NGUYỄN CẨM THY
Muối Mặn Gừng Cay
Muối Mặn Gừng Cay
Hôm 14 tháng 2 ngày Lễ Tình Nhân. Trên những trang Facebook đăng đầy hình ảnh của đôi lứa yêu nhau. Họ bên nhau đi ăn uống, họ trao gửi cho nhau những bó hoa, những món quà thật ý nghĩa và giá trị.
Ngày nay, ngày lễ tình nhân được đa phần là giới trẻ hưởng ứng như một trào lưu. Còn với những người như cha mẹ, ông bà tôi thì khái niệm về ngày lễ tình yêu là hoàn toàn xa lạ. Mà có chăng họ được bên nhau từ nghĩa cau trầu, rồi tháng năm kết chặt với nhau bằng “muối mặn gừng cay!”
Tôi thích nghe kể về những câu chuyện ngày xưa. Những câu chuyện kể về thuở người dân quê tôi bắt đầu khai hoang mở đất, dựng dáng, tạo hình cho đất nước bây giờ. Và ngày đó cũng có những chàng trai cô gái yêu nhau và những mối tình ngày xưa, bây giờ con cháu chúng tôi nghe tưởng chừng là cổ tích.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng đã có những dòng thơ đầy triết luận mà trữ tình nói về sự bắt đầu câu chuyện từ thuở ngày xưa “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi. Đất Nước có trong những cái “ngày xửa, ngày xưa…” mẹ thường hay kể. Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn. Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc. Tóc mẹ bới sau đầu. Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn. Cái kèo, cái cột thành tên. Hạt gạo một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất nước có từ ngày đó.” (Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm).
Tôi thấy thấp thoáng hình ảnh của ba má mình trong những vần thơ ấy. Má tôi luôn kể về lúc ba má gặp nhau chỉ bằng đôi lá trầu xanh, hai quày cau nhỏ. Họ không được quen nhau, yêu nhau như tuổi trẻ của tôi bây giờ. Nhà ngoại vốn nghèo mà nhà nội cũng chẳng khá hơn. Lễ cưới đơn sơ với sự chứng kiến của họ hàng. Tài sản dành cho đôi vợ chồng trẻ mới cưới ra riêng là nửa công đất ruộng nội cho vừa phèn, vừa trũng.
Đất bạc màu chẳng thể gieo cấy được gì, nên ba đào lên một nửa thành nền, nửa kia thành đìa sâu chứa nước đón mùa cá lên. Trên cái nền đất mới “cái kèo cái cột thành tên.” Mái lá đơn sơ đủ che những ngày mưa nắng. Thỉnh thoảng gió lùa một ngọn vừa vào cửa trước, đã lọt thỏm ra cửa sau. Nhà tranh không cửa, không rèm nhưng lúc nào cũng luôn có một lu nước mưa mát ngọt để trước nhà đón khách.
Má tôi luôn kể về những ngày nắng cùng ba đi đào vỏ đạn, lượm vỏ bom mìn trên những vạt đồng hoang đem về đổi gạo. Mùa mưa thì đi chài cá, giăng lưới trên từng nhánh sông từ làng này qua làng khác. Mùa gặt thì đi gặt lúa mướn cho người ta từ sáng sớm đến chiều tối. Ba má chưa một lần nhắc về hai chữ tình yêu. Họ sống cạnh nhau bằng những ân tình. Ba bệnh thì má cạo gió, hái lá nấu nước xông. Khi má yếu ba chèo xuồng một hơi 20 cây số đưa má đi trạm xá. Má có bầu, đi đồng về ba lấy trong túi áo ra vài trái ổi chua cho má, dành cho má mấy con cá rô ngon.
Ba má đi cùng nhau suốt mấy mươi năm nghĩa vợ tình chồng, trọn tình, trọn đạo như câu ca dao ai hát “Tay bưng dĩa muối chấm gừng / Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau.” Họ chưa bao giờ tặng hoa, chưa bao giờ có một món quà nào. Nhưng ba má đã san sẽ cho nhau bao nỗi khó khăn và ngọt bùi như thể “cục muối cắn hai.” Vậy mà ba má đã đi hết những tháng ngày nghèo khó. Những bàn tay chưa bao giờ đeo nhẫn cưới, quanh năm chỉ biết khai khẩn ruộng đồng từ vùng đất phèn chua thành những thửa ruộng phù sa màu mỡ.
Người có tình, đất cũng không phụ nghĩa. Đất không trồng được loại cây quý, thì trồng mận, trồng dừa, trồng xoài cũng quả ngọt hoa thơm. Câu chuyện tình yêu từ những con người như thế đâu chỉ riêng ba má. Đó là câu chuyện tình của cả một lớp người đi trước chúng ta. Họ không hề biết về ngày lễ tình nhân nào cả. Chỉ sống và đối đãi nhau bằng tất cả tấm lòng thủy chung, nhân nghĩa. Để rồi đám con cháu của họ đứa nào cũng được bước vào giảng đường đại học. Trở thành những con người hữu ít cho xã hội.
Khi tuổi xế chiều, hai chiếc bóng cong cong vẫn đi cạnh nhau trong những buổi chiều tà nhưng nhân chứng cho mối tình già, khiến chúng ta phải thầm ngưỡng mộ những cuộc tình gừng cay muối mặn. Rồi đây, chẳng biết trong số các đôi nhân tình vui lễ tình nhân hôm nay sẽ được mấy đôi cùng nhau vui trọn ân tình theo đúng nghĩa “muối mặn gừng cay.”