NGUYỄN CẨM THY

 
Chiều Buông
 
Ngày, tháng, năm nối tiếp nhau. Không ít người mãi luôn tất bật ngược xuôi vào mỗi sớm mai trên con đường cơm, áo. Và đến khi mỗi bận chiều buông cũng là lúc họ lê hồn mình từng bước chầm chậm về nhà. Vừa đi vừa nghĩ ngợi với những chuyện nửa gần nửa xa. Có khi là một dĩ vãng xa mùa…
 
Chiều buông qua phố. Dòng người đông nghịt chen chúc nhau hối hả về nhà. Dòng người khác thì hối hả vào ca. Những vệt nắng đổ dài trên những mái nhà cao cao giữa lòng thành phố, nắng xiên qua những hàng cây dầu che rợp những góc đường. Mấy cánh hoa dầu xoay xoay trong gió, chiều buông dài làm hoa dầu óng ánh lên nét kiêu sa bởi màu nâu cánh gián. Có người thi sĩ nào đó vô tình thấy cánh hoa rơi mà viết những dòng thơ mang đầy kỉ niệm “Cánh hoa dầu xoay tít bay bay / Nhớ ngày xưa bên nhau từng ngày / Có những chiều đợi gió bay lên / Tay cầm tay đón những cánh hoa dầu.” (Cánh hoa dầu, Giáp Văn Thạch).
 
Theo từng mùa trôi qua phố mà mỗi bận chiều buông lại khoát lên mình cũng cung bậc cảm xúc khác nhau. Như ai đó đã từng “Em ở nơi nào giữa hai lối mênh mông / Mùa thu chơi vơi hay chân trời đỏ hạ / Đêm cô đơn hay chiều buông nổi gió / Sao bên nào thương nhớ cũng chênh vênh” (Chông chênh miền nhớ, Huỳnh Minh Nhật). Chiều buông trên phố, nếu người ta không bận bịu chuyện đời vất vả, thì sẽ chạnh lòng với những nỗi đơn côi.
 
Bởi thế, một  ngày người bỏ phố về quê tìm một buổi chiều buông giản dị. Gió thổi dọc trên triền đê, mơn man qua từng ngọn cỏ, vướng víu vào mấy sợi tóc mai dài. Chiều buông, bóng người nông dân đổ dài trên đồng. Họ chuẩn bị về nhà ăn bữa cơm chiều sau một ngày lao động vất vả. Chiều buông, đám con nít hẹn nhau thả diều trên những vạt đất trống. Cánh diều nào cũng bay cao xa tít mang theo nhiều giấc mơ về nơi thành thị của những đứa trẻ quê nghèo. Nhưng phải chi những cánh diều ấy có thể cho ai đó gửi được một chút muộn phiền của cuộc sống phồn hoa. Một tiếng thở dài, dài như vệt nắng chiều buông.
 
Chiều buông, nắng hắt hiu, cong queo sà xuống bên hông nhà. Nền trời đỏ thẳm mênh mông, nhớ dáng chị hay ngồi hong tóc. Giờ chị đi lấy chồng xa. Chắc mỗi bận chiều buông chị lại thì thầm câu hát “Chiều chiều ra đứng ngõ sau / Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều.” Không có chị bên hông nhà vạt nắng chiều cũng mông lung, buồn tẻ. Sau nhà hương cau, hương bưởi bắt đâu ngan ngát đưa hương. Đàn gà con theo mẹ về chuồng khi nắng tắt. Mấy con chim heo, chim cú cất tiếng rợn người trong những vườn cây mịt mịt. Chiều buông, nắng tắt, đi ngang đoạn đường vắng vẻ, con nít hay sợ ma còn người ta bỗng thấy lạnh người vì mấy ngọn gió se se, hay lạnh bởi sự cô đơn trống trải giữa lòng khi con đường quen thuộc mang nhiều kỉ niệm ngày xưa…
 
Chiều buông, buông dài từng nỗi nhớ mênh mang!
 
Nguyễn Cẩm Thy
[Sóc Trăng]


  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Cẩm Thy