NGUYỄN CẨM THY
Mùa Ổi Chín
Mùa Ổi Chín
Những ngọn gió mùa thu đã bắt đầu hiu hiu trở ngọn. Một sớm ra vườn, thoảng nghe mùi hương quen thuộc, lòng như chùng lại bởi những vần thơ của Hữu Thỉnh “Bỗng nhận ra hương ổi / Phả vào trong gió se / Sương chùng chình qua ngõ / Hình như thu đã về…”
Thu về mang theo hương thơm dịu dàng của ổi chín! Thu về vườn nhà tôi thơm lừng hương ổi, lại thấy nhớ bà tôi. Bà đã về phố sống với bác tôi cả chục năm nhưng mỗi độ thu về, bà lại gọi điện về hỏi thăm vườn nhà ổi đã chín chưa. Người ta sống ở phố thường không mấy quan tâm thứ trái cây đơn giản rẻ tiền như ổi, nhưng với bà tôi thì mùa ổi chín lại là mùa kỉ niệm.
Bà tôi vẫn thường khen ổi chín ruột đỏ hồng đẹp như má của cô gái tuổi vừa yêu, giống màu áo cưới cô dâu duyên dáng. Bà tôi kể hồi đó, ông cưới bà về cũng ngay mùa ổi chin. Đám cưới nghèo, cô bác cắn trái ổi chín làm vui. Đến khi có bầu cô Hai bà thèm chua, thèm chát thì chạy ra vườn tìm trái ổi là ngon. Đêm bà ngủ trong nhà nghe dơi ăn ổi chín rớt lịch bịch ngoài hè, hương thơm len lõi vào tận mùng. Có lẽ vì thế, mà đến khi bà tôi đã bảy mươi tuổi vẫn không quên hương vị ngọt ngào ổi chín.
Tôi thầm nghĩ mà thương cho bà, cho mẹ, những người phụ nữ thôn quê một đời nghèo khó. Những lúc khát lòng chỉ thèm trái ổi chát, ổi chua, vậy mà nuôi biết bao đứa con quê khôn lớn. Những đứa trẻ quê ngày ấy lớn lên bởi dòng sữa mẹ ngọt ngào mang hương vị của quê hương. Rồi mỗi khi đứa con nào bị bệnh, thì nồi nước xông có lá ổi sẽ giúp con mau khỏe lại, mùi lá ổi cũng từ ấy mà quen.
Ổi vẫn bao năm bền chặt với mảnh đất khó nghèo của quê hương mà lớn, rồi đươm hoa kết trái. Hoa ổi trắng ngần, những cánh mỏng cong cong, nhụy ổi từng sợi mỏng manh theo từng làn gió đưa chút hương thầm bảng lảng thu hút bướm ong về lấy mật. Thương những lần con nít tranh nhau “xí” những chùm ổi chờ chua, thương những bận sớm mai ra vườn nghe hương ổi quyện vào cơn gió mùa thu vừa đến.
Thu lại về, mùa ổi chín như hẹn, tỏa hương quanh mái nhà xưa cũ. Má vẫn để dành chùm ổi chín thơm ngon cho Nội. Má nói nội ưa ổi chín lắm, tuy bây giờ ổi được bán nhiều ở chợ, mùa nào cũng có, có những loại ổi không hạt, ăn giòn, nhưng kiếm không ra hương ổi chín ở quê nhà. Mùa thu này, tôi không còn thấy cái miệng móm mém của bà cắn miếng thịt ổi chín nữa. Chỉ có khói hương bảng lảng bên chùm ổi chín đầu mùa được má đặt trên bàn thờ của Nội. Vậy là mà bà tôi lại về với ông vào mùa ổi chín như xưa.
Mùa Gòn
Quê tôi nhà nào cũng có cây gòn. Con nít lớn lên đã thấy những tán gòn bên bờ ao bến nước. Không biết tự thuở nào cây gòn đã hiện diện với cuộc sống người dân quê như một người bạn thân thiết, để rồi hễ có ai đi xa loáng thoáng bắt gặp hình ảnh cây gòn đâu đó lại bồn chồn nhớ quê tha thiết.
Gòn là loại cây hoang tạp, tự sinh, tự lớn không cần sự quan tâm chăm sóc. Gòn hiện hữu giữa đời sống người dân quê tôi một cách bình thường và giản dị đến mức tưởng chừng như không ý nghĩa. Nhưng nếu một ngày nhìn lại, mới thấythương sao những cây gòn âm thầm, lặng lẽ với thời gian sống giữ bờ giữ đất. Những cây gòn già, thân to nhưng gỗ gòn lại xốp nên chẳng thể mang làm kèo, làm cột, người ta đành đem ra sau nhà làm nhịp cầu nối những mương rãnh. Nhờ những nhịp cầu ấy mà nhà bên này dễ sang nhà bên ấy, khi cho tô chè, khi cho quày chuối, lọn rau... Người ta quên đi những bờ mương ngăn cách. Tình làng nghĩa xóm càng thêm khắn khít.
Đến mùa gòn ra trái là những tháng cuối năm. Khi ấy, người ta chỉ loay hoay chăm mẫm vườn nhà, chậu mai, chậu cúc... mà ít ai để ý để những trái gòn non lủng lẳng trên cành. Qua tết, mùa nắng khô hanh, cũng là lúc ta chợt giật mình nhìn thấy cây gòn ngoài bờ ao đã trơ trọi lá, chỉ toàn là trái. Những trái gòn thon dài bằng cườm tay con nít theo gió đung đưa. Vẫn nhớ câu nói xưa của má “tại cây gòn nuôi nhiều trái nên phải rụng bớt lá đi.” Tuổi thơ ta chưa biết nghĩ nhiều, lớn rồi mới nhận ra đời gòn cũng như đời má. Bao năm gòng gánh, vắt cả sức lực để nuôi đám con nghèo, nghĩ ra rồi khóe mắt thấy cay cay.
Tôi thương thật nhiều những mùa gòn chín. Những trái gòn khô lại, cong queo, vỏ gòn nứt ra để lộ những lọn bông trắng tinh như tuyết. Lại thấy má ngồi gở những lọn bông trắng ấy, con nít chỉ hớn hở chờ xin mấy cái vỏ gòn khô để chạy ra bờ ao chơi thả thuyền là vui nhất. Tuổi hồn nhiên vụt quên những mớ bông trắng để rồi vài hôm sau lại thấy trên giường có những cái gối thật êm khi gối đầu vẫn còn nghe thơm thơm mùi của nắng.
Rồi khi khách đến nhà, má mở tủ lấy ra những chiếc gối gòn ngay ngắn tinh tươm như thể má đã chuẩn bị sẳn sàng để đợi chờ khách đến. Lòng má cũng như lòng bao người dân quê hiền lành hiếu khách. Khách khen thì má cười “Nhờ cây gòn sau nhà năm nay sai trái nên có được mấy cái gối để dành.”
Còn nhớ ngày đám cưới chị, nhìn chị xách cặp gối gòn vuông vắn có hình hai con phụng về nhà chồng mà mắt má rưng rưng. Sau này má nhắc hoài “Tội nghiệp con Hai, hồi đó nó theo chồng, má chỉ cho được có cặp gối bông gòn.” Chị hai bây giờ về phố, nhà chị có đủ loại gối, nào là gối nệm, gối hơi cái nào cũng vừa to, vừa đẹp. Vậy mà tôi vẫn thấy chị nâng niu cất giữ cặp gối bông gòn má cho hồi trước như đang lưu giữ những kỷ niệm khó phai về má.
Nhớ ngày má mất, cũng là một ngày gòn đang chín, những chùm bông trắng chao chao trong gió như tiển đưa. Sau này mỗi năm giỗ má, chị tôi lại về ngồi gở những trái gòn chín y như má, chị nói đừng để những gòn bay lưu lạc, má buồn!