NGUYỄN MINH NỮU

Thương Quá Sài Gòn Ngày Trở Lại
1.
Ngay trong đêm, tôi gửi tin nhắn đến Đoàn Văn Khánh: ""Về tới Sài Gòn rồi, mai gặp nhau uống cà phê".
 
Bây giờ là 11:30 đêm. Tôi nghĩ  lúc 4 giờ sáng thức dậy để đi bộ tập thể dục, Khánh sẽ nhận được tin nhắn của tôi. Đêm đầu tiên về tới Sài Gòn tôi không ngủ được. Chắc chẳng phải riêng tôi. Những người xa xứ về quê khó tìm được giấc ngủ; một phần vì khác biệt về giờ giấc, một phần vì nôn nao trong lòng khi nghĩ tới các cuộc gặp gỡ sắp tới.
Nằm mơ mơ màng màng chút xíu, thấy có tin nhắn của Đoàn Văn Khánh: "Khi ngủ dậy thì gọi nhé". Tôi nhìn đồng hồ, 5:15 sáng. Tôi bấm máy gọi cho Khánh, nói Khánh ra Sài Gòn đi, tôi sẽ ra ngay và gặp nhau.
 
Sài Gòn có 19 quận và 5 huyện với số dân lên tới 10 triệu người, nhưng khi chúng tôi nói tới Sài Gòn là nói tới các quận trung tâm, hay nói cụ thể hơn là nói tới chợ Bến Thành và chung quanh bán kính khoảng một cây số.
 
Chúng tôi gặp nhau ở quán cà phề trong khuôn viên Dinh Độc Lập; ngoài Đoàn Văn Khánh còn có Cao Bá Hưng. Cao Bá Hưng là một người bạn vai em, quen nhau sau 1975, làm thơ, viết nhạc và sống bằng nghề điêu khắc  ở Sài Gòn.

Khánh sinh trước tôi 6 tháng, Tôi sinh vào tháng giêng  năm sau, nên theo tuổi thì Khánh hơn tôi một tuổi. Chúng tôi quen nhau thời sinh hoạt Thi Văn Đoàn thiếu niên. Thập niên 60, ở miền Nam rộ lên phong trào thành lập thi văn đoàn - nơi các nhóm bạn trẻ cùng nhau sáng tác và gửi bài đăng báo. Dạo ấy  có khoảng mười tờ báo thiếu nhi như Bạn Trẻ, Tuổi Xanh, Tuổi Hoa, Măng Non, Việt Sinh... và hầu như các nhật báo hàng ngày, báo nào cũng dành một góc cho trang thiếu nhi.
 
Năm đó, Tuần báo Việt Sinh tổ chức cuộc thi viết Việt Sinh. Kết quả Đoàn Văn Khánh đoạt giải nhất về thơ. Giải nhất về văn cũng trao cho một người tên Khánh - Hà Thúc Khánh. (Mấy chục năm sau, tôi gặp lại Hà Thúc Khánh ở Mỹ. Hà Thúc Khánh vẫn viết văn, nhưng viết bằng tiếng Anh, lấy bút hiệu là Khanh Ha. Khánh  có tặng cho tôi tác phẩm mới nhất của anh. Gặp một lần và sau đó không có dịp gặp nữa).
 
Đoàn Văn Khánh lúc đó cùng mấy người bạn lập thi văn đoàn Hàn Mặc Tử. Những người trong nhóm ấy bây giờ chỉ còn  Đoàn Văn Khánh và Lê Hồng Thái theo đuổi việc sáng tác nhưng Thái nghiêng về điêu khắc nhiều hơn và là một điêu khắc gia nổi tiếng vùng đồng bằng sông Cửu Long.
 
Khánh thì vẫn là người chung thủy với thơ. Câu thơ Đoàn văn Khánh làm năm 17 tuổi: "Người ta biết cũng đâm liều, còn hơi thở yếu, còn yêu em hoài" hay câu thơ  làm năm 27 tuổi: "Cảm ơn riêng một góc ngồi, cho tôi xin nửa vành môi trữ tình"  hoặc câu thơ 50 năm sau: "Thưa em con gái miền tây, Bắt qua tơ tưởng đêm ngày không yên ".
 
Vẫn là những dòng thơ trữ tình, sử dụng lục bát chuyên chở chất lãng mạn thiết tha của cái tình đắm đuối. Tất nhiên, thơ Khánh không chỉ là lục bát, mà nhiều thể loại và nhiều đề tài, nhưng trong lòng tôi, lúc nào nghĩ đến thơ Khánh là nghĩ đến lục bát và nghĩ đến thơ tình. Quen biết và thân với nhau hơn 50 năm rồi, chúng tôi đã vượt qua khỏi cái giao tế bằng hữu bình thường mà chỉ nhìn ánh mắt nhau đã hiểu người kia muốn gì, đoán được ý nhau và hòa được cái sở thích của nhau.
 
Khánh nói, sáng nay Nguyên Minh ở nhà chờ ông đến, có mấy bạn văn nữa. Buổi cà phê hội ngộ đầu tiên thu ngắn lại. Cả ba chạy về phía Tân Sơn Nhất để đến nhà Nguyên Minh. 
 
"Tòa soạn Quán Văn"  thực ra chỉ là một căn phòng nhỏ, diện tích khoảng vài chục thước vuông, ở đó là sách vở, computer, máy in . Vòng quanh vách là mấy băng ghế để anh em ngồi chơi trò chuyện, khung của số nhìn xuống một khoảng sân mênh mông  vắng lặng của một góc phi trường Đây là một nơi gặp gỡ của rất nhiều người cầm bút, là nơi làm việc của nhà văn Nguyên Minh, một nhà văn cao tuổi nhưng có đôi mắt như trẻ thơ và  một cái đầu mơ mộng chất chứa biết bao nhiêu dự án hết sức mộng mơ.
 
Nguyên Minh cầm bút từ đầu thập niên 1960. Năm 1970, anh sáng lập tạp chí Ý Thức, với sự đồng hành của Đỗ Hồng Ngọc, Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Trần Hữu Ngũ, Châu văn Thuận... Sau đó, trải mấy mươi năm sống với ngành in ấn,  năm 2011, anh chủ trương  một tuyển tập văn chương lấy tên là Quán Văn.  Với 4 tác phẩm văn xuôi,  mọi người gọi anh là nhà văn, nhưng ngay lần đầu tiên được gặp và làm quen với anh hồi năm sáu năm về trước, tôi nhìn thấy từ anh là một nhà báo - một nhà báo văn học.
 
Một người viết văn làm báo thì chỉ có thể làm một loại báo: đó là báo văn học vì tờ báo loại này đòi hỏi những khả năng khác với báo thông thường. Tờ báo bình thường đòi người chủ biên phải nhạy bén với kinh doanh, am tường chính trị, hiểu biết đời sống và nhất là thích nghi với thị hiếu độc giả. Những đòi hỏi đó Nguyên Minh không có, hay nói một cách khác là anh không mặn mòi gì với những thứ đó. Nguyên Minh có cái khác, đó là lòng yêu thích chữ nghĩa văn chương, và niềm đam mê với những sản phẩm in ấn.
 
Có một bất ngờ nào đó khi bắt gặp Nguyên Minh bên cạnh một tác phẩm văn chương mới được in ra, còn long lanh vết mực và ngát thơm mùi giấy mới, thì mới thấy được hết cái hạnh phúc của anh bên những sản phẩm mới làm. Xuất bản được Quán Văn và duy trì Quán Văn suốt năm năm qua là do một thiên khiếu riêng chỉ có ở Nguyên Minh. Suốt hơn 60 năm sống với chữ nghĩa, anh có giao tình, quen, biết rất nhiều người cầm bút, cộng thêm cách sống hòa nhã và chia sẻ, nên anh giữ được  mối thân tình với anh em gần xa. Nguyên Minh có khả năng cảm nhận và phân tích rất nhanh cái đúng sai, hay dở của một bản thảo gửi về. Và quan trọng hơn cả là anh chấp nhận các dị biệt trong văn chương, các dị biệt trong ứng xử  và cả những dị biệt trong cách nhìn, để rồi, trong căn phòng nhỏ làm tòa soạn Quán Văn đó, mọi dị biệt vẫn có thể trộn lẫn một phần riêng vào phần chung cho một ham thích thực hiện một sân chơi văn chương của mọi người.
 
Trong căn phòng hôm đó có Nguyên Minh, Đỗ Hồng Ngọc, Thân Trọng Minh, Mang Viên Long, Đoàn Thị Phú Yên, Đoàn Văn Khánh, Hoàng Kim Oanh, Trương Văn Dân, Elena, Nguyễn Minh Nữu, Cao Bá Hưng... Một lát sau thì có thêm Cúc Hoa, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Sông Ba và Hoàng Kim Chi.
 
Đây là lần đầu tiên tôi gặp nhà văn Mang Viên Long - một tác giả tôi yêu thich từ lâu với những bài văn ngắn chan chứa tình người.  Trước đây  mấy năm, tôi có cơ hội liên lạc với anh qua điện thoại và rất quý mến chất hào sảng và chân tình của anh. 
 
Bác sĩ Thân Trọng Minh với bút hiệu Lữ Kiều là một kịch tác gia quen thuộc với tạp chí Ý Thức ngày xưa, và nhiều tạp chí văn học cùng thời. Anh còn là một họa sĩ, đã nhiều lần tổ chức triển lãm tranh. Kịch của Lữ Kiều là kịch của cảm xúc, trong đó những đối thoại như từng nhát chém, khảo tra vào nội tâm người đối thoại, nếu nghe thoáng qua, khó lòng nắm bắt được ý nghĩa bên trong, do đó chỉ có thể là kịch đọc và truyền thanh chứ khó dàn dựng, bởi vì, những suy tư trăn trở ở trong các nhân vật quá nặng, tìm được người diễn đạt nổi yêu cầu là cả một khó khăn. Tranh của Thân Trong Minh là tranh trừu tượng, màu sắc rạch ròi và cảm nhận người xem là tự suy và thỏa thuận với những biểu tượng mà tác giả đưa ra.
 
Nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc cũng có ghi lại buổi gặp gỡ đó trong trang cá nhân của anh: "Hôm 9.9.2016, Phạm Cao Hoàng & Cúc Hoa từ Tuy Hòa về, anh chị em Quán Văn lại có buổi họp mặt thân mật ở tòa soạn “chuồng cu” Quán Văn tận Gò Vấp. Có Mang Viên Long cũng vừa từ Quy Nhơn vào, Nguyễn Minh Nữu, Phú Yên, Hưng, Kim Oanh, TVD, Elena… đông đủ. Quả là cái tòa soạn “chuồng cu” Quán Văn đã ngày càng chật chội… nhưng thân tình và ấm áp biết bao. Chủ báo Nguyên Minh cũng vừa chuẩn bị xong… cái bìa số 40, số đặc biệt giới thiệu nhà thơ Phạm Cao Hoàng, với tranh Cúc Hoa của Đinh Cường  rất đẹp để mang ra khoe bạn bè".
 
  
 
Thương quá Sài Gòn ngày trở lại - Sài Gòn, 9.9.2016
 
 Hôm đó gặp Phạm Cao Hoàng và Cúc Hoa quá vui, bởi vì, tôi và PCH đề có kế hoạch đi Việt Nam, mỗi người một việc, Phạm Cao Hoàng thì đưa con gái và con rể về thăm gia đình sui gia, tôi thì đưa bà chị lớn tuổi về VN làm từ thiện, Ngày 9/9  là ngày thứ nhất tôi tới Việt Nam lại là ngày chót Phạm Cao Hoàng còn ở Việt Nam. Cho nên cái gặp chớp nhoáng làm cả hai cùng thú vị.
 
Tôi đọc và quý mến cái tên Phạm Cao Hoàng từ thời 1971, 1972. Khi đó, tạp chí Ý Thức đăng bài thơ "Thơ Tặng  Người Tuổi Trẻ" của anh.  Tôi đọc bài thơ đó khi vừa vượt qua tuổi hai mươi, thế mà cái hào khí của bài thơ làm tôi xao xuyến và tự kỳ vọng vào cái tuổi trẻ của năm mình ba mươi biết bao nhiêu. Từ đó, tôi theo dõi thơ của Phạm Cao Hoàng. Mỗi bài thơ của anh thời đó đều toát lên một khí chất đông phương và cái hào sảng của bậc hiền sĩ. Lúc đó, tôi chưa biết anh ở đâu, và bao nhiêu tuổi. Rồi tới bài thơ làm tôi thuộc lòng dù bài thơ đó là bài thơ anh viết để tặng cho người yêu lúc đó và là người bạn đời sau này: bài Nhớ Cúc Hoa. Gần 40 năm sau tôi mới có dịp gặp và quen Phạm Cao Hoàng nhưng không phải ở quê nhà mà là ở Virginia thuộc miền đông nước Mỹ. Phạm Cao Hoàng có ghi lại kỷ niệm đó trong bài thơ Thương  nhớ  Ngựa  Ô (*):
 
nhớ Ngựa Ô là nhớ những đêm bạn bè hát khúc sầu ca viễn xứ
nhớ Nguyễn Ngọc Phong và Gửi Em, Đà Lạt
nhớ Đinh Cường và Đoạn Ghi Đêm Centreville
nhớ Nguyễn Minh Nữu và Mênh Mông Trời Bất Bạt
nhớ Nguyễn Trọng Khôi và Giấc Mộng Trên Đồi Thơm
nhớ Ngựa Ô là nhớ con đường
in dấu chân bạn bè tôi từ những nơi xa xôi có khi là nửa vòng trái đất
ngồi bên nhau giọt rượu cay trong mắt
ngồi bên nhau cùng nhớ một quê nhà
quê nhà thì xa mây thì bay qua
đời phiêu bạc như những đám mây trôi giạt
nhớ Ngưa Ô là nhớ những bàn tay ấm áp
tôi thương Ngựa Ô và thương bạn bè tôi.

Từ đó, chúng tôi thành bạn, Thú vị biết bao nhiêu khi bạn của Phạm Cao Hoàng thành bạn tôi và bạn tôi  nay đã là bạn của Phạm Cao Hoàng. Gặp gỡ hôm nay ở nhà Nguyên Minh là gặp gỡ của những người bạn chung đó.

Cùng gặp gỡ lần này còn có Trương Văn Dân, Elena, Hoàng Kim Oanh, Nguyễn Sông Ba, Hoàng Kim Chi, Đoàn Thị Phú Yên và nhiều bằng hữu khác - những người để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp mà tôi sẽ đề cập trong những phần tiếp theo của bài viết này.
 
Ôi thương quá Sài Gòn ngày trở lại, ngay ngày đâu tiên đã chạm được tay vào rất nhiều mối thân tình.
 
Nguyễn Minh Nữu
30.10.2016
 
(*) Ngựa Ô (Black Horse): tên một con đường ở thành phố Centreville (VA).

(Còn tiếp...)
  Trở lại chuyên mục của : Nguyễn Minh Nữu