NGUYỄN CẨM THY


Rau Đắng Đất Nấu Canh
 
Có một loài rau của hương đồng cỏ nội, cứ hễ sau một cơn mưa là chúng lại lên vươn mình cho mặt đất một màu xanh. Hạt giống đã ở sẳn trong lòng đất tự bao giờ, mà chẳng cần người gieo hạt, tưới nước, bón phân chúng cũng tự mình tươi tốt. Loài rau ấy dẫu có đi cả thành phố để tìm cũng chẳng có. Bởi lẽ chúng sinh ra vốn dĩ chỉ có thể thuộc về chốn quê nghèo, đồng ruộng. Nên từ hương vị cho đến tên gọi đã nói lên một phần của cuộc sống miền quê vốn nhiều khó khăn và thiếu thốn. Loài rau ấy giản dị với cái tên Rau Đắng Đất.
 
Ở quê, rau đắng đất là một loài rau mọc hoang dại. Rau đắng hiền lành, không kén đất, kén nơi. Rau thường mọc ven các triền đê, bờ ruộng, dưới mấy liếp bắp, giồng khoai… Rau đắng có mặt khắp nơi từ ngoài vườn vào đến chân hè. Rau chen chúc chồi lên dưới gốc mấy cây kiểng trước nhà. Rau đắng tự vươn mình tươi tốt chẳng cần bàn tay ai chăm sóc.
 
Thân rau đắng đất nhỏ, dẽo dai bò tỏa ra trên mặt đất. Lá rau đắng mỏng manh, thon dài. Mỗi khi rau đắng già nở ra những nụ hoa bé xíu xiu, li ti có màu trắng trắng trông thật xinh xắn. Rau Đắng bao đời nay kết chặt với người dân lam lũ. Có lẽ, rau đắng sinh ra đã được tạo hóa chọn cho mãnh đất quê nghèo để kết duyên. Nên dẫu thị thành có đủ đầy điều kiện và vật chất thì rau đắng vẫn bền bỉ thủy chung với những đất bạc màu.
 
Tôi nhớ một khung trời mùa hạ, thuở tóc cháy, da ngăm bởi cái nắng gió phương nam nồng nàn mà gay gắt. Má thường kêu tôi lấy rổ ra sau hè hái rau đắng đất cho má nấu buổi cơm chiều. Trời tháng hạn, ba đi tát mấy cái mương cạn nước quanh nhà cũng được ít cá lóc, cá rô. Vậy là một bửa cơm chiều có canh rau đắng nấu cá lóc đồng và ơ cá rô kho.
 
 Canh rau đắng thường tỏa một mùi thơm rất lạ. Thứ hương ấy chẳng thể lẫn lộn vào đâu. Đó là hương của nắng gió phương nam, hương của vùng nước ngọt đồng bằng, hương của đất quê nghèo nàn hòa quyện… mà sau này ai lớn khôn đi xa là mang nhiều lưu luyến.
 
Hồi nhỏ, tôi sợ canh rau đắng bởi vì sau mỗi bửa ăn, ba luôn bắt tôi uống một chén nước canh cho mát người. Nhưng tôi rất sợ cái đắng của rau, lần nào cũng cố gắng, nhắm mắt nuốt chựng một hơi rồi buông chén chạy thật nhanh về phía vạt đồng mênh mông, chỗ mấy đứa trong xóm đang chơi trò đánh trận. Tôi còn nghe tiếng ba hỏi theo vào trong gió “Canh rau đắng ngọt không? Ngon không?”
 
Ăn rau đắng, tôi nghe trong hơi thở mình một mùi thơm nào đó nhè nhẹ, thanh thanh. Mà cũng không phải riêng gì ba, những người lớn quê tôi luôn tập cho những đứa con nít như chúng tôi ăn canh rau đắng đất. Như dạy cho chúng tôi một hương vị của của quê nhà. Nhắc nhở cho chúng tôi nhớ về quê hương để khi lớn lên đi xa là vấn vương thương nhớ quê mình. Người lớn làm cái gì cũng có sự suy nghĩ và chủ trương riêng, mà mình chẳng thể nào biết hết.
 
Đến mãi sau này khi khôn lớn, tôi về phố sống, mỗi bận mây mùa hạ về ngang, tôi lại nghe lòng thèm rau đắng nấu canh. Như câu hát “Xin nắng hạ thôi buồn một mình ngồi / Nhớ lũy tre xanh dạo quanh / Khung trời kỷ niệm chợt thèm rau đắng nấu canh.” (Còn thương rau đắng mọc sau hè – Bắc Sơn).
 
Hình như đến một độ tuổi nào đó trong đời, người ta đi qua nhiều nơi, niếm trải nhiều thứ, biết được hương vị, người ta sẽ đủ sức chịu được vị đắng của rau và tự cảm nhận vị ngọt thanh thanh từ trong cổ khi ăn rau đắng nấu canh. Để có ai đó tự khen thầm “canh rau đắng rất ngon!”
 
 Cũng chẳng phải vô tình khen vị đắng mà ngon nhưng bởi nồi canh rau đắng luôn chứa chan nhiều kỉ niệm, như nỗi lòng của ai đó thốt lên “Trời mưa nước sâu ruộng ngập / Cá đồng về hội, rủ nhau nhảy hầm / Mưa là mưa lũ, mưa dầm / Hẹn mùa rau đắng mọc quanh thềm nhà / Tô cá rô kho / Tô canh rau đắng / Đượm làm sao tình nghĩa nhà quê /… Bên chái hè mưa tạt / Mẹ  hái từng cọng rau đắng nấu canh / Để nỗi nhớ vây quanh / Tóc trên đầu đã bạc / Chân giang hồ bỗng dưng chùn bước / Nghe giữa hồn rau đắng đất mọc xanh.” (Trường ca Rau đắng đất - Nguyệt Lãng).
 


  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Cẩm Thy