NGUYỄN CẨM THY


Mảnh Vườn Của Nội
 
Mỗi lần ra sau vườn ngước nhìn những gốc dừa già đang khẳng khiu nghiêng mình trong nắng gió mà tôi thầm nghĩ, thầm thương. Mảnh vườn này đã gắn bó từ thuở ông tôi, đến ba tôi và tôi. Mảnh vườn cho huê lợi chẳng nhiều, nhưng nhìn đâu trên mảnh vườn ấy cũng toàn là kỷ niệm.
 
Những ngày tuổi nhỏ, tôi thường hay theo chân má ra vườn gom những tàu dừa khô để dành làm củi và lấy lá nhóm lửa, rồi được ba đãi những ly nước dừa tươi mát dịu. Vườn nhà tôi mát, những bóng mát được đổ tròn nối liền với nhau bằng những tán dừa xanh tốt. Ở giữa líp vườn là một cái ao được ba tôi sên vét quanh năm. Bùn dưới ao được ba tôi đắp vào những gốc dừa, chẳng biết chất bùn ấy tan chảy thế nào mà những thân dừa ngày thêm một cao to và tươi tốt.
 
Ngày trước, nó chỉ là một mảnh vườn hoang, toàn là cây tạp và cỏ dại, vườn thì rộng, cây cối lại mọc um tùm nhưng nội tôi chẳng chịu phá đi. Vì mảnh vườn ấy là nơi che chở cho cách mạng, là nơi các cô chú cán bộ gặp nhau để bàn chuyện đánh đuổi kẻ thù. Khuya, ông tôi nằm võng ngoài hàng ba uống nước trà ca vọng cổ, mắt đăm đăm nhìn sang mảnh vườn mù mịt ấy mà mong chờ tin. Ông xuống một câu vọng cổ, tiếng chim chóc trong vườn đáp lại bằng những tiếng kêu ngộ ngĩnh là thấy mắt ông tôi mừng.
 
Chẳng hiểu ông tôi nghe được tiếng chim trong vườn khen ngợi thế nào mà ông biểu bà tôi thắp đèn dầu len lén mang cơm đem ra khu vườn lớn ấy. Bọn lính ở đồn, ngày đêm mấy bận lân la tới nhà tra hỏi. Ông tôi mặc nhiên xem như chẳng biết chuyện gì. Những năm dài như thế mảnh vườn lấy thân mình ra che chắn cho quân mình, mấy lần ôm những đứa con không ruột rà, không máu mủ vào lòng khi có người nằm xuống ngủ giấc bình yên. Nên có những buổi sáng ra vườn thấy thêm một nấm đất nằm im. Mảnh vườn ấy không ít lần phải bị thương vì bom đạn hung tợn của quân thù trút dội, cây lá trong vườn xác xơ vì thương tích chiến tranh.
 
Chiến tranh đi qua, ông bà tôi như bao già đình khác vui mừng trong niềm vui thắng lợi. Nhưng, mỗi lần nhìn qua mảnh vườn ông vẫn không thể nào giấu được những xót xa. Vì trong mảnh vườn ấy đã có những mấm mồ xanh cỏ, có những người may mắn được gia đình họ tìm về, có những người thì cô quạnh nằm lại nơi đây, chẳng biết họ là ai, đồng đội mấy người còn, mấy người mất, gia đình họ không biết còn sót lại ai không hay tất cả đã về với đất…? Chỉ biết rằng họ là những người đã ngã xuống vì để gìn giữ quê hương, trong đó có mãnh vườn này.
 
Ông tôi bùi ngùi, tay run run dọn cỏ mà khóc cho những nấm mồ đắp trên những mái tóc còn đang xanh. Cây lá trong vườn cũng ngậm ngùi đưa tiễn người về đất mẹ nên lá cứ thay nhau trút vội theo mùa.
 
Ba tôi xuất ngũ về nhà với đôi chân không lành lặn, bà tôi khóc vì ngày con về mà để mất một phần chân nơi chiến trường nào đó. Nhưng bà vẫn vui vì bà may mắn hơn rất nhiều bà mẹ khác, bà còn có con để được đón về. Mảnh vườn vui mừng chào đón ba tôi với niềm vui được khai hóa. Nhưng mảnh vườn ấy đất đã nghèo thì nay lại càng thêm khô cằn và mất dần sự sống vì vô số những vỏ đạn nằm sâu trong lòng đất, những trái mìm chực chờ nổ tung cướp đi những bàn tay khai khẩn.
 
Nhưng mọi khó khăn không đẩy lùi được quyết tâm của người lính năm xưa, mà bom đạn thì lại rất vô tình sẵn sàng cướp lấy sinh mạng người ta. Tôi còn nhớ một lần, tôi cùng má và ông bà nội đang ở trong nhà nghe “bùm” một tiếng, nhìn ra vườn thấy khói ngun ngút đen. Mọi người hốt hoảng chạy ra thì đã thấy người anh Hai tôi đầy máu. Ba tôi khụy xuống ôm anh tôi vào lòng, máu và nước mắt hòa chung thành dòng thấm vào lòng đất.
 
Trên vòm trời gió xô đẩy những vòng khói màu đen. Bao nhiêu tổn thương ấy đã trả về cho gia đình tôi một mảnh vườn không lành lặn, ở giữa vườn còn một hố bom thật sâu nên ba tôi đã làm ao thả cá, mảnh vườn trống trơn, trải thành một vạt đất phẳng rộng mênh mông. Nhưng vì đất quá cằn cỗi nên chẳng thể trồng cây ăn trái, ba tôi cùng ông nội đã quyết định trồng những liếp dừa xiêm.
 
Những ngày tháng cuối đời của ông bà tôi cũng là lúc mùa dừa ra trái. Những trái chiến đầu tiên được ông bà tôi rót vào ly, thắp ba nén hương gởi cho người đã nằm trong đất. Rằng “Mấy chú uống đi, dừa này ngọt lắm, đất vườn nhà mình tuy nghèo nhưng cho trái ngon lắm à nghen.” Rồi mắt ông, mắt bà lại mờ đục vì sương, vì khói nhang bảng lảng, vì lòng nhoi nhói lên những nỗi đau mà thời gian chưa làm con người ta quên được, vì thằng cháu nội đang nằm im ở đó, lẽ ra giờ này nó cũng học Đại học, cũng làm được kỹ sư.
 
Rồi mấy mùa dừa sau, ông bà tôi lần lượt nằm cạnh nhau, cạnh những người năm xưa nằm xuống. Những gốc dừa ngày một cao hơn, vươn tròn tán lá che chở cho những mấm mồ cũ mới, đã được sơn quét nằm san sát bên nhau như một đại gia đình. Tôi thầm nghĩ hẳn là con cháu tôi sau này sẽ mãi giữ gìn và trân trọng mảnh vườn này như giữ gìn những câu chuyện kể về lớp người thuở trước. Hẳn là con cháu tôi sẽ luôn kính trọng và gọi chung những người nằm cạnh nhau ở đây là ông bà, chú bác. Chúng sẽ chẳng tách rời những mấm mồ năm xưa có chung tên Liệt Sỹ bởi vì đã từ rất lâu chúng tôi đã xem họ là người thân trong gia đình.
 


  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Cẩm Thy