NGUYỄN CẨM THY
 
Nhớ Mùa Hoa Cải
 
Quê tôi có một loài hoa hay nở bên những triền sông vào mùa độ xuân về. Loài hoa ấy mang sắc vàng rực rỡ, không kiêu sa nhưng rất đổi ngọt ngào. Màu hoa đẹp mãi trong tôi cả một thời tuổi nhỏ, đẹp trong những câu chuyện tình quê thật thầm lặng và đơn sơ. Để rồi mỗi khi nắng gió mùa xuân về qua ngõ, lòng tôi lại bâng khuâng nhớ mùa hoa cải năm nào.
 
Quê tôi xứ biển, là đất giồng quanh năm chỉ trồng các loại hoa màu, trong đó có cây cải. Những thân cải gầy guộc, mỏng manh suốt hai mùa mưa nắng mà nuôi bao đứa trẻ quê tôi khôn lớn nên người. Và có những lúc tôi chợt thấy dáng mẹ, dáng chị, dáng của bao người phụ nữ quê tôi nhỏ bé, xanh xao mà dẽo dai, tảo tần như cây cải.
 
Mỗi độ Xuân về, những gánh cải trên vai mẹ thêm oằn nặng nỗi lo toan về một cái Tết được đủ đầy, sung túc. Những ngày giáp Tết, mẹ tôi nhổ những luống cải còn xanh bán cho kịp những phiên chợ cuối năm, rồi chừa lại vài ba luống cải trước nhà lấy hạt làm giống cho vụ mùa sau. Cứ thế mà năm nào nhà tôi cũng có một vạt hoa vàng đón Tết.
 
Mẹ cười nửa đùa, nửa an ủi bầy con “Người ta đón Tết bằng hoa mai, hoa cúc, nhà mình đón tết bằng mấy luống cải ngồng, thấy vậy chớ cũng đẹp rực rở lắm à nghe.” Thật vậy, hoa cải không phải loài hoa mang sứ mệnh đón xuân về như mai, như cúc nhưng hoa cải dễ làm nao lòng người ta bởi một màu vàng rực rở mà chẳng chói chang. Hoa cải làm ta nhớ một thời gian khó, một thời đội những chiếc vòng hoa cải theo mẹ gánh cải về trên những triền sông và sẽ có ai đó cay cay khóe mắt vì nhớ những cái Tết quê nghèo với những cánh hoa vàng mỏng manh bé xíu mà chở theo cả mùa xuân.
 
Hoa cải đẹp dịu dàng, nên đã có rất nhiều người yêu hoa cải như yêu những người con gái được sinh ra từ chốn ruộng đồng, lớn lên trên những triền cát ven sông, mùi tóc thơm hương của phù sa đất mẹ, thứ hương thơm dung dị của đất trời dịu nhẹ, thuần khiết và tinh khôi. Và hình ảnh của hoa cải đã nhẹ nhàng lan tỏa vào những vần thơ như tô điểm cho những mối tình thầm lặng mà rất đổi nên thơ, những khát khao về hạnh phúc lứa đôi, những đợi chờ rất chân thành của người con gái. “Có một mùa hoa cải / Nở vàng trên bến sông / Em đang thì con gái / Đợi anh chưa lấy chồng.” (Mùa Hoa Cải, Nghiêm Thị Hằng).
 
Tình yêu của những đôi trai gái thôn quê luôn có những ngập ngừng chưa dám ngỏ nên có những cuộc tình đau vì hai tiếng lỡ làng, để rồi mãi nhiều năm sau người con trai năm xưa mãi còn bồi hồi, khắc khoải. “Bâng khuâng chiều làng bãi / Không còn hoa cải ngồng / Ai xui tôi trở lại / Ngày em đi lấy chồng // Tôi lại gieo hạt cải / Lại âm thầm đợi mong / Có một người con gái / Đợi tôi chưa lấy chồng…” (Mùa Hoa Cải, Nghiêm Thị Hằng).
 
Và đã có không ít những cuộc chia ly giữa mùa hoa cải. Một cuộc chia ly ấy tràn đầy niềm tin và không nước mắt chỉ vì người ta biết gác lại những hạnh phúc của riêng mình để nghĩ về một hạnh phúc lớn lao của đất nước. Rồi một ngày người ta vui vầy với mùa xuân phất phới cờ hoa, khi đất nước trọn niềm hạnh phúc lại có người con gái nào lặng lẽ đau với niềm đau bé nhỏ giữa tim mình “Có một mùa hoa cải / Chia tay bởi chiến tranh / Em đã chờ đợi anh / Sao anh mãi không về.”
 
Phải chăng câu hát ấy trong bài Mùa Hoa Cải của nhạc sỹ Lê Vinh đã nói lên nỗi lòng của biết bao người mẹ, người chị quê mình.
 
Người chưa về chỉ có xuân về hoa cải lại vàng thương nhớ. Trong hương xuân bảng lảng của mùa đang tới, những con phố có ngàn hoa khoe sắc, tôi bổng nhớ một vạt hoa vàng thênh thang trước bến quê nhà. Nhớ những cái Tết nghèo bên mâm cơm có rau cải luộc ngọt bùi. Nhớ những ngày xuân ra ngoài sân hít hà hương cải.
 
Giờ này, nơi cuối nẻo đường xa, có một vùng trời vàng lên hoa cải như nắng mới tươi vui chào mừng những đứa con xa nhà về đón Tết thanh bình trên đất mẹ.
 
Nguyễn Cẩm Thy
[Sóc Trăng]
 


  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Cẩm Thy