NGUYỄN KHẮC PHƯỚC


Tản Mạn Mùa Cưới

Ở Đà Nẵng, tập trung  nhiều nhà hàng tiệc cưới nhiều nhất là trên đường Hai tháng Chín từ cầu Trần Thị Lý đến cầu Tuyên Sơn. Ở đây có khoảng  30 nhà hàng ở hai bên đường. Phía bờ sông là những nhà hàng sang trọng, lễ nghi cầu kì nhưng món ăn dù kiểu cách nhưng số lượng hạn chế. Phía “nội địa”, hầu hết là những nhà tương đối bình dân, lễ nghi đơn giản nhưng món ăn thì phong phú hơn.
Thực ra, ngon hay dở, nhiều hay ít tùy thuộc vào túi tiền của chủ nhân. Những thủ tục lễ cưới rườm ra hay đơn giản cũng vậy. Một, hai MC hay MC tự túc, ban nhạc kèm ca sĩ chuyên nghiệp, ban nhạc không có ca sĩ hay chỉ một cây organ điện tử, bốn hoặc hai pháo phun giấy, pháo bong bóng hay pháo điện tử, có khăn ăn hay không, v.v. và v.v., tất tần tật đều tiền nào của nấy.
Muốn tổ chức tiệc cưới ở bất cứ nhà hàng nào ở Đà Nẵng cũng phải đăng ký và nộp tiền cọc ít nhất trước hai tháng bởi vì đám cưới chỉ tập trung vào mấy ngày cuối tuần tốt trong tháng. Khi đi dự đám cưới ở các nhà hàng lớn  phía bờ sông, để tránh nhầm lẫn, thường phải mang theo giấy mời để so sánh tên cô dâu và chú rể trên giấy mời và trên poster trước cửa có giống nhau không bởi mỗi nhà hàng có thể cùng một lúc tổ chức đến 4 tiệc cưới. Nên nhớ đi vào một cửa nhưng rẽ phải là tiệc nhà A và rẽ trái là tiệc nhà B. Đã từng có người gặp cảnh oái oăm vì sau khi bỏ tiền vào thùng rồi mới biết mình đi nhầm chỗ!
Ở những đám cưới sang trọng và trí thức, thường không mời người đến dự lên hát mà người ta thuê luôn một ban nhạc hoặc chỉ hòa tấu suốt tiệc cưới hoặc đệm cho một nhóm ca sĩ chuyên nghiệp thay nhau hát như một buổi biểu diễn ca nhạc ở phòng trà.  Trong khi ban nhạc hòa tấu hoặc ca sĩ biểu diễn, khách mời từng cặp lên khoảng trống dành sẵn trước sân khấu để nhảy. Khách mời ăn uống thoải mái như trong nhà hàng, nói chuyện nhỏ nhẹ, không ai hút thuốc,  khỏi nghe mấy ông MC lải nhải những câu sáo rỗng, ít khi nghe một tập thể hô một hai ba zô zô, không có cái cảnh lên tặng hoa và chụp chung với người hát, và nếu ban nhạc chỉ hòa tấu thì khỏi mất công bỏ đũa xuống để vỗ tay.
Nói thêm về chuyện văn nghệ góp vui ở đám cưới. Cứ đám cưới kỹ sư thì nghe bài: “Bài ca xây dựng”, đám cưới thầy cô giáo thì nghe: “Hành khúc ngày và đêm’’, đám cưới công nhân đường sắt thì nghe: “Đường tàu mùa xuân”... Ca khúc “Bài Tango cho em” rất hợp với đám cưới nhưng ít người hát có lẽ vì điệu Tango khó hát nhưng bài “Sáu mươi năm cuộc đời” thì ở đâu cũng nghe có thể vì ngắn, dễ nhớ và điệu Twist dễ hát mặc dù nó không thích hợp cho lắm.
Tôi có một anh bạn năm nay đã trên 70 rất muốn khoe giọng hát karaoke xóm của mình ở đám cưới nhưng nếu đi dự  mà không được hát, mặc dù đã đăng ký, thì khi ra về mặt anh buồn xo như đi dự đám tang và dường như cũng chưa ăn gì vì cứ ngồi đợi người ta kêu tên. Có lẽ do anh đăng ký những bài không liên quan gì đến đám cưới mà chỉ liên quan đến tâm sự của mình: “Người về đơn vị mới” hay “Rừng lá thấp” v.v.  Tôi đặt vấn đề với anh như vậy thì anh nạt tôi: “Sao mấy đứa kia hát được bài “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” hay bài “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”?
Những thủ tục nghi lễ tiệc cưới ở các nhà hàng lớn không biết từ đâu du nhập, không phải truyền thống Việt Nam nhưng hầu như ai cũng chấp nhận bởi nó có vẻ trang trọng.  Ban đầu người ta thấy lạ cũng thích thú muốn xem, nhưng rồi bổn cũ soạn lại, xem nhiều đâm chán.
Bây giờ người ta không quay video nữa nên không có cảnh đoàn xe rước dâu chạy quanh thành phố để hai chú phó nhòm chạy xe máy đằng trước ghi hình (mặc dù đôi khi nhà trai chỉ cách nhà gái vài trăm mét) mà quay sang chụp hình ngoại cảnh để sang thành album và làm slideshow để trình chiếu trong “hôn trường”. Các ông chủ studio đều sắm xe bảy chỗ để chở đoàn cameramen cùng đôi uyên ương vào Hội An, lên đèo Hải Vân, lên núi Bà Nà hoặc xa hơn thì ra Huế, vào Nha Trang… để chụp hình. Các đôi không có nhiều tiền thì chỉ chụp trong studio rồi các kỹ thuật viên sẽ ghép ảnh họ vào bất cứ ngoại cảnh nào mà họ muốn.
Ở thành phố, như đã nói trên, mặc dù dọn ít món hơn nhưng thường ăn không hết bởi cánh đàn ông đôi khi không hề đụng đũa mà chỉ zô zô100% là chính. Tôi đã từng dự đám cưới một đồng hương tại Đà Nẵng có mời nhiều bà con từ Quảng Trị vào. Lâu ngày không gặp nhau nên chuyện trò rôm rả. Mỗi ông khoe một thành tích để lấy cớ uống trăm phần trăm. Ông A khoe vừa mua được con gà đá rất cừ, ông B khoe vừa thiến được con chó thành công, ông C khoe vừa cưới vợ cho con, ông D khoe  vừa sinh nhật cháu nội đích tôn… Tất cả đề kết thúc bằng màn cụng ly cóc cóc và sau tiệc cưới kéo nhau đi tăng hai vì chưa ăn gì.
Cũng có lần một người bạn và tôi ngồi chung mâm với tám ông trẻ chừng 40 đến 50.  Tám người kia hoàn toàn không cầm đũa mà cứ ngồi ngó trần nhà hoặc nhìn quanh quất, mặt buồn rười rượi. Tôi hỏi sao mấy anh không ăn gì, họ nói đã nhậu suốt tuần vì đội Việt Nam thắng mãi, đến hôm qua đội Việt Nam thua nên họ phải chung chi, buồn vì mất tiền và vì đội nhà thua nên đắng họng, không muốn ăn uống gì nữa. 
Ở Đà Nẵng, khi nhà trai và nhà gái ở xa nhau, ví dụ ở Quảng Trị và Đà Nẵng,  người ta không tổ chức rước dâu chi cho rắc rối. Nhà gái tổ chức ở nhà mình, chỉ có bố mẹ một hoặc hai đại diện nhà trai và chú rể tham dự.Trước đó, nhà gái giúp nhà trai đặt lễ vật, nhà trai đỉ đến trước vài hôm, thoải mái ở khách sạn và đi tham quan thành phố.Cứ đến giờ, người ta mang lễ vật tới, nhà trai kêu tắc xi chở đến nhà gái nộp lễ là xong. Xong tiệc vu quy ở nhà gái, cô dâu cùng cha mẹ đi xe đò đến nhà trai, ở khách sạn và hôm sau xuất hiện ở buổi tiệc cưới do nhà trai tổ chức.
Không có gì vui hơn được mời về Quảng Trị dự đám cưới bởi vào dịp ấy không những được tiếp đãi tử tế, được ăn những món ngon do đầu bếp quê mình trổ tài nấu nướng, được gặp mặt đông đủ bà con mà không cần phải đi thăm từng nhà, được thấy ai cũng vui vẻ trẻ đẹp.
Về số món trên thực đơn thì vùng quê Quảng Trị cũng như ở vùng quê  Quảng Nam đều phong phú như nhau. Ở đâu cũng dọn từ tám đến chín món, mỗi nơi mỗi kiểu nhưng đều ngon miệng và đặc biệt là no bụng.
Về trang trí  rạp thì quê Quảng Trị đẹp và chu đáo hơn quê Quảng Nam. Ở Quảng Trị trên rạp đều có rất nhiều quạt xoay, còn ở Quảng Nam chỉ có vài cái quạt lớn. Tuy nhiên, trên bàn tiệc ở Quảng Trị thường để sẵn cái bếp lẩu, choán chỗ và chẳng đẹp tí nào, thêm nữa, các món tráng miệng như sữa chua hay bánh ngọt cũng đã dọn sẵn khiến nhiều người ăn sữa chua hay bánh ngọt để uống bia.
Đám cưới ở Quảng Trị không chỉ có một tiệc mà là hai. Ngoài tiệc chính, đêm trước lễ cưới, người ta tổ chức, thường tại nhà trai, một bữa tiệc nhẹ gồm đồ nhắm, bánh ngọt, trái cây. Thành phần tham dự có nơi đến 100 người, gồm bà con và bạn bè trong làng, trong tổ dân phố, đa phần là người trẻ tuổi. Hoạt động chính là xem ca nhạc cây nhà lá vườn.Những người có giọng ca tốt ở địa phương thường được mời đến để giúp vui. Họ cũng sẽ đến dự tiệc cưới và hát lần nữa.
Buổi tiệc đêm trước ngày đám cưới, chỉ ở Quảng Trị mới có,  xét ra không cần thiết, chỉ thêm tốn kém cho nhà trai vốn đã tốn nhiều tiền để lo lễ cưới và tôi đề nghị nên bỏ đi. Đáng lẽ ra phải tập trung nhân sự, lên kịch bản và phân công người phụ trách cho tiệc chính ngày mai thì lại phải chuẩn bị thực phẩm và đồ uống, phải sắp bàn ghế và tiếp khách, cuối cùng phải dọn dẹp và làm vệ sinh nhà cửa đến khuya.
Đề nghị vậy thôi nhưng có lẽ không thực hiện được. Một người bà con ở làng tôi nói: Không thể không tổ chức buổi tiệc nhẹ và ca hát đó dù phải chịu thêm phí tổn, chú ơi. Mình đã đến nhà người ta ăn uống và ca hát thì nay đến lượt mình phải làm như rứa để đáp lại, không thì bị người ta chê cười là không biết điều.
Ở Quảng Nam, trước ngày cưới vài ngày, những người lớn tuổi trong thân tộc được mời đến để bàn bạc, góp ý và phân công người đi rước dâu, gọi là lễ “nhóm họ”, chỉ chừng 10 đến 20 người tham dự. Trong lễ đó, cũng có dọn tiệc nhỏ để các bà con cô bác vừa ăn vừa trao đổi ý kiến.
Đúng là đất lề quê thói.
Nếu phải cưới vợ gã chồng cho con ở xa thì cũng nên làm gọn nhẹ như ở Đà Nẵng. Không nên tổ chức rước dâu từ tỉnh này sang tỉnh nọ. Không nên mời bà con đông đảo đi xa để rước dâu hoặc đưa dâu mà chỉ cha mẹ hoặc người đại diện cùng cô dâu hoặc chú rể là đủ. Nhà gái không nên đòi hỏi nhà trai nhiều lễ nghi hoặc giờ giấc cứng nhắc và phiền phức. Tổ chức đám cưới phải liệu cơm gắp mắm, đừng có đua đòi với người ta khi nhà mình không khá giả cho lắm. Mời càng đông thì càng làm phiền nhiều bà con bà thôi. Ngưởi ta nói: Có qua có lại mới toại lòng nhau, nhưng  mình mời qua họ một mà họ mời lại mình năm thì chẳng toại tí nào.
Ngày xưa người ta dùng thiệp báo hỷ để báo tin cho những bà con ở xa không thể đến dự được nhưng nay nay người ta đã không dùng đến, chỉ hoặc mời hoặc im luôn. Ngày xưa người ta rước dâu bằng cách đi bộ từ làng này sang làng nọ nên hiếm khi xảy ra tai nạn, còn bây giờ ngược lại, không đám cưới nào không dùng ô tô, cô dâu và chú rể dùng xe máy để đi trang điểm và chụp hình, đông đảo bà con dòng họ cùng ngồi trên một ô tô để đi rước dâu và đưa đưa dâu cách hàng trăm cây số, không ai nghĩ nguy cơ tai nạn giao thông có thể xảy ra, mà nếu xảy ra thì ngày vui biến thành ngày vô cùng bi thảm.
Năm vừa qua, ở Quảng Trị đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông  thảm khốc  vì đi rước dâu, làm thiệt mạng đến 14 người, trong đó, 13 người là trong nội thân. Nếu như người ta tổ chức đám cưới đơn giản, gọn nhẹ thì vụ tai nạn đó đã không xảy ra.


  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Khắc Phước