NGUYỄN KHẮC PHƯỚC
Nàng Dâu Nhà Tôi
Truyện ngắn
Nàng Dâu Nhà Tôi
Truyện ngắn
Không phải tôi sắp hát bài hát về nàng dâu của ban nhạc AVT nổi tiếng năm xưa mà kể chuyện về nàng dâu thực của vợ chồng tôi.
Nhưng trước hết tôi xin tự giới thiệu về mình. Tôi tên là Mẹo, 67 tuổi, tổ trưởng dân phố kiêm chủ tịch hội đồng hoà giải của khu phố. Có nghĩa là khi có gia đình nào cơm không lành canh không ngọt, chén đũa chào xáo, thì hội đồng chúng tôi có việc làm chỉ với điều kiện là có đơn hoặc khiếu nại của ít nhất là một người trong gia đình ấy. Khi chén dĩa đang bay vèo vèo thì chẳng ai dại gì mà nhảy vô để lãnh đòn. Cứ ngồi nhà điện báo dân phòng hoặc công an là hết nhiệm vụ. Mình có đến cũng đứng xa xa nghe ngóng hoặc vào một nhà gần đấy hỏi thăm thì sẽ nắm rõ tình hình, sau này dễ phân xử. Làm cái nghề “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, có cái tâm đã đành mà cũng phải biết cách để ứng phó với vạn biến mới tồn tại được. Thấy người ta sống trở lại hoà thuận với nhau thì mình cũng hạnh phúc. Rồi cuối quý cuối năm cũng có cái mà báo cáo điển hình, cũng được tuyên dương khen thưởng. Oai chớ bộ?
Nói vậy thôi chớ chẳng tài cán chi. Chuyện xã hội, chuyện gia đình người ta thì giải quyết được còn chuyện nhà mình thì đành bó tay chấm com.
Khi thằng Thành con trai trưởng của tôi lấy con Liên thì bà con lối xóm ai cũng mừng, bảo nó như chuột sa hũ nếp. Số là gia đình Liên thuộc diện bị giải toả. Nhận đất xong thì cha mẹ nó bán đất, chia đều cho con cái, còn vợ chồng ông bà ấy về quê mua đất làm nhà. Riêng Liên được thừa hưởng cái sạp hàng tạp hoá trong chợ nhỏ tại phường vì đã có công giúp mẹ buôn bán bấy lâu. Thành chuyên bỏ hàng nước tương Chinsu. Liên là bạn hàng của nó. Hai đứa quen nhau rồi lấy nhau là chuyện đáng mừng vì thằng Thành đương nhiên sẽ trở thành ông chủ sạp hàng tạp hoá đó. Sau đám cưới, tôi liền mua đất dựng nhà cho vợ chồng nó. Liên cũng bỏ tiền riêng của nó sắm sửa mọi thứ vật dụng cần thiết trong nhà. Thằng Thành chịu tiền ăn uống, điện nước. Có nghĩa là Thành lo phần mềm, còn Liên lo phần cứng. Khi tụi nó có con bé đầu, thằng thành lo sữa, con Liên lo bột. Vợ chồng cùng chung lo như vậy là tốt.
Con bé mỗi ngày một lớn và tiền ăn mỗi ngày một nhiều. Thằng Thành khỏi phải mua sữa nhưng con Liên vẫn chịu tiền ăn cho con bé. Vợ chồng bắt đầu cãi cọ. Rồi đến tiền học càng ngày càng phát sinh. Nào tiền áo quần sách vở, tiền bán trú, tiền quỹ phụ huynh, tiền giúp bạn nghèo, tiền cứu trợ, tiền quỹ đội, tiền quà thăm cô giáo ngày 20 tháng 11, tiền phát thưởng cuối năm, tiền liên hoan, vân vân và vân vân. Không biết người ta bày ra chi lắm khoản thu như thế. Có lẽ thầy cô thì hỉ hả còn hai vợ chồng nó thì thiếu đường xỉ vả lẫn nhau. Thằng Thành chi nhiều khoản trong nhà rồi, sao con Liên không chịu tiền học cho con bé nhỉ? Trong khi đó, Liên sắm cho mình hai chiếc xe máy, một chiếc wave để đi chợ, còn một chiếc xe tay ga to bự để lâu lâu đi đám cưới cho oai với bạn bè. Thành hỏi tiền đâu mà sắm nhiều thế, Liên nói tiền của mẹ nó cho ngày xưa nó phụ giúp buôn bán, không liên quan gì đến Thành. Nếu vậy, về pháp luật thì đúng nhưng về tình cảm gia đình thì nghe không ổn.
Mọi chuyện dù sao cũng qua được nếu như không có vụ nước tương bị bể. Báo đài ngày nào cũng nói nước tương có cái chất gì đó làm người ta ăn vào thì bị bệnh. Không biết có ai chết vì nước tương hay chưa nhưng gia đình thằng con tôi thì tan nát.
Nước tương ngưng sản xuất, thằng Thành không có hàng bỏ chợ. Không có hàng mới bỏ cho bạn hàng thì tiền cũ cũng không được thanh toán. Liên cũng là bạn hàng của Thành, và cũng như mọi người, Liên cũng không thanh toán tiền cũ. Đó là luật gối đầu xưa nay của chợ ta. Không lấy tiền được thì thằng Thành không có tiền để thanh toán với hảng nước tương. Không thanh toán được thì vi phạm hợp đồng, bị hảng nước tương kiện, bị mời lên đồn chất vấn, làm cam đoan. Thằng Thành bán chiếc xe cà tàng lâu nay nó dùng để chở hàng, vợ chồng tôi cũng giúp chục triệu nhưng cũng còn nợ vài triệu, chưa trả đủ. Thành vi phạm hợp đồng, hảng nước tương kiện là đúng nhưng nguyên nhân đâu phải do nó mà chính do nước tương không đảm bảo chất lượng. Thành không thể đóng tiền ăn cho Liên nên bị cắt cơm, phải về nhà tôi ăn. Liên làm đơn xin ly dị. Toà giải quyết bằng cách chia cho Thành cái nhà và có quyền nuôi con. Liên được mang theo tất cả đồ dùng mà nó đã mua sắm. Cái nhà thằng Thành trống trơn, chẳng có gì bán được để ăn. Hai cha con chúng nó về nhà tôi ở. Còn Liên mua nhà mới và mang tất cả đồ dùng sẵn có dọn đến. Liên có tiền để mua nhà mới gần cả trăm triệu trong khi chồng nó chỉ thiếu hảng nước tương vài triệu nhưng nó vẫn không chi!
Li dị rồi nhưng thỉnh thoảng Liên cũng sang thăm con bé. Hai vợ chồng có dịp gặp nhau sao đó mà con Liên lại có bầu và sanh thêm một cháu gái nữa. Khi cháu được ba tháng thì Liên bồng qua thăm ông bà nội, than vãn về chuyện bấy lâu phải nghỉ bán, không có tiền mua sữa cho con. Liên gởi con cho bà nội nó bồng, nói đi mua sữa, rồi đi luôn.
Một tuần sau Liên trở lại, đem theo đủ hoá đơn thanh toán tiền bệnh viện, tiền tả lót và tiền sữa, đòi thằng Thành phải thanh toán. Liên cho con bú rồi lại bỏ đi. Con bé sau một thời gian quên mẹ, nay lại được cho bú, tối đến nó nhớ mẹ, khóc suốt đêm, có lẽ vì thèm bú. Bà nội nó già rồi nay phần phải giữ cháu, phần phải lo tiền đâu để mua sữa nên sức khoẻ giảm thấy rõ. Tôi cũng không rõ là cháu bé ba tháng mà mẹ nó nói phải tốn tiền sữa bột chi nhiều vậy, trong khi đó, nó cũng có sữa để cho con bú? Mấy người hàng xóm thêm dầu vô lửa bằng cách xúi bà nội nó cấm mẹ con nó gặp nhau! Cũng may là mấy thằng bạn của Thành đứa nào cũng tốt. Lâu lâu có một thằng mang sữa đến cho cháu.
Tiết kiệm, tính toán chi li cũng tốt. Nhưng chi li đồng tiền quá đến nỗi vì sợ tốn tiền mà bỏ, chồng bỏ con như con dâu của tôi thì chắc đàn bà chẳng có mấy tay.
Chuyện nàng dâu nhà tôi chưa có hồi kết. Dự kiến kịch bản còn phát sinh nhiều tình huống do diễn viên tự biên tự diễn, kể cả tình huống ông nội là tôi đây phải giữ thêm một cháu thứ ba.
Ngôi Nhà Ma
Truyện ngắn
Truyện ngắn
Thanh niên trong thời chiến thì dù muốn hay không cũng phải đi lính không bên nầy thì bên kia. Thiệt cũng vậy. Anh ở miền Nam làm lính Việt Nam Cộng Hoà nói nôm na là lính chế độ cũ hay lính nguỵ như bây giờ người ta thường gọi.
Không biết có phải vì vóc dáng thư sinh gầy yếu mắt kính cận hay là nhờ chạy chọt mà Thiệt được điều động về ngành quân nhu làm nhân viên hành chính tài chính cho đơn vị . Và cũng không biết Thiệt đã làm lính được bao lâu nhưng khi chuyển đến đơn vị đóng gần vành đai phi trường Đà Nẵng thì anh ta đeo lon trung sĩ một vợ hai con. Thời buổi chiến tranh mà được làm lính văn phòng thì số dách lại thêm được cô vợ khoẻ mạnh to béo như võ sĩ su-mô thì khỏi lo tốn tiền thuốc thang hoặc bị mấy tay sĩ quan gạ gẫm.
Đơn vị quân nhu mới thành lập lính tráng chưa quen thân nhau. Doanh trại cũng mới dựng ít nhà dành riêng cho bộ chỉ huy nhà kho và lính bảo vệ. Lính văn phòng chưa có nhà ở thoạt đầu còn phải thuê nhà dân sáng đi tối về như công chức.
Thiệt ở nhà thuê hơn một tháng thì khu gia binh dành cho sĩ quan và lính văn phòng được khởi công trên khu đất cách doanh trại chừng nửa cây số. Khi xe ủi đến san lấp bãi hoang đầy lau lách buị cây dại và ao hồ để tạo măt bằng thì người ta phát hiện được rất nhiều mô đất nhỏ như cái rá mà người ta nghi là những nấm mồ hoang. Hỏi dân địa phương thì họ bảo đó là những mả hời có tiếng là linh thiêng. Người quanh vùng chẳng mấy ai lai vảng đến đó vì người ta đồn rằng ban đêm có ma hời tụm lại xoã tóc khóc tỉ tê. Những người lính công binh dù sợ nhưng cũng phải làm. Họ mời thầy cúng thuê người bốc được dăm bảy bộ hài cốt bỏ vào tiểu đem chôn một nơi khác. Cũng chỉ bốc được những mồ nào còn nấm chứ những cái tàn rồi bằng phẳng với mặt đất thì chẳng biết còn bao nhiêu.
Rốt cục thì khu gia binh cũng được dựng xong. Các sĩ quan ưu tiên chọn lựa. Chỉ có một mình Thiệt là hạ sĩ quan nên phải nhận lô sau cùng. Lính công binh nói lô đất ấy có nhiều mả hời nhưng Thiệt đành phải chịu. Thiệt dắt vợ con vào ở dấu nhẹm chuyện mả mồ.
Thế nhưng chưa đầy một tuần thì có chuyện kỳ quặc xảy ra. Nửa đêm Thiệt đang ngủ với vợ thì giật mình thức giấc vì những tiếng động lạ. Thoạt đầu là tiếng ly chén chạm nhau sau đó là tiếng bàn ghế di chuyển như có ai đang dọn nhà tiếng chân chạy trên mái tôn tiếng rên rỉ tiếng thở hì hục. Thiệt thức dậy bật đèn tìm kiếm nhưng không tìm thấy ai chỉ có mấy chú chuột chạy kêu chút chít. Mọi vật vẫn ở yên vị trí không hề di chuyển. Những đêm tiếp theo không đêm nào mà không xảy ra chuyện tương tự. Thiệt đã từng tham gia trận mạc từ lúc còn binh nhì nên chẳng mấy sợ nhưng cô vợ quá khiếp hãi nên dứt khoát đòi đi thuê nhà ở hoặc phải về quê. Quê Thiệt thuộc vùng giải phóng nên không thể về còn thuê nhà thì không có tiền vì số tiền dành dụm đã dùng sạch vào việc mua sắm đồ đạc trong nhà. Lại còn nợ đơn vị mấy tháng lương. Ngược lại ở trong khu gia binh chẳng tốn một đồng xu tiền điện nước lại được an toàn. Thiệt tạm thời xin cho vợ con vào ngủ trong văn phòng còn mình thì ngủ ở nhà. Lính tráng mà sợ quái gì ma mũi.
Được một tuần thì Thiệt có vẻ kiệt sức mặt mày hốc hác vì mất ngủ. Đêm nào cũng phải thức dậy vì tiếng động lạ rồi nằm chong đèn đến sáng không thể chợp mắt. Có lúc anh phải xin nghỉ ốm đi viện nhưng sợ mất việc phải đổi ra tiền tuyến nên cố gắng đi làm.
Thiệt báo cáo chuyện nhà mình với đơn vị trưởng và được cấp trên điều động một binh nhì đến giúp việc văn phòng ban ngày ban đêm thì về nhà ngủ với Thiệt.
Trong thời gian ấy đơn vị có hai sĩ quan người Mỹ đến làm cố vấn ỏ lại trong doanh trại. Một người biết tiếng Việt trọ trẹ ngỏ ý muốn dạy tiếng Anh cho vợ Thiệt để làm thông dịch. Vợ Thiệt đã học gần hết phổ thông nên cũng biết đôi chút tiếng Anh. Được học tiếng Anh với người Mỹ chính gốc là một cơ hội rất hiếm nên cả hai vợ chồng Thiệt đều ô-kê.
Ban ngày vợ Thiệt ở nhà ban đêm vào học tiếng Anh trong doanh trại nên chẳng mấy chốc vợ Thiệt nói tiếng Anh như gió và được cử làm thông dịch viên cho đơn vị. Hai người Mỹ đi đâu cũng có vợ Thiệt cặp kè. Đôi khi họ đi công tác vài ba ngày mời về. Người ta tiếng vào tiếng ra đồn đãi bậy bạ nhưng Thiệt không có ý kiến gì bởi đồng lương vợ Thiệt kiếm được khá lớn chẳng bao lâu có thể trả xong nợ và mua nhà riêng. Lúc ấy Thiệt sẽ không cho vợ làm thông dịch nữa. Hơn nữa lúc ấy chắc sẽ có sĩ quan thông dịch được cử đến có làm người ta cũng không cho.
Lúc Thiệt được thăng chức thượng sĩ cũng là lúc biết vợ mình có bầu. Mấy người vợ lính to nhỏ rằng không biết Thiệt ngủ với vợ lúc nào mà cô ta có bầu. Chuyện đó chỉ có hai vợ chồng họ biết làm sao người ngoài biết được. Không ban đêm thì ban ngày chủ nhật. Làm tình kiểu lính thì đánh nhanh thắng lẹ chớ có như dân thường đâu. Hồi Thiệt còn ở quân trường mỗi lần chủ nhật vợ đến thăm hai người kéo nhau ra bãi tập che tấm pông-xô là xong. Hơn nữa vợ chồng Thiệt vẫn vui vẻ hạnh phúc chẳng mấy khi to tiếng. Người khác lại bảo rằng vợ Thiệt to béo khoẻ mạnh thế kia thì nếu có chuyện gì Thiệt cũng không dám hó hé. Nó quật một cái thì rồi đời!
Sắp đến ngày vợ sinh thì Thiệt cũng đặt cọc một ngôi nhà hai tầng giữa trung tâm thành phố. Người sĩ quan Mỹ tốt bụng đã nhường cho Thiệt chiếc xe Jeep lùn của anh ta trước khi về nước. Chẳng mấy thượng sĩ có được xe riêng. Thiệt lấy làm hãnh diện khi chở vợ đi khám thai hàng tháng . Sau khi mua được nhà cho vợ con ở Thiệt sẽ đi về bằng chiếc xe nầy.
Đến ngày vợ sinh thì Thiệt lấy xe chở vợ đi bệnh viện. Thiệt được nghỉ phép ba ngày để lo cho vợ con.
Sau ba ngày thì Thiệt một mình lái xe về. Không nói không rằng anh ta rinh tất cả đồ đạc trong nhà ra đường và lấy xe cán bẹp. Lúc ấy vào sáng sớm sắp tới giờ làm việc. người lính gác doanh trại hớt hãi chạy đi báo sĩ quan đơn vị trưởng: Thưa đại uý em thấy thượng sĩ Thiệt hai tay cầm hai quả lựu đạn đi vào văn phòng dáng vẽ căng thẳng .
Khi viên đại uý dẫn lính đến đến thì phòng hành chánh tài chánh đã bị khoá chặt cửa bên trong. Tiếng Thiệt la to: Các người đi đi nếu không thì chết cả đám bây giờ.
Ngay khi mọi người vừa kịp nằm xuống khì hai tiếng lựu đạn nổ rầm rầm. Văn phòng bay tốc mái và người ta tìm thấy Thiệt chết ngay tại chỗ.
Người ta đi kiếm vợ Thiệt nhưng chị ta đã bỏ đi khỏi bệnh viện chẳng biết về đâu.
Tháng 12 2007
Chuyện Con Cún
Truyện ngắn
Truyện ngắn
Hồi còn nhỏ, thằng cu Cường nhà tôi nhiều lần đòi nuôi chó nhưng tôi giả lơ vì tôi không thích chó lắm. Hết phổ thông đến đại học, nó túi bụi học hành nên sở thích nuôi chó của nó phải tạm gác. Thế nhưng, khi đã học xong và có việc làm, nó lại hỏi: Sao nhà mình không nuôi chó?
Ở xóm tôi, hầu hết nhà trước đây đều có vườn tược. Ngoài nuôi gà, vịt, hầu như nhà nào cũng có nuôi chó. Nhưng sau khi giải toả để lập khu dân cư mới, nhà vườn biến thành nhà phố, nuôi chó rất bất tiện và mất vệ sinh. Hàng xóm láng giềng đều là người xa lạ, nuôi chó mà không có vườn, lỡ nó sang ỉa trước nhà hàng xóm sẽ bị chửi ngay. Nếu nó chạy ra đường sẽ bị bọn săn chó đánh chết, hoặc có ngày cũng bị công an phạt. (Tôi cũng mong luật cấm chó thả rông được áp dụng nghiêm ngặt để khỏi dẫm phải cứt chó!)
Tôi đã cảnh báo thằng con tôi như vậy nhưng nó không nghe và rồi nó kiếm đâu đó về một con cún rất dễ thương. Nó thích nuôi chó nhưng không biết cách chăm sóc, chỉ thả đấy, và tôi trở thành người nuôi chó bất đắc dĩ. Hằng ngày tôi phải cho chó ăn, dọn phân, lau nước đái, tắm cho chó. Cả nhà biến thành cái chuồng chó, chỗ nào cũng hôi hám.
Mặc dù là chó ta, nhưng chuyện ăn uống cũng rắc rối. Lúc mới bắt về, chỉ cần cơm chan canh, nó cũng xực mấy bát. Vài ngày sau, nó không chịu, phải chuyển qua cơm trộn cá. Được ít bữa, nó chán cơm cá, phải chuyển qua cơm trộn đồ xào. Dù mỗi lần chán ăn, có thể nhịn một hai ngày, nhưng nó cũng lớn rất nhanh.
Gặp lúc nó đang chán cơm trộn đồ xào, đang nhịn hơn một ngày không ăn gì, thì có cô bé hàng xóm bưng qua thết nó một tô xương gà đầy ắp, nó tha hồ gặm đi gặm lại đến hai ngày mới hết.
Kể từ đó, cứ hai ba hôm, cô bé lại mang một tô, khi thì xương gà, khi thì xương vịt, khi thì đầu cá to bự, khi khác thì thịt bò, thịt heo. Con chó nhà tôi mập lên thấy rõ và tôi phải đi hót phân ngày đến hai, ba lần!
- Con bé ấy nhà nào mà trông dễ thương, ăn nói nhỏ nhẹ, lễ phép? Nhà nó có vẻ ăn sang hơn nhà mình nhiều. Tôi hỏi vợ tôi.
- Con Sương, con gái anh Ngọc ở cái nhà ba mê phía bên kia đường, từ nhà mình ngó xéo là thấy. Ông ở xóm nầy gần chục năm rồi mà vô tình quá! Được đó ông.
- Được cái chi?
- Được cái nết của nó. Lại cao ráo dễ thương. Được cái nữa là nó đã tốt nghiệp đại học và đang làm ngân hàng, lương tháng gần ba triệu. Được cái nữa là hàng xóm láng giềng có quen biết, nói chuyện dễ hơn. Được cái nữa là đỡ tốn tiền thuê xe cộ. Được cái nữa là mai mốt sinh đẻ, nó nằm nhà mẹ, mình đi lại dễ dàng…
- Nãy giờ bà nói được được, tôi không hiểu gì hết.
- Thì tôi định nói con bé ấy cho thằng cu lớn nhà mình. Ông không thấy nó được sao?
- Nếu được vậy thì tốt quá. Nhưng nhà người ta là cán bộ cấp côi. Bà không thấy khách khứa tấp nập, ăn uống sung sướng, xe cộ láng coóng, còn nhà mình mới chỉ đủ ăn ba bữa mà đòi môn đăng hộ đối thì sao được. Bỏ qua cái ý nghĩ đó đi. Vã lại, hai đứa có quen biết nhau gì đâu.
- Trời ơi, ông không biết đó thôi. Mỗi lần nó qua, cho chó ăn xong là hỏi: Anh Cường đâu rồi bác? Dạo này ảnh hay đi chơi về khuya quá, bác không la hả? Anh Chương nhà con hồi đó cũng vậy nhưng má con la quá nên không dám đi nữa. Đó, ông thấy con cái gia đình ấy có giáo dục hơn con nhà mình. Ông không biết dạy con gì hết. Nó ưng thằng cu Cường nhà mình rồi đó. Ông là thứ vô tình không biết đó thôi. Con người ta đẹp người đẹp nết như vậy mà ông không ưng thì cũng chịu thôi. Đám ấy quá tốt, còn nói vòng vo gì nữa. Con mình đã lớn rồi…
- Tôi nói không ưng và vòng vo hồi nào?
- Nghe nói bố nó làm quan chức gì lớn lắm ở ngành điện lực. Vậy là có cơ may chuyển thằng con mình qua ngành điện.
- Thằng cu mình học ngành hoá chớ có phải ngành điện đâu. Ngành điện đời nào người ta tuyển kỹ sư hoá hữu cơ.
- Thì ít ra nó cũng kỹ sư. Kỹ sư thì làm gì mà chẳng được. Bạn của ông có người tiến sĩ sử học mà làm giám đốc cảng biển sao ông không nói gì?
- Nói chuyện với bà mất công quá. Thôi được, tôi ô kê, bà làm chi thì làm.
Mọi chuyện vẫn xảy ra bình thường. Con chó nhà tôi hằng ngày thấy Sương đi làm về là vẩy đuôi mừng rỡ. Mỗi lần Sương mang đồ ăn đến là nó nhảy lên liếm vào mặt cô bé. Nó chưa làm vậy với tôi bao giờ. Thằng Cường nhà tôi cũng thỉnh thoảng đứng nói chuyện với Sương trước hiên nhà. Hai đứa có vẻ hợp nhau, tôi nghĩ vậy, đặc biệt con bé luôn cười nói vui vẻ tự nhiên, không chút e thẹn.
Một lần, tôi hỏi Sương:
- Chó nhà con không ăn mấy thứ nầy sao?
- Từ hồi chó nhà con bị mấy thằng săn chó bắt thì nó nhác ăn. Hôm đó nó đang đứng chơi ngay trước cửa nhà thì mấy thằng ấy nhảy vào cầm cây ống nước bằng nhôm đánh nó rồi mang đi. Trời ơi, con khóc húp cả mắt. Ba con chạy đi mấy cửa hàng thịt chó và may mắn tìm được nó chưa chết, chỉ bị thương. Ba con bỏ một trăm ngàn để chuộc nó về. Một thời gian sức khoẻ nó bình phục, chỉ có cái cổ bị gãy xương, bây giờ hơi cong cong, tính của nó cũng hơi lảng lảng. Bây giờ nó chỉ uống sữa, cũng may chỉ thích loại sữa bột nguyên kem là thứ ít tiền. Bác thấy con cứ cầm cái tô chạy theo nó dỗ như là dỗ trẻ lên ba nhưng nó không thèm ngó vào tô có thứ gì.
Rồi nhà anh Ngọc lên thêm một tầng và làm mới hết mặt tiền. Nhà chỉ có bốn người, vậy là mỗi người một tầng. Không hiểu làm chi cho to vậy?
Con chó đực nhà tôi cũng đã làm quen được với con chó cái nhà ấy và hai con thỉnh thoảng qua lại chơi với nhau mỗi khi được thả.
Một tuần sau thấy nhà anh Ngọc treo đèn kết hoa, tôi hỏi vợ tôi chuyện gì vậy. Bà nói:
- Đám cưới con bé Sương con anh Ngọc, nó thường mang thức ăn cho chó nhà mình đấy.
Bà vợ tôi chỉ trả lời vậy thôi và không nói gì nữa, không nói được cũng không nói mất. Tôi cũng làm thinh.
Mặc dù hàng xóm láng giềng gần chục năm, nhưng vợ chồng tôi chưa quan hệ nhiều lắm với gia đình ấy nên không được mời. Người ta nói “gần nhà mà xa cửa ngõ” để chỉ mối quan hệ lạnh nhạt không nên có giữa những người hàng xóm láng giềng, bởi vì quan hệ xóm giềng là mối quan hệ “tắt lửa tối đèn có nhau”. Thế nhưng khi làng xóm bị giải tỏa, bà con xóm giềng mỗi người tứ tán một phương, lại bắt đầu làm quen với hàng xóm mới (đa phần đều là người giàu có mua lại đất của người bị giải tỏa), phải sống kiểu “đèn nhà ai nấy rạng”, mới thấy hết ý nghĩa của câu đó.
Một ngày sau đám cưới, con chó nhà tôi biếng ăn, suốt ngày cứ nhìn sang nhà Sương.
Hôm sau, nó được mở xích, và ngay khi nó phóng ra, hai tay săn chó đi xe máy ập đến, đập vào đầu nó bằng một cây sắt và cầm cổ xách đi mất.
Ba ngày sau đám cưới, Sương trở về nhà. Buổi tối, Sương bưng qua nhà tôi một tô đầy xương gà, vui vẻ kêu “ki ki”. Tôi ái ngại nói:
- Nó bị người ta đập chết mang đi rồi, con ơi.
- Trời ơi !
Tôi thấy Sương tiu nghỉu bưng tô xương gà trở về, vừa đi vừa khịt mũi, dường như cô ấy khóc. Nhưng Sương không bưng tô xương vào nhà mình mà đi vào con hẻm phía sau nhà, có lẽ để cho con chó khác ăn.