NGUYỄN KHẮC PHƯỚC
NĂM SỬU NÓI CHUYỆN CHÀNG NGƯU
NĂM SỬU NÓI CHUYỆN CHÀNG NGƯU
Hồi tóc còn để chỏm, tôi đã từng nghêu ngao bài hát "Em bé quê" (Phạm Duy phổ nhạc từ một bài đọc trong sách Quốc văn Giáo khoa thư): "Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ. Ngồi mình trâu..." Câu hát gợi lên hình ảnh chú bé ngồi vắt vẻo thổi sáo trên mình trâu khi đàn trâu đang tha thẩn trở về chuồng trong buổi chiều hoàng hôn mát rượi. Có lần đang ngồi trên mình trâu nhưng tôi nghĩ nát óc mà không tìm ra lời giải cho câu đố: Bốn ông đập đất, một ông phất cờ, một ông vơ cỏ, một ông bỏ phân, là con gì? Cũng không phải chỉ một lần ngồi trực bên bên rỗ rơm khi cha đang dắt trâu đạp lúa để chờ nghe "ỉa ỉa" là xách rỗ đến hứng, bù lại, tôi được nghe mấy ông thợ gặt tán chuyện mấy o trong làng hoặc được ăn chè đậu sau khi xảy rơm xong.
Đã ngồi trên mình trâu mà không biết gì về con trâu và nhớ ơn đàn trâu đã cùng gia đình lao động vất vả để có cái ăn, cái mặc nên hôm nay tôi tự tìm hiểu về con vật thân yêu này.
Những câu tục ngữ như: "Trâu cột ghét trâu ăn", "con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu", "lộn con toán bán con trâu" v.v. xuất hiện thường xuyên trên cửa miệng mọi lứa tuổi trong câu chuyện hằng ngày, kể cả thị dân, chứng tỏ hình ảnh con trâu có ấn tượng rất sâu đậm trong đời sống và ngôn ngữ của người Việt.
Quê hương chính của trâu là vùng Nam Á và vùng Đông Nam Á.
Các nhà khoa học chia loài trâu làm 3 giống.
Giống trâu hoang dã châu Á còn gọi là Arni được xếp vào giống có nguy cơ tuyệt chủng, một số ít được tìm thấy dưới chân rặng Hymalaya. Một số ít khác được bảo tồn trong vườn quốc gia Hukuang Mianmar. Vùng Đông nam Á kể cả dãy Trường Sơn có khoảng chừng vài chục con.
Giống trâu sông (river buffalo) có 50 nhiểm sắc thể sống ở độ cao 2.800 mét ở Nepal và vùng Nam Á.
Giống trâu đầm lầy (swamp buffalo) có 48 nhiểm sắc thể còn gọi là Carabao được nuôi nhiều ở Châu Phi và vùng Đông Nam Á. Giống Carabao nầy còn là con vật biểu tượng quốc gia của Philippines.
Tháng 9 -2007, các nhà khoa học Phi tuyên bố đã lai tạo được giống trâu vô tính đầu tiên. Tháng 1 - 2008, họ lại bắt đầu lai tạo một giống trâu siêu chủng cho nhiều sữa, đặt tên là Glory, theo tên của tổng thống Gloria Maccapagal Arroyo.
Giống trâu Murrah ở Ấn Độ nỗi tiếng cho nhiều sữa nhất thế giới. Trâu Murrah có sừng xoắn, khác với trâu thường có sừng vòng cung. Mỗi năm một con có thể cho đến 3000 lít sữa. Mỗi năm Ấn độ sản xuất 30 triệu tấn sữa trâu. Phần còn lại của thế giới chỉ bằng một nửa số lượng ấy. Ấn Độ cũng đã lai tạo được một giống trâu siêu chủng đặt tên là Nili-Ravi.
Truyền thuyết Phật giáo có câu chuyện kể rằng trước khi thành Phật, Đức Thích Ca đã bỏ ra sáu năm để hành pháp khổ hạnh đến nỗi thân thể chỉ còn da bọc xương. Về sau thấy phương pháp khổ hạnh chỉ đem lại đau khổ mà trí tuệ chẳng hề tăng trưởng nên Ngài quyết định dùng lại thức ăn để có đủ sức hành thiền, quán niệm hơi thở. Trong thời gian 49 ngày thiền định, ngài được cô thôn nữ Sujata dâng cúng cháo sữa, và nhờ đó sức khỏe, ngài được hồi phục nhanh chóng. Theo thiển ý của tôi, chắc chắn trong cháo sữa đó có sữa trâu, một là vì ở Ân Độ, bò là linh vật nên chẳng mấy ai dùng sữa bò. Hai là vùng bắc Ấn là nơi có rất nhiều trâu sinh sống. Ba là sữa trâu bổ dưỡng, rất thích hợp với người suy dinh dưỡng, vì trong sữa trâu giàu chất béo, canxi, năng lượng cao gấp đôi sữa bò. (Trong 100 mg sữa trâu có 110 kcalo, trong khi 100 mg sữa bò chỉ có 66 kcalo.)
Ngày nay, sữa trâu còn được chế biến thành bơ pho-mat hoặc sữa chua.
Sữa trâu nhiều chất béo hơn sữa bò nhưng thịt trâu lại ít mỡ hơn thịt bò, nhưng lượng sắt có trong thịt trâu lại cao hơn thịt bò. (Trong thịt trâu nghé chỉ có1,5 - 5,6% mỡ so với thịt bò là 10 - 20%) .Thịt trâu thích hợp với người làm việc bằng trí óc, huyết áp cao, xơ vữa động mạch hay có nhiều cholesterol trong máu. Phụ nữ mập có thể ăn thịt trâu vì nó cung cấp năng lượng mà không làm tăng cân. Thịt trâu hầm không mất chất lượng thích hợp với người già và trẻ con và có thể để nhiều ngày không hư. Thịt trâu nghé mềm quá không ngon bằng thịt trâu choai chừng 2 tuổi. Ở Thốt Nốt có món thịt trâu luộc với nước cơm mẻ. Ở Củ Chi có món phở nghé. Ở Hòa Tiến, Đà Nẵng, có món thịt nghé nướng lá lốt. Ở Quảng Trị có món thịt trâu xào với đọt trơng (phần lá non màu tím, hạt trơng to bằng hạt tiêu dùng làm đạn của súng ống nổ). Ở Đồ Sơn, người ta giết thịt trâu chọi và bán rất được giá. Ở Sài Gòn, nếu thèm thịt trâu cứ ghé cửa hàng thực phẩm tươi sống của Vissan trong hệ thống siêu thị Saigon Coop tìm thử xem. Ở thôn quê vào mùa rét, trâu chết hàng loạt, người ta phải xẻ thịt chia nhau ăn, nhưng khổ nỗi trâu chết thường là trâu già yếu không chống chọi được với giá rét và bà con lại không biết cách chế biến nên món thịt trâu trở thành món khó nuốt vì mùi thịt và quá dai. Muốn thịt trâu già hầm mau nhừ và có mùi vị thơm ngon thì buổi tối, trước khi nấu, xoa lên miếng thịt trâu một lớp bột hạt cải, sáng hôm sau rửa sạch trước khi nấu. Coi chừng nhiểm bệnh than (Antharax) nếu ăn phải trâu bệnh.
Tục ngữ có câu: "Trâu bò chết để da người ta chết để tiếng." Thế nhưng trâu chết cũng để "tiếng" nhưng đó là tiếng trống. Da trâu làm trống phải thuộc rất công phu nhưng chỉ có da trâu cái chưa sanh đẻ mới tốt vì nó rất dai và cho tiếng kêu hay. Da trâu nấu thành cao gọi là giao để hòa với vôi quét tường, tạo chất kết dính. Ngoài ra, đông y còn dùng da trâu như một loại dược liệu có tác dụng giảm đau, cầm máu. Ở Bảo tàng Quảng Trị có sợi dây da trâu, chiều dài hơn 2m, đường kính 20mm (nguyên thủy dài hơn), trước đây bộ đội dùng để kéo pháo trong chiến dịch giải phóng miền Nam.
Sừng trâu cũng không phải là thứ bỏ đi mà được các nghệ nhân của công ty Lý Tam Hùng của ông Lý Patrick ở Hà Tiên chế biến thành các đồ trang sức, từ vòng, nhẫn... cho đến các đồ dùng khác như lược, gọng kính, đẹp không thua gì sơn mài, được bày bán khắp nơi trên thế giới. Người dân tộc Tây Nguyên dùng sừng trâu để rót rượu hay làm mõ. Sừng trâu cũng có thể thay cho sừng tê giác trong một số bài thuốc nam.
Hầu như tất cả các nước vùng Đông Nam Á đều có lễ hội đua trâu với tay nài ngồi trên lưng trâu nhấp nhấp nhổm nhổm trông rất hào hứng, song người ta không giết trâu sau lễ hội như ở Việt Nam. Người Chăm ở Lạc Tánh có lễ Chém Trâu (Săm lé) diễn ra vào tháng tư Chăm lịch với thủ tục nghi lễ rất công phu.
Phụ nữ có bầu ở thôn quê rất kị đi phía sau đít trâu vì lỡ bị trâu đập đuôi thì rất khó sinh (?).
Nuôi trâu không chỉ để kéo cày nhưng còn để lấy phân trâu để bón cây. Phân trâu còn để trát phên hoặc có nơi phơi khô để đun nấu. Để chuẩn bị sân đạp lúa, người ta lấy phân trâu hòa với nước thành chất bùn sền sệt đem quét lên mặt sân để trám chỗ nứt nẻ. Phơi sân 3 nắng là được. Mùi phân trâu, mùi nước đái trâu hòa với mùi lúa mới và mùi rơm rạ tạo thành một thứ mùi quê hương đặc trưng khiến bao người xa quê phải thương nhớ đến ngẩn ngơ. Vào mùa đông giá rét, nếu bạn bị nứt gót chân, thử đạp chân vào bãi phân trâu mới ỉa còn ấm vài lần, có thế cũng đỡ!
Mười bức tranh trâu, mà người ta thường gọi là "thập mục ngưu đồ", vẽ con trâu và người chăn trâu, mô tả thứ tự quá trình diễn biến trong tâm thức của người hành thiền, (người sáng tác có lẽ đã liên tưởng đến giai thoại Phật uống sữa nói trên?). Đầu tiên phải đối trị tâm cho đến lúc hoàn toàn khống chế được tâm. Khi tâm được thuần thục không còn vọng động, ánh sáng trí tuệ sẽ bùng lên như một mặt trời. Khi đã ngộ, hành giả ung dung nhập thế. Nếu có dịp đến thăm Trúc Lâm Thiền viện ở Đà lạt, ghé vào thư viện, bạn sẽ thấy 10 bức tranh trâu đang treo trên tường, bạn hãy nhờ thầy phụ trách thư viện ở đó giải thích thì rõ hơn.
Hồ Tây ở Hà Nội còn có tên là hồ Kim Ngưu (Trâu Vàng). Truyền thuyết kể rằng ông Khổng Lồ (Không Lộ?) có tài thu hết đồng đen của phương Bắc đem đúc thành chuông. Chuông đánh lên tiếng vang sang bên Bắc. Vì đồng đen là mẹ vàng nên con trâu vàng phương Bắc nghe tiếng chuông liền chạy đi tìm mẹ. Tới đây, nó quần thảo mãi khiến chân bị chảy máu thành hồ Tây (theo Wikipedia).
Seagames 2003 tổ chức tại Viêt Nam lấy con trâu vàng làm biểu tượng là dựa theo truyền thuyết ấy (?). Hiện nay còn có đường phố tên Kim Ngưu tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Đón Tết năm Sửu mà không xem một "quẻ" về tuổi Sửu thì e thiếu sót. Người ta cho rằng người tuổi trâu tính chậm chạp nhưng chắc chắn, thường là người khỏe mạnh, độ tin cậy cao, thích làm lãnh đạo, cần cù, làm việc không biết mệt. Tuy nhiên, họ rất khó thay đổi quan điểm của mình, đôi khi bảo thủ, cố chấp. Người tuổi trâu ít nói và không thích ở giữa đám đông. Tuy nhiên, nếu bạn cần lời khuyên chân thật không thiên vị thì cứ đến hỏi người tuổi trâu.
Phụ nữ sinh năm Dần thường gặp khó khăn về đường gia thất, do đó, có người dấu béng tuổi thật của mình và chọn tuổi Sửu để dễ có chồng hơn dù Sửu hơn Dần 1 tuổi.
Cuối cùng xin kể lại câu chuyện tiếu lâm mang tựa đề "Ông quan thanh liêm" dính dáng đến con trâu mà có lẽ ai cũng biết.
Một ông quan huyện nọ suốt thời gian tại chức nổi tiếng là thanh liêm và đức độ, không tơ hào một đồng nào của dân, về hưu sống thanh bạch trong sự cảm mến và luyến tiếc của mọi người.
Một hôm đến ngày giỗ thân phụ, ông ngạc nhiên thấy bà vợ đi chợ mua nào gà, nào heo và nhiều món đắt tiền khác để làm giỗ rất linh đình, vượt quá sự tưởng tượng của ông. Ông hỏi bà:
- Nè bà, tôi hỏi thật bà điều này. Bà lấy tiền đâu ra mà làm giỗ linh đình thế?
Bà vợ trả lời:
- Chẳng dấu gì ông, thời ông còn tại chức, có người đến hỏi ông tuổi gì, tôi thực tình nói ông tuổi Tý. Tưởng họ hỏi để coi tử vi cho ông thôi, ai ngờ một tuần sau họ đem đến biếu một con chuột làm toàn bằng vàng y. Tôi biết tính ông nên không dám nói cho ông hay. Mình đã được mời đi ăn giỗ nhà người ta không biết bao lần mà chưa có dịp mời lại. Nay đã đến lúc phải trả nợ miệng cho rồi. Tôi đành phải xẻo bớt một mẫu nhỏ của con chuột bán đi mới có tiền mua đồ cúng.
Ông quan nghe bà vợ nói xong vỗ đùi đánh đét một cái rồi nói:
- Trời đất ơi! Tiếc ơi là tiếc! Sao hồi đó bà không nói tôi tuổi sửu!
NKP