NGUYỄN KHẮC PHƯỚC
Cái Trục Chỉ
Truyện ngắn
Cái Trục Chỉ
Truyện ngắn
Thượng lưu sông Thác Ma là vùng nổi tiếng với đặc sản chè lá, thơm và mít, cung cấp cho các chợ vùng hạ lưu chuyên trồng lúa và những chợ vùng duyên hải Quảng Trị, Thừa Thiên. Thím Lành là một trong những người chuyên buôn bán những mặt hàng đó.
Thím Lành ở thôn Tân Điền, cách chợ Mỹ Chánh chừng hai giờ đi bộ, thế mà ngày nào thím cũng kiũ kịt gánh hàng xuống chợ. Thiệt tội cho đôi vai của thím và cả cái đòn gánh oằn xuống như sắp gãy. Cứ vài chục bước thím lại đổi vai, chứng tỏ gánh hàng nặng lắm, nặng đến mức tột cùng của sức chịu đựng, tưởng như một cái lá cũng không thêm vào được.
Suốt buổi chiều, thím đến các chủ vườn mua hàng. Khi vừa đủ nặng, thím gánh hàng về nhà. Từ ba giờ sáng, khi trời còn tối mờ tối mịt, thím đã tất tả gánh hàng xuống chợ để kịp bán cho bạn hàng. Có khi thím phải đi đến các thôn vùng núi phía tây như Trầm Sơn, Khe Mương, hoặc bắt đò qua các thôn Vực Kè, Tân Lương bên kia sông, nơi trồng nhiều thơm, mít.
Đấy là vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, khi đất nước còn yên bình. Người ta có thể đi suốt đêm, trong túi không có bất cứ giấy tờ gì mà không sợ bị bắn nhầm hay xét hỏi. Những năm đó, đêm đêm dưới sông Ô Lâu văng vẳng giọng hò mái đẩy nhịp nhàng khoan thai từ những chuyến đò dọc mang hàng hóa từ Đông Ba đi khắp vùng Thừa Thiên, Quảng Trị, ghé những chợ bên sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu và đến tận sông Thạch Hãn, sông Hiếu… Nhiều người nghe đến thuộc những câu:
“Đập sông Bồ có khúc sâu khúc cạn
Chàng có thương thiếp, cho thiếp chộ hình chộ dạng để bớt nhớ thôi thương
Kể từ ngày đào lựu cách trở hai phương
Trông cho thấy mặt kẻo hai đứa hai đường thảm chưa?”
“Gió thổi pho pho đưa đò lên Huế
Trăng non Đoài vội xế Bao Vinh
Gặp nhau đây giữa ngã ba Sình
Có ai vô kết nghĩa chung tình ngàn năm?”….
Thím Lành quen biết rất nhiều giọng hò trên những chuyến đò dọc ấy bởi những chủ đò là bạn hàng của thím.
Mỗi khi xong phiên chợ, nếu hàng bán không hết, thím thường mang đến gởi nhà bác Thảo, một người bà con thúc bá bên chồng của thím. Bác Thảo làm nghề thợ may và mở tiệm ngay trong chợ Mỹ Chánh. Tiệm của bác khá rộng nên sẵn sàng cho thím gởi hàng. Hầu như bác Thảo không bao giờ phải tốn tiền mua chè lá và lâu lâu được thím tặng một trái thơm, trái mít ăn cho vui.
Thím Lành cũng mê hò Huế, nhất là hò giả gạo và hò đối đáp rất vui nhộn, nên mỗi năm đôi ba lượt, khi có đoàn hò Huế về hát ở sân đình làng Mỹ Chánh hoặc Lương Điền, thím gánh hàng xuống chợ ngay đêm hôm đó, ở lại nhà bác Thảo để đi xem cho được.
Một hôm, bác Thảo tìm không thấy một trục chỉ đen trong bao treo trên bàn máy may. Đó là trục chỉ còn nguyên, chưa dùng đến, bác phải bắt xe đò vô tận Huế mới mua được. Chỉ được cuốn quanh mội cái lõi gỗ mà sau khi dùng hết chỉ, trẻ con thường dùng để làm xe để chơi. Bác lục trí nhớ xem hôm ấy có ai đến nhà mình không và dứt khoát chỉ có một mình thím Lành ghé lại. Bác chắc chắn thím Lành đã lấy cắp trục chỉ của mình chứ không ai khác, bởi vì nhà thím nghèo, rất cần chỉ để vá áo quần. Cả nhà thím, mọi người đều mặc áo vá. Cái áo dài thím mặc đi chợ cũng được vá vai.
Bác Thảo tức bực vô cùng, không lẽ lại phải vô Huế chỉ để mua một trục chỉ, mà đi lại đâu phải dễ dàng. Kể từ đó, mỗi lần thím Lành đến bác đều lạnh nhạt, không một tiếng chào, không nhận chè lá của thím biếu nữa.
Thím Lành không hiểu tại sao bác Thảo có thái độ khác thường như vậy, sợ rằng hàng hóa của mình làm chật nhà bác, từ đó thím không gởi hàng ở nhà bác và cũng không đến nhà bác nữa.
Thế rồi cuộc chiến càng ngày càng căng thẳng, không ai dám đi lại ngoài đường ban đêm, tiếng hò mái đẩy trên sông vắng dần rồi im bặt luôn. Con đường sắt trở thành giới tuyến. Phía tây thấp thoáng bóng các anh du kích khi đêm về. Ban đêm thím Lành và gia đình phải xuống hầm ngủ để tránh đạn đại bác và đạn súng đại liên từ đồn Mỹ Chánh cứ bắn xả vào làng.
Lâu lâu thím Lành mới xuống chợ, chỉ đi ban ngày và gánh ít hàng. Khi đò dọc không còn đến, khách hàng từ Huế ra mua bằng xe đò, nhưng chỉ được đôi lần rồi vắng luôn bởi đường sá không an toàn. Nhưng khó chịu nhất là khi vừa ra khỏi chợ, hàng hóa của thím bị lục tung, không biết họ kiếm cái gì.
Khi những chiếc máy bay phun cái chất bột màu trắng xuống làng thì mít là thứ cây đầu tiên bắt đầu chết rụi, kế đến là chè, thơm. Sau này thím mới biết rằng đó là thuốc khai quang và người ta nói cây nào có mủ thì chết trước.
Không còn chè, mít và thơm nên thím hết đường sinh kế, gia đình thím định bỏ làng mà đi. Thế nhưng chưa kịp đi thì một quả đại bác đã rơi vào vườn nhà thím và mảnh của nó đã giết thím.
Bác Thảo nghe tin nhưng không về phúng viếng. Có thể bác sợ nhưng không ai bắt bớ gì một người thợ may già như bác, hơn nữa, mấy anh du kích cũng là bà con thân thuộc với bác. Người ta nói nghĩa tử là nghĩa tận, mà bác còn ghét thím lâu vậy sao?
Mấy năm sau, một hôm bác đi ngang nhà hàng xóm khi chị chủ nhà đang ngồi ngoài hiên và áo quần. Hồi ấy không có điện nên ngồi trong nhà thì không thấy lỗ kim mà xâu chỉ. Tình cờ bác thấy trên bậc thềm một cuộn chỉ đen loại có lõi gỗ y như của cuộn chỉ của bác. Cuộn chỉ còn khá mới, chưa dùng bao nhiêu. Những người không phải thợ may chỉ dùng cuộn chỉ nhỏ bằng ngón tay quấn quanh lõi giấy, hiếm khi người ta dùng loại cuộn chỉ to có lõi gỗ mà ở chợ Mỹ Chánh không ai bán. Bác hỏi chị hàng xóm mua cuộn chỉ này ở đâu, chị trả lời:
-Thằng con tôi đi chơi thấy đâu đó rồi mang về chớ tôi chẳng mua trục chỉ to này làm chi cho tốn nhiều tiền.
-Trước đây tôi có mất một trục chỉ như thế này và tôi đã nghi ngờ một người bà con lấy cắp. Chị làm ơn hỏi cháu lấy cuộn chỉ này ở đâu, nếu cháu lấy của tôi thì chị cho tôi biết, tôi sẽ bỏ qua không nói với bất cứ ai và chị cứ để đó mà dùng. Tôi biết các cháu rất thích lõi chỉ này để làm xe chơi chớ chẳng tham lam gì. Nếu cháu lấy thì tôi phải đến xin lỗi người bà con của tôi vì bấy lâu nay tôi nghi oan cho họ.
Tối hôm đó, chị sang nhà bác Thảo, một tay chị cầm cuộn chỉ, một tay cầm tay thằng con, biểu nó xin lỗi và trả lại cuộn chỉ cho bác.
Bác cầm cuộn chỉ mà rưng rưng nước mắt vì bác không bao giờ có thể gặp lại thím Lành để xin lỗi nữa, họa chăng là ở suối vàng mà thôi.
N.K.P.