NGUYỄN CẨM THY
Mùa Khô Hạn
Mùa Khô Hạn
“Quê em hai mùa mưa nắng/ Hai thôn nghèo nối liền bờ đê/ Từng lũy tre xanh nghiêng nghiêng chiều hè/ Như bức tranh nghèo tình quê đậm đà” (Gợi nhớ quê hương - Thanh Sơn). Những giai điệu vu vương của bài hát Gợi nhớ quê hương, một sáng tác của nhạc sĩ Thanh Sơn đã phần nào cho ta biết tiết trời miền tây quanh năm chỉ hai mùa mưa - nắng. Hết một mùa mưa lũ, mưa dầm, những ngày gió chướng về thời tiết dần hanh khô, và sau cái tết là mùa khô hạn.
Mùa khô hạn ở phương nam bắt đầu khi mùa gặt hái đã xong. Trên đồng trơ trơ gốc rạ, mùi rơm chín bay lên thơm nồng nỗi nhớ. Nắng gay gắt. Gió hắt vào người cơn nóng rát của tháng giêng, tháng hai hừng hực. Con nước dưới sông vơi dần, mấy cái ao sau nhà dần cạn nước, mấy con mương nhỏ cũng cạn queo, nước dần biến đi đâu mất. Cá lớn chui vào hang trú ẩn, còn đám cá con tranh nhau trượt xuống mấy vủng bùn còn hơi nước, thế là đám con trai trong xóm rủ nhau đi bắt cá cạn. Mấy đứa con gái ngồi trên bờ, bẻ lá che đầu háo hức xem ai bắt được nhiều cá hơn, Thỉnh thoảng, còn ra điều hiểu biết bày cách cho mấy anh con trai bắt cá lớn. Cứ hễ đứa nào bắt được một chú cá lớn, cả đám sung sướng reo lên, con cá dính đầy bùn, cố vẩy chiếc đuôi thật mạnh, bùn văng vào mặt, vào người. Từng giọt phù sa quê hương lắng đọng nghĩa tình. Sau một ngày lặn lội, thì đám con nít cũng được bù đắp món cá nướng chui ngon lành. Tuy giản dị nhưng đủ luyến lưu cả vùng trời kí ức…
Mùa khô hạn tưởng chừng như một mùa vô cùng khó khăn bởi chẳng thể chăn nuôi hay trồng trọt. Nhưng người dân quê tôi hay lắm, họ luôn sống theo một cách tự nhiên mà ông trời sắp đặt. Mùa khô hạn cũng có những sản vật riêng mà ông trời ban tặng cho con người. Mùa khô hạn, ba tôi cùng các bác rủ nhau ra đồng tìm những gò đất cao để bắt chuột. Chuột đồng cũng là một món ngon dân dã của nông thôn miền tây. Các bác nông dân mình hay lắm, như đã có kinh nghiệm từ đời này sang đời khác nên các bác chỉ cần nhìn sơ qua là biết nơi nào có hang ổ của của chuột đồng. Mấy chú chó trong nhà cũng rất tinh ý, cứ hễ thấy mấy ông đi ra đồng là chúng cũng hăng hái chạy theo. Mỗi lần đi bắt chuột, thì các chú chó cũng có công rất to. Sau vài lần đi bắt, chúng được chỉ dạy, huấn luyện nên con nào cũng trở thành những kẻ săn chuột rất tài tình. Chuột đồng mùa khô hạn rất mập mạp, nhiều mỡ, lông óng ánh sợi vàng. Ba tôi và con Đốm sau một cuộc săn chuột về, nhà tôi được một bửa ngon. Thường là món chuột khìa nước dừa, chuột xào cari, chuột nướng rơm. Miền tây sản vật thiên nhiên cho không nhiều, nhưng đủ để nuôi nấng, đùm bọc những người dân nghèo có bàn tay cần mẫn, có tấm lưng chịu được gian lao, có khối óc sáng tạo, biết khai thác những những gì thiên nhiên ban tặng.
Mùa khô hạn, người dân quê tôi tranh thủ làm rất nhiều việc để chuẩn bị cho mùa mưa xuống. Ba má tranh thủ lợp lại mái nhà, sửa lại cái chái nấu cơm đã nghiêng mình xiu vẹo sau một năm dài mưa nắng. Ông trời cũng hay lắm, ông cho thời gian để người ta chuẩn bị xong hết rồi ổng mới cho hạt mưa rơi. Má biểu mấy chị em ra vườn quơ củi, róc lá dừa bó lại thành từng bó dành để nấu nướng cho những ngày mưa. Củi vườn nhà khi bén lửa, cháy nghe lắc rắc vui tai lắm, khói thơm thơm cái mùi giản dị của quê hương. Mấy chị em tôi dưới cái nắng tháng giêng, tháng hai đứa nào cũng đen nhèm, đen nhẻm, tóc hanh hanh vàng cháy ngọn. Tuổi thơ tôi lớn lên cũng từ những mùa khô hạn, từ những điều ba má dạy hàng ngày, phải biết tận dụng, tiết kiệm với những gì mình thiên nhiên ban cho. Quê dẫu có nghèo, nhưng mình biết sống thể nào rồi mình cũng khá lên. Hoàn cảnh có khó nghèo, mình phải biết ít muốn thì tự nhiên mình sẽ được đủ đầy.
Mùa khô hạn, hàng năm vẫn giản dị, đơn sơ như thế. Vẫn cái nắng oi nức mà nồng nàng với bao hương vị quê hương. Con người vẫn thế dẫu thời gian làm cho họ lớn lên hay già yếu thì nếp sống quê xưa vẫn còn nguyên vẹn. Lớp người trước dạy lại lớp người sau, cứ thế truyền nhau cách sống “mùa nào thức ấy”. Ba má tôi giờ đây cũng một phần già hơn. Má dẫn đứa cháu ngoại lom khom sau vườn nhặt nhạnh củi khô, hai bà cháu chuyện trò điều gì đó, thể nào má cũng dạy cho con tôi những điều như ngày trước má dạy chúng tôi. Ba ngồi uống trà nói chuyện với mấy anh thợ đang sửa mái nhà. Trong bếp, tôi nghe mùi khói quen quen, tiếng lửa kêu lắc rắc, mùi thơm của cá nướng, chuột khìa làm tôi nghe đói bụng.
Lại nhớ những ngày xưa!