NGUYỄN CẨM THY

 
Đám Cưới Quê
 
Hàng năm, cứ vào những tháng cuối, khi tiết trời hanh hao và se lạnh đến độ tiết trời ấm mùa là những tháng giêng, tháng hai thì khúc nhạc cưới xập xình vang lên trong xóm như báo hiệu cho những đôi trai gái yêu nhau được kết nghĩa cau trầu. Đó cũng là lúc quê tôi vào mùa cưới hỏi. Những đám cưới quê bình dị, nghĩa tình gắn liền với tình làng nghĩa xóm luôn để lại những hồi ức đẹp đẽ trong lòng người.
 
Ở quê, cứ hễ nhà ai sắp có dịp dựng vợ, gả chồng cho con là cả xóm vui lây. Đám cưới quê vui nhất là vào một hai ngày trước đám. Lúc đó, các cô gái sẽ loay hoay với công việc nướng bánh, chuẩn bị chén bát, thau rổ, xoong nồi. Các thanh niên trong xóm được giao cho việc dựng rạp cưới và chuẩn bị mâm bàn. Thường đồ đạc trong nhà sẽ chẳng thể đủ dùng cho đám cưới, nên gia chủ thường đi mượn thêm những thứ cần thiết bên nhà hàng xóm.
 
Dần dần, chuyện mượn chén bát đó trở thành cái lệ làng làm cho tình nghĩa chòm xóm thêm khắn khít hơn. Những đứa con gái quê tôi cũng dần lớn khôn qua những lần được đi tiếp đám cưới. Bởi lẽ, mỗi lần đi tiếp đám cưới thì sẽ được các dì, các mẹ chỉ dạy cho muôn vàn thứ gọi là “nữ công gia chánh” từ việc nướng bánh, chọn thịt, chọn rau, đến cách xếp mâm, xếp dĩa trái cây, hái lá trầu, cắt tỉa những quày cau, cắm bình hoa tươm tất, gọn gàng, hợp lễ nghi…
 
Điều đặc biệt là các dì, các mẹ luôn nhắc chúng tôi là trong đám cưới làm việc gì cũng phải chọn con số chẳn, đều này ý muốn chúc phúc cho cô dâu và chú rể luôn có cặp có đôi. Cũng qua những lần trong xóm có đám cưới, các bà cũng có dịp biết thêm những cô gái quê mình. Các bà ý tứ lắm. Qua cách làm, cách nói của các cô mà biết được nết na từng đứa, mà thầm chọn mặt gửi vàng để tính chuyện mai sau.
 
Đến ngày nhóm họ, đồ dạc, mâm bàn đã được chuẩn bị xong. Các dì, các mẹ và mấy chị thì loay hoay vào việc nấu nướng, với những câu chuyện làng trên xóm dưới. Còn những anh thanh niên thì sẽ bắt tay vào việc làm chiếc cổng cưới. Cổng cưới là một điều hết sức quan trọng, nó làm nên cái hồn, cái đẹp của đám cưới quê. Chiếc cổng cưới được những bàn tay khéo léo dựng lên bởi cây lá vườn nhà. Hai thân chuối to tròn, bóng nhẵn làm cột như tượng trưng cho sự vững chắc của cuộc hôn nhân. Hai quày đủng đỉnh được treo hai bên như muốn chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ có cuộc sống sung túc, con cháu được đủ đầy.
 
Cổng cưới còn được trang trí, cho thêm phần sang trọng khi có hình rồng, hình phụng được đan thắt tỉ mỉ bằng lá dừa. Những bông hoa được cột bằng chỉ hồng, chỉ đỏ như làm điểm nhấn cho chiếc cổng cưới thêm xinh…  Đám cưới quê đơn sơ là vậy, ngày rước dâu chú rể mặc áo dài khăn đóng bưng mâm trầu, khay rượu cùng với họ hàng sang nhà gái đón dâu. Nếu nhà trai và nhà gái gần nhau thì sẽ đi bộ trên đường làng, nếu ở xa thì sẽ đón dâu bằng xuồng ba lá. Người lớn vừa đi vừa nói  chuyện, cô dâu xinh xinh e ấp bên chú rể thẹn thùng.
 
Buổi rước dâu, đám con nít ríu rít chạy ra xem đám cưới trên đường quê. Còn những chàng trai cô gái yêu nhau thì lòng thầm mong sớm đến lượt mình nên có câu hát “Anh anh ơi! Người tình tôi ơi / Anh anh ơi! Xem người ta họ cưới nhau rồi / Em em ơi! Người tình tôi ơi / Em em ơi! Chuyện chúng mình cũng tính đi thôi” (Đám cưới trên đường quê - Hoàng Thi Thơ)
 
Đám cưới ở quê giản đơn chỉ có vậy mà kết chặt tình, chặt nghĩa cho bao lứa đôi nên duyên vợ chồng. Đôi khi, cô dâu và chú rể được cha mẹ đôi bên định trước, buổi đám cưới còn nhìn nhau xa lạ, ngại ngùng. Ấy vậy mà, nhờ hương cau hòa quyện với vị trầu nên họ bền chặt đến răng long đầu bạc. Họ cũng có với nhau đủ đầy con cháu như hai quày đủng đỉnh trước cổng cưới ngày xưa.
 
Ngày nay, theo nhịp sống hiện đại, đám cưới quê cũng có phần náo nhiệt hơn, tưng bừng và rình rang hơn. Trai gái bây giờ không còn phải lo những chuyện bếp núc, mâm bàn thay vào đó là trang điểm phấn son để vui hát, đàn ca, chè chén. Cổng cưới giờ đây cũng được thuê mướn trang hoàng, lộng lẫy hơn. Một số đám cưới họ còn thuê cả MC để dẫn chương trình. Quan khách đến dự tiệc xong thì ra về ngay, đôi khi không gặp được mặt gia chủ. Mấy cụ già ngồi riêng một bàn ở ngoài gốc vườn nhà, họ ăn bánh nướng và uống nước trà kể với nhau về những đám cưới quê ngày xưa.
 
Nơi góc bàn riêng ấy, các cụ cười móm mém, vui lắm! Như thể họ đã từng khắc ghi về một đám cưới quê ngày cũ…
 
Nguyễn Cẩm Thy
[Sóc Trăng]
 
 
 


  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Cẩm Thy