất. Bởi, giăng câu rất nhàn, chỉ cần móc mồi vào lưỡi câu rồi thả xuống nước là xong. Mấy con cá cắn câu luôn là những con cá lớn ham mồi. Có khi vừa thả xong, chống xuồng đi một đoạn rồi quay lại thì đã có con dính câu.
Sau khi thả câu xong, mấy chiếc xuồng câu rủ nhau neo lại trên triền đê. Trên xuồng bác nào cũng có ấm trà nóng và đôi khi là một hai xị rượu. Cứ vậy mà uống trà nói chuyên mùa màng, có khi là những câu chuyện ngày xưa. Hôm nào cao hứng, thì các bác nhóm lửa nướng vài ba con cá nhâm nhi vài ly rượu đế, hát vọng cổ nghe mùi tai. Dù nghe hát vọng cổ, hay nghe chuyện đời xưa thì cái nào tôi cũng thích. Bởi thế mới thấy những nguời nông dân chất phác, tay lấm chân bùn họ cũng có những thú vui nhàn nhã, rất riêng biệt, rất đậm tình người nghĩa đất.
Và, cũng qua những câu chuyện họ kể lại cùng nhau tôi mới biết rằng, những cái ao, cái đìa hình dáng lạ thường kia là do bom dội mà thành. Những cái cây to lớn đại thụ tật nguyền ở đầu thôn cuối xóm, người ta đồn hay có ma là do cây hiên ngang, sừng sững chắn bom che đạn. Rồi dưới gốc cây đó có máu chảy, có nước mắt rơi, có người ngã xuống…
Tôi đã học rất nhiều từ những câu chuyện giản dị mà hào hùng ấy. Dẫu tôi chưa đọc nhiều từng trang lịch sử, nhưng đủ tự hào về thế hệ cha ông. Đến những lớp người sau là những kiếp người chịu thương, chịu khó, những bàn tay cần mẫn khai phá, cải tạo những mảnh đất hoang sơ, lung phèn thành những vạt đồng phẳng phiu rộng lớn như bác, như ba. Những con người ấy dẫu đọc chữ chưa tròn, chữ viết còn rung tay không tròn trịa nhưng xứng đáng để được ghi tên sách vở, xứng đáng để đám con cháu tôi chúng bây giờ cung kính cúi đầu.
Cuộc chuyện trò kéo dài đến giữa khuya, câu chuyện đôi khi còn dang dỡ, mọi người lại lên xuồng bơi đi thăm câu. Càng về khuya, gió thổi càng lớn hơn nhưng chưa bao giờ tôi thấy lạnh. Mỗi chuyến giăng câu đêm của ba nếu ít cá thì cũng cho bửa cơm gia đình được đầy đủ hơn. Nếu hôm nào bội thu cá nhiều thì má tôi lại mang ra chợ bán, để có thêm tiền trang trải sinh hoạt gia đình.
Ngày nay, dẫu nếp sống thành thị có lan tỏa một phần vào cuộc sống miền quê, những mùa gió về mang theo con nước trên những vạt đồng rộng lớn vẫn còn đó những chiếc xuồng đi giăng câu mỗi tối. Thỉnh thoảng, tôi vẫn cùng ba đi giăng câu đêm, để nghe gió thổi, nghe vọng cổ và nghe những câu chuyện được bắt đầu từ hai tiếng “Ngày xưa…”
Nguyễn Cẩm Thy
[Sóc Trăng]