NGUYỄN KHẮC PHƯỚC


Tội Ác Của KHMER ĐỎ Qua Tranh Của VANN NATH

Vann Nath lớn lên ở Wat Sopee thuộc tỉnh Battambang. Cha mẹ ông sống mỗi người một nơi. Ông có hai em trai và một chị gái. Họ sống bằng nghề bán bún gọi là ‘noop bangchop’.
Gia đình Vann Nath quá nghèo đến nỗi ông không được học hành đến nới đến chốn. Vào tuổi 14-15, ông phải đi làm công nhân, mỗi tháng kiếm được 500-600 riel (khoảng 0,25 USD).
Khi còn bé, ông đã rất thích vẽ. Ông thích ngắm những bức họa trong chùa và xem người ta vẽ trên tường các ngôi đền.
Nhưng ông không vẽ mà vào chùa tu từ 17-21 tuổi. Những gia đình ở Campuchia nếu có nhiều con trai thì ít nhất cũng có một người đi tu, đó là niềm hãnh diện của họ. 
Khi người chị qua đời, Vann Nath phải ngưng việc tu hành để kiếm việc làm, mục đích là để nuôi sống gia đình. Vào năm 1965, ông ghi tên học vẽ ở một trường tư. Trường thì xa mà ông không có xe đạp. Một mình mẹ ông làm việc để nuôi gia đình và lo học phí cho ông. Rất may sau đó nhà trường cho làm việc tại trường và miễn học phí. Sau hai năm học, ông có thể vẽ để kiếm cơm.
Vào ngày 7 tháng Giêng 1978, ông bị bắt khi đang làm ruộng như bao nông dân khác tại quê nhà Battambang. Khmer Đỏ giam ông tại một ngôi chùa ở Wat Kandal. Họ buộc tội ông đã xâm phạm điều luật của tổ chức Angka. Ông chẳng biết điều luật đó là gì.
Khuya đêm đó, họ hỏi ông ở trong tổ chức phản bội nào, quan hệ với ai, rồi họ dùng điện để dí vào người ông khiến ông bất tỉnh nhiều lần.
Một tuần sau, Khmer Đỏ chất ông và những người khác lên xe tải và đưa đến Tuol Sleng. Họ chụp ảnh chân dung và đo chiều cao của ông khiến ông hy vọng sẽ không bị giết. Ông vẫn còn giữ tấm ảnh đó.
Họ dẫn ông đến phòng D trên lầu ba nơi có khoảng 50 người đang bị xích với nhau. Họ bắt ông nằm xuống và chỉ được ngồi dậy khi lính canh cho phép. Lính canh đưa một cái xô thiếc để  các tù nhân tiểu vào. Giờ ăn vào 8 giờ sáng và 8 giờ tối, mỗi người được hai hoặc ba muổng cháo gạo, không có nước uống. Cứ ba hoặc bốn ngày, chúng dúng vòi nước xịt vào tù nhân. Ông nói: “Không thể tả được. Giống như địa ngục. Trong hoàn cảnh ấy, mọi hy vọng sống sót trước đây của tôi đã bị triệt tiêu.”
Nhiều người chết. Ban đêm lính gác đến mang xác họ đi.
Sau một tháng ở trong phòng D, Vann Nath được tháo xích. Họ đưa ông đến gặp Duch, giám đốc trại tù Tuol Sleng. Duch đưa cho ông một tấm hình và bắt ông vẽ theo tấm hình đó. Ông nói với Duch: “Vẽ đen trắng không phải là lĩnh vực của tôi nhưng tôi sẽ cố gắng.”
Vann Nath vẽ những bức hình truyên truyền cho Khmer Đỏ, trong đó chân dung của  lãnh tụ lãnh tụ Khmer Đỏ Pol Pot.
Hằng ngày Duch thường ghé thăm và động viên. Ông được phép ngủ trên nền nhà của phòng vẽ.
Đúng một năm sau ngày ông bị bắt, ngày 7/1.1979, quân đội Việt Nam đến giải phóng trại tù Tuol Sleng và ông được tự do.
Từ cuối năm 1979, ông vẽ lại những cảnh tra tấn man rợ mà ông từng chứng kiến ở Tuol Sleng. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói: “Tôi muốn quên nhưng không thể nào quên được. Cứ mỗi lần nhớ lại, tôi cảm thấy kinh hoàng,” Từ sáng sớm đến đêm khuya đều nghe tiếng la hét của những người bị tra tấn. Có cả tiếng hét của những đứa trẻ bị tước khỏi vòng tay người mẹ để mang đi giết.
Khmer Đỏ đã lập 196 trại tù (theo wikipedia) khắp nước, trong đó, Tuol Sleng (còn gọi là S-21, nguyên là một trường học) là trại tù lớn nhất. Trong thời gian 4 năm cầm quyền của Khmer Đỏ, nơi đây giam giữ khoảng 15.000 người (có nguồn khác cho rằng con số này là 20.000) và chỉ có 7 người sống sót trong đó có Vann Nath.
Vann Nath là một người ủng hộ thẳng thắn nhằm mang lại công lý cho các nạn nhân của Khmer Đỏ và điều này được thể hiện trong sách của ông. Hồi ký năm 1998 của ông: “A Cambodian Prison Portrait: One Year in the Khmer Rouge's S-21 Prison” (Chân dung nhà tù Campuchia: Một năm trong nhà tù S-21 của Khmer Đỏ), về những trải nghiệm của ông tại S-21, vào thời điểm đó là chuyện kể duy nhất được viết bởi một người sống sót trong nhà tù. Nó đã được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp và tiếng Thụy Điển.
Trong thời gian 2001 và 2002, Vann Nath đã làm việc rất tích cực với đạo diễn phim người Campuchia Rithy Panh trong quá trình chuẩn bị bộ phim tài liệu mang tên “S-21: The Khmer Rouge Killing Machine” (S-21: Máy giết người của Khmer Đỏ). Trong phim đó, Vann Nath được phỏng vấn và  đạo diễn Panh đã tập hợp các cựu tù nhân và lính canh của nhà tù Tuol Sleng trước đây. Vann Nath đã đốí mặt và đặt câu hỏi với những kẻ tra tấn ông trước đây. Để công nhận công việc của họ, cả Vann Nath và Rithy Panh đã được Đại học Paris VIII trao danh hiệu Tiến sĩ danh dự vào ngày 24 tháng 5 năm 2011.
Ông được nhiều giải thưởng, trong đó có: Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn hóa, Pháp, tháng 5 năm 2004. Giải thưởng do Đại sứ Pháp tại Campuchia trao tặng thay cho Bộ trưởng Jean-Jacque trong buổi chiếu "S-21: Máy giết người của Khmer Đỏ" của Rithy Panh.
Mặc dù chịu đựng các vấn đề sức khỏe lâu dài, bao gồm cả bệnh thận mãn tính, Vann Nath vẫn tiếp tục vẽ và viết về những trải nghiệm của mình dưới chế độ Pol Pot. Ông bị đau tim và hôn mê. Ông qua đời vào ngày 5 tháng 9 năm 2011 tại Bệnh viện Calmette ở Phnom Penh, hưởng thọ 65 tuổi.
Ngày nay du khách đến viếng Bảo tàng Tội ác Diệt chủng Toul Sleng (Tuol Sleng Genocide Museum) sẽ thấy nhiều tranh của ông được treo ở đó.
 
Theo:
https://www.vannnath.com/media-coverage/, và
http://www.arthistoryarchive.com/arthistory/asian/Vann-Nath.html.






















 

  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Khắc Phước