NGUYỄN CẨM THY
 

Chiếc Nhẫn
 
Từ lâu trong đời sống chúng ta, chiếc nhẫn đã trở thành một vật gần gũi và là món trang sức không thể thiếu đối với phái nữ. Có nhiều người đeo nhẫn để thể hiện sự giàu có và sang trọng của mình. Nhưng cũng có không ít người họ đeo nhẫn vì những ý nghĩa cao đẹp của chiếc nhẫn…
 
Chiếc Nhẫn được xem là một trong biểu tượng của tình yêu đôi lứa. Bởi lẽ, chúng ta thấy trong mỗi cuộc tình, lúc cầu hôn hay lúc đính ước người ta thường trao nhẫn cho nhau. Cũng vì thế mà ngày xưa những đôi lứa yêu nhau khi tặng trao những kỉ vật, họ thường chọn nhẫn để làm vật định tình. Có không ít mối tình quê đơn sơ giản dị, họ trao tay chiếc nhẫn được kết bằng cỏ quê nghèo.
 
Dẫu nhẫn cỏ không có giá trị nhưng luôn đong đầy kỉ niệm. Đủ để làm cho người ta thương nhớ  “Anh còn nợ em đôi nhẫn cỏ ngày xưa / Có đáng gì, nhưng với em là vô giá / Dẫu mất tiền cũng không hề mặc cả / Cả cuộc đời cũng chẳng thể đổi được đâu” (Nhẫn cỏ - Mạc Phương). Cũng từ đó mà hình ảnh chiếc nhẫn cỏ mộc mạc đã đi vào thơ ca nhạc họa như để ghi dấu một cuộc tình bình dị mà nên thơ.
 
Có ai đó mặc định rằng, cuộc tình mình nghèo chỉ trao cho người yêu nhẫn cỏ, nên khi duyên phận lỡ làng người ta thường tủi buồn với phận đời nhẫn cỏ chẳng đáng chi “Rồi một ngày em phải lên xe hoa / Ngón tay lồng vào nhẫn cưới / Em quay đầu nhìn lại / Trong trang sách học trò, nhẫn cỏ dẫn khô” (Chiếc nhẫn cỏ - Hữu Xuân). Nhạc sĩ Vinh Sử cũng đã viết “vòng nhẫn cưới đó cao sang / Đưa đón kiệu hoa đang sẳn sàn g/ Mai em xóm nhỏ sang ngang / Xin trời cho thuyền xuôi mái / Để em về bến mộng giàu sang” (Vòng nhẫn cưới - Vinh Sử).
 
Nhẫn cỏ ngày xưa là thế, nhẫn cỏ định tình cho những mối duyên đầu lắm mộng mơ ngây dại, vừa chớm nở lại nức nở chia lìa. Ngày nay, trong nhịp sống xã hội phát triển, đôi lứa yêu nhau cũng thường gửi trao nhiều kỉ vật làm tin có giá trị như dây chuyền, lắc tay, nhẫn… Nhưng đa phần nhẫn vẫn là món kỉ vật định tình được nhiều người lựa chọn. Bởi lẽ nhẫn mang nhiều ý nghĩa trong tình yêu đôi lứa.
 
Tuy vào từng chất liệu, kiểu cách mà mỗi chiếc nhẫn có giá trị khác nhau. Nhẫn thường được làm bằng vàng hoặc bạc như muốn nói, vàng, bạc là kim loại quý, không bị biến đổi, hao mòn theo thời gian. Cũng như trong hôn lễ không thể thiếu phần trao nhẫn cưới. Không phải ngẫu nhiên mà chiếc nhẫn luôn có mặt làm chứng nhân cho mỗi cuộc hôn nhân.
 
Bởi lẽ, nhẫn là một vòng tròn khép kín, không có điểm đầu và điểm cuối. Như tình yêu lứa đôi mãi mãi vĩnh hằng, liên tục, chẳng bao giờ có điểm dừng lại. Nhẫn định tình và nhẫn cưới luôn có kiểu cách đơn giản mà duyên dáng luôn được đeo ở ngón áp út. Lí giải theo một cách khoa học thì ngón áp út bên trái, nơi đó có một mạch máu ngắn nối thẳng tới tim. Người ta gọi đó là “huyết mạch tình yêu.”
 
Khi ai đó chấp nhận đeo vào tay chiếc nhẫn định tình, hay nhẫn cưới thì có lẽ họ đã chấp nhận mang theo hình bóng của người yêu mình suốt cuộc đời. Bởi lẽ, nhẫn cùng người mọi lúc, mọi nơi, nhẫn cùng người lao động, nhẫn cùng người nghỉ ngơi. Nhẫn cùng với người dù buồn hay vui, dù sướng hay khổ, nhẫn vẫn luôn trong tay người. Một chiếc nhẫn vừa vặn, không rộng, không chật như một người yêu hoàn hảo với mình.
 
Nhẫn cưới, nhẫn định tình còn là một lời từ chối lịch sự, dịu dàng với những đối tượng khác. Bởi lẽ, khi trong tay ai đã mang nhẫn cưới, hoặc nhẫn định tình thì xem như là “hoa đã có chủ.” Nhẫn còn là lời nhắc nhở về lòng chung thủy, trách nhiệm đối với người mình yêu. “Chiếc nhẫn cưới anh trao em ngày ấy / Vẫn y nguyên nằm ở ngón tay này / Một tình yêu một cảm giác đong đầy / Là hạnh phúc hàng ngày anh nhìn thấy” (Vòng nhẫn cưới - Trương Nhật Nguyễn).
 
Thật vậy, nhẫn cưới còn mang một ý nghĩa khác đó là sự nhẫn nhịn, chịu đựng bởi chẳng có con đường nào là bằng phẳng nếu như đôi chân ta không tự biết vững vàng. Cuộc hôn nhân sẽ bền vững, nếu hai người kết duyên luôn có sự nhường nhịn, bao dung cho nhau. Còn trong tình yêu đôi lứa, nhẫn định tình, nhẫn đính ước còn có nghĩa là đợi chờ với những hẹn hứa tương lai.
 
Nếu một ngày ta nhìn lại bàn tay, thấy chiếc nhẫn bao năm vẫn sáng bền qua ngần ấy thời gian. Thì có lẽ, ta đã là một người may mắn. Người đã cùng ta trải qua bao năm tháng… Hạnh phúc ấy lâu lắm rồi!
 
Nguyễn Cẩm Thy
 


  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Cẩm Thy