NGUYỄN CẨM THY
 

Hương Cau
 
Theo sự xoay chuyển của đất trời, vạn vật chuyển mình theo lẽ tự nhiên. Xuân qua thì Hạ tới, bốn mùa hoa cỏ đươm hoa. Tháng Ba, mùa Hạ chuyển mình rón rén bước sang bằng sắc tím băng lăng trên những con đường, từng rặng ô môi tím hồng trên bến cũ, phượng chúm chím từng nụ sắp sửa khoe màu, điệp vàng từng cánh rơi giữa một chiều gió thổi. Phố nồng say với từng gánh loa kèn, ngào ngạt hương tháng Ba. Vậy đó, mỗi bận mùa sang mang theo hương theo sắc làm nguời ta chạnh lòng nhớ nhiều kỉ niệm. Và ai đó từng lớn lên ở một góc vườn nhà sẽ mãi không quên những hàng cau vươn mình thẳng tấp, từng tàu lá đong đưa giữa cái nắng hạ oi nồng tỏa hương ngan ngát.

Quê tôi nhà nào cũng trồng vài cây cau sau vuờn hay những hàng cau nối dài trước ngỏ. Đất quê bạc màu cây trái ít đươm hoa kết trái vậy mà cau vẫn một đời tươi tốt. Những nụ hoa trắng muốt tinh khôi nằm với những tàu lá xanh rì cho hương thoang thoảng làm vướng víu bước chân người xa xứ. Hồi nhỏ tôi thích được về quê ngoại chơi cũng bởi nhà có vườn cau. Trong kí ức tôi, nhà ngoại là một mái nhà xưa. Rêu phong phủ đầy lên mái ngói, khoảng sân lót gạch đỏ tháng mưa trơn nước, tháng nắng thì đỏ thẳm buồn buồn. Những hàng cau chạy dài ra trước ngỏ, con nít nhà quê hay nhặt những tàu cau chơi tro phu xe kéo mo cau. Bao tiếng cười giòn giả tan trong tiếng gió chiều có hương cau vướng víu. Để rồi sau năm tháng lớn khôn, thì những hồi ức về chiếc tàu mo luôn đong đầy kỉ niệm. Có người nghệ sĩ si tình nào đó đã viết lên những dòng kỉ niệm  “Trò chơi thuở bé anh ưa kéo mo cau/ Chở em quanh ngỏ vườn/ Cô bé mỹ miều, cười run run bờ vai/ Tay ôm chắc vành mo…/ Chiếc tàu mo mòn mỏi, nay chẳng còn ai chơi/ Giờ em đi lấy chồng/ May áo hồng, bỏ cuộc chơi ngóng trông/ Mo cau anh một bóng, ngồi nghe sao thắt lòng…” (Người phu xe kéo mo cau - Vinh Sử). Và rồi vào những đêm trăng sáng trên miền hạ cũ, thương hương cau dìu dặt như nhắc nhở những cuộc tình đã xưa. Nằm bên song cửa sổ nghe hương cau bảng lảng chui vào mùng, len lỏi trong từng suối tóc. Thứ hương thơm nhẹ nhàng mà da diết, làm người ta cứ mãi vấn vương. Lại nhớ câu chuyện ngày xưa anh ra trận giữa một mùa cau trổ ngát hương “Nhà anh có một vườn cau/ Nhà em có một vườn trầu/ Chiều chiều nhìn sang bên ấy/ Hoa cau bên này rụng trắng sân nhà em/ Anh lên đường, mẹ xin nắm trầu nhuộm áo cho anh/ Một lá trầu xanh thắm tình em chẳng phai màu/ Hoa cau rụng trắng sân nhà em mà hương cau ngan ngát quanh vườn trầu/ Anh thương em rồi sao anh chẳng nói/ Để hoa cau rụng trắng đêm trăng buồn” (Hoa cau vườn trầu - Nguyễn Tiến). Tàn chinh chiến lính năm xưa về quê cũ giữa mùa cau trổ và kết duyên với người con gái năm nào. Đó là câu chuyện bà vẫn thường hay kể mỗi khi ngồi tiêm trầu nhai móm mém với với miếng cau tươi. Nhìn mấy gốc cau già lại nhớ cái thuở xa xôi, khi ông là người lính năm nào về quê với nghề trèo cau hái mướn. Trong vùng hiếm được mấy người giỏi chuyện trèo cau, bởi cau thân tròn và cao vun vút, chuyện trèo cao chẳng phải dễ dàng gì. Ông bà nên duyên cũng bởi quài cau và đôi lá trầu cay. Tình nghĩa đơn sơ mà thủy chung gắng bó. Nhà nghèo ông tôi đi hái cau mướn quanh năm, đôi khi chuyện cơm áo đã làm cho người ta quên đi bao chuyện hiểm nguy của nghề hái cau mướn. Vậy mà một thời gian khó đã đi qua, nhưng những kí ức xưa vẫn còn đó vẹn nguyên. Năm tháng dần trôi, hàng cau già vẫn vươn mình thẳng tấp, dẫu người hái cau xưa nay đã vắng lâu rồi. Đám con cháu về nhà ngoài lần nào cũng thích ngồi dưới những hàng cau nghe bà kể chuyện. Bà lấy kéo cắt từng chiếc quạt mo làm quà cho cháu. Những chiếc quạt mo cau đơn sơ mà ngộ nghỉnh, mang theo câu chuyện của tháng năm mà giờ đây chẳng kiếm đâu ra giữ trốn thị thành.

Bầu trời mùa hạ trong veo màu nắng, mây trắng bồng bềnh trôi trên nền trời xanh ngắt. Cau từng mùa vẫn trổ, người mỗi năm một hao gầy rồi khuất bóng. Những quài cau dần héo hon trên những thân cây già. Những đứa cháu lâu ngày xa quê lại thăm nhà xưa của ngoại vào mùa cau trổ.   Bắt gặp hương cau vẫn nồng nàn cho lòng say đắm, như gợi nhớ, gọi thương những mùa cau kỉ niệm…
 


  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Cẩm Thy