NGUYỄN CẨM THY


Nón Lá Che Nghiêng!
 
Chẳng biết tự khi nào hình ảnh chiếc nón lá đã đi vào thơ ca nhạc họa. Nếu như vẻ đẹp của Huế gắn liền với hình ảnh chiếc nón bài thơ, với tà áo dài của người con gái xứ mộng mơ thì cũng không ít thi nhân đã phải lòng cô gái Miền Tây sông nước với nét đẹp mặn mà, đằm thắm với vành nón lá che nghiêng…
 
Từ thuở nào xa xôi lắm, những đứa trẻ quê tôi lớn lên đã thấy rồi chiếc nón lá của bà, của mẹ, của chị. Nón lá trở thành một vật dụng quen thuộc và không thể thiếu mặt trong mỗi gia đình của vùng đồng bằng châu thổ. Nón trên tay bà quạt mát cho tôi những ngày hè oi bức. Nón theo mẹ ra đồng vào những ngày mùa cấy dặm, gặt hái. Nón lá khô vành cũng bởi vì nắng gió. Nón lá ướt sũng, sĩn màu cũng bởi những ngày mưa.
 
Nón lá theo mẹ ra chợ, cùng mẹ trên bước đường mua gánh bán bưng. Nón lá quê mình còn dãi dầu theo kiếp sông hồ lang bạt. Nón lá chia sẽ những niềm vui nỗi buồn với những phận đời phận người lênh đênh trên những nhánh sông dài. Để rồi, ai đó mỗi khi xa quê hương lại chạnh lòng hoài nhớ: “Mỏng manh chiếc nón ấy mà / Che mưa che nắng đường xa mẹ về / Từ phố thị đến làng quê / Ở đâu nón cũng nguyện che mái đầu / Nón che cái nắng qua cầu / Chị đi đến lớp mặc dầu nắng oi / Nón che từng giọt mưa rơi / Chiều đông cha vẫn ra nơi ruộng đồng / Giúp người nón mãi ước mong / Dẫu bao mưa nắng nón không ngại ngần.” (Nón Lá - Nguyễn Lãm Thắng).
 
Dẫu nón lá quê mình không kiêu sa mỹ miều như nón bài thơ xứ Huế. Nón lá Miền Tây ngai ngái mùi bùn đất, lấm lem bởi phèn, bởi bụi, quai nón mằn mặn vị mồ hôi, ấy vậy mà đong đầy biết bao kỉ niệm của những ngày lam lũ, tảo tần của bà, của mẹ. Nón lá Miền Tây vốn giản đơn, bình dị, cũng không quá đắt tiền nhưng nón lá thủy chung bền chặt lạ thường, dẫu những chiếc nón cũ nhàu, tả tơi vẫn nguyện che mái đầu cho người đội.
 
Có lẽ, người thủy chung, vật cũng thủy chung… nên ai đó đã trót phải lòng những chiếc nón lá quê, thì sẽ mãi bồi hồi, thao thức: “Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón / Chiều mùa thu mây che có nắng đâu / Nắng sẽ làm phai mái tóc xanh màu / Sẽ khô dần làn môi em dịu ướt.” (Nón Nghiêng - Trần Quang Long). Nón lá đã thành hình ảnh khó quên trong lòng những kẻ yêu nhau. Nên có ai đó đã phải thốt lên rằng “Xa cách lâu rồi về miền tây bao nhiêu niềm nhớ / Áo trắng bây giờ còn thẹn thùng bắt bướm cùng anh / Miền tây má đỏ tóc hoe em gái quê sớm trưa trên đồng / Nón lá nghiêng nghiêng hoài sao thấy mặt được nàng đây.” (Em gái miền tây - Minh Vy).
 
Nếu như những người yêu nón lá làm thơ viết nhạc là những kẻ tài hoa, thì những bàn tay đan nón cũng không kém tài hoa và duyên dáng. Bởi lẽ, những ai chằm nón dường như đã gửi hết tâm tình vào từng mũi chỉ đường khâu. Người chằm nón mang cả hồn quê chân chất, thanh thoát  vào từng chiếc nón trắng tinh khôi. “Tôi chưa về thăm quê em / Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên / Bàn tay xây lá, tay xuyên chỉ / Mười sáu vành, mười sáu trăng lên.” (Người con gái chằm nón - Nguyễn Khoa Điềm).
 
Chẳng biết vô tình hay cố ý mà nghệ nhân chằm nón xưa tạo chiếc nón lá với mười sáu vành, hay bởi mười sáu vành mới  đúng độ tròn, độ đẹp của chiếc nón lá. Cũng như trăng mười sáu thì tròn đầy viên mãn và những thiếu nữ mười sáu cũng bắt đầu biết những giấc mộng đầu đời.
 
Dù nhịp cuộc sống cứ mãi hoài trôi về phía hiện đại và những mới mẽ. Chiếc nón lá thưa dần giữa phố chợ phồn hoa. Nhưng trong một góc của hồn quê mộc mạc, nón lá vẫn chấp chới lúc tan trường, nhấp nhô trên những cánh đồng, thửa ruộng, phiêu bạt trên những nhánh sông quê… Và dù, ở một góc vườn nhà, hay nơi đồng sâu, ruộng cạn hay qua sông dài, biển rộng thì nón lá vẫn sống mãi với cuộc đời dẫu nhọc nhằn, vất vả mà rất đổi nên thơ.


  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Cẩm Thy