NGUYỄN CẨM THY


Đám Ma
 
Hồi nhỏ, nửa đêm đang ngủ trong mùng. Bỗng dưng nghe tiếng trống xa xa từ đâu đó vọng lên một hồi dài, vậy là tôi biết có đám ma.
 
Chẳng hiểu sao ngày xưa tôi hay sợ đám ma, đêm nằm nghe tiếng trống đám ma là chẳng thể nào ngủ được. Càng thức thì càng sợ, sợ quá không ngủ được, lại thức. Cứ thế mà mỗi lần trong xóm tôi có người mất thì tôi không ngủ được. Ngoại tôi thường nói, có gì đâu mà sợ “ai già rồi thì phải chết chớ con.”
 
Lúc đó, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sống hay chết. Chỉ thấy, đám ma thì thấy người ta buồn rầu, khóc lóc, đau thương. Ông thầy chùa ngồi trước quan tài tụng kinh, gõ mõ lóc cóc. Đám con cháu mặc đồ trắng, quấn khăn tang trải chiếu ngồi bên dưới, người khóc òa òa, người khóc sụt sùi, người khóc rưng rưng, người ngân ngấn nước nước mắt.
 
Quan khách đến đốt nhang rồi có người lặng lẽ ra ngồi uống nước trà, có người thì dùng cơm chủ nhà mời. Dưới bếp chỉ nghe tiếng dao thớt lạch cạch với nhau. Thường trong xóm có đám ma thì đàn bà sẽ đi tiếp gia chủ nấu nướng ban ngày. Tối đến thì đàn ông mới tới, họ ở lại cùng với chủ nhà cả đêm. Các ông uống rượu, uống trà kể chuyện đời xưa. Ba tôi nói, nhà người ta có người mất, mấy ngày này buồn dữ lắm, ban đêm xóm giềng ở lại cho gia đình bớt lạnh lẽo.
 
Tôi thầm nghĩ tại ba nói vậy, chớ thật ra ở đông người cho bớt sợ ma. Cũng may là tôi chỉ nghĩ trong bụng chớ không nói ra, má tôi mà nghe được thể nào bà cũng nghiêm mặt trừng mắt với tôi vì cái tội ăn nói linh tinh.
 
Rồi đến một ngày, tôi thấy ngoại nằm thinh như ngủ. Má khóc ròng ròng biểu tôi lại nhìn ngoại lần cuối. Ngoại nằm im trong chiếc hộp gỗ với tất cả đồ đạc của mình. Từ quần áo, khăn gối, chăn, mùng, ngay cả chiếc cơi trầu của ngoại má cũng đem theo cho ngoại. Rồi người ta kéo tấm ván gỗ lại. Tôi thấy gương mặt hiền từ của bà mờ nhòa trong nướt mắt.
 
Chiếc vòng trắng trên đầu dạy tôi nỗi đau của sự chia lìa. Tiếng đàn cò não nuột, tiếng trống giục vào lòng tôi một điều mất mát, tang thương. Cây lá trong vườn nhà cũng chợt buồn rủ rượi cúi đầu. Má cột lên mỗi gốc cây ngoại trồng một chiếc khăn trắng. Người ra đi, cây cối cũng tiễn đưa. Người và vật đều trọn tình vẹn nghĩa cùng nhau.
Sau ngày tiễn ngoại, tôi không còn thấy sợ ma nữa. Mà tôi sợ nỗi buồn. Tôi sợ sự lạnh lẽo, sợ mùi khói nhang nghi ngút. Theo nhịp sống ngày nay, những đám tang sau này cũng dần hiện đại hơn. Quan khách đến dự đám ma đông đúc hơn. Người ta không kéo đàn cò nữa, thay vào đó là kèn tây, kèn ta. Họ hạn chế đánh trống hơn. Người ta nhìn vào cũng thấy bớt đi sự tang thương lạnh lẽo.
 
Rồi đến một ngày, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện sống chết khi mùa Covid kéo đến. Bởi cái chết diễn ra nhiều hơn, hàng ngày, mọi lúc, và mọi nơi. Ngồi xem tivi vẫn thấy cái chết. Lướt điện thoại cũng thấy cái chết. Những cái chết không còn phân biệt người già hay người trẻ, người ốm đau hay người mạnh khỏe, đàn bà hay đàn ông. Nhưng tuyệt nhiên không có một tiếng trống đám ma nào, cũng chẳng có ai nhìn được mặt nhau lần cuối vì bị nhiễm Covid.
 
Người ta không thấy vành khăn trắng mà thấy những chiếc áo xanh, áo  trắng cứ lãng vãng, chập chờn, quanh quẩn chung quanh. Không có tiếng kèn, tiếng trống, chỉ có tiếng còi xe cứu thương vang rền thành phố, len lõi khắp vùng nông thôn. Người ta không giật mình, sợ hãi vì tiếng trống đám ma lúc nửa đêm. Mà người ta ám ảnh những cuộc điện thoại từ phía bệnh viện. Nó làm cho người thất thỉu, bàng hoàng, hụt hẫng trước những nỗi đau.
 
Mùa covid chẳng có đám ma, nhưng có những cuộc chia lìa đau thắt ruột gan. Có những nỗi ám ảnh đến kinh hồn, có những day dứt lòng  không thể nào quên được. Không có tiếng ông thầy chùa gõ tụng kinh, không khói, không nhang, không tiễn, không đưa… lại thấy thảm khóc, thê lương hơn cho số kiếp con người.
 
Mùa Covid, có những cái đám ma giữa đời.
Lạnh lẽo! Thê lương.
 
Nguyễn Cẩm Thy.
 
 


  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Cẩm Thy